Giải thưởng Khôi nguyên La Mã và việc đào tạo kiến trúc sư theo trường phái Beaux-Arts

Thứ hai, 05 Tháng 10 2020 06:32 T/c Kiến trúc
In

Hệ thống trường Cao đẳng Mỹ thuật Kiến trúc của Pháp, đứng đầu là Viện Hàn lâm Pháp Quốc (Institute de France), Viện Hàn lâm Mỹ thuật (Académie des Beaux-Arts), và trường Cao đẳng Quốc gia Mỹ thuật (École Nationale Supérieure des Beaux-Arts ) tại Paris, đã từng có một thời là một trong những hệ thống trường đào tạo KTS có tầm ảnh hưởng hàng đầu thế giới.

Các trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Kiến trúc TP HCM, tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine), một chi nhánh của hệ thống này. Tại miền Nam Việt Nam, sau khi chuyển đổi thành Trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn, nơi đây đã đào tạo nhiều KTS giỏi cho đất nước theo mô hình này của Pháp cho đến năm 1975, với văn bằng từng được công nhận giá trị hành nghề tương đương văn bằng KTS của Pháp.

Thông qua các thông tin về Giải thưởng Rome, được xem là giải thưởng cao quý nhất trong suốt 3 thế kỷ dành cho các KTS được đào tạo trong trong Hệ thống trường Cao đẳng Mỹ thuật Kiến trúc tại Pháp và các chi nhánh nước ngoài từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, bài viết nhìn lại một số ưu khuyết điểm quan trọng của việc đào tạo KTS theo trường phái mỹ thuật Beaux-Arts.


KTS Ngô Viết Thụ báo cáo nghiên cứu trước tổng thống Pháp và tổng thống Ý – triển lãm hàng năm tại Hàn lâm viện Pháp ở Rome (1957)

Lịch sử giải thưởng Rome

Giải thưởng Rome (Prix de Rome) là một giải thưởng được tạo ra năm 1663 ở Pháp dưới thời vua Louis XIV. Đến năm 1804, đã phát triển thành giải thưởng cho năm thể loại nghệ thuật: hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, và chạm khắc, được tổ chức thi hàng năm để chọn một nghệ sĩ trẻ dưới 35 tuổi (thường là sinh viên năm cuối, hoặc người đã tốt nghiệp trường Beaux-Arts), có tài năng hứa hẹn nhất trong mỗi thể loại nghệ thuật, để trao giải Nhất (Grand Prix de Rome – mà báo Việt thời đó gọi là giải Khôi nguyên La Mã, do cuộc thi nhiều vòng rất khó khăn, giống như người đỗ đầu khôi nguyên của ba kỳ thi tam trường thi hương, thi hội, thi đình ở nước ta ngày xưa), và tặng học bổng tại Hàn lâm Viện Pháp tại Rome trong ba năm, nhằm nghiên cứu hoặc sáng tác những tác phẩm đầu tay với chất lượng cao.

Riêng cuộc thi giải thưởng Rome dành cho ngành kiến trúc được đặt ở vị thế cao hơn, và cơ cấu khác hơn so với bốn thể loại nghệ thuật kia, và được xem là một trong những giải thưởng kiến trúc hàng đầu thế giới trong thế kỷ 18-19-20. Ban đầu, cuộc thi này được tổ chức cho sinh viên năm cuối trường kiến trúc, nhưng về sau, thì mở rộng cho ứng viên là các KTS đã tốt nghiệp. Sau KTS Ngô Viết Thụ, có Võ Toàn tốt nghiệp năm 1955 và tiếp tục thi giải thưởng Rome nhiều lần trong nhiều năm, nhưng xa nhất chỉ vào được vòng 2. Sau này ông sống và hành nghề tại Morocco.

Từ Giải thưởng Rome đầu tiên về kiến trúc năm 1720 cho đến khi bị chấm dứt hoạt động năm 1968, giải thưởng này đã có công chọn lọc nhiều KTS tài năng để lãnh đạo thực hiện các dự án xây dựng hoặc cải tạo đa số dự án, các công trình quan trọng tầm quốc gia của nước Pháp và các thuộc địa. Trong số những KTS Pháp nổi tiếng thế giới từng đoạt giải này, có Charles Garnier (1848), Tony Garnier (1899), Henri Prost (1902), Léon Jausseley (1903), Bernard Zehrfuss (1939), Olivier-Clément Cacoub (1953), …

Tại Việt Nam, có KTS Ernest Michel Hébrard, (Khôi nguyên La Mã, 1904), người lập quy hoạch Đà Lạt và Sài Gòn, Hà Nội (1931) cùng nhiều công trình lớn ở Việt Nam; Henri Cerutti-Maori, (Giải 3 La Mã, 1922), người lập quy hoạch Hà Nội (1942); và KTS Ngô Viết Thụ (Khôi nguyên La Mã, 1955), người đã thiết kế Dinh Độc Lập và nhiều dự án quy hoạch kiến trúc quy mô trên toàn quốc.

Sau khi Giải thưởng Rome chấm dứt, chương trình tuyển chọn nghiên cứu sinh tại Hàn lâm Viện Pháp tại Rome vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay, nhưng dưới hình thức khác, ở mức độ đơn giản và khiêm tốn hơn nhiều, ngân sách ít hơn, và thời gian lưu trú tại Rome cũng ngắn hơn; Không còn tổ chức thi thiết kế, mà chỉ yêu cầu nộp hồ sơ năng lực và đề cương để xin học bổng,… và mở rộng thêm cho ứng viên các lãnh vực khác, như thơ văn.

Nhiều nước khác (như Mỹ, Canada, Bỉ, Hà Lan, Anh,…) cũng lập nên các giải thưởng Rome, cũng tặng học bổng nghiên cứu Beaux Arts tại Rome (các hạng mục về Kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc,…) tuy cùng tên nhưng giải lại không giống Giải thưởng Prix de Rome của Pháp. Chỉ đơn thuần là học bổng nghiên cứu dựa trên đề xuất nghiên cứu của người nộp đơn, chứ không tổ chức các cuộc thi tuyển thiết kế khó khăn, và cũng không được định hướng để tìm kiếm nhân tài và người đoạt giải cũng không được nhiều ưu đãi như giải Khôi Nguyên La Mã Ví dụ, KTS Hoàng Đức Phú và vợ, KTS Rachely Rotem, là hai trong số 31 người được tặng giải Rome Prize năm 2016 của Hàn lâm Viện Mỹ tại Rome, chỉ là một học bổng 11 tháng để thực hiện đề án nghiên cứu “Những lớp tàn tích đột biến của Rome” [3].


Đồ án đoạt Huy chương Paul Bigot của Viện Hàn lâm Pháp của KTS Ngô Viết Thụ (1955)

Tiến trình của cuộc thi giải thưởng Rome

Chúng ta có thể tìm hiểu tiến trình của cuộc thi thông qua quá trình đoạt giải của KTS Ngô Viết Thụ (Khôi nguyên La Mã, 1955) [5]

Vòng 1 – Kiến trúc Cảnh quan lối vào một Đường cao tốc (ngày 21/2/1955), là đồ án thiết kế nhanh trong 12 giờ. Các sinh viên năm cuối hàng đầu đủ điểm trị số cao (valeurs) mới được dự thi. Thường có hàng ngàn người dự thi nhưng chỉ lấy 60 người. KTS Ngô Viết Thụ được miễn thi vòng 1, vì trước đó đã đoạt Huy chương kế Paul Bigot cho đồ án “Bảo tàng Mỹ thuật của một Nhà Sưu tập” và Huy chương Achille-Leclerc cho đồ án Une Réserve (đều của Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp).

Vòng 2 – Nhà máy Sản xuất Gốm sứ Quốc gia (ngày 24/2/1955), là đồ án thiết kế nhanh trong 24 giờ, để chọn 10 người vào chung kết (logistes) trong số 60 người.

Vòng 3 – Một Quần thể Thánh đường trên Đảo của một Thủ đô (Un Sanctuaire Votif) (ngày 28/2/1955) gồm hai giai đoạn:

Vòng 3A – Phác thảo ý tưởng đồ án trong 6 ngày.
Vòng 3B – Hoàn thiện bản vẽ theo ý tưởng đã phác thảo trên một diện tích bản vẽ 3,5m x 7m trong 100 ngày (không được thay đổi bố cục chính của phương án phác thảo ban đầu).

Trong suốt 2 vòng 3A và 3B, ứng viên phải làm việc một mình trong phòng riêng (loge) , không được liên lạc với bên ngoài hoặc nhờ giúp đỡ. Các đồ án sẽ được triển lãm cho công chúng trước khi trình Ban giám khảo 29 người, gồm một số giáo sư hàng đầu của trường, viện sĩ Hàn lâm viện Mỹ Thuật Pháp quốc, và KTS đã đoạt giải Grand prix de Rome, để chọn ra ba người đoạt giải đầu, trong đó chỉ người đoạt giải cao nhất được gọi là Grand Prix de Rome, mà Ngô Viết Thụ đoạt được năm 1955 với 28/29 phiếu thuận, tỷ lệ đồng thuận cao hàng đầu sau nhiều thập niên.

Các quyền lợi của Giải thưởng Khôi nguyên La Mã

Giải thưởng Grand Prix de Rome (Khôi nguyên La Mã) được xem giải thưởng cao quý nhất của ngành kiến trúc Pháp trong giai đoạn 1720-1968, đem lại tương lai rộng mở cho người đỗ đầu khôi nguyên, bởi vì:

Thứ nhất, khi được Hàn lâm viện Mỹ thuật Pháp trao tặng huy chương Grand Prix de Rome, người đoạt giải dù đang là sinh viên hay đã là KTS đều được công nhận là một trong các KTS trẻ thuộc giới tinh hoa của Pháp, và do đó nếu là sinh viên dự thi đoạt giải thì sẽ được công nhận tốt nghiệp KTS luôn, mà không cần làm luận án tốt nghiệp nữa (trường hợp của KTS Thụ);

Thứ hai, được Hiệp hội KTS Pháp (SADG – Société des Architectes Diplômés par le Gouvernement) đồng trao tặng huy chương vàng kiến trúc SADG và mời làm hội viên chính thức;

Thứ ba, được trang trải mọi chi phí ăn ở và điều kiện làm việc thuận lợi trong ba năm ở Villa Medicis của Hàn lâm Viện Pháp tại Rome, để thực hiện các dự án nghiên cứu quy mô lớn đầu tay, với điều kiện mỗi năm phải báo cáo kết quả nghiên cứu tại một cuộc triển lãm các kết quả nghiên cứu tại viện Hàn lâm Pháp ở Rome. Hai cuộc triển lãm năm 1958 và 1959 của KTS Ngô Viết Thụ được tổng thống Ý đến cắt băng khánh thành. Riêng Triển lãm nghiên cứu năm 1957 của KTS Thụ tại Rome được Tổng thống Ý Giovanni Gronchi và tổng thống Pháp René Coty cùng đến cắt băng khánh thành [1];

Thứ tư, có thể ứng cử để trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp khi có vị trí trống (Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp chỉ dành 10 ghế viện sĩ suốt đời cho ngành Kiến trúc, do đó chỉ có thể ứng cử bổ sung khi có người mất đi. Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp được thành lập từ nhiều thế kỷ và mang tính chính thống, hoàn toàn tách biệt với cơ quan mang tên Viện Hàn lâm kiến trúc Pháp, nhưng được chuyển đổi tên từ Hiệp hội KTS Trung ương của Pháp (Société Centrale des Architectes) năm 1953, nay có khoảng 390 thành viên. Hai người thầy (Chef atelier) của KTS Thụ đều từng đoạt giải La Mã và đều là viện sĩ Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp [2].

Thứ năm, được ưu tiên giao trách nhiệm lãnh đạo thực hiện các dự án quan trọng với danh hiệu KTS trưởng các công trình quốc gia của Pháp (Architecte en Chef des Bâtiments Civils et Palais Nationaux).


Mặt bằng Đồ án đoạt Giải thưởng Khôi nguyên La Mã của KTS Ngô Viết Thụ (1955)

Nhìn lại việc đào tạo KTS theo trường phái mỹ thuật Beaux-Arts và Giải thưởng Rome

– Chương trình đào tạo KTS theo trường phái mỹ thuật Beaux-Arts đặt trọng tâm đào tạo vào việc thực hành thiết kế, thông qua nhiều cuộc thi được tổ chức hàng năm cho sinh viên theo các chủ đề nghiên cứu và yêu cầu tư duy thiết kế đa dạng. Mỗi đồ án dự thi có thể được tính điểm đạt yêu cầu (mention) với trị số 1, đạt điểm với trị số 2 hoặc 3 khi được xếp hạng cao, có huy chương (médaille), hoặc giải thưởng (prix). Khi đạt đủ số lượng điểm trị số các môn học, đặc biệt khó khăn là môn đồ án thiết kế, sinh viên có thể được chuyển từ cấp II, sang cấp I, và sang làm đồ án tốt nghiệp [5,7,8]

– Thời gian cần để hoàn thành chương trình học trung bình từ 6-8 năm. Tuy một số rất ít sinh viên xuất sắc có thể rút ngắn còn 5 năm, nhưng cũng có nhiều trường hợp kéo dài đến 10 năm hoặc hơn, khi sinh viên không vượt qua được cửa ải đồ án thiết kế. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình và bãi khóa vào những năm 1967-1968 của sinh viên kiến trúc tại Pháp và tại Việt Nam đòi cải tổ chương trình đào tạo bớt khó khăn hơn và hợp lý hơn.

– Thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 là thời kỳ hoàng kim của hệ thống các trường Cao đẳng Mỹ thuật Kiến trúc của Pháp, khi nhiều KTS tốt nghiệp thực hiện các công trình nổi tiếng tại Châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới. Đặc biệt là ảnh hưởng quan trọng đến giai đoạn xây dựng các công trình cao tầng và theo trào lưu chỉnh trang làm đẹp đô thị (City Beautification Movement) về xây dựng các công trình cao tầng theo phong cách Beaux-Arts tại nhiều đô thỉ lớn trên thế giới (Mỹ, Canada, Úc,…). Các KTS Mỹ nổi tiếng trong thời kỳ này, từng được đào tạo tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Kiến trúc của Pháp, bao gồm Henry Hobson Richardson, John Galen Howard, Daniel Burnham, and Louis Sullivan,…

– Sang thế kỷ 20, các quan niệm thiết kế kiến trúc hiện đại bắt đầu được đưa vào giảng dạy và các đề bài của chương trình cuộc thi Rome, nhưng khung chương trình đào tạo của hệ thống các trường Cao đẳng Mỹ thuật Kiến trúc của Pháp vẫn thiên về đào tạo thực hành và tư duy thiết kế đồ án, và chưa coi trọng đào tạo về quy hoạch và tư duy đa ngành. Ý thức về việc cần phải bổ sung kiến thức quy hoạch, nên Ngô Viết Thụ đã cùng hai bạn học lấy thêm văn bằng về quy hoạch tại Viện Quy hoạch Đô thị tại Paris (Pháp) và tại Bruxelles (Bỉ). Nhờ đó, về sau 3 ông đã trở thành ba trụ cột về quy hoạch của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975: KTS Huỳnh Kim Mãng thiết lập nên chương trình đào tạo đô thị gia tại trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn; còn KTS Ngô Viết Thụ lãnh đạo Văn phòng tư vấn kiến trúc và chỉnh trang lãnh thổ thuộc Phủ Tổng thống và KTS Lê Văn Lắm – Giám đốc Tổng nha Kiến thiết và Thiết kế Đô thị cùng chịu trách nhiệm các dự án kiến trúc và quy hoạch xây dựng đô thị tại Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1960-1975.

– Có thể nói là trong ba thế kỷ, hệ thống đào tạo trường Beaux-Arts của Pháp có công lớn trong việc đào tạo nhiều các KTS tài năng phục vụ cho việc hình thành các đô thị và công trình kiến trúc di sản nổi tiếng, với giá trị văn hóa nghệ thuật cao tại Pháp, Châu Âu, và Châu Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh kiến thức về quy hoạch, kiến trúc, và xây dựng ngày càng được nâng tầm cao hơn trong thời đại mới, việc chấm dứt giải thưởng này vào năm 1968 là một điều tất yếu, vì công tác quy hoạch kiến trúc không thể tiếp tục quá xem trọng tiêu chí về mỹ học đại bố cục (grande composition), thiên về tư duy mỹ thuật mang tính chủ quan như trước, mà bỏ qua tầm quan trọng của các các giá trị khác của đô thị như: quy hoạch tổ chức cộng đồng, bảo vệ môi trường bảo vệ di sản, kinh tế đô thị, công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, đô thị thông minh, đô thị sáng tạo,… kết hợp với nhau để đưa ra phương án tối ưu theo tư duy hợp tác đa ngành.

– Do hệ thống trường Beaux-Arts của Pháp không nhanh chóng thay đổi mới theo nhu cầu của thời đại, nên dần dần vị thế hàng đầu thế giới trong đào tạo KTS được chuyển sang các trường Âu Mỹ khác như AA School (Anh), ETH Zurich (Thụy sĩ), Harvard và UC Berkeley (Mỹ),… Đồng thời, tuy về sau Bộ Văn hóa Pháp lập nên giải thưởng Grand Prix Nationale de l’Architecture từ năm 1975 trở đi, trở thành giải thưởng quốc gia cao nhất ngành kiến trúc tại Pháp [9], để thay thế cho giải thưởng Khôi nguyên La Mã, tuy nhiên vị thế giải thưởng kiến trúc hàng đầu thế giới đã chuyển sang các nước Âu – Mỹ khác, đứng đầu là giải thưởng Pritzker, thành lập năm 1979.

– Sau khi chuyển đổi từ trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn sang Đại học Kiến trúc TP HCM, chúng ta rất cần điều chỉnh tương ứng chương trình đào tạo KTS cho phù hợp với nhu cầu của thời đại: (1) Nên tổ chức lại theo cấp đào tạo Cử nhân (4 năm), Thạc sĩ (2 năm) và Tiến sĩ (3-5 năm), trong đó chỉ nên xem cấp Thạc sĩ là văn bằng tối thiểu cần thiết đủ để thi chứng chỉ hành nghề KTS; (2) Cần phát triển các chương trình nghiên cứu học thuật đa ngành (quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, cảnh quan, môi trường, cộng đồng, hạ tầng, …) cho giảng viên và sinh viên, và gia tăng hợp tác đa ngành với các trường đại học khác, chứ không thể chỉ chú trọng đào tạo thực hành và giới hạn hoạt động trong khuôn viên trường như trước kia.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn

Tài liệu tham khảo:
  1. Academie de France à Rome. 1955-1959. Brochures d’Exposition Annuelle à Villa Medicis.
  2. Académie des Beaux-Arts. Rapports Annuelle.
  3. Archinect. 2016. Phu Hoang and Rachely Rotem Awarded the American Rome Prize in Architecture.
  4. Emmanuel Schwartz. 2005. The Legacy of Homer: Four Centuries of Art from the Ecole Nationale Superieure Des Beaux-arts, Paris. Yale University Press.
  5. ENSBA (École Nationale Supérieure des Beaux-Arts. Les Concours d/Architecture. De 1951 à 1968. Vincent, Fréal & Cie. Paris.
  6. Le Monde Journal 02 /7/ 1955. Un Vietnamien, M. Ngo Viet-Thu Grand Prix de Rome d’Architecture.
  7. La Grande Masse. Rapports. (Une association d’élèves et anciens élèves des Ecoles Nationales Supérieures d’Architecture et des Ecoles Nationales Supérieures des Beaux-Arts).
  8. Trường Cao đẳng Kiến trúc – Viện Đại học Sài Gòn. 1966. Tài liệu Triển lãm Kiến trúc tại Nhà Văn hóa Sài Gòn từ 26/8 đến 4/9/1966.
  9. Ministère de la Culture de France. 2019. Le Grand Prix National de l’Architecture.

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: