Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Đường hoa Nguyễn Huệ: Góc nhìn mới trên không gian cũ

Đường hoa Nguyễn Huệ: Góc nhìn mới trên không gian cũ

Viết email In

Mỗi độ Xuân về trong nắng ấm Sài Gòn, con đường Nguyễn Huệ lại trở thành không gian văn hóa, lễ hội, thu hút từng dòng người kéo về thưởng Xuân, ngắm hoa, chụp ảnh.

Hoa, cao nguyên, đồng bằng và… hổ!

Năm nay là năm thứ tư liên tiếp, nhóm kiến trúc sư thuộc thế hệ 8X đang công tác tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thực nghiệm Kiến trúc & Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM được nhà tổ chức chọn để thiết kế đường hoa.

Nữ kiến trúc sư Phạm Thị Ái Thủy trẻ nhất nhóm nhưng lại là người chủ trì thiết kế ý tưởng đường hoa năm nay. Cô cho biết cái khó nhất là làm sao tạo được sự khác biệt với cách thể hiện của những năm trước nhưng vẫn đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của người thưởng ngoạn.

  • Ảnh bên : Đông đảo người dân du xuân trên đường hoa Nguyễn Huệ tết Kỷ Sửu (Ảnh: Lê Toàn)

Năm Canh Dần, năm con hổ! Mà hổ thì sống ở núi rừng. Do vậy, đường hoa năm nay mang màu sắc của cao nguyên với tre, gỗ, đồi đá, guồng nước, gùi hoa, ô ruộng… Tuy nhiên, KTS Ái Thủy cho biết cũng không thể bỏ qua tâm lý “nhớ thương đồng quê” của đông đảo người dân ở các tỉnh đồng bằng.

Vì vậy, vẫn có một “góc quê hương” với ao sen, ghe xuồng, lưới vó, chõng tre, cầu khỉ, ụ rơm, lúa vàng… Nhà thiết kế cho rằng nhiều người nhập cư thành phố không có điều kiện về quê đón Tết hoặc Việt kiều về nước luôn có nhu cầu sống lại miền ký ức về những khung cảnh làng quê vùng đồng bằng. Khách du lịch nước ngoài qua đó cũng biết thêm về sắc màu cuộc sống thôn quê Việt Nam.

Cũng theo nhóm thiết kế, cách trưng bày hoa năm nay sẽ được thể hiện lạ mắt và thuận tiện hơn cho khách du xuân với việc đưa các tiểu cảnh hoa lên cao để khách dù đứng khá xa vẫn có thể ngắm rõ hoặc chụp ảnh được, thay vì phải chen lấn đến tận nơi.

Các tiểu cảnh hoa thể hiện bằng hình ảnh những con sóng, mái nhà rông, đồi hoa, trái tim, đôi giày… Ở đoạn cuối của đường hoa, phía giáp bến Bạch Đằng, những cơn sóng hoa tạo hình tượng con rồng ngậm quả châu khổng lồ hướng đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Người “có duyên” suốt bốn năm qua trong việc thiết kế các loài vật cầm tinh trong năm mới là nghệ nhân Nguyễn Minh Phương. Ông Phương và các cộng sự suốt hai tháng qua đã dành nhiều thời gian để tìm tòi tư liệu về tranh vẽ các loài hổ ở Việt Nam.

  • Ảnh bên : Nghệ nhân Nguyễn Minh Phương đang tạc tượng hổ để trang trí đường hoa Nguyễn Huệ xuân Canh Dần (Ảnh: Uyên Viễn) 

Ông nhận xét khi đến các ngôi đình xem các bức phù điêu hay tranh vẽ hổ, nghệ nhân đời trước thể hiện tính cách con hổ tuy uy mãnh nhưng lại không có vẻ gì là đe dọa người. Thậm chí, có khi nó còn như muốn bảo vệ dân lành lúc gặp nguy nan. Đây chính là ý tưởng để ông Phương và các cộng sự trang trí “linh vật” năm nay phù hợp với chủ đề “Xuân yêu thương, hội tụ”.

Ông Phương cho biết thêm những hình tượng hổ trang trí trên đường hoa năm nay được làm bằng sơn mài, vật liệu làm nên những sản phẩm văn hóa truyền thống lâu đời nhưng nay đang có xu hướng bị lãng quên! “Hy vọng hình thượng con hổ xuất hiện tại không gian lễ hội Tết năm nay góp phần khơi gợi lại sự yêu mến những sản phẩm mỹ thuật sơn mài, góp phần phục hưng nghề sơn mài truyền thống của Việt Nam”.

Kỳ vọng sự hội tụ ý tưởng

Đường hoa đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết, mang tính rộng mở bởi nhu cầu thụ hưởng của hàng triệu người dân. Việc đường hoa mỗi năm đều phải được nhìn nhận là mới mẻ hơn những năm trước đã trở thành sức ép lớn cho những người tổ chức. Ông Trần Hùng Việt, Phó tổng giám đốc Saigontourist, Trưởng ban tổ chức lễ hội Tết Canh Dần, cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến nhiều loại nhu cầu của người thưởng ngoạn, từ quay phim chụp ảnh cho đến việc thưởng lãm văn hóa truyền thống dân tộc được thể hiện ở các không gian lễ hội”.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến lo ngại việc tổ chức đường hoa dễ đi vào sáo mòn, dần dà kém thu hút. Ông Cao Lập, nguyên giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, cho rằng những năm tới, đường hoa nên có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội để tạo nên sự “trao đổi chất” cần thiết, nếu không sẽ thiếu những ý tưởng mới mẻ. “Điều cần nhất là đổi mới lực lượng thiết kế”. Mặt khác, ông cũng cho rằng, những năm vừa qua, sự xuất hiện hình ảnh con vật biểu tượng của năm chưa thấy được tính toán kèm theo những sản phẩm lưu niệm hoặc những bộ sưu tập liên quan mật thiết đến những giai thoại về linh vật đó.

Trong khi đó, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, gợi ý: “Lễ hội là không gian tụ hội những nét văn hóa truyền thống, liên quan đến nhiều thành phần xã hội. Chúng ta có nhiều lễ hội dân gian tồn tại được hàng trăm năm nay là nhờ mọi người, mọi thành phần, mọi lứa tuổi, ai cũng được tham gia, góp sức. Nay với lễ hội Tết, đường hoa cũng nên được phân ra thành nhiều đoạn để đông đảo thành phần trong xã hội có điều kiện thi thố tài năng. Có “sân chơi lẻ”, có “sân chơi chung” và mọi sự đóng góp đều phải được trân trọng”.

- Đường hoa bắt đầu thi công từ ngày 3-2-2010, chính thức đón khách từ ngày 28 tháng Chạp đến hết mùng 4 Tết (11-2 đến 17-2-2010).

- Tổng chi phí tổ chức lễ hội Tết khu vực trung tâm TPHCM trên 10 tỉ đồng (gồm đèn trang trí, chiếu sáng các đại lộ; pháo hoa đêm giao thừa, lễ hội bánh Tét…). Riêng đường hoa Nguyễn Huệ chiếm khoảng 4 tỉ đồng.

- Có hơn 120.000 giỏ hoa tươi được đặt mua. Nhiều loại hoa, cây cảnh khác được thuê, mượn từ các doanh nghiệp kinh doanh cây cảnh khu vực miền Đông Nam bộ.

- 13 doanh nghiệp tài trợ kinh phí tổ chức đường hoa: Công ty CP Kinh Đô; Công ty PepsiCo Việt Nam; Công ty Liên doanh Nhà máy bia Việt Nam; Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist; Công ty CP Đầu tư An Đông (Windsor Plaza Hotel); Công ty CP Đầu tư Quảng trường Thời đại (Timesquare VN); Công ty CP Đại Trường Sơn (GTS); Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific); Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát; Công ty TNHH Thời trang & Mỹ phẩm Duy Anh; Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ lữ hành Phú Thọ; Công viên Văn hóa Đầm Sen; Làng Du lịch Bình Quới.

- Trang web www.duonghoanguyenhue.com 

Uyên Viễn - Đào Loan
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo