Hồng Hà - Hà Nội, giấc mơ dang dở về phố và sông

Chủ nhật, 04 Tháng 1 2009 08:57 KTS Trần Huy Ánh
In
Hà Nội - Thành phố giữa các dòng sông. Khi Thành phố tròn ngàn năm tuổi đang đặt ra câu hỏi  là làm sao đây để các dòng sông chảy quanh phố  không những trong sạch mà còn trở nên hữu ích đóng góp vào cuộc sống vật chất và văn hoá cho những ai gắn bó nơi đây. Hơn thế nữa, Hồng Hà có khả năng  làm cho Hà Nội trở thành có hình ảnh rất đặc trưng.

Vùng đất sinh ra từ nước

Hà Nội có mấy con sông

Hà Nội có 9 dòng sông lớn nhỏ chảy quanh: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tích. Tuy vậy, sông Hồng  là cơ bản vì nó chảy dài suốt chiều dài HN , với  hai phụ lưu đổ nước vào như sông Đà , sông Lô. Những con sông  còn lại lấy nước từ sông Hồng chảy dọc theo hướng Bắc Nam , cuối dòng lại chảy vào sông Hồng . Vì thế nói đến đất và nước Hà Nội thì cũng là kể câu chuyện Hồng Hà và Hà Nội thôi .

Hồng Hà chảy qua VN dài 560 Km, đoạn qua HN tính từ Tân Phong ( huyện Ba Vì) đến Quang Lăng ( huyện Phú Xuyên) thì dài khoảng 150Km . Nhìn trên bản đồ thuỷ hệ HN mới thấy mầu xanh của 9 dòng sông lớn nhỏ như những mạch máu của cơ thể Hà Nội , với động mạch chính ôm quanh bởi sông Đà , sông Hồng , các động mạch phụ là 7 con sông còn lại , ngoài ra còn vô số những kênh dẫn , sông đào mương tưới tiêu . Chỉ tính tổng chiều dài của 9 con sông là hơn 600 km. trên diện tích tự nhiên HN là 3.350Km2.

Sông với lịch sử  Hà Nội

Giống như sự sống sinh ra từ nuớc , hầu hết các đô thị trên  hành tinh này có chung nguồn gốc hinh thành từ các quần cư sinh sống ven sông . Hà Nội cũng vậy , nó còn gắn bó hơn với sông nước khi tên gọi là Hà Nội - vùng đất sinh ra và nằm trong các dòng sông . Có địa danh lịch sử nào , có sự tích nào của HN mà thiếu đi cái bóng dáng của sông hồ HN . Từ truyền thuyết hoang sơ Sơn Tinh chế ngự Thuỷ Tinh đến chuyện chứng kiến công nghệ hiện đại , khi  ngưòi Pháp xây cầu sắt trên sông Cái , choáng váng trước tiến bộ của kỹ thuật phương Tây , mà các cụ ta đã dứt bỏ những quan niệm cổ hủ , gác sang bên chuyên văn vở viển vông để lao vao cuộc  Duy Tân , làm những việc hữu ích  nhằm  “ khai dân trí , chấn dân khí , hoá dân cường ” .
Thành phố ngàn năm bắt đầu từ lúc sông Hồng chào đón thuyền rồng vua  Lý Công Uẩn cập bến khi rời đô từ Hoa Lư lên Thăng Long , tiếp nối huyền tích Hồ Tây , Hồ Gươm kể tới bao gìơ cho hết vì chính chuỗi đầm hồ HN cũng vốn là dấu tích dòng sông Hồng xa xưa.

Từ vùng Phong Châu , nơi đất vua Hùng xưa , bước sang bên này- xuôi theo sông Tích ,sông Đáy là cả chuỗi đình chùa men theo dòng chảy mãi về tới trấn Sơn Nam ( Hà Nam- Nam Hà ) : đình Viên Châu, Tây Đằng, Chu Quyến, chùa Mía - đền Và , làng cổ Đường Lâm, đền Hát Môn,  chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trăm Gian,chùa Trầm…

Sông nào cũng vỗ sóng vang vọng về đây chiến công trải  từ xa xưa . Hay mới đêm nào sông che chở trung đoàn Thủ Đô rút lui an toàn , để lại sau lưng Kinh thành rực lửa, để một ngày kia trở lại , ca khúc khải hoàn trên mặt cầu lộng gió Hồng Hà . Ven dòng Nhuệ Giang, Tô Lịch thì mỗi bến nước , cây đa bên sông cũng kể  thành pho sử rồi.

Sông lặng lẽ chảy qua  những vùng quê ghi dấu  chân  của các chiến binh ngưòi Chàm men theo sông Đáy,  lập nên quê mới trên đất Việt cổ như Dương Liễu ,  Sơn Đồng . Sông  âm thầm chảy  vào miền sơn thuỷ hữu tình, làm nên chốn bồng lai có thật, nơi hành hương về đất Phật mỗi độ Xuân về của hàng triệu con dân nước Việt như Hương Sơn – Hưong Tích.

Hai bên sông có cả ngàn làng quê – có chàng áo nâu vui bên dòng nước quăng chài buông lưới , cô thôn nữ váy trùng cửa võng đánh sóng trên nương dâu đất bãi , nền nã  tằm tang canh cửi . Nối nhau san sát làng nghề nung gốm ,  mây tre ,chạm khắc , thêu ren , khảm trai , sơn son , thiếp vàng , đúc đồng , chuốt bạc …Nơi sinh ra những nghệ nhân tài hoa tháo vát đến Kẻ Chợ làm rạng rỡ chốn Kinh kỳ . Nơi dung dưỡng bao người  chí khí , ngoan cường lại rất mực ý nhị , uyên bác làm nên cả nền Văn hiến Sông Hồng – Thăng Long , tiêu biểu cho vùng Bắc Bộ.

Hồng Hà – Hà Nội trải ngàn năm và nhiều hơn nữa, mãi hoà quyện chuyện đất và nước , người với cảnh với bao sự đổi thay mà vẫn gắn kết thuỷ chung.


Cửa sông Rance (Bretagne - Pháp) khai thác thuỷ triều chảy vào cửa sông dạng phễu để sản xuất điện – năng lượng sạch


Đại Vận Hà trong dự án Bắc – Nam, Trung Quốc có nhiệm vụ đưa nước từ phía Nam lên Bắc Kinh và Thiên Tân. Trong ảnh cho thấy sông còn là tuyến vận tải thuỷ quan trọng 

Sông - nuớc  với cuộc sống hiện tại và tương lai của Hà Nội

Là Thủ đô của quốc gia  sẽ có trên100 triệu dân, dân số HN dự kiến 10 triệu , Cứ định mức 0,2 m3/người ,HN cần 2 triệu m3 /ngày . Mỗi năm cần 0,8 -1,0 tỷ M3  - Đây mới là nhu cầu về nước sinh hoạt, Hà Nội mới không chỉ phát triển dân cư mà còn dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp nữa , như vậy nhu cầu nước còn nhiều hơn thế nữa .

Theo nghiên cứu của Pháp năm 1990, tỷ trọng dùng nước sinh hoạt các thành phố là 16%, công nghiệp 13%, nông nghiệp 12%, nhà máy điện 58%. Tuy vậy, tỷ lệ nước hoàn trả từ công nghiệp và sinh hoạt là 70%, trong khi từ nông nghiệp chỉ còn 5-30%.

Tính chung đất NN trong lưu vực cấp nước của Hồng Hà  các địa phương HN, Vĩnh phúc, Hà Bắc , Hưng Yên   tạm ước là 150.000 Ha, mỗi Ha cho 10 tấn lúa 2 vụ. Tổng sản lượng quy thóc là 15 triệu tấn . Lượng nứoc để sản xuất NN quy lúa là 15,0 tỷ M3  .Nuớc công nghiệp  và năng lượng uớc 4 tỷ M3 .Nhu cầu dùng nước HN cả năm sẽ là 20 tỷ M3.


Tầu điện ngầm ( U-Bain) ngay cầu cảng container tại Hamburg (Đức) –Tổ chức liên hoàn của các phương tiện GT : đường sắt / bộ / thuỷ. Chiếc xà lan trên sông Rhine có thể chở 20 container mà ít tiếng ồn và khói bụi hơn 20 xe tải hạng nặng

Một ngày kia khi ta mở vòi mà không thấy nứơc chảy , chính lúc ấy ta mới  thấy sự quý giá của nước  . Tại Oman - một quốc gia Trung Đông -Nứơc là vấn đề tồn vong của cả dân tộc , quốc gia và cả nền văn hoá  . Chính vì vậy ,5.000 năm qua  họ đã không ngừng nghỉ  đào giếng ngầm bằng tay qua các lớp đá cứng,  nằm sâu 18m ngầm dưới mặt cát cằn cỗi  để có nước ăn và cấy hái , dưói sự hưóng dẫn của các  trưởng lão tôn kính , có kinh nghiệm truyền đời. Tại quốc gia giầu có lân cận (UAE), Tp Abu Dhabi với 0,5 triệu dân mỗi ngày dùng 0,3 triệu galon nhiên liệu để đun nước biển lọc ra 100 triệu galon nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt- rõ là nước quý hơn dầu.

Tại Trung Quốc , híêm nước không những ở đô thị mà còn đe doạ quy mô quốc gia  , nhất là khi tốc độ phát triển quá nóng. Nạn hiếm nước đặc biệt nghiêm trọng ở đồng bằng Hoa Bắc,  nơi tập trung ¼ dân số cả nước và là khu vực kinh tế phát triển, tạo ra trên ¼ GDP của Trung Quốc. Để có đủ lương thực, diện tích tưới nước tại đây đã tăng gấp đôi, hậu quả là mực nước ngầm ở đây đã hạ thấp 30m trong vòng 30 năm qua.


Tầu trọng tải lớn đi lại trên sông Seine giữa Paris và Le Havre, bên cạnh là một cửa đập điều tiết nước trên sông Rhône, kiểm soát lũ lụt và ổn định mực nước cho GT đường sông 

Từ năm 1990 đến 2001, mỗi năm có 180 ngày nước sông Hoàng Hà không ra được tới biển, các chất gây bẩn cũng lưu lại , không được thải đi. Đối phó vấn nạn thiếu nước dẫn đến  giảm việc làm và thiệt hại kinh tế, Trung Quốc đã lập dự án Bắc - Nam khổng lồ : chuyển nước từ sông Dương Tử từ phía Nam đến lưu vực sông Hoàng Hà ở phía Bắc theo 3 tuyến , ngân sách dự án  60 tỷ USD . Tuy tốn kém và còn nhiều ẩn hoạ môi sinh , nhừg không còn lựa chọn nào khác , vì hai con sông có trữ lượng 1/12 tổng luợng nứơc trên các con sông toàn hành tinh thì đến 2030 , Bắc Kinh - TP có 15 triệu ngưòi vẫn không có nước dùng . Chính vì vậy, vẫn phải  lấy nứớc cách đó hàng ngàn km. Để tạo áp lực dẫn nước họ phải nâng cao đập nước có chiều cao bằng toà nhà 45 tầng lên 50 tầng , còn đường ống đi qua Tp Bắc Kinh phải hạ thấp dưói độ sâu 36 m dưới mặt đất .

Khả năng cung cấp nứơc ngọt cho HN của Hồng Hà gấp 6 lần nhu cầu vì tổng lưu lượng sông Hồng là 114 tỷ M3/ năm , trong đó phù sa 0,08 tỷ M3, tương đương 130 triệu tấn .- Thế mới biết Hồng Hà – sông Cái , dòng nước Mẹ yêu thương bao đời nay  đã hào phóng cung cấp nứơc sạch, phù sa để có lúa ngô nuôi sống 80% dân số Bắc Bộ , vùng Hà Nội chiếm một nửa số đó.


Đầm lầy Camargue – Pháp, giống như miếng mút xốp, đầm lầy có khả năng ngậm nước, điều hoà trong mùa khô hạn .Với diện tích 500km2, một trong những đầm lớn nhất châu Âu , không gian  bảo  tồn  sinh thái  quan trọng , nơi trú chân của hàng triệu chim di cư và cả những loài sống quanh năm ở đó như chim Hồng hạc. HN có thể mở rộng vùng đầm ngập nước ở  Hương Sơn tới vùng đồng trũng Chương Mỹ , khả năng tới hàng trăm Km2

Sông trong xanh hiền hoà bởi người xây phố khôn ngoan và có tấm lòng trong sạch  

Nước thật quý nhưng nó phải có đúng lúc đúng chỗ. Mùa lũ ,nước  Hồng Hà thật nhiều và dữ dội thì cần tiêu thoát nhanh .Nhưng mùa khô , sự căng thẳng thiếu nước mới cần tính toán , vì không chỉ thiếu nước sinh hoạt mà nhu cầu tưói tiêu cần nhiều hơn . Hồng Hà cũng giống muôn ngàn dòng sông trên trái đất cần có các công trình thuỷ lợi điều tiết , hệ thống hồ đầm dự trữ mới tận dùng nguồn nước quý . HN có nển đặt ra mục tiêu dự trữ 2-3 tỷ M3 nước để sử dụng  trong 3 tháng khô hạn , nhằm phục vụ dân sinh và mực nước tối thiểu cho giao thông thuỷ?.

Để có nước sinh hoạt cho 2,5 triệu dân nội thành  hiện nay , các giếng nước ngầm HN đã hút gần 1 triệu m3 mỗi ngày , vươt mức cho phép 33% . Nước ngầm HN  đã suy giảm chất lượng ,  mực nước ngầm đang dần hạ thấp và rất đáng lo ngại vì chu trình thoái biến này không có khả năng đảo ngược . Với dân số gấp 4 lần hiện tại thì sử dụng nước mặt mới đáp ứng đủ, nguồn nước sông Đà là khả thi nhất . Nguồn nước mặt sông Hồng thì sẵn nhưng lượng phù sa quá lớn , vào mùa lũ lượng phù sa tăng từ 0,3 kg lên đến 3,5 kg /1m3 nước - Cần cho nước ruộng nhưng khó cho nứơc ăn . Muốn dung cần kết hợp lọc qua các hồ chứa để lắng - lọc tự nhiên .

Nước dùng cho sinh hoạt hay sản xuất cũng cần nước sạch , nhưng hiện tại nguy cơ sông hồ HN ô nhiễm rất tiềm tàng , do vậy  bảo vệ nguồn nước là việc cần theo cách: Ai gây ô nhiễm nước người ấy phải trả tiền xử lý nước thải – nguyên tắc ấy đã phổ biến khắp thế giới.

Nhưng để thu tiền (qua thuế khoá , lệ phí, thưởng  phạt….) là phải trên cơ sở đo lường cụ thể. Nếu không đo lường thì tốt hơn là không nên ban hành mức thu phí. Đo lường chính xác còn khuyến khích các tổ chức cá nhân tự xử lý nước thải tích cực (bằng cách thoái thu hay giảm thuế sử dụng đất/nước sạch...) và còn đình chỉ những hoạt động mà môi trường không còn khả năng hấp thụ được (Năm 1987, Hà Lan đã cấm  sử dụng phân chuồng đổ thẳng ra ruộng làm ô nhiễm đất, nước, thực vật...)

Ai sẽ là người đo lường chính xác, ấy chính là những người kiếm tiền từ việc xử lý nước thải. Họ sẽ là ngưòi đầu tư nhà máy xử lý nước thải, chăm sóc đến từng cá nhân tổ chức thải ra nước để đi đến thống nhất phương thức cung cấp dịch vụ xử lý.

Chế tài nào để nguồn thải nước phải chấp nhận chi phí? Chính là người xử lý nước bẩn cũng đồng thời là người cung cấp nước sạch.


Toàn cảnh cổng  Thames (Thames Barries) – London ,ngăn triều cường nhưng vẫn đảm bảo tầu thuyền qua lại 

Ai làm trọng tài để đôi bên quan hệ công bằng? Chính là các tổ hợp tác cùng dùng nước/thải nước, tổ chức xã hội, văn phòng luật, chính quyền địa phương, luật lệ hay bộ quy tắc ứng xử… Những thứ sẽ sinh ra đúng lúc, đúng chỗ như tự nhiên vậy (cứ học theo các hãng dịch vụ viễn thông hay bán bảo hiểm - họ phát triển đội ngũ tiếp thị hiệu quả biết bao).

Ở Pháp, năm 1964 đã ban hành “Đạo luật về Nước" với một cải tiến quan trọng là lập ra 6 Công ty quản lý lưu vực – tương ứng với 6 lưu vực thuỷ văn lớn của nước Pháp (Sông Seine, Meuse, Loire, Rhone, Rhine và Garonne).

Các công ty này thu tiền của những cơ sở dùng nước hoặc làm ô nhiễm nước, đồng thời cũng tài trợ cho những cơ sở phải chuyển nước từ xa hay thực hiện việc lọc nước. Ngân sách của 6 công ty này nhiều gấp 4 lần ngân sách của Bộ Môi trường.

Nhiều ràng buộc pháp lý khác đã quy định trách nhiệm các công ty này công bố thông tin về chất lượng nước hay đáp ứng các “quyền tự do tham khảo thông tin về môi trường".

Nên chăng Hà Nội tham khảo mà chế ra mô hình thích hợp, để nó vận hành cái hệ thống dẫn nước từ sông Hồng, sông Đà vào 7 con sông còn lại, trữ thêm vào hệ thống đầm hồ, kết hợp việc nhận lại nước thải đã qua xử lý.

Sông hồ với Vành đai Xanh Hà Nội

Với 10 triệu cư dân, HN có nhu cầu thực phẩm cao, mỗi ngày hàng nghìn tấn thịt cá hàng chục nghìn tấn rau quả  hàng triệu quả trứng các loại . Để đáp ứng nhu cầu ấy cần một không gian chăn nuôi, trồng trọt hàng trăm ngàn Ha .Không những giải quyết nhu cầu tại chỗ mà còn xuất khẩu.

Vành đai Xanh không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm , nó còn là không gian tuần hoàn sinh thái , hấp thụ các chất thải hữu cơ đã ngâm ủ đúng cách . Nó kết hợp làm  cho đất canh tác mầu mỡ mà không tốn đất chôn lấp rác vì được sử dụng luân chuyển khép kín.

Trên bản đồ HAIDEP ta thấy sự trùng khớp vị trí vành đai xanh với lưu vực tiêu thoát nứơc , phân lũ và chậm lũ ( thể hiện trên bản đồ Dự án HN). Do vậy Vành đai xanh cần thiết hạn chế xây dựng mà ưu tiên các công trình thuỷ lợi , trồng trọt , chăn nuôi , chế biến  quy mô tập trung.

Vành đai Xanh là nơi bà con trong Phố trông cậy vì có thực phẩm an toàn nuôi sống , nơi có khung cảnh ao ước lấy lại hơi sức sau chuỗi ngày  cát bụi ở chốn đô hội . Đây lại là nơi bà con ven Sông sinh sống ,dựng nghiệp , yên ổn làm ăn - vì dù có trót bán đất ruộng rồi vẫn còn các xí nghiệp nông nghiệp tin dùng cái tài nghệ trồng cây nuôi cá , chăm vỗ lợn gà , nuôi bò vắt sữa …

Sông với hệ thống giao thông thuỷ kết hợp cảnh quan du lịch Hà Nội

Hai chục năm qua HN tốn nhiều sức người sức của để GPMB , tái định cư rồi xoay xở vay mượn để làm ra có được mấy trăm km đường bộ . Càng làm càng tắc vì chỗ giao cắt chưa đủ cầu vượt , mà xe máy ô tô đã tăng thêm mấy lần . Nay với 3  triêu xe máy , 0,3 triệu ô tô đường đã kẹt cứng cộng với tiếng ồn - khí thải , mai này 6 triệu xe máy , 0,5 triệu ô tô không biết ra sao . Ấy vậy mà 600 km đường thuỷ thì ít ai bàn đến . Hơn 10km đường tàu trên cao dưói đất là 1 tỷ USD , đường bộ cũng tốn hàng chục triệu USD/ 1km . Khai thác đường thuỷ rẻ hơn rất nhiều – ít phải GPMB mà còn giảm trừ chi phí vì đầu tư lồng ghép  với mục tiêu thuỷ lợi và sinh thái .. Tại quê hương của hệ thống đường bộ, tỷ lệ sở hữu ô tô riêng cao như Pháp , Đức , Anh – vậy mà GT thuỷ đang được Nhà nước ưu tiên đầu tư, cùng với hệ thống vận chuyển liên thông ,phối hợp đường sắt và đường bộ , các nước Nhật , Mỹ , TQ cũng tương tự. -Vì GT thuỷ kinh tế , an toàn và thân thiện với môi trường

Đường thuỷ không chỉ dùng cho vận tải hàng hoá mà còn chở người . Hai bên bờ các dòng sông HN thì chi chít những nơi có tiềm năng du lịch tín ngưỡng , cảnh quan,làng nghề…


Lưu vực sông Hồng, sông Đáy và sông Tích vẽ trên Bản đồ các dự án Tp Hà Nội (NXB Bản đ ồ & Sở KH ĐT-2008) . Khu vực vẽ bao mầu đỏ là các dự án lớn do tư vấn Hàn Quốc thực hiện : Dự án KĐT Bắc sông Hồng , dự án Sông Hồng , Tây Hồ Tây , Bắc An Khánh , Đồng Trúc - Ngọc Liếp

Hồng Hà & Hà Nội

Các dự án trị thuỷ của người Pháp

Sông chảy qua phố ở đâu cũng vậy, luôn vô tư , rộng lòng  ban phát sự giầu có , sung túc  cho những TP mà nó chảy qua . Phố ở đâu cũng vậy , ngày một đông đúc , phình to thì cứ dần lấn tới , toan tính nhỏ nhen mà thu hẹp lòng lòng sông . dòng nhỏ đến mức tức nước vỡ bờ mà tràn ra phố . Hồng Hà xưa mênh mông là nước , lúc lũ to thì tràn rộng ra và trườn theo hai nhánh : sông Hồng và sông Đáy, cư dân HN cứ nơi đất cao mà cư trú . Sử sách cũng ghi lại những trận lụt lớn thời Lý , Trần : dân trong thành đi lại bằng thuyền , nhưng cơ bản là xưa dân thưa thớt,  đất và nước chung sống hiền hoà . Khi ngưòi Pháp đến HN , phố bên sông vẫn yên bình cảnh trên bến dưói thuyền . Ảnh chụp bến tầu Cột đồng hồ thấy từ Chợ Gạo xuống tầu chưa có đê . Cho đến trận lụt năm 1926 , nứơc lũ đe doạ trực tiếp nội thành , viêc đắp đê quy mô lớn tiến hành . Từ 1915 đến 1954 có 108 triêu m3 đê đắp mới , riêng năm 1927 có 42 km đê sông Hồng được tu sửa củng cố . Từ 1954 đến 1980 , HN đắp thêm 10 triệu m3.

Để bảo vệ nội thành HN , người Pháp xây dựng đập Đáy năm 1934, hoàn thành năm 1937,  vận hành hiệu quả nhất là năm 1983, khi mực nứoc HN cao 12.05m , đập Đáy mở và 2 ngày sau lệnh báo động ở HN được rút bỏ . Đập Đáy xây xong thì sông Đáy không nhận phù sa sông Hồng nữa , nó chỉ có chức năng tiêu úng là chính .Diện tích đất ruộng của 9 huyện hai bờ sông  tăng lên nhưng  kém mầu mỡ hơn trước , còn chức năng giao thông thuỷ thì không còn . Sông cạn nước , thu hẹp dòng chảy và các chi lưu của nó ( sông Bùi , sông Con , sông Nhuệ ) cũng dần hưu hắt .

Sông Đáy xưa nằm ngoài HN , giờ đây nằm chính giữa không gian HN mở rộng , chảy song song với sông Hồng – Nó sẽ có vai trò   ra sao trong vận hội mới ? . Đập Đáy đã cổ lỗ và chức năng hạn chế. Ngày nay công nghệ xây dựng đâp nước đã tiến hoá nhiều , ví dụ như cổng Thames-Luân Đôn ( Barries Thames) vừa có chức năng ngăn triều cường, vừa đảm bảo GT thuỷ trên sông Themes thông suốt, nên chăng HN ta áp dụng để vừa điều tiết lũ nhưng thông đường thuỷ sông Hồng với sông Đáy lại có thể bổ sung phù sa mầu mỡ cho đất bãi bồi đôi bờ.


Cận cảnh một của đập trong hệ thống Cổng Thames . Đập thép điều khiển bằng các búa thuỷ lực tự động , trong vài phút có thể ngăn nước dâng cao tới 6m

Thành phố đôi bờ của tư vấn Hàn Quốc

Ngưòi HN biết đến Hàn Quốc đầu tiên nhờ cái TV Deawoo từ những năm 1990 , sau rồi cái nhà máy sx đèn hình Sài Đồng – Gia Lâm , tiếp đến là khách sạn Deawoo trên đất Thủ Lệ. Năm 1998 thì cái dự án KĐT Bắc Sông Hồng quy mô 8000 Ha trình làng. Năm 2007 , tư vấn Hàn Quốc trình diễn hoành tráng  dự án Tp bên sông, cộng thêm liên doanh KĐT Bắc An Khánh, ngày khởi công cũng là lúc khơi mào cho cơn bão  BĐS tiến về phía Tây HN : các KĐT quanh Hà Đông ,  Đồng Trúc - Ngọc Liệp và vài cái sân golf , hàng chục dự án chung cư cao tầng xen kẽ cho thấy sự năng động của các doanh nhân xứ Hàn . Vừa mới  đây, tư vấn Hàn Quốc đã được lụa chọn làm tư vấn Quy Hoạch HN mở rộng .

Hàn Quốc có nhiều thành công trong QHĐT tại chính quốc, Hà Nội ta có là mốc son trong việc xuất khẩu ý tưởng QHĐT của họ hay không?  Nhận định lúc này thật quá sớm .

Đối với sông Hồng ,nhìn từ dự án đã giới thiệu , cá nhân tôi  nhận thấy  ngoài những thành công về hình thức trình bầy , còn ba vấn đề lớn ta cần học từ Hàn Quốc mà dự án chưa thể hiện . Đó là trị thuỷ, xử lý nứơc thải và phương án tái định cư. Hai vấn đề trên có thể do đối tác VN chưa cung cấp thông tin đầy đủ , cũng có thể lúc này chưa phải thời điểm trình bầy nên dự án mới nghiên cứ giới hạn khu vực 40 km sông trong dự án,  mà không mở rộng ra 150 km sông chảy qua HN và lưu vực 8 con sông còn lại . Nhưng ở giải pháp tái định cư thì không lẽ các tư vấn Hàn Quốc không biết có một dự án do ngưòi Hàn lập,  có khả năng tiếp nhận 1 triệu dân bên bờ Bắc sông Hồng? Vì việc dân cư sông Hồng dịch cư đôi bờ có truyền thống hàng trăm năm nay rồi - rất tự nhiên , ổn thoả ,  không đến mức khó khả thi như dự án đề xuất  . Cư dân sông Hồng nay ở đây , dăm bẩy chục năm sau  lại sang bờ kia . Trước là bám đất bãi để  ở , trồng trọt ,chăn nuôi ,  thì nay thì bám đất phố mà làm ăn, học hành . Có thể kể tên cả chục địa danh như vậy : Chu Phan , Thanh Điền ,Trung Hà , Thọ Lão , Sa Khúc , Nại Tử Châu , Tàm Xá , Bắc Biên …Lở bên này thì bồi bên kia , dòng chảy bị đẩy mãi nên bờ  cong như vành tai nên mới có tên gọi là Nhĩ Hà.


Viễn cảnh “Thành phố Sông Hồng" 

Người Hà Nội với Hồng Hà trong thiên niên kỷ thứ hai

Chương 7 , Đạo Đức Kinh có câu “ Thiên địa sở dĩ năng trường thả cử giả , dĩ bất  kỳ cố năng trường sinh “–có nghĩa là “ Trời đất sở dĩ có thể dài và lâu vì nó không sống cho mình , cho nên nó mới có thể sống mãi “ . Một thế kỷ qua Sông bị phụ bạc vì Phố cư xử một cách thụ động , đối phó . Nên chăng nay ta thay đổi đi , vì dẫu thế nào thì Hồng Hà - vốn không sống cho mình nên vẫn chảy trôi , hiền hoà hay hung dữ tuỳ hoàn cảnh.  Hà Nội cân nhắc hơn thiệt thế nào đây để mở rộng lòng sông, khơi thông dòng chảy , tiết giảm cái ham muốn chiếm giữ, để lựa  cách  chung sống hài hoà giữa phố và sông - đất và nước . Xưa lấp hồ làm phố , nay thì khoanh vùng đất trũng mà mở rộng mặt nước hồ trữ nước -điều tiết úng ngập/ khô hạn , thiếu đất quá thì làm hồ chứa ngầm dưới đất như hồ tiêu úng  G-cans ,Tokyo , Nhật Bản hay hồ ngầm lọc phù sa lấy nước Seymour-Capilano, Canada.

Kỳ tích sông Hồng

“Thiên chi đạo tổn hữu dư nhi bổ bất túc“ ( Lão Tử ), có nghĩa là “Đạo trời bớt chỗ thừa mà bù vào chỗ thiếu “ .  Chỉ cần nhìn trên bản đồ các dự án HN đã thấy : HN đang giao thừa đất để kinh doanh nhà ở .Tên gọi dù khác nhau : đô thị sinh thái, làng bền vững, kết hợp nghỉ dưỡng, phối hợp làng nghề…nhưng có chung cách là chia diện tích đất lớn (nhận với giá rẻ) để băm vụn thành các mảnh nhỏ (để bán giá cao) . HN đang rất thiếu các không gian chuyển hoá / tái sinh cho vùng đô thị tập trung ,mà đôi bờ các dòng sông có khả năng thực hiện chức năng ấy : Không gian lớn cho cây xanh sở hữu công cộng, kết hợp đưa bệnh viện, các trường đại học, viện nghiên cứu đang chen chúc trong phố ra ngoài . Những không gian ven sông đẹp sẽ bán thật đắt , ngưòi sở hữu sẽ giữ không gian giá trị một cách xứng đáng . TP sẽ có kinh phí rộng rãi để đầu tư các công trình công cộng cho đa số cư dân còn lại . Việc làm mà hợp đạo thì chưa làm đã thấy có kết quả rồi.


Trung Quốc : Sông Hoàng Hà  khi khô hạn thấy cả đáy sông khô nứt .Góc phải là Bắc Kinh năm 2000, ngưòi ta bắt cá tại một chiếc hồ cạn nước

Trải qua ngàn năm lịch sử, trăm năm tiếp cận với QH ĐT phương Tây , nửa thế kỷ nghiên cứu QH ĐT, Hà nội ta có hàng chục phương án quy hoạch TP các quy mô , vậy mà giờ đây vẫn lơ lửng câu hỏi “Đâu là bản sắc Kiến trúc –Quy hoạch HN-VN?” Phải chăng cái bất ổn bắt nguồn từ trong cách  nghĩ lập phố - đô thị bằng cách cạp nối chắp vá,  nống từ trong ra ngoài  . Nay ta làm ngược lại : ưu tiên cái Vành đai Xanh , tạo lập cân bằng sinh thái, ổn định dòng chảy sông nước từ bên ngoài trước  , những vùng còn lại ta mới làm nhà xây phố ở trong … Rất có thể những khu đô thị xanh, nổi lên giữa vùng sông nước bao quanh sẽ là hình ảnh đặc trưng của Hà Nội mới.

Đối mặt với những thách thức mới mẻ , lớn lao là một cơ hội lớn cho nhiều thế hệ trưởng thành  : hàng chục trường Đại học, Viện nghiên cứu, hàng trăm công ty tư vấn, hàng vạn kỹ sư, KTS  lấy Hồng Hà –Hà Nội là đối tượng để thầy trò cùng chụm đầu vào nghiên cứu, tìm cho ra giải pháp thấu đáo mọi bề :  từ thủy lợi đến môi sinh , từ tài chính đô thị đến không gian kiến trúc - văn hóa –lịch sử hay chi li hơn là ứng dụng CNTT vào việc khảo sát, điều tra Xã hội học, lập kế hoạch giải tỏa,  dịch cư lập các mô hình thuỷ văn , thổ nhưỡng .Tiếp nhận những công nghệ sản xuất nông nghiệp hiện đại.. . Mỗi người mỗi việc, thầy và trò ắt sẽ giỏi giang hơn người. Làm theo cách ấy , phải chăng Hà Nội ta sẽ làm nên cái “ Kỳ tích Sông Hồng”.


Trong bài có sử dụng những tài liệu tham khảo:
1. “Thăng Long: vùng đất sinh ra từ nước” Céline Pierdet - HN, chu kỳ những đổi thay – NXB KHKT - 2003.
2. “Trung Quốc , Pháp & Đức” - Bộ sách giới thiệu các nước trên TG.
3. Tư liệu của cụ Nguyễn Văn Uẩn  “HN -cuối TK19 , nửa đầu TK20”
4. “Môi trường sinh thái “ –Jacqques Vernier ( Đại biểu Nghị viện Châu Âu, thị trưởng Douai- CH Pháp )- NXB Thế Giới 2002.
5. Các bài viết trên Tuần Việt Nam

6. Ảnh minh hoạ nguồn: HanoiData sưu tầm và biên tập


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: