Bản lĩnh người thiết kế?

Thứ năm, 19 Tháng 5 2011 10:22 T/c Kiến trúc Việt Nam
In

Thiết kế cảnh quan cho khu ở tuy đã từng bước thực hiện ở Việt Nam nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều yếu tố để tạo nên các giá trị đặc trưng, tạo cá tính như là các điểm nhấn chính.

Khác với cảnh quan đô thị nói chung, điểm nhấn trong cảnh quan khu ở được tạo ra từ sự rung động của tất cả các giác quan, giúp cảm nhận được giá trị của cuộc sống. Điều này chỉ thành công nếu người làm nghề có được cái tâm và bản lĩnh trong thiết kế.

Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, thiết kế cảnh quan là một trong những vấn đề nóng và được chú ý. Ở thời điểm hiện tại, trong quan niệm của các chủ đầu tư, về cơ bản đều rất ít đầu tư cho cảnh quan, đặc biệt là cảnh quan đô thị. Đa số các chủ đầu tư đều cho rằng diện tích dành cho cảnh quan trong khu ở dường như không có lợi về mặt đầu tư và không đem lại hiệu quả “tiền mặt” ngay lập tức khi đem bán cho người sử dụng. Chủ đầu tư thường chỉ chú trọng tăng diện tích công trình mà không làm đẹp và tạo cá tính cho cảnh quan khu ở. Trong khi đó, thiết kế cảnh quan chính là một phần quan trọng trong tổng thể thiết kế công trình. Các giá trị mà thiết kế cảnh quan mang lại cho thiết kế tổng thể kiến trúc khu ở không chỉ dừng lại ở yếu tố kiến trúc mà còn là cả yếu tố môi trường và chất lượng cuộc sống.

Điểm nhấn cảnh quan khu ở

Ở các nước phương Tây, giá trị của bất động sản là nhà ở nói chung được xác định bao gồm 03 tiêu chí, đây chính là các yếu tố để người mua nhà xem xét và quyết định mua các ngôi nhà mới. Các tiêu chí này được sắp xếp theo trật tự: cảnh quan, nhà bếp, phòng tắm. Cảnh quan chính là những không gian đầu tiên cho chủ nhà cảm giác về một cuộc sống thoải mái và trong lành, bản thân cảnh quan cũng tạo nên giá trị đẹp cho các không gian phụ khác như phòng khách, phòng ngủ.

Cộng đồng hiện nay hầu như chưa nhận ra được các giá trị “điểm nhấn” của cảnh quan. Đa phần họ chỉ lờ mờ cảm nhận và đưa ra một kết luận chung chung. Điều này có thể là do vẫn còn rất thiếu các tiêu chí chung được xã hội công nhận để người dân có thể dưạ vào đánh giá đúng các giá trị thực của thiết kế cảnh quan cho khu ở. Có thể thấy, đa số các bất động sản ở Hà Nội và TpHCM hiện nay, hầu hết người mua nhà trong các khu đô thị mới đều bị “mua thiếu” các giá trị đẹp về cảnh quan và các bất động sản này hầu như chỉ là một khối bê tông để ở chứ không phải là ngôi nhà đúng nghĩa. Do thiếu hàng loạt các giá trị về điểm nhấn, trong thiết kế cảnh quan khu ở cũng như sự lẫn lộn và rập khuôn một cách máy móc các giá trị mà các khu ở hiện nay đối mặt với trực trạng na ná giống nhau, hay tệ hơn là giống với một kiểu khu ở tại một nước xa xôi, dị lập và không hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.


Thiết kế cảnh quan khu đô thị Hedges Park - Singapore

Với các nguyên tắc thiết kế cảnh quan hiện đại, điểm nhấn tạo dựng cảnh quan được thiết lập bằng một hệ thống các giá trị chứ không phải từ bất kỳ một yếu tố đơn lẻ nào. Hiện nay, có rất nhiều người cho rằng điểm nhấn về cảnh quan trong các khu đô thị không gì khác là các ngôi nhà cao tầng bởi dường như làm nó nâng cao tầm mắt. Tuy nhiên, theo thời gian có thêm nhiều các tòa nhà cùng mọc lên, thiếu sự quy hoạch và quản lý chặt chẽ, điểm nhấn này sẽ bị phá vỡ ngay lập tức. Sẽ không còn giá trị gì nếu không gian có vài điểm nhấn trên cao nằm cạnh tranh với nhau. Sự ganh đua lên cao của các công trình “điểm nhấn” này thực ra chỉ giải quyết “cái tôi” của chủ đầu tư chứ hầu hết không xuất phát từ yếu tố “cái đẹp”. Sự to lên và vươn cao vĩ đại của các khối nhà dường như đang đè lấp bóng dáng hài hòa và vẻ đẹp của các khu ở, trong đó các giá trị truyền thống văn hóa, thiên thiên mới là yếu tố cần được coi trọng. Các giá trị điểm nhấn đích thực chỉ được tạo ra nếu đạt được sự cân bằng và hài hòa giữa công trình kiến trúc với các không gian phụ trợ. Cảnh quan chính là “làn da” và “tóc”. Công trình là những điểm mốc neo tường nhìn của cảnh quan. Thêm vào đó, về cơ bản góc nhìn và điểm nhấn “phổ thông” cho thiết kế cảnh quan phải là tầm mắt của người đi bộ thông thường, nên tránh thiết kế và đầu tư quá nhiều cho các điểm nhấn đặc biệt như từ trên cao, từ giữa hồ nhìn vào. Đây là các trường quan sát theo góc nhìn hẹp và có giới hạn. Chính vì vậy, những yếu tố cảnh quan nằm gần kề các góc nhìn quan sát, đập vào mắt đầu tiên sẽ làm nên ấn tượng cho thiết kế cảnh quan.

Với những người làm nghề, điểm nhấn của thiết kế cảnh quan không gì khác chính là tự nhiên. Việc tạo nên các điểm nhấn trong thiết kế cảnh quan nếu bắt đầu từ tự nhiên như các yếu tố địa hình (đất, mặt nước), yếu tố không gian văn hóa phi vật thể (các giá trị truyền thống, các giá trị văn hóa mới...), cây xanh... Việc xác lập một chuỗi các giá trị điểm mốc trong trường thị giác làm điểm nhấn cho cảnh quan theo một thiết kế được hoạch định trước có xem xét đến từng góc nhìn của người xem cụ thể sẽ là cách tốt nhất để tạo ra các điểm nhấn giầu cá tính riêng cho khu ở, ví dụ như: hệ thống tượng đài bên trong khu ở, hệ thống công viên cây xanh, hệ thống hạ tầng bãi đỗ xe, hệ thống biển quảng cáo, biển trang trí. Những yếu tố này giúp tạo nên các khu ở có cảnh quan đặc trưng riêng do biết kết hợp đầy đủ các giá trị tự nhiên và văn hóa sống. Chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc tuân theo thiên nhiên, chứ không phải tuân theo công trình.

... Và bản lĩnh của người thiết kế

Sáng tạo nên các tác phẩm điểm nhấn đã khó, nhưng bảo vệ ý tưởng và đưa ý tưởng đến được với cộng đồng còn khó hơn. Với mỗi người làm nghề, bản lĩnh của người thiết kế luôn là một điều vô cùng cần thiết. Để tạo dựng điểm nhấn cho khu ở, kiến trúc sư không chỉ cần có kiến thức chung về quy hoạch, về thiết kế cảnh quan cũng như những hiểu biết về văn hóa và lối sống bản địa. Người thiết kế phải kết nối các yếu tố thành một tổng thể hài hòa, đồng thời chọn ra trong đó các giá trị đặc trưng để nâng lên thành một điểm nhấn có giá trị.


Phương án thiết kế khách sạn Adeas - Bắc Kinh - Trung Quốc

Việc hoạch định và thiết kế các điểm nhấn trong cảnh quan phải được xác định ngay từ các bước đầu tiên khi thiết kế dự án. Điểm nhấn xác định trong một thiết kế tổng thể quy định các công trình được bố trí như thế nào trong tự nhiên, công trình được đặt như thế nào để phù hợp với cuộc sống và lối sống của người dân. Điểm nhấn cảnh quan được tạo dựng khi chúng ta thực hiện thiết kế quy hoạch cảnh quan tổng thể (Design masterplan). Việc có được một quy hoạch cảnh quan tổng thể cũng sẽ hạn chế được những tác động tối đa của dự án đối với môi trường tự nhiên. Cần thay đổi cách làm chung ở Việt Nam hiện nay là đặt cảnh quan vào cạnh các khối công trình sau khi đã hoàn thành bằng tư duy được thực hiện tại các nước tiên tiến: “Đặt công trình vào cảnh quan thiên nhiên”. Điều này tuy công việc có vẻ là giống nhau, nhưng về logic trong mục đích thiết kế là khác nhau dẫn đến hiệu quả với cộng đồng là rất khác nhau.

Thêm vào đó sau khi đã có được một phương án hợp lý, người thiết kế cũng cần có bản lĩnh và phương pháp tiếp cận để có thể đưa được các giá trị tới cộng đồng. Đây là một vấn đề đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Các tác phẩm điểm nhấn luôn là tâm điểm bàn luận của cộng đồng và nhận được các ý kiến trái chiều nhau. Người thiết kế và tạo dựng điểm nhấn cảnh quan phải là người lựa chọn đề xuất đưa ra những cái đẹp trên cở sở cân đối các yêu cầu về kiến trúc và kinh tế của chủ đầu tư. Người thiết kế còn phải hiểu và lồng ghép được hình ảnh và giá trị của cộng đồng, thuyết phục được cộng đồng. Đây là một việc làm rất khó bởi sự “chung chiêng” của cái đẹp, sự đòi hỏi khắt khe của cộng đồng cũng như những yêu cầu về “nhiều cái tôi” của những người tham gia. Lúc này, không ai khác, kiến trúc sư chính là người bằng tâm, nghề và bản lĩnh của mình để cân đối và thỏa mãn hầu hết được các giá trị của các nhóm lợi ích trong cộng đồng, cho ra một điểm nhấn có "giá trị thực tiễn” cao.

Thời gian chính là ban giám khảo công bằng nhất cho mỗi tác phẩm thiết kế “điểm nhấn”. Bên cạnh đó vai trò tham gia của cộng đồng là rất quan trọng. Tuy vậy, do tính nhạy cảm của các công trình cảnh quan, đặc biệt là những thiết kế điểm nhấn quan trọng thường được dư luận quan tâm nhiều khi là quá mức với nhiều luồng dư luận trái chiều nhau. Có những ví dụ thực tiễn đã chứng minh có rất nhiều những ý kiến đóng góp cho một công trình điểm nhấn cộng đồng, nhưng lại xuất phát từ những yếu tố chung chung, thiếu tính khoa học như yếu tố tâm linh, yếu tố truyền thuyết không phải là lịch sử chính thống, được khoa học công nhận. Cộng đồng cần có một cái nhìn khách quan, không thiên vị, không xuất phát từ cái tôi cá nhân và phải xuất phát từ quan điểm lợi ích cộng đồng và tư duy khoa học chân chính.

Chúng ta rất cần một môt hình mẫu, chuẩn mực về thiết kế các điểm nhấn cảnh qua cho khu ở với các đô thị ở Việt Nam. Một "điểm nhấn thiết thực” cho mỗi khu ở chỉ có thể tạo dựng được nếu người làm nghề chủ đầu tư và cả cư dân sinh sống ý thức được một cách đầy đủ các giá trị cuộc sống cần có của bản thân cộng đồng mình. Và, cũng rất cần một bản lĩnh nghề nghiệp cho các kiến trúc sư làm nghề.

KTS. Philip Graf (ảnh bên) - Công ty kiến trúc cảnh quan Creative Landscape 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: