Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư KTS Mai Thế Nguyên: Một người Hà Nội tham gia thiết kế hoàng cung Na Uy

KTS Mai Thế Nguyên: Một người Hà Nội tham gia thiết kế hoàng cung Na Uy

Viết email In

Mai Thế Nguyên là người sở hữu nhiều câu chuyện lạ. Lạ không chỉ vì ông đã từng tham gia thiết kế hoàng cung Na Uy, không chỉ vì ông đã từng phiên dịch cho Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Thị Bình và Thủ tướng Phạm Văn Đồng... mà còn bởi nhiều điều khác nữa.

Mẹ hiến vàng cho cách mạng, con làm thuê ở Pháp để có tiền đi học

Chẳng mấy ai biết Mai Thế Nguyên từng là cậu ấm trong một gia đình buôn tơ lụa giàu có nổi tiếng ở phố cổ Hà Nội. Mẹ ông - bà Vương Thị Lai góa chồng từ năm 28 tuổi nhưng một mình nuôi năm người con ăn học đàng hoàng và gây dựng cửa hàng tơ lụa Lợi Quyền ở 27 phố Hàng Ngang ngày càng phát đạt.

Khi cách mạng tháng Tám thành công, bà Vương Thị Lai đóng góp 109 lạng vàng cho cách mạng trong Tuần lễ vàng đầu tiên ở Hà Nội. Chính vì thế, ngày 10 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà Vương Thị Lai  chiếc huy chương  hình ngôi sao bằng vàng.

Một tấm huy chương đặc biệt - quà tặng của Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi biếu Bác Hồ. Bác nói: “Với tấm huy chương này, bà Vương Thị Lai là đại biểu cho lòng hăng hái và hy sinh của người phụ nữ Việt Nam”.

Bà Lai tỏ ra rất xứng đáng với tấm huy chương ấy. Sau đó người phụ nữ này còn tiếp tục đem vàng, tiền xây dựng nhà máy giầy Thụy Khuê, nhà máy dệt khăn mặt, mua thóc ủng hộ quỹ cứu đói, ủng hộ bộ đội, giúp tự vệ thành trong những ngày vô vàn gian khó đầu năm 1946. 

Trong khi đó, hai người con trai của bà Vương Thị Lai đang học ở Pháp đã phải tự đi làm thuê để trang trải cuộc sống.

Mai Thế Nguyên vừa học vừa đi rửa bát thuê trong nhà hàng Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp cử nhân về  khoa học tự nhiên, chàng trai này học tiếp ngành dược và khi đang sắp sửa lấy được bằng tiến sỹ thì lại bỏ ngang vì cảm thấy mình không hợp.

Thế rồi, Nguyên xin được học bổng 1,5 năm để vào học ở Viện Nghiên cứu cao su của Pháp. Nghỉ hè, Nguyên sang Na Uy chơi và hết cả tiền nhưng may mắn xin được việc làm thêm trong một cơ quan kiến trúc. Nguyên làm việc chăm chỉ và tỏ ra rất có năng khiếu về kiến trúc nên được ông chủ quan tâm.

Lần ấy, ông dẫn chàng trai Việt Nam này về quê chơi, hai người ngồi ở một rừng thông xanh mướt. Trước khung cảnh thiên nhiên yên bình của xứ Bắc Âu, Nguyên tâm sự: “ Tôi phải về Paris  xin việc nhưng ngại vì ở đó ồn ào quá”. Ông chủ gợi ý: “Sao anh không học kiến trúc ở Na Uy, tôi thấy anh thông minh, có tài”.

Chỉ ít lâu sau,  Mai Thế Nguyên đã được nhận vào học ở trường kiến trúc  danh tiếng nhất  Oslo- Thủ đô Na Uy.

Đến năm 1969, vốn liếng  tiếng Na Uy của Nguyên đã hoàn thiện đến mức đủ để làm một đồ án tốt nghiệp giới thiệu về truyền thống kiến trúc Việt Nam.

Luận văn ấy kể về những ngôi nhà cổ ở Bắc Bộ, giải thích vì sao chùa chiền lại thường được làm trên núi cao nhưng bao trùm lên tất cả những hiểu biết về kiến trúc ấy là niềm thương nỗi nhớ Tổ quốc đang ngập chìm trong khói lửa chiến tranh của một người con xa xứ.

Phở Hà Nội và “tổng lãnh sự Việt Nam” tại Na Uy

Khói lửa chiến tranh ấy dường như đã khiến đất nước Na Uy lạnh giá “nóng” lên bởi những cuộc biểu tình lên án Mỹ xâm lược Việt Nam.

Đó là những cuộc biểu tình lớn nhất xứ Bắc Âu, trong đó người dân hô vang khẩu hiệu “Hòa bình cho Việt Nam” “Chiến thắng cho FNL” (Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). Bài “Giải phóng miền Nam” được dịch ra tiếng Na Uy để hát trong những cuộc  biểu tình và trở thành một bài “Quốc tế ca” thứ hai của những năm tháng ấy.

Mai Thế Nguyên thường kiệu trên vai mình một cậu bé và đi đầu trong các biểu tình khổng lồ ở Oslo, ngay cả vào các ngày băng giá nhất. Cậu bé ấy là Stoltenberg sau này đã hai lần trở thành Thủ tướng Na Uy.

Và giờ đây, thỉnh thoảng đi trên đường phố Oslo, Mai Thế Nguyên vẫn gặp ngài đương kim thủ tưởng đang đi xe đạp. Họ chào nhau và nếu có thì giờ thì dừng lại hàn huyên tâm sự.

  • Ảnh bên : KTS Mai Thế Nguyên với cuốn sách vừa xuất bản, chụp tại căn hộ riêng của ông ở phố Núi Trúc, Hà Nội (Ảnh: Lan Anh)

Đang mạch câu chuyện, ông Nguyên đứng dậy, lấy một chiếc khuy áo có in hai màu cờ xanh đỏ, đưa cho tôi xem: “Đấy là chiếc khuy áo trên đó có dòng chữ “Chiến thắng cho FNL” mà ngày ấy, những người Na Uy biểu tình chống chiến tranh Việt Nam đều đeo trên ngực áo.

Năm 1972, ngôi sao điện ảnh Jane Fonda đến Na Uy để tham gia tuần hành biểu tình chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Khi  Tổng thống Nixon ra lệnh cho máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, Mai Thế Nguyên lúc đó đang làm cộng tác viên ở phòng thông tin đã báo ngay cho Jane Fonda và nhờ đó họ đã tiến hành ngay một cuộc họp báo lên án hành vi tàn bạo đó.

Nhận lời mời của phong trào Việt Nam ở Na Uy, tháng 6/1970, bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Hội nghị Paris của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam đã sang Na Uy. Nhờ chuyến đi này, Chính phủ Na Uy  đã cho phép Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN thành lập phòng Thông tin (PTT) tại Oslo vào tháng 8/1970.

Mai Thế Nguyên lúc ấy đang làm việc cho một công ty kiến trúc với mức lương hậu hĩnh nhưng lại xin nghỉ để  làm cộng tác viên cho PTT  mà không hề nhận một đồng thù lao nào.

Gọi là cộng tác viên, nhưng người đàn ông này đóng vai trò như một cán bộ ngoại giao của ta khi đi khắp Bắc Âu để phiên dịch cho  Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình. Trong thời gian Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm và làm việc tại Na Uy, ông cũng đã phiên dịch cho người đứng đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lúc ấy.

Hồi đó nhà Mai Thế Nguyên ở ngay gần cung điện của nhà vua Na Uy và nơi này đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều cán bộ ngoại giao Việt Nam. Hầu hết các đoàn ngoại giao của Việt Nam đến Na Uy thời gian ấy đều ở ngôi nhà này.

Rồi các đoàn ngoại giao của Lào, Cu Ba...cũng xem đó như một nơi thân tình nồng ấm ở xứ Bắc Âu lạnh giá để lưu lại. Và hầu như bất cứ một vị khách nào đến ngôi nhà đó đều được Mai Thế Nguyên tiếp đãi bằng món phở Hà Nội do tự tay ông nấu. Bát phở Hà Nội nấu ở xứ Bắc Âu  không đầy đủ gia vị như ở quê nhà  mà khiến cho khách lẫn chủ cứ rưng rưng...

Những ai đã may mắn được vào khu bếp, phòng ăn, phòng trà của Đức vua và Hoàng hậu Na Uy trong hoàng cung có thể không biết rằng quần thể kiến trúc sang trọng hoành tráng này do Mai Thế Nguyên tham gia thiết kế. Mai Thế Nguyên còn tham gia thiết kế nhiều công trình lớn của đất nước Na Uy như Thư viện của đại học Quốc gia, Ngân hàng  Quốc gia...

Cô dâu Na Uy mặc áo dài

Trong những ngày tháng  làm cộng tác viên ở PTT, Mai Thế Nguyên đã gặp và yêu một người phụ nữ Na Uy tên là Liv Heidrun  và sau đó họ đã kết hôn và sống với nhau hạnh phúc cho đến bây giờ. Người con dâu Việt nam này đã về quê chồng nhiều lần với một tình yêu Việt Nam dường như đã ngấm vào máu thịt. Lần về Việt Nam ra mắt mẹ chồng cách đây đã 20 năm rồi, bà bí mật đi may một bộ áo dài.

Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, bà vào phòng vệ sinh thay đồ và khi trở ra Mai Thế Nguyên đã ngạc nhiên trong xúc động khi thấy vợ mình trong bộ áo dài truyền thống. Trong trang phục lạ lẫm, bà Liv Heidrun căng thẳng quá, gọi một cốc cafe để trấn tĩnh lại nhưng khi bưng cafe lên tay, bà run run để cafe đổ xuống bộ áo dài. Khi gặp mẹ chồng, bà vẫn mặc nguyên chiếc áo dài ấy, không nói được câu nào, chỉ cầm lấy tay mẹ và khóc.

Ông Nguyên thắp nến trong căn hộ nhỏ ở gần hồ Giảng Võ và nói: “Năm nay tôi ở lại Việt Nam ăn Tết. Còn vợ con vẫn đang ở bên Na Uy”. Căn hộ này ông Mai Thế Nguyên bao nhiêu lần “vội vã trở về, vội vã ra đi” mới mua được để có chỗ đi về.

Ấy vậy mà, ngày ấy, mẹ ông đã hiến cho Nhà nước biết bao nhiêu là nhà và đất, toàn là những “khu đất vàng” theo ngôn ngữ bây giờ. Có những lúc ông đã thẫn thờ tìm về những căn nhà xưa, đứng ngoài nhìn, nước mắt rưng rưng nhớ hình bóng mẹ...

Ông dự định những năm tuổi già sẽ sống nhiều ở Việt Nam để đóng góp những hiểu biết về  kiến trúc của mình cho đất nước. Thời gian này, ông đang làm cuốn sổ tay kiến trúc Hà Nội xưa và nay với mong muốn  giới thiệu những nét kiến trúc độc đáo của Hà Nội với bạn bè quốc tế. 10 năm nay, với vai trò Ủy viên MTTQ Việt Nam, ông đã bay qua bay lại giữa Việt nam và Na Uy ít nhất mỗi năm một lần.

Mỗi lần về ông lại thấy Hà Nội đổi khác đến giật mình. Hà Nội ngày càng có nhiều nhà cao tầng hơn nhưng để kiến trúc thủ đô đi vào quỹ đạo của những chuẩn mực kiến trúc là điều Mai Thế Nguyên đang trăn trở nhưng ông thấy khó hơn cả việc thiết kế hoàng cung Na Uy.

Phùng Nguyên (Viết về Người Hà Nội - báo Thể thao & Văn hóa)

>> Về những người đặc biệt trong một gia đình họ Mai 

 

Lời bình  

 
+1 # cong bang 15/10/2010 10:16
bai viet hay va xuc dong , toi doc cung rung rung nuoc mat , kham phuc mot con nguoi xa xu lau nam van giu duoc coi nguon , ong phai the nao ma vo ong ve Vn lan dau lai tu nguyen va bi mat mac ao dai
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo