Hà Nội trong mắt KTS Hoàng Đạo Kính

Thứ bảy, 24 Tháng 4 2010 17:35 TT&VH
In

1. Từ khi còn là cậu bé, năm 1954 Hoàng Đạo Kính đã được Bác Hồ chọn là 1 trong 100 "hạt giống đỏ" của Cách mạng để đào tạo ở nước Nga Xô Viết.

Gần 20 năm, suốt thời trai trẻ, trải dài qua 3 thập kỉ ở một đất nước xa xôi, dù yêu tha thiết văn hóa Nga với những áng văn thơ của A. Pushkin, Tonstoi, Exenin... hay những bản giao hưởng của Prokofiev, Shostakovich choáng ngợp, si mê tình yêu đất nước, bản thân cũng viết văn và làm thơ nhưng từ đáy lòng, không lúc nào chàng trai trẻ không thấy cô đơn. Trong ông có một khoảng trống vô hình không thể lí giải.

Không theo Thiên chúa giáo nhưng ông hay lang thang rất lâu ở những tu viện, nhà thờ hoang vắng trầm mình dưới những rừng bạch dương. Vẻ đẹp lặng lẽ, xưa cũ của kiến trúc Nga thuần khiết đã dần lấp đầy khoảng trống trong lòng chàng sinh viên ngành kiến trúc. Nhưng nó càng làm sống dậy một niềm hoài niệm sâu sắc về những mái nhà thấp bé, những ngôi chùa vắng vẻ, những miếu thờ đơn sơ và đặc biệt một "Hà Nội có những con phố cũ kỹ, luộm thuộm đầy kịt chất đời và vị sống. Những con phố cũ che không xuể cái cũ, cái nghèo, cái duyên thầm của mình".

Hoài niệm ấy kết thành tình yêu tha thiết đối với những di sản kiến trúc của quê hương, nó giục anh phải trở về, phải đi tìm lại vẻ đẹp đích thực của những di sản kiến trúc từ xa xưa. Và anh trở thành Tiến sĩ Kiến trúc sư đầu tiên về di sản và trùng tu của Việt Nam.

Hoàng Đạo Kính là con trai nhà văn hóa, chiến sĩ cách mạng Hoàng Đạo Thúy, người đã để lại nhiều cuốn sách nổi tiếng như Phố phường Hà Nội xưa, Đi thăm đất nước, Trai nước Nam làm gì? Ông là cháu nội nhà Cách mạng Hoàng Đạo Thành, quê làng Kim Lũ nay là Đại Kim, Hà Nội. Nói xa xưa hơn, gốc tích họ Hoàng Đạo thuộc dòng dõi Tôn thất ở Huế.

Dù học tập ở phương Tây nhưng với Hoàng Đạo Kính, chất Nho giáo thâm thúy từ ông, cha đã thấm vào mình lúc nào không biết. Khi cha ông mất năm 1994, tài sản giá trị nhất là cái tivi 14 inch, bởi trước khi nghỉ hưu cụ trả hết biệt thự, tài sản cho Nhà nước về sống trong căn nhà lá ở Đại Yên, Ngọc Hà. 20 năm trời, cụ ngủ dưới tấm nilon, buộc bốn góc trên đình màn để khỏi bị dột, thanh sạch, không đòi hỏi gì. Trước khi mất, cụ dặn con trai Hoàng Đạo Kính: "Cha đi không cho con cái gì, chỉ để cho con cái giấy giới thiệu". Tức là chỉ để lại cái tên mình cho con kế thừa, một cái tên danh giá.

Chất hoài cổ đậm đặc trong dòng máu nhà Nho, tư duy khoa học của nền giáo dục Nga đã tạo nên một KTS Hoàng Đạo Kính, với cái nhìn đặc biệt về những di sản kiến trúc cha ông, ông nhìn nó như một nguyên thể sống.

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã nói về ông: "Đi ngược lại ý kiến nhiều người, Hoàng Đạo Kính cả quyết nói rằng ông không tin có một khu phố cổ ở Hà Nội, mà đó chỉ là những khu phố cũ cần được làm cho thuần nhất theo đúng tinh thần truyền thống. Chúng ta biết rằng nay là lúc cả xã hội đang có xu thế tìm về cội nguồn và nói cho cùng thì những biểu hiện gọi là tình yêu đối với nền văn hóa quê hương xứ sở dễ dàng được nhiều người chia sẻ. Trong khi một số đông thường biến tình yêu đó thành một cái cớ để đặt di sản xưa trong một khoảng cách lý tưởng rồi đứng ở xa mà xuýt xoa ca ngợi, thì một số trí thức như Hoàng Đạo Kính tìm cách đứng gần hơn và tiếp cận di sản bằng một cái nhìn văn hóa cần thiết". Ông nhìn Hà Nội như thế...


2. Nếu nhìn một cách hàn lâm, theo khái niệm khoa học thông thường thì di sản kiến trúc đô thị Hà Nội có phần khá sơ sài và niên đại không xa xưa. Trừ những di chỉ khảo cổ, những gì còn hiện hữu trên mặt đất đến ngày hôm nay không quá 300 năm. Phố cổ Hà Nội là gọi một cách ước lệ. Hoàng Đạo Kính gọi đấy là phố cũ. Đây là cấu trúc đô thị truyền thống của người Việt, chủ yếu định hình ở nửa sau thế kỷ XIX, nhưng nó mang đầy đủ đặc điểm của đô thị người Việt từ thời Trung đại đến nay. Nó ghi lại hình ảnh của phố thị trong nền văn minh cộng cư của người Việt.

Điều đáng nói nhất, "con phố" chính là nguồn gốc trong sự phát triển các thiết chế cộng cư dạng đô thị của Việt Nam. Chính khu phố mà người ta gọi là phố cổ Hà Nội là cấu trúc của những "con phố" hợp lại. Người Việt trước kia không có quy hoạch đô thị mà những con phố hình thành từ những con đường, hai bên buôn bán, có chợ búa. Việc buôn bán phát triển muộn, nên đến tận nửa sau thế kỉ 19 phố Hà Nội thực chất vẫn gọi là nhà gỗ mái lá. Cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20 mới có nhiều nhà xây gạch. Những con phố gắn kết với nhau bằng cái ngõ đi ngang kết lại theo hình xương cá, tập hợp lại kẻ chợ, phố thị. Phố là nơi ở, nơi bán hàng, nơi tập kết hàng, nơi làm hàng. Bên cạnh đó có đình và chùa, vì dân các làng tứ xứ kéo nhau ra Thăng Long, mang cả thành hoàng đi theo nên phải lập đình miếu.

Xem bản đồ của Pháp ở giữa thế kỉ XIX thì khu phố cổ ấy chưa hiện hữu như mạng phố hiện nay, ở đó chỉ toàn hồ ao, sông. Kiến trúc phố Hà Nội là nhà hàng phố, nhà mặt phố liền kề nhau. Theo ông, kiến trúc các ngôi nhà ống ấy không có gì là đặc biệt. Nhưng điều kiệt xuất nhất chính là tổ chức không gian của ngôi nhà ống, nó sắp đặt bằng những vật liệu rất đơn giản trong một mảnh đất chật, trong đó thỏa mãn các nhu cầu sống, làm hàng, bán hàng, nhu cầu tín ngưỡng, nhu cầu học hành vv... Giá trị phố cũ Hà Nội không phải nằm ở độ cổ xưa, ở quy mô, giá trị kiến trúc mà đây là một trong những hình ảnh cuối cùng của một cấu trúc đô thị thời trung đại của người Việt và gắn kết chặt chẽ hữu cơ với cuộc sống của cộng đồng thị dân. Sự gắn kết ấy thể hiện ở cách sống, cách ăn uống, cách ăn mặc, cách thờ tự, cách nói năng, cách bán hàng, cách làm hàng, cách giao thiệp...

Điều đáng quý nữa ở phố cũ Hà Nội là sự dồn nén về không gian và thời gian. Trong thời gian khá ngắn của thời kì chuyển đổi từ chế độ phong kiến sang chế độ thực dân với nền kinh tế nhen nhóm thị trường và trong một khu quần cư nhỏ hẹp thì đã hình thành, tích tụ được một cái gọi là "Hà Thành". Nếu nói văn hóa Hà Thành, người ta hiểu đó là Hà Thành của thời cận hiện đại, mà theo KTS Hoàng Đạo Kính nó là một cơ thể sống, hòa quyện nhuần nhụy giữa phần vật chất và phần đời sống. Trong đó phần kiến trúc rất ẻo lả, nhỏ nhoi, tạm bợ nhưng mô hình cư trú trong cộng đồng đô thị lại đầy sức sống. Người nước ngoài đến phố Hà Nội không tìm nhà cổ, nhà cũ, mà để thích thú với không gian sống Hà Nội, một không gian rất khác lạ.

Bảo tồn phố Hà Nội không chỉ bảo tồn 5, 7 ngôi nhà mà phải bảo tồn sự sống của cộng đồng dân cư ấy, tiếp tục duy trì những nền nếp cũ, thói quen cũ, nếp sống cũ nhưng đồng thời đưa ra cách cải tiến. Phải coi đây là một di sản đô thị mềm cứ không phải một di tích. Ứng xử với nó, bảo tồn nó tức là phải kết hợp bảo tồn cải tạo và phát triển trong một dòng chảy liên tục.


Một “không gian sống khác lạ” tạo nên nét quyến rũ của phố Hà Nội 

Ngoài phố cũ, đối với Hà Nội, nếu không duy trì được khu phố Pháp thì Hà Nội đánh mất quá nhiều. Nếu phố cũ Hà Nội sống động, quyến rũ về cách sống, cách ăn ở sinh hoạt thì phố Pháp ấn tượng, quyến rũ ở dáng vẻ kiến trúc. Bảo tồn kiến trúc Pháp phải giữ gìn theo phạm vi quần thể, những con phố, những ô phố. Quần thể ấy có quỹ cây xanh biệt thự và bản thân phong cách kiến trúc, rất Pháp, rất tinh tế và là cái đẹp bền. Thứ hai là giữ gìn đơn chiếc, như Nhà Hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử, Bộ Ngoại giao, Viện Pasteur...


3. Trước khi làm Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, từ 1971 đến 2001 ông là người chuyên trách công tác bảo tồn di tích ở Bộ Văn hóa, trong nhiều năm làm Phó Cục trưởng Cục bảo tồn bảo tàng, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích. Lần đầu tiên ông làm trùng tu di tích theo khoa học là chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), tiếp đó là hàng nghìn công trình khắp đất nước: Tháp Chàm Mỹ Sơn, Cố Đô Huế, đô thị cổ Hội An...

Không ít công trình kiến trúc biểu trưng Hà Nội có in dấu trí tuệ KTS Hoàng Đạo Kính.

Cách đây hơn 20 năm, khi Bộ Văn hóa đặt vấn đề bảo quản bia Văn miếu Quốc Tử Giám, có người đưa ý kiến bảo quản văn bia bằng hóa chất, nhưng ông cho rằng không hóa chất nào chịu được mưa nắng ngài trời sau nhiều năm, chưa nói hóa chất có thể tác động ngược lại với đá. Ông đưa quan điểm: "các cụ ngày xưa xây nhà bia, tại sao bây giờ không xây nhà bia", đó là cách bảo vệ cổ truyền. Hơn nữa cách thức ấy hòa nhập với sân thứ 3 của Văn Miếu, hồ Thiên Quang Tỉnh và Khuê Văn Các.

Để che tất cả bia nếu làm to như mái đình thì mái nhà bia phải cao 8, 9 thước, sẽ "nuốt chửng" Khuê Văn Các và biến hồ Thiên Quang Tỉnh thành chiếc ao nhỏ. Tám dãy bia, ông chia làm hai hàng, mỗi hàng làm 4 nhà bia. Như vậy khẩu độ chia nhỏ ra, mái thấp chỉ hơn 3 thước. Nhà bia trở thành cái nền hợp lí cho Khuê Văn Các cao gần 15 mét. Mái che 8 dãy bia Văn Miếu, ai mới nhìn cũng tưởng là công trình từ ngày xưa nhưng thực ra mới có "lịch sử" hơn hai mươi năm.

Sân thứ 5 của Văn Miếu là khu Khải Thánh, nơi diễn ra các khoa thi, có đền thờ cha mẹ Khổng Tử. Nơi đây vốn bị hoang phế từ năm 1947, sân để cỏ mọc rậm rạp. Năm 1990, dấy lên tranh cãi là có nên khôi phục Khải Thánh hay không. Nếu khôi phục cũng có khả năng vì có một bản vẽ nhà Khải Thánh từ thời Pháp vẽ lại.

Nhưng lại đặt ra vấn đề khôi phục nhà Khải Thánh làm gì, bản thân sân thứ tư Văn Miếu đã có miếu thờ Khổng tử, có nên thờ cha mẹ Khổng Tử? Hoàng Đạo Kính đưa ra quan điểm là nên làm công trình tiếp nối các chức năng của Văn Miếu, vì đấy là công trình mang tính văn hóa giáo dục. Kiến trúc phù hợp với tổng thể của Văn Miếu gồm có 5 sân trên 1 trục và kiến trúc Văn Miếu gồm nhiều thời khác nhau chứ không phải một thời. Công trình này mang lối kiến trúc trung tính ôn hòa, đặc biệt, không phải nhái kiến trúc, không làm giả hoa văn của thời nào mà là công trình kiến trúc gỗ Việt chưa từng có bao giờ, nhưng phù hợp với chức năng cụ thể và ý nghĩa của Văn Miếu. Quan điểm bảo tồn của ông là như thế, cái gì làm cái mới là mới, cái mới không làm hỏng cái cũ, không làm giả quá khứ. Có thể nói sân thứ 5 Văn Miếu là sân thơ, một trong những điểm văn hóa thu hút nhất của Hà Nội hiện nay. Những ngày thơ trẻ diễn ra thường niên ở không gian này vẫn làm say đắm bao nhiêu người yêu thơ Hà thành.

Để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ quốc gia các nước nói tiếng Pháp lần thứ 7, tháng 11/1997, ông là người lập dự án trùng tu Nhà Hát Lớn Hà Nội, được Chính phủ giao cương vị Giám đốc BQL của dự án quan trọng này. Ông đã đưa KTS Việt kiều Pháp Hồ Thiệu Trị, một người theo ông là tài năng, tinh tế, hiểu kiến trúc Pháp tham gia vào dự án này. Sau này KTS Hồ Thiệu Trị khẳng định "Nhà Hát Lớn là công trình lớn nhất đời tôi" và cuộc gặp gỡ với KTS Hoàng Đạo Kính là "bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kiến trúc của mình".

Sau hơn 2 năm làm cấp tập, những giá trị cơ bản về kiến trúc và mỹ thuật trang trí của người Pháp năm 1911 ở Nhà Hát Lớn vẫn được giữ nguyên vẹn. Đồng thời, gần 400 trăm tấn thiết bị điều hòa, âm thanh, ánh sáng, thiết bị vệ sinh được lồng ghép khéo léo đến nỗi không gian vẫn được giữ như cũ. Khi Tổng thống Pháp Jacques Chirac đến Hà Nội nhân Hội nghị thượng đỉnh này, vừa bước chân vào Nhà Hát Lớn, ông liền quay sang bắt tay Bộ trưởng Bộ Văn hóa  Nguyễn Khoa Điềm và nói: "Xin chúc mừng ông, ông đã có một cuộc trùng tu rất thành công".

Mạnh Cường (Bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do TT&VH phát động)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: