Mái đình - chút hồn quê và chứng nhân lịch sử

Chủ nhật, 04 Tháng 1 2009 19:56 Nguyễn Đăng Tấn / VNN
In
Dưới mái đình này mà chúng tôi lớn lên, dưới mái đình này chúng tôi chia tay người thân bạn bè đi chiến đấu.  Những vòng tay âu yếm, những cái nhìn rất vội và giọt nước mắt của người thân, của "ai" đó...để mỗi khi nhớ về quê hương, hình ảnh đình làng trong tôi lại hiện về. Như một tình yêu ám ảnh, nhớ nhung, để chúng tôi thêm sức mạnh chiến đấu, để chúng tôi dám hy sinh.

Quê tôi cũng vậy, hình ảnh ngôi đình với những mái cong cao vút, đã ăn sâu vào tâm trí của tuổi trẻ chúng tôi. Xa quê đã mấy chục năm nhưng cứ mỗi lần nghe giai điệu: "Ơi vút cong mái đình. Ơi nước non ân tình. Hồn Việt Nam như thế. Hơ... thuở bình minh” tôi lại rưng rưng nghĩ về mái đình quê tôi.
Tôi được nghe bố kể lại, đình làng tôi có từ rất lâu. Khi còn trẻ bố đã thấy rồi. Nhà tôi chỉ cách đình làng một cái hồ sen, cho nên mọi sự kiện của làng xẩy ra được tổ chức ở đình chúng tôi đều được biết.

Làng tôi, làng Phương Khê, một ngôi làng cổ thuộc dải đất xứ Thanh đầy nắng và gió. Khoảng 500 trước, thanh niên trai tráng của dòng họ Nguyễn, họ Hà, họ Phạm từ vùng quê của Đức Thái tổ Lê Lợi xuống đây khai phá, lập nên làng nên xóm. Nơi này là vùng núi non nhưng đất không quá cao, những cánh rừng nguyên sinh tương đối bằng phẳng, chắc vì thế nên ngày trước Bà Triệu rồi sau này là tướng quân Nguyễn Chích chọn làm nơi phất cờ tụ nghĩa. Trước mặt là biển Đông, sau lưng là ngọn núi Nưa cao ngất, đất linh kiệt chắc vì thế "vượng" cho việc khởi binh dựng nghiệp.  

Mái đình được dựng muộn hơn so với làng. Đó là khi dòng họ Nguyễn có người đỗ tiến sỹ được ghi tên trên bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám - cụ Nguyễn Hiệu, rồi con cụ là Nguyễn Hoàn, cả hai đều làm quan đến chức Thượng thư đời vua Lê. Đình làng được dòng họ mua từ làng khác đưa về. Nghe các cụ kể lại, khi vận chuyển đình về làng cũng là một kỳ công vì cột đình vừa to vừa dài. Cột to đến hai người lớn ôm mới xuể. Các cụ bảo phải chuyển xuống sông rồi từ đó phải dùng con lăn để đưa về làng. Vì vậy đình làng dựng cách bờ sông chỉ vài trăm mét.

Tôi đã từng đứng hàng giờ để ngắm nhìn mái đình cong vút, mái ngói rêu phong cổ kính, ngắm những chạm trổ trên những xà gồ, thượng lương. Người xưa cho chạm, khảm các kèo, xà và vách ngăn một cách hoành tráng và tinh xảo. Mỗi đòn, kèo của đình là một bức hoạ nổi, với đủ loại đề tài, hoa văn. Bố tôi là người nổi tiếng trong việc chạm trổ nhưng cũng phải nể vì. Có lần cụ bảo người xưa sao bàn tay lại tài hoa là thế. Nhìn những hình ảnh chạm trổ hiểu một phần về tâm hồn của họ. Những bông cúc, bông mai, những cành trúc, cánh chim…những ký họa đồng quê bằng gỗ thật là sinh động và tinh tế.
Trải qua hàng trăm năm, ngôi đình chính là chứng nhân lịch sử của làng, của xã. Những chuyện khao quan bán tước, những cô gái bị làng phạt vạ. Rồi chuyện miếng ăn giữa đình… Lứa tuổi chúng tôi thì chỉ biết những năm kháng chiến chống Mỹ, những cuộc đưa tiễn…

Mà đình làng tôi cũng thăng trầm lắm, cứ như là số kiếp con người vậy.

Bố tôi kể rằng, dạo cải cách ruộng đất, đình làng được chọn để làm nơi "tố khổ". Nhiều người ngày ấy không dám đi qua, cứ nhìn lên đình làng mà nơm nớp lo sợ. Bố bảo đêm đêm nằm nghe tiếng vọng từ đình làng mà giật thót cả người, bởi vì ông cũng là người có chức sắc trong làng, mặc dù chỉ là dân cử để làm việc cho cách mạng. Rồi ông nghẹn ngào: "Đau nhất là khi lệnh sửa sai của trên về đến ngôi đình này, thì hai ông giáo làng đã thành người thiên cổ".

Trong kháng chiến chống Pháp, vùng Thanh Hóa nói chung và quê tôi nói riêng được gọi là vùng tự do. Có lẽ quê tôi là một trong những địa phương có nhiều người tham gia kháng chiến. Các cơ quan của Trung ương cũng về đây làm việc. Làng Quần Tín, cái nôi trưởng thành của những nhà văn cách mạng cũng cách làng không xa nên nhiều văn nghệ sỹ, những nhà lãnh đạo cũng đã về làng. Bố tôi bảo đã có lần ông Nguyễn Sơn, Thiếu tướng, Tư lệnh quân khu IV về làm việc ở ngôi đình này. Rồi chuyện đình làng trở thành bệnh viện dã chiến, dân làng nhiều người trở thành hộ lý phục vụ thương binh. Tình quân dân sâu nặng lắm. Có lần một chiến sỹ hy sinh cả làng đi đưa tiễn, nhiều bà mẹ khóc, thương như chính con đẻ của mình.

Đình cũng là nơi chứng kiến những mối tình của những cặp trai thanh nữ tú quê tôi. Nếu làm một cuộc điều tra nho nhỏ, thì hầu hết các cặp vợ chồng cưới nhau cũng bắt đầu hò hẹn từ ngôi đình này. Câu ca dao: "Hôm qua tát nước đầu đình/ Để quên chiếc áo trên cành hoa sen, Anh được thì cho em xin/ Hay là anh để làm tin trong nhà"… biết đâu cũng từ đây mà sinh ra.
Làng

Mái đình trăm năm cổ tích. Dòng sông ôm trọn vòng xanh. Chợ phiên gọi mời như rượu. Nghè - Phủ voi thành lính canh

Xa quê những ngày lửa cháy. Trong tim mái đình, dòng sông… Phía trước là những trận đánh. Có làng nên nhiều chiến công

Những đứa con ngày trở lại.   Đình còn một mảnh đất thôi. Chợ hóa thành khu chuồng trại. Voi đá vào lò nung vôi

Mùa xuân không còn lễ hội. Cờ bạc kéo về khắp nơi. Tôi ra triền đê đón gió. Ứ nghẹn một dòng lệ rơi.

N.Đ.T 2004

Thế hệ chúng tôi, thế hệ của những thanh niên mặc áo lính ra trận có nhiều kỷ niệm đối với mái đình. Tôi đã chứng kiến nhiều buổi sinh hoạt đoàn tiễn bạn bè ra trận. Có người ra đi trở thành anh hùng. Thời chống Pháp có Tô Vĩnh Diện, thời chống Mỹ, thế hệ của chúng tôi có Lê Xuân Sinh. Nhưng có nhiều người ra đi đã không trở về. Trong bảng vàng của xã có hơn một trăm người là liệt sỹ.

Tôi có người cháu họ tên Toàn. Là cháu nhưng Toàn lại nhiều tuổi hơn và học trước tôi một vài lớp. Toàn học rất giỏi, có tên trong danh sách đi đào tạo nước ngoài. Nhưng Toàn đã xung phong ra trận. Tôi vẫn nhớ như in cái đêm liên hoan tiễn Toàn và đồng đội. Ngày đó gọi là liên hoan nhưng nào có gì đâu. Chi đoàn chuẩn bị một nồi nước chè, mấy gói thuốc Tam Đảo, vài phong kẹo lạc quê, thế cũng là phong lưu lắm rồi.

Còn quà kỷ niệm cho người ra trận? chỉ là cuốn sổ và chiếc khăn tay có thêu đôi chim bồ câu, gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ. Đất nước ta thời ấy, không ít người đã thích thú và say mê bài hát “Chiếc khăn tay” của nhạc sỹ Xuân Hồng. Bài hát nói về món quà xuân của "em"- người thiếu nữ gửi tặng anh giải phóng quân được làm từ một vuông vải trắng mua ở phiên chợ làng...

Chỉ đơn giản là chiếc khăn tay, nhưng đó lại là món quà quý giá. Nó theo suốt các chiến sỹ trên chặng đường dài hành quân vào mặt trận. Khăn dùng lau mồ hôi, lúc giá rét thì dùng quàng cổ. Những lúc như vậy, chiếc khăn như bàn tay nhỏ chở che. Còn cuốn sổ tay, người lính xem như vật “bất ly thân”. Những niềm vui nỗi buồn, những sự kiện hàng ngày đều được ghi vào đây. Ngày nay chúng ta được đọc những cuốn nhật ký “vàng” như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm chắc cũng chính từ những món quà vô giá này.

Tôi vẫn còn nhớ như in cái đêm hôm ấy. Trăng rất đẹp. Trăng tròn và sáng như chưa bao giờ tròn và sáng đến thế. Gió lộng từ hồ sen ngan ngát thổi lên. Ngôi đình rộn vang tiếng tiếng hát. Mọi người ca những bài cách mạng để động viên người ra trận. Tôi rất ấn tượng bài hát mà Toàn, cháu tôi đã hát trước lúc lên

Tết về quê, tôi vẫn đi qua nơi có mái đình ngày ấy. Trong tôi những kỷ niệm tuổi thơ gắn với mái đình, những đêm trăng sáng, những trò chơi trốn tìm lại hiện về. Ơi cái tuổi thơ đầy mơ mộng. Dưới mái đình này mà chúng tôi lớn lên, dưới mái đình này chúng tôi chia tay người thân bạn bè đi chiến đấu.  Những vòng tay âu yếm, những cái nhìn rất vội và giọt nước mắt của người thân, của "ai" đó... Để mỗi khi nhớ về quê hương, hình ảnh đình làng trong tôi lại hiện về. Như một tình yêu ám ảnh, nhớ nhung, để chúng tôi thêm sức mạnh chiến đấu, để chúng tôi dám hy sinh.
đường.

Đó là bài “Nhớ về quê mẹ”. Bài hát của nhạc sỹ Vân Đông. Cháu hát say sưa. Tôi như bồng bềnh trong giai điệu về tình cảm yêu thương của người con gửi về đất mẹ: “Huế ơi quê ngoại ta ơi, mười năm xa cách bấy năm chưa trở lại…hẹn ngày gặp Huế, gặp Huế không xa”. Không biết đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không mà bài hát cháu hát hôm ấy về mảnh đất Huế thơ mộng, bài hát để nhớ về quê mẹ, lại chính là chiến trường mà cháu đã chiến đấu và hy sinh. Đó là những ngày Tết Mậu thân năm 1968.  

Ngày tôi biết tin cháu hy sinh cũng là ngày tôi từ đơn vị trên đường hành quân ghé về thăm quê. Tôi lặng người đi, đau xót, nhớ đến cái đêm chia tay đầy ấn tượng và đầm ấm ấy dưới mái đình…

Nỗi đau đó lại nhân lên gấp bội khi được biết mái đình làng không còn nữa. Nó được phá bỏ trong phong trào chống mê tín dị đoan. Ngày đó quan niệm đình làng, miếu mạo lễ bái vừa tốn kém vừa thể hiện thứ văn hóa "phong kiến" của quá khứ cần phải dẹp bỏ. Bố tôi kể, theo chỉ đạo, đình, phủ, nghè, miếu của làng thờ cụ Nguyễn Hiệu, thờ thành hoàng đều phải dẹp bỏ. Dân làng tôi tiếc và xót lắm nhưng đã là lệnh phải thực hiện. Và chỉ sau mấy tuần, nơi trang nghiêm là thế bỗng chốc trở thành bãi đất hoang.  

Không chỉ ở quê tôi mà hầu hết các tỉnh thành cũng vậy. Khu vực miền Trung lại là nơi đi đầu nên những phủ, nghè, đình chùa…toàn những tác phẩm kiến trúc nổi tiếng đều bị dẹp bỏ.  

Đình làng được tháo gỡ xuống. Những cột gỗ to đùng suýt nữa gây ra tai nạn. Mấy ông cán bộ xã bảo bây giờ đang ưu tiên cho nhà trường nên tất cả các cột, xà được xẻ ra đóng bàn đóng ghế, làm trường lớp. Ngoài việc sản xuất và động viên thanh niên ra trận, thì học tập phải được chú trọng.

Thế là tất cả được thực hiện rất nhanh chóng. Nghè, phủ, có những tượng voi rất to và đẹp được đập ra nung vôi phục vụ cho sản xuất. Những cây cột của đình được các bác thợ mộc hối hả xẻ ra làm bàn, làm ghế vừa bền vừa chắc...

Bây giờ đình làng như đã trở thành quá khứ, chỉ còn lại trong trí óc những lớp người đứng tuổi. Mấy cán bộ ngày ấy chỉ đạo phá bỏ đình, nghè, miếu giờ đây cũng đã trở thành người thiên cổ. Về làng, tôi được mấy ông bạn lính ngày xưa kể rằng, gia đình những vị cán bộ làng tôi chỉ đạo phá bỏ đình miếu sau đấy có những chuyện xẩy ra đầy bí ẩn. Nào cái chết đầy bất ngờ và hiểm nghèo, rồi vợ con bị những chứng bệnh mà không thể nào tìm được nguyên nhân, nói năng lảm nhảm… Nhưng những sự việc đó, tôi nghĩ chắc chỉ là suy diễn hoặc là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Mấy năm qua, ngày xuân quê tôi không còn lễ hội. Mọi nhà không còn phải chuẩn bị lễ vật rộn ràng như những ngày xưa vì vậy một số đặc sản, bánh trái cũng ít được làm có loại hầu như bị quên lãng. Ngày xuân rảnh rỗi người lớn trẻ con rủ nhau đánh bài, đánh bạc…  

Tết về quê, tôi vẫn đi qua nơi có mái đình ngày ấy. Trong tôi những kỷ niệm tuổi thơ gắn với mái đình, những đêm trăng sáng, những trò chơi trốn tìm lại hiện về. Ơi cái tuổi thơ đầy mơ mộng. Dưới mái đình này mà chúng tôi lớn lên, dưới mái đình này chúng tôi chia tay người thân bạn bè đi chiến đấu.  Những vòng tay âu yếm, những cái nhìn rất vội và giọt nước mắt của người thân, của "ai" đó... Để mỗi khi nhớ về quê hương, hình ảnh đình làng trong tôi lại hiện về. Như một tình yêu ám ảnh, nhớ nhung, để chúng tôi thêm sức mạnh chiến đấu, để chúng tôi dám hy sinh.

Nghĩ về nó lòng lại rưng rưng. Ôi, mái đình làng của tôi...


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: