Trùng tu di sản kiến trúc: Kinh nghiệm từ đình Chu Quyến

Thứ sáu, 08 Tháng 10 2010 11:33 Lao Động
In

Dự án trùng tu đình Chu Quyến - tác phẩm đoạt giải cao nhất về bảo tồn di sản năm 2010 tại Hội nghị của Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương là bài học lớn trong việc trùng tu các di sản kiến trúc của Việt Nam.

Dự án do KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích là chủ nhiệm. Đây cũng là lần đầu tiên, một dự án trùng tu của Việt Nam đoạt giải thưởng kiến trúc quốc tế.

Dự án giành số phiếu bầu cao nhất

Từ ngày 28/9 đến 2/10/2010, dự án trùng tu đình Chu Quyến đã được gửi tham dự triển lãm quốc tế những trường hợp điển hình về bảo tồn di sản kiến trúc ở châu Á. Tại triển lãm, một Ủy ban giải thưởng bao gồm các nhà chuyên môn xuất sắc và các học giả có uy tín trong lĩnh vực này, đã bỏ phiếu chọn ra 6 trong tổng số 33 dự án được gửi đến từ 14 nước để trao giải thưởng lớn. 

Dự án trùng tu đình Chu Quyến của Việt Nam đã vinh dự được nhận giải thưởng lớn và đứng đầu về số phiếu bình chọn. Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với các kiến trúc sư và các nhà trùng tu di tích Việt Nam trong hoạt động nghề nghiệp và giao lưu, hội nhập quốc tế.

Đình Chu Quyến có cấu trúc theo hình chữ “Nhất” có một toà Đại đình. Đại đình là một kiến trúc đồ sộ gồm 3 gian 2 chái lớn, một tầng bốn mái với các đao cong vút. Thành phần chịu lực chính của Đại đình là hệ khung gỗ. Bộ khung kết cấu kiểu 6 hàng cột đều bằng gỗ lim. 4 cột cái gian giữa có đường kính tới 81cm. Tiếp đến là các cột cái gian bên có đường kính 60cm, các hàng cột quân và cột hiên có đường kính tương đối đồng đều nhau 50cm. Đây là cũng đặc điểm kiến trúc nổi bật nhất của đình Chàng.

Đình Chu Quyến (còn gọi là Đình Chàng) thuộc làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII.Đình Chu Quyến không chỉ là một di sản với đặc điểm kiến trúc độc đáo mà còn là nơi tập trung cả nghệ thuật điêu khắc đặc sắc, tinh tế.

Kinh nghiệm trùng tu cho các di sản kiến trúc Việt Nam

Trường hợp biến di tích Thành nhà Mạc (thành Tuyên Quang) từ 400 tuổi chỉ còn 1 ngày tuổi là một bài học đắt giá trong việc trùng tu di sản nói chung và di sản kiến trúc nói riêng. Với 418 năm tồn tại, xứng đáng là một pho sử kỳ vĩ thế nhưng sau khi được trùng tu tôn tạo, tốn hàng chục tỷ đồng, thành Tuyên Quang đã được khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, mới đến kinh ngạc và giống một cái …lò gạch. Sự việc khiến nhiều người bất bình bởi việc trùng tu cẩu thả, thiếu hiểu biết làm mất giá trị văn hóa lịch sử của một di tích có bề dày gần nửa thể kỷ.

Không chỉ có Thành nhà Mạc, nhiều di sản kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa hàng trăm năm như Thăng Long tứ trấn của Hà Nội, gồm : đền Kim Liên, đền Quán Thánh, đền Bạch Mã, đền Voi Phục sau các dự án trùng tu đều có phần thô ráp và kém thân thiện hơn.

Trở lại với dự án trùng tu đình Chu Quyến, dự án đã được xây dựng một cách bài bản trên cơ sở một kết quả khảo sát, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về di tích và được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt. Đình được trùng tu trên cơ sở sử dụng kĩ thuật tân tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc, vẫn thể hiện nét đẹp của một ngôi đình cổ xưa.

Chia sẻ về dự án, KTS Lê Thành Vinh cho biết: “Để công việc trùng tu di tích thành công như trường hợp đình Chu Quyến trong thời buổi đang thiếu trầm trọng những người trùng tu di tích chuyên nghiệp, khoa học và đúng cách như hiện nay không thể vội vàng được mà phải hết sức thận trọng, nghiên cứu toàn diện, kỹ lưỡng về di tích và được tổ chức thi công theo một quy trình khoa học nghiêm ngặt thì mới có thể thành công”.

Thông qua việc thực hiện dự án này, những chuẩn mực trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã được xây dựng để áp dụng với các di tích khác nhằm nâng cao chất lượng khoa học và hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích.

Thành công đạt được từ dự án trùng tu đình Chu Quyến là sự khởi đầu đáng mừng, là những kinh nghiệm quý giá trong việc trùng tu, bảo tồn các di sản kiến trúc của VN. Các di sản kiến trúc của VN vô cùng phong phú và yêu cầu trùng tu để bảo tồn là yêu cầu cấp thiết nhưng trùng tu phải cần có cơ sở, có trách nhiệm, có hiểu biết, không thể vội vàng!

Chi Anh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: