Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Tản mạn về Kiến trúc

Tản mạn về Kiến trúc

Viết email In

Kiến trúc của chúng ta đang ngả mạnh về phía hiện đại. Đấy là xu thế tất yếu và là điều mừng. Nhưng không vì thế mà ta coi nhẹ việc tìm kiếm, ít ra là, cái riêng của nước mình cho kiến trúc. Bài học thành công của các đồng nghiệp Nhật Bản đáng để ta suy ngẫm về vai trò, vị trí và trọng trách của kiến trúc sư - tác giả công trình kiến trúc ở ta hiện nay.


Đình làng

Mối tương quan giữa 2 yếu tố “đương đại” và “truyền thống” luôn là vấn đề trung tâm trong cốt lõi của sáng tạo kiến trúc ở mọi quốc gia và trong mọi thời kỳ lịch sử. Điều này phản ánh bản chất của kiến trúc như một nghệ thuật gắn với đời sống, một nghệ thuật của cuộc sống. Ở nước ta vấn đề nói trên trong vòng mươi năm trở lại đây cũng đã được khẳng định rõ trong định hướng cho hoạt động văn học nghệ thuật là “tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc”. Chúng ta nói như thế đã khá nhiều, trên mọi diễn đàn, và gần như trong giới sáng tạo nghệ thuật ai ai cũng thuộc lòng. Nhưng quả thực nói thì dễ, còn làm thì cực khó, nhất là làm trong sáng tác nghệ thuật. Nhìn nhận diện mạo kiến trúc ở ta gần đây dễ dàng thấy có sự áp đảo của kiến trúc hiện đại, chỉ ở đâu đó, trên một vài công trình còn cảm nhận được hơi thở của truyền thống (tuy là chỉ nặng về dáng vẻ bề ngoài). Đấy gần như là những phản ứng lẻ tẻ, yếu ớt và vô vọng. Lúc này khắp các đô thị lớn bé trong cả nước đâu đâu cũng đua nhau xây nhà cao tầng, chung cư hoặc văn phòng cho thuê, với kiến trúc mới, na ná nhau. Về mặt nào đó đây có thể coi là dấu hiệu mừng, phản ánh xu thế tất yếu của đất nước mở cửa, đang hội nhập vào thế giới ngày một phẳng ra trong cơn lốc của toàn cầu hoá.

Song nói đi là thế, cũng cần phải nói lại là những gì chúng ta đã làm và có được trên bình diện đất nước hôm nay chỉ là những bản sao vụng về của kiến trúc xứ người hàng mươi năm trước (!).


Ảnh minh họa: Dự án The Manor - Mỹ Đình, Hà Nội

Trong kiến trúc, như nghệ thuật của sự sáng tạo, chúng ta vẫn đang là kẻ đi sau, chưa tìm ra được cái của mình và cho mình. Đã đến lúc cần nhận ra rằng, kéo dài thêm nữa tình trạng trên sẽ là một nguy cơ cho kiến trúc nước nhà. Không tìm được cái riêng, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là kẻ đi sau!

Xin hãy thử nhìn sang đất nước “mặt trời mọc” xem các đồng nghiệp ở đấy làm nghề ra sao? Có thể dễ dàng thấy được là kiến trúc họ làm ra thật hiện đại, nhưng ẩn sâu sau dáng vẻ hiện đại (có thể còn là tân kỳ) ấy cũng không khó khăn lắm để nhận ra hồn cốt của văn hoá và thẩm mỹ Nhật Bản. Theo tôi, đó là thành công lớn của các đồng nghiệp Nhật, và chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi, đi kèm với sự suy ngẫm và liên tưởng là: nhờ đâu mà họ có được thành công này? Và liệu có phải các kiến trúc sư ở Nhật được đặt đúng chỗ của mình trong công việc kiến thiết đất nước? hay do họ có được điều kiện làm nghề một cách thoả đáng? …



Kiến trúc do xã hội làm nên, hiển nhiên là vậy. Và cũng hiển nhiên rằng, một tác phẩm kiến trúc dưới dạng công trình xây dựng thì trước hết đó chính là con đẻ của kiến trúc sư. Ý tưởng - cái hồn cốt của công trình kiến trúc được nhào luyện và hình thành nên trong lao động sáng tác của kiến trúc sư, rồi mới được xã hội vật thể hoá, trở nên có hình hài mà góp mặt vào cuộc sống của cộng đồng. Nhận biết được sự liên đới giữa những gì vừa nói trên có thể giúp ích được cho chúng ta trong việc tìm cách thoát ra khỏi tình trạng “đi sau” của kiến trúc Việt Nam hiện nay. Có một thực tiễn đang hàng ngày đập vào mắt ta và đáng để suy ngẫm. Đó là những toà nhà có quy mô lớn, lại cao tầng, mà trước hết là các chung cư, thì ở đây cái “tôi sáng tạo” của kiến trúc sư thường là mờ nhạt, bị khoả lấp sau rất nhiều những đòi hỏi, những yêu sách nằm ngoài kiến trúc. Trong khi đó với những toà nhà vừa phải, chỉ cao đôi ba tầng, thì bút pháp nghề của kiến trúc sư tác giả lại cảm nhận được một cách thuyết phục, rõ nét. Phải chăng hiện tượng nêu trên khiến chúng ta nghĩ đến vị thế của kiến trúc sư như tác giả, xuyên suốt mọi giai đoạn công việc như hiện nay là có vấn đề. Anh ta được, và có thể, làm chủ công việc của mình ra sao? Tiếng nói của kiến trúc sư tác giả được cân đong đo đếm đến mức nào…? Những tình huống mà các câu hỏi đặt ra có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá trị của toà nhà. Cũng có thể vấn đề lại nằm ở tay nghề, ở tài năng và bản lĩnh chuyên môn của chính tác giả. Anh ta có đủ nhạy cảm nghề để nhận ra cái cần làm, và có đủ nghị lực và can đảm hay không để bảo vệ đứa con của mình khỏi những bóp nặn sỗ sàng, rình rập hàng ngày, từ khi còn là bản vẽ đến lúc xây dựng?


Các KTS trẻ tìm tòi ý tưởng mới - Ảnh : M House (Huế) / Thiết kế của KTS Nguyễn Xuân Minh, Giải Ba - thể loại Nhà ở - Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2008 (nguồn: Ashui.com)

Những khả năng vừa nêu trên cần được giới nghề chúng ta xem xét, mổ xẻ một cách khách quan, không chút định kiến, để từ đây có thể mong tìm được phương thuốc đúng bệnh. Việc này không ai khác ngoài Hội Kiến trúc sư chúng ta, như đoàn thể của những người cùng nghề sáng tác kiến trúc, và như một tổ chức xã hội có tính chính trị mà Đảng đặt ra, cần được coi là công việc hàng đầu cần làm lúc này, vì kiến trúc nước nhà.

Đôi điều tản mạn… bộc bạch trên, mong sao là có ích.

KTS Nguyễn Trực Luyện - Nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN 

>> 15 năm Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 1994-2008 

>> Trăn trở xung quanh vấn đề bản sắc dân tộc 

>> Xây dựng văn hóa kiến trúc Việt Nam thế kỷ 21 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo