Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Tôn tạo cảnh quan hồ Gươm

Tôn tạo cảnh quan hồ Gươm

Viết email In

Kiến trúc sư lừng danh Le Corbusier từng nói: “Xây dựng trên mặt đất 1m2, tức là làm mất đi 1m2 cây xanh, phải dành lại bằng 1m2 cây xanh ở trên cao”. Mới thấy thế giới quý màu xanh cây cỏ biết chừng nào!

Hồ Gươm, ngoài những ý nghĩa huyền thoại, còn một giá trị đặc thù: Hoà quyện cây xanh, mặt nước. Vườn cây ở giải đất quanh hồ là rất đáng quý. Nhưng chưa đủ, không thể bao quanh hồ bằng các khu xây dựng, dù chỉ thấp tầng. Rất cần thiết mở rộng không gian xanh.



Có ít nhất là hai khoảng không gian có thể trở lại màu xanh. Thứ nhất, cây đa số 1 Đông Dương. Ven đường Lê Thái Tổ (phía đông hồ Gươm) xưa chỉ những nhà 1 - 2 tầng của một quan chức Pháp, quần thể tượng vua Lê và nhà  Khai trí Tiến Đức. Nhà quan chức Pháp xưa nằm gọn bên gốc đa rất lớn, nhiều lần trăm tuổi và vươn cây xanh đậm. Từ nhiều chục năm rồi, các nhà kiến trúc Việt Nam có nguyện vọng: “Cây đa số 1 Đông Dương” cần được trả lại cho không gian hồ Gươm, và không nên xây dựng gì thêm trong khuôn viên này. Tuy nhiên nhiều nhà thấp tầng, cả năm bảy tầng đã nối nhau mọc lên. Còn nhớ sau ngày thống nhất đất nước đã có phương án xây dựng trụ sở mới cho báo Nhân dân tại Phương Liệt, nhưng không biết sao lại ngừng! Thôi thì, khối dăm bảy tầng đã “trót” xây dựng, phải công nhận “lịch sử để lại” nhưng còn cây đa giữa sân và cụm nhà thấp tầng sát với tượng vua Lê nên trả lại cho quần thể hồ Gươm. Du khách có thể đi bộ từ Hàng Trống, chiêm ngưỡng “cây đa số 1 Đông Dương”, vào thắp hương đền thờ vua Lê, để rồi hoà nhập vào ký ức Rùa thần đớp kiếm.



Thứ hai, trụ sở tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Sở VHTT&DL Hà Nội. Tập đoàn EVN là đơn vị quản lý kinh doanh, độc quyền điện lực, xưa là “nhà máy điện”, công suất chỉ đủ thắp sáng vài trăm ngọn đèn, không thể duy trì hoạt động mãi ở mảnh đất văn hiến này. Họ cũng biết thế và vì lợi nhuận đã có lần đề nghị cho phép họ xây dựng Trung tâm thương mại văn phòng cho thuê. Đề nghị này đã bị bác bỏ. Cạnh đó Sở VHTT&DL, trong xu thế tập hợp các công trình quản lý hành chính thành từng cụm, nên di chuyển cho phù hợp xu thế xây dựng Thủ đô mới. Phương án cao tầng ở mảnh đất này để đáp ứng văn phòng cho Sở trước thủ đô mới mở rộng là không phù hợp. Cả dải đất rộng lớn của Tập đoàn EVN và Sở VHTT&DL có thể làm một công trình văn hoá, một trung tâm bán hàng thủ công, hàng truyền thống, một cái “bếp” nhẹ nhàng cho khách du lịch (lời khuyên của hai chuyên gia hàng đầu về kinh tế với Việt Nam là Việt Nam có sức mạnh ẩm thực…) kiến trúc thấp tầng chìm trong cây xanh.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo