Ashui.com

Saturday
Dec 07th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Nhà cửa & Con người của Đoàn Thanh Hà

Nhà cửa & Con người của Đoàn Thanh Hà

Viết email In

LTS: Sáng 27/3 vừa qua, tọa đàm và ra mắt cuốn sách "HOUSES & PEOPLE (Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người)" đã được tổ chức tại L’Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Sách tập hợp các dự án và công trình kiến trúc vì cộng đồng mà H&P Architects đã thực hiện trong giai đoạn 2008- 2020. Hầu hết các tác phẩm này, cũng như tác giả của chúng - KTS Đoàn Thanh Hà - đã giành được những giải thưởng kiến trúc danh giá trong nước và quốc tế. Ashui.com đăng lại lời tựa của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính trong cuốn sách giới thiệu đến bạn đọc.

Nhà cửa & Con người của Đoàn Thanh Hà

Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà, cũng như các đồng nghiệp cùng trang lứa, ít được giao thiết kế những công trình lớn. Thậm chí, Thanh Hà thường được giao hoặc, đôi khi, tự nhận làm những công trình siêu nhỏ. Nhỏ đến mức chẳng mấy ai đoái hoài đến, bởi thiết kế phí nhỏ nhoi, bởi đi lại tốn kém, mà việc đầu tư cho đồ án lại không thể qua quýt được.

Lạ thay, biết vậy, Thanh Hà vẫn cứ lao vào làm, nhọc nhằn - say sưa - tìm tòi, đau đầu và tốn sức y hệt như với những đồ án lớn. Với những đơn đặt hàng siêu nhỏ ấy, dường như Thanh Hà chiếm đoạt cho mình một khoảng trời, mệnh danh là Tự do sáng tạo.

Xem tập hợp 25 đồ án, đã và chưa thực hiện, rải rác đâu đó ở các làng quê và thành thị - nhận ra: Anh đã gắng gỏi đến nhường nào với cái tự do khan hiếm ấy và anh đã gặt hái những gì từ mảnh đất tự do hạn hẹp ấy.

Tổ ấm nở hoa” và “Nhà tre nổi”, - những giải pháp giản đơn cho những nếp nhà thôn quê trong cuộc ứng phó cộng sinh với Thiên nhiên trái tính. Nhà hoàn toàn bằng tre, đặt trên vài cái thùng phuy ghép lại. Nhà nhẹ tâng, tre rỗng, mỗi đốt như những cái phao cỏn con, lại rất sẵn. Thanh Hà dụng tre thuần thục như người thợ đan lát - những tấm mái che, những tấm vách, chắp ghép lại bởi thân và nan tre, cùng tạo ra một thứ ngôn ngữ kiến trúc tre mới lạ. Sau Võ Trọng Nghĩa, tưởng chừng tre đã cạn lời,...

Vườn vệ sinh” và “Vườn vệ sinh 2” – các nhà tư vấn kiến trúc chẳng dễ gì mà gọi là dự án, là đơn đặt hàng. Công trình phức hợp vệ sinh ở mãi miền ngược, không nước máy và không điện, thuộc những trường tiểu học dạy trẻ dân tộc, lại thêm một cái “không” nữa - là thiết kế phí. Ấy vậy, Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà đã nằm vùng cả tháng để sản sinh ra cái tác phẩm (vì sao không gọi là thế?) nhìn thật hồn nhiên, thật miền núi, và đặc biệt hơn cả, là thật sự sinh thái với đầy đủ dấu hiệu nhận biết. Đó là vật liệu đa phần tự nhiên, đó là dây chuyền tuần hoàn, đầu vào - đầu ra, khép kín.

Nhà biết cách thở”, “Cái hang gạch”, “Động nhiệt đới”, “Không gian ngói”,.. là cả một series thử nghiệm của Đoàn Thanh Hà về phương diện giải thoát nơi ăn ở của người đời khỏi những cái “hộp khép kín - tiện nghi nhân tạo”, để đến với sự thở tự nhiên, cần cho cơ thể sinh học của ta, như rau xanh đối nghịch với đồ hộp. Không gian thông tầng - nhiều lớp bao che - hành lang - mành mành bao phủ và, dĩ nhiên, cây xanh. Viên gạch và viên ngói, tự chúng là vậy thôi, song kiến trúc sư đã dám biến chúng thành những cái áo choàng, mà chưa nhà tạo mốt nào bạo gan thử khoác lên những ngôi nhà.

Trong các đồ án “Cánh đồng mơ ước”, “Tổ ấm ruộng”, “Tổ khuyến nông”,.. Đoàn Thanh Hà không chỉ đem cây cỏ ghép trồng vào trong và ngoài ngôi nhà như nhiều kiến trúc sư khác, anh còn gợi ý gieo cấy lúa trên những khay bê tông - mái nhà bậc thang,.. Có vẻ như kiến trúc sư đã thính nhạy với dự cảm vị lai - sẽ đến thời hoặc khan hiếm đất làm ruộng hoặc phải đem cây lúa đến tận nhà cho trẻ em biết cơm có từ đâu. Lạy trời - để nhân loại rồi sẽ biết bẻ lái kịp thời, và cái tương lai ảm đạm kia sẽ không đến.

Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà trình bày 25 hình vẽ mặt bằng các công trình của mình. Có cảm tưởng rõ ràng là anh vẽ nên những kiến trúc này từ sự thâm nhập vào cốt lõi công năng, từ sự hiểu và cảm vật liệu, từ những cảm hứng chuyên biệt - chứ không từ lối nghĩ công trình phải đi ra từ hình tượng nọ, đồ vật kia. Mỗi sáng tác của anh, có thể ung dung gọi như vậy, có một hình thể và một diện mạo duy nhất. Tập hợp các đồ án minh chứng nhận xét này. Đoàn Thanh Hà hiểu thấu vật liệu, dụng đúng chỗ, phát lộ đầy đủ cái quý và cái riêng của từng thứ. Đặc biệt anh làm chủ và thể hiện điêu luyện các cấu trúc và chi tiết kiến trúc. Kiến trúc sư Mies van der Rohe đã chẳng nói: “Chi tiết là thượng đế của cái đẹp kiến trúc”.

Những đốt tre, thân tre vốn nổi trên mặt nước dâng. Còn Đoàn Thanh Hà là người kết chúng lại thành bè, để đi tới đích.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

Cuốn sách "HOUSES & PEOPLE (Đoàn Thanh Hà: Nhà cửa & Con người)" do NXB Tri thức xuất bản,  TS.KTS Nguyễn Trí Thành (ĐH Kiến trúc Hà Nội) làm chủ biên, kể lại quá trình thực hiện 25 dự án và công trình của KTS Đoàn Thanh Hà, kèm theo các bài viết đã đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành và các phương tiện thông tin đại chúng. Sách cũng tập hợp các ý kiến nhận xét và đánh giá của những chuyên gia uy tín về lý luận phê bình và hành nghề kiến trúc như: GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, KTS Nguyễn Luận, KTS Nguyễn Văn Tất, TS.KTS Phó Đức Tùng, PGS.TS.KTS Khuất Tân Hưng,...

Chủ biên TS.KTS Nguyễn Trí Thành (sinh năm 1966 tại Hà Nội); tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Mátxcơva (Liên Xô) năm 1989; từ năm 1990 đến nay giảng dạy tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; bảo vệ luận án Tiến sĩ Kiến trúc năm 2004.

KTS Đoàn Thanh Hà (sinh năm 1980 tại Bắc Ninh). Anh học kiến trúc tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội từ 1997 đến 2002, thiết kế đầu tiên được xây dựng năm 2001 chính là ngôi nhà của bố mạ anh đang ở hiện nay. Anh tốt nghiệp Thạc sỹ Kiến trúc năm 2007, và cùng với Trần Ngọc Phương sáng lập H&P Architects từ 2009. Đoàn Thanh Hà và Trần Ngọc Phương đã giành danh hiệu "Kiến trúc sư của Năm" tại Ashui Awards 2018.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo