Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư KTS Hồ Thiệu Trị: "Nhà hát lớn Hà Nội là công trình vĩ đại nhất đời tôi"

KTS Hồ Thiệu Trị: "Nhà hát lớn Hà Nội là công trình vĩ đại nhất đời tôi"

Viết email In

Hình ảnh Hà Nội đẹp, nên thơ và sâu lắng đã bước qua tuổi trẻ của kiến trúc sư (KTS) Hồ Thiệu Trị chỉ qua những trang sách viết về Hà Nội. Nhưng cũng chính vì thế, câu chuyện của ông về công trình Nhà hát Lớn Hà Nội mới thật thú vị.

Theo ông, nó xuất phát từ tình yêu Hà Nội, nỗi nhớ quê hương của người con xa xứ và còn đến từ những cái duyên hết sức tình cờ.

Một lần đến Hà Nội

KTS Hồ Thiệu Trị sinh năm 1945 tại Kiên Giang, một vùng đất miền Tây Nam bộ và lớn lên tại Sài Gòn. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn năm 1974 và qua Pháp sống, làm việc từ năm 1979. Ông kể: “Thời còn trẻ, đất nước đang chiến tranh, 2 miền chia cắt. Tôi chỉ biết đến Hà Nội qua các tác phẩm văn học. Hà Nội trong tưởng tượng của tôi thật đẹp, lãng mạn và yên ả với 36 phố phường. Tôi khát khao được đến Hà Nội, được biến những gì trong trí óc trở thành hình ảnh hiện thực. Nhưng phải sau 10 năm xa quê hương tôi mới có 1 lần đến Hà Nội”.

  • Ảnh bên : Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị

Sau khi qua Pháp, đến năm 1989 ông Trị mới có dịp quay về quê hương. Ông chia sẻ: “Về quê hương và được đến Hà Nội lần đầu lòng tôi sung sướng, hạnh phúc khó tả. Những hồi ức của tuổi thơ tôi được gợi về rất nhiều và cảm thấy thật sự bình yên khi tôi bước chân dạo quanh bên bờ hồ Hoàn Kiếm, phố phường Hà Nội. Thời đó, thủ đô có rất nhiều xe đạp nhưng rất ít xe máy và ôtô. Cái ấn tượng mạnh mẽ, nhớ mãi trong tôi là dọc theo các tuyến phố Hà Nội là những bức tường vàng đóng rêu phong xanh ngắt, có rất nhiều cây cối bên đường phủ bóng mát dưới nắng vàng lung linh chứ không lạnh lẽo như ở bên Pháp. Thời đó, tôi đến phố cổ, cảnh buôn bán không nhiều như bây giờ, đa phần những cửa hàng mậu dịch của Nhà nước, thi thoảng thấp thoáng những bàn quán trà xanh nho nhỏ trước mái hiên nhà”.

Và những cuộc gặp gỡ tình cờ

Vào đầu 1994, sau khi hoàn thành chuyến công tác tại Thượng Hải (Trung Quốc) trên đường về Pháp, trong lúc ngồi chờ đổi vé tại sân bay, KTS Hồ Thiệu Trị lại thấy tấm panô quảng cáo du lịch Hạ Long - Quảng Ninh. Nỗi niềm nhớ quê hương, nhớ Hà Nội, nhớ lần đầu tiên được đi dưới hàng hoa sữa, nhớ giọng nói ngọt ngào của cô hàng nước, nhớ chén trà nóng… xâm chiếm tâm hồn ông, ông quyết định mua vé về Việt Nam thay vì trở về nước Pháp.

Về đến Hà Nội, ông tình cờ gặp lại người bạn học chung đại học năm xưa, KTS Nguyễn Thành Lân, để rồi ông lại được người bạn dắt đi tham quan những công trình kiến thúc độc đáo tại thủ Đô Hà Nội. Nhà hát Lớn Hà Nội tại Quảng trường tháng 8 là điểm tham quan đầu tiên của ông. Lúc đó, ông rất ngạc nhiên với công trình kiến trúc này: “Tôi bất ngờ khi thấy một công trình kiến trúc độc đáo, càng chiêm ngưỡng và đi vào trong nhà hát tôi càng thấy nó hao hao giống Nhà hát opera Garnier ở thủ đô Paris, Pháp. Nhưng công trình kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội lại bị xuống cấp trầm trọng, chân tường phủ đầy rêu phong, mái ngói có chỗ phải lợp tôn. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, đã hơn 80 năm thăng trầm với thời gian”.

Trong thời gian ở Hà Nội, cuộc gặp gỡ tình cờ thứ 2 mà ông cho là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp kiến trúc của mình, KTS Hồ Thiệu Trị được giới thiệu gặp một đồng nghiệp khác là KTS Hoàng Đạo Kính (con trai của nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy). Tại thời điểm này, KTS Hoàng Đạo Kính đang là Giám đốc BQL dự án “cải tạo, tu bổ Nhà hát Lớn Hà Nội”. Ông Trị nói: “Anh Kính là một người rất hiểu biết về kiến trúc và lịch sử của những công trình kiến trúc Hà Nội. Có thể nói, anh Kính là người đầu tiên gieo cho tôi những kiến thức quí giá về kiến trúc và sự hiểu biết về Hà Nội”. Và cũng từ sự gặp gỡ tình cờ của 2 con người từ 2 phương trời xa xôi, qua trao đổi, KTS Hoàng Đạo Kính rất cảm phục trước những hiểu biết về nét kiến trúc Pháp của KTS Hồ Thiệu Trị và mong mỏi ông tham gia vào “dự án cải tạo Nhà hát Lớn” để đóng góp công sức cho đất nước.

Lời đề nghị tưởng chừng như rơi vào quên lãng nếu không có một ngày... KTS Hồ Thiệu Trị nói: “Mình đã gần như quên mất đi một lời hứa với người bạn và điều nhận ra được sau cùng là mình được làm một công việc cực kì quan trọng trong cuộc đời mình, đóng góp cho quê hương đất nước”.

Công trình vĩ đại nhất đời tôi

Trở về Pháp, một thời gian dài lao đầu vào những công việc còn dang dỡ, ông đã nhận được một bản fax từ Việt Nam. Tác giả bản fax là KTS Hoàng Đạo Kính, nội dung bức thư nhắc lại lời đề nghị tham gia dự án. KTS Hồ Thiệu Trị đã đồng ý ngay và tập trung toàn bộ thời gian để thực hiện, ông đã đi tới Viện lưu trữ Đông Dương, tại tỉnh Aixen Provence cách thủ đô Paris hơn 800km. Tại đó, ông đã tìm được nhiều tài liệu về Nhà hát Lớn mà Pháp đã xây dựng trước đây để làm tài liệu phục vụ cho dự án thiết kế của mình. Trong quá trình tìm kiếm, KTS Hồ Thiệu Trị còn tìm thấy những bài báo dấy lên sự tranh cãi về việc tại sao chính phủ Pháp thời đó dám bỏ ra 2 triệu quan tiền Đông Dương (một số tiền rất lớn lúc bấy giờ) để xây dựng Nhà hát Lớn tại Hà Nội. Ông nói: “Mọi tư liệu, kể cả những thông tin ủng hộ hay bài xích việc xây Nhà hát Lớn tại Hà Nội vào năm 1901 trên tờ báo Pháp đều là những dữ kiện quí giá cho tôi thực hiện dự án thiết kế của mình”.

Sau 2 tháng ròng, dồn hết tâm huyến vào dự án này, năm 1995 KTS Hồ Thiệu Trị đã ôm khệ nệ một valy có trọng lượng 50 kg đựng vật liệu mẫu gồm: đá, rèm màu, gạch ghép mosaic, dát vàng… và hàng chục tấm panô bản vẽ từ Pháp về Hà Nội để bảo vệ đề tài thiết kế của mình. Ông nhớ lại: “Nơi tôi bảo vệ đề tài là ngay tại Nhà hát Lớn, có đến 40 – 50 người là thành viên trong hội đồng đến từ nhiều bộ, ngành. Tôi còn nhớ lúc ấy là ông Trần Hoàn – Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin cũng nằm trong hội đồng. Qua hàng loạt những câu hỏi phản biện, tôi đã bảo vệ tốt dự án thiết kế của mình và được chấp thuận dự án thiết kế 1 tháng sau đó. Lối kiến trúc của tôi là sự pha trộn của nét kiến trúc Pháp và phương Đông, có thể gọi là kiến trúc “thuộc địa”.

Tuy nhiên, về tổng thể từ bên ngoài cho đến bên trong nhà hát đều mang đậm nét kiến trúc Pháp và thi thoảng xuất hiện một số chi tiết mang lối kiến trúc phương Đông như: Một số chi tiết hoa văn trên mảng tường, cánh cửa, hệ thức cột, dùng gốm sứ đắp ngoài mặt tiền nhà hát… mà vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc Pháp của công trình này
”. Ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội, KTS Hồ Thiệu Trị còn thiết kế nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như: Trung tâm Chiếu phim quốc gia ( 87 Láng Hạ, Hà Nội), Trung tâm Ngôn ngữ Văn minh Pháp L’ Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội), Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh (Hạ Long, Quảng Ninh), Khu Nhà khách Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, Khu Trung tâm Hành Chính Tỉnh uỷ Hậu Giang, Trung tâm Triển lãm & Hội nghị quốc tế TP.HCM… Ông đã được trao nhiều giải thưởng cao quí của Pháp và của các Bộ, ngành Việt Nam cho các đề án, phương án kiến trúc.

Kết thúc câu chuyện về dự án cải tạo nhà hát lớn Hà Nội, KTS Hồ Thiệu Trị nói: “Mất 2 năm dưới sự giám sát của tôi và bàn tay khéo léo của khoảng 100 nhân công, đến năm 1997 công trình cải tạo Nhà hát Lớn Hà Nội hoàn thành, đối với tôi đây là một công trình vĩ đại nhất trong đời. Tôi đã làm không chỉ đơn giản là lời hứa với người bạn, mà đó còn là một trách nhiệm, nghĩa vụ đối với quê hương và tình yêu Hà Nội trong trái tim tôi”.

Điền Minh (Bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do TT&VH phát động)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo