Ashui.com

Friday
Jan 17th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Phương án giải Nhất cuộc thi quy hoạch, kiến trúc Cụm nút giao thông - đường dẫn lên cầu Hòa Xuân, Đà Nẵng

Phương án giải Nhất cuộc thi quy hoạch, kiến trúc Cụm nút giao thông - đường dẫn lên cầu Hòa Xuân, Đà Nẵng

Viết email In

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng mới đây đã tổ chức công bố kết quả và trao giải Cuộc thi tuyển phương án quy hoạch, kiến trúc cụm nút giao thông Lê Thanh Nghị - Cách Mạng Tháng Tám - Thăng Long - đường dẫn lên cầu Hòa Xuân.

Cuộc thi được phát động từ ngày 19/5/2024, thu hút sự tham gia của 7 đơn vị, trong đó có 5 liên danh trong nước. Các đơn vị tham gia có 45 ngày, từ 10/6 đến 31/7/2024 để hoàn thiện bài thi. Sau khi thời gian nộp bài kết thúc, Ban Tổ chức nhận được 11 bài dự thi từ các đơn vị đăng ký.

Kết quả cuộc thi: Liên danh Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam và Công ty CP Tư vấn Xây dựng T&D Việt Nam và Công ty TNHH Thiết kế Kiến trúc NH VILLAGE và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hòa Phong E&C với phương án dự thi có mã số NS24 giành được giải Nhất và giải thưởng Cộng đồng.

Ashui.com giới thiệu tới bạn đọc nội dung phương án thiết kế này:

Cầu Hòa Xuân [Núi & Sông Hòa Nhịp]

“Bản hòa ca của Núi và Sông trên dòng Cẩm Lệ”

TÓM TẮT Ý TƯỞNG THIẾT KẾ 

1. Bối cảnh và tầm nhìn:

- Đà Nẵng đã và đang là một thành phố ven sông, với những cây cầu đẹp kết nối hai bờ, những hoạt động du lịch diễn ra tấp nập. Các sự kiện, lễ hội lớn của thế giới và đất nước đã diễn ra ở Đà Nẵng;
- Đà Nẵng cũng là nơi có phong cảnh thiên nhiên đặc sắc, đặc biệt là nơi cuối nguồn, giao nhau của những rặng núi dòng sông, đã đi vào tiềm thức của người dân Đà Nẵng và du khách;
- Đà Nẵng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, là một trong những cái nôi của văn hóa Champa đặc sắc, đặc biệt là di tích Chăm Phong Lệ, một di tích được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc sông Cẩm Lệ;
- Khu vực Hòa Xuân đang là khu vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Cầu Hòa Xuân và tổ hợp nút giao sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển, đồng thời sẽ là điểm nhấn Kiến trúc và cảnh quan cho khu vực, một biểu tượng mới cho sự đổi mới phát triển, viết tiếp câu chuyện thành công về những cây cầu ven sông ở Sông Hàn trong sự phát triển của thành phố.

2. Ý tưởng kiến trúc:

Núi Sông hòa nhịp, như một bản hòa ca của Núi và Sông trên dòng Cẩm Lệ, trở thành biểu tượng mới cho khu vực.

- Cây cầu được thiết kế với kết cấu hình thành những hình núi đan xen tiếp nối đường cong vòm tạo lên một bản giao hòa giữa Núi và Sông, lấy cảm hứng những yếu tố thiên nhiên đại diện cho chính khu vực và vị trí nơi đây. Sự giao hòa ở đây còn là biểu tượng cho sự giao hòa giữa thiên nhiên & con người, giữa các nền văn hóa, giữa không gian cũ và không gian mới
- Ngoài các đề xuất về Tổ chức giao thông cơ giới giảm ùn tắc cho nút giao, Phương án thiết kế còn đề xuất kèm hệ thống Giao thông Xanh để cây cầu trở lên thân thiện với người dân và du khách.
- Màu chủ đạo của cây Cầu là màu Hồng Phù Sa, lấy cảm hứng từ những viên gạch của di tích Chăm Phong Lệ, tượng trưng cho màu của những hạt đất phù sa đã bồi đắp lên vùng đất từ bao đời, một lần nữa nhấn mạnh sự giao hòa ấy tạo nên hình tượng cho sự trù phú của khu vực.

Cầu được xây mới với kết cấu Cầu vòm thép một nhịp, Khổ thông thuyền: B>30, H=6m; Quy mô 6 làn, mỗi chiều 3 làn gồm 2 làn ôtô 2x3.5(m) và một làn hỗn hợp 4(m). Hai bên có vỉa hè rộng B⩾4 (m) kết hợp đường đi bộ và xe đạp.

3. Giao thông Xanh và thiết kế cảnh quan:

Với tầm nhìn Đà Nẵng sẽ là thành phố tiên phong trong việc khuyến khích và phát triển Giao Thông Xanh như các thành phố phát triển trên thế giới, thiết kế đề xuất kèm xây dựng hệ thống đường đi bộ và xe đạp rộng rãi để khuyến khích người dân tập thể thao, sử dụng các phương tiện giao thông xanh như xe đạp và đi bộ.

Đề xuất làn Giao thông Xanh.

- Khu vực đầu cầu phía Thăng Long: Khu vực này sẽ được thiết kế là điểm dừng chân, làm tiền đề cho sự hình thành bộ mặt của khu đô thị ven sông trong tương lai với các tuyến xe đạp và đi bộ kết nối hai bờ. Đường ven sông này sẽ kết nối liên tục tới bờ sông Hàn phía trung tâm thành phố, vừa là nơi vui chơi cho người dân xung quanh, vừa là trạm dừng chân (có bố trí các bãi đất trống lớn để xe đạp, xe máy…) phục vụ cho người dân thành phố trong các sự kiện ở khu vực, các lễ hội đua thuyền, trình diễn ánh sáng trong tương lai có thể diễn ra.

- Khu vực đầu cầu phía Nguyễn Phước Lan: Công viên phục vụ người dân quanh khu vực và các sự kiện lễ hội trong tương lai, có bãi gửi xe đạp công cộng kèm theo.

4. Thiết kế chiếu sáng:

Chiếu sáng cầu không chỉ đảm bảo an toàn về giao thông mà còn mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ, tạo biểu tượng mới góp phần quảng bá địa phương và thu hút du lịch.

Các hiệu ứng Chiếu sáng không chỉ làm nổi bật các chi tiết kiến trúc mà còn có thể làm thay đổi diện mạo công trình vào ban đêm, biến cây cầu thành tâm điểm chú ý các thường ngày và các dịp sự kiện lễ hội.

- Hệ thống Led Pixel ở vòm thép kết hợp đèn spotlight chiếu từ dưới lên không chỉ nhuộm màu cây cầu mà còn làm nổi bật dáng núi, dáng sông nối tiếp trên cầu; thì thầm câu chuyện về sông núi Đà Nẵng.

- Hiệu ứng Pixel vẽ các hoa văn đặc trưng của thổ cẩm Chăm lên vòm cầu. Cả cây cầu như một chiếc khăn thổ cẩm nhẹ nhàng mềm mại, tỏa sáng trên dòng Cẩm Lệ.

Và các hiệu ứng sẽ được lập trình riêng khác tạo lên sự sống động cho cây cầu.

[xem thêm ở file đính kèm]

NH VILLAGE architects

Attachments:
Download this file (Thuyet-minh-NS24-min.pdf)Thuyet-minh-NS24-min.pdf[Thuyết minh tóm tắt phương án mã số NS24]10842 Kb

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo