Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Hà Nội sẽ có… Phố Phái

Hà Nội sẽ có… Phố Phái

Viết email In

Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có một ý tưởng thú vị là lập dự án chỉnh trang, nâng cấp tuyến phố đi bộ có chiều dài ước tính 1.000m, từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (đài phun nước ven Hồ Gươm) đến điểm dừng là Tháp nước Hàng Đậu.

Trong tương lai không xa, việc người dân  đi bộ  trên tuyến phố này sẽ liên tục vào các buổi chiều tối trong tuần. Điểm ấn tượng nhất trong dự án là những điểm nhấn đặc biệt. Đó là những nếp nhà trong tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái sẽ được tái hiện lại trên tuyến phố đi bộ. Và, Tháp nước Hàng Đậu được đưa vào phục vụ mục đích văn hóa - du lịch.


Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Đài phun nước Hà Nội, ven Hồ Gươm)

Ý tưởng thú vị

Có một nhà văn đã nói: "Đến với Hà Nội của tôi, bạn chớ tìm cái vẻ kỳ vĩ, cái làm bạn sửng sốt. Hãy đón nhận lấy cái vẻ, cái chất quen thân của phố phường, của người Hà Nội". Đó chính là khu 36 phố phường, còn gọi là khu phố cổ, hay khu phố cũ là một cư dân đô thị mang dấu ấn thời trung đại, nằm ở ngoài trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Khi xưa, khu đô thị tập trung dân cư làm các nghề tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương diễn ra tấp nập, hình thành nên những phố nghề đặc trưng. Những con phố gắn liền với mặt hàng truyền thống tạo nên tên phố. Không khí giao thoa buôn bán đã hình thành nên tính cách riêng biệt của người dân Kẻ Chợ, đi vào nếp sống, nếp nghĩ, đời sống sinh hoạt của cư dân thị thành - kinh đô Thăng Long.

Theo nhận định của kiến trúc sư (KTS) Hoàng Đạo Kính, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam: "Khu phố cổ Hà Nội là một di tích kiến trúc đô thị có những đặc trưng cơ bản và đầy đủ nhất của mô hình cư dân đô thị truyền thống người Việt".

Không gian nơi đây có một sự lưu luyến, mời gọi với những ai đã từng một lần biết đến Hà Nội. Ngày 5/4/2004, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng khu phố cổ Hà Nội danh hiệu Di sản lịch sử của quốc gia. Và ngay trong cùng năm, tuyến phố đi bộ được mở ra vào 3 buổi tối trong tuần, từ Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân.

Trong dự án đề xuất  lần này sẽ chỉnh trang nâng cấp các dãy phố cổ, cùng với nhiều hạng mục khác, đã có sự thay đổi. Tuyến phố đi bộ kéo dài hơn, diễn ra liên tục vào các buổi chiều tối trong tuần. Điểm bắt đầu đi bộ từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nối với phố Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy và Hàng Đậu. Một điều đặc biệt, Tháp nước Hàng Đậu, im lìm không hoạt động đã hơn 30 năm là điểm dừng chân cuối cùng sẽ được đưa vào mục đích khai thác cho khách thăm quan.

1.000 mét cho tuyến phố đi bộ, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt chạy thẳng, không ngoằn ngoèo, uốn khúc, đi qua các dãy phố cổ, những con phố đặc trưng cơ bản nhất của Hà Nội cổ xưa. "Không dễ gì quên đi quá khứ", phải chăng là  ý tưởng chủ đạo khi các nhà quy hoạch kiến trúc đưa ra bản đề cương dự án. Một số chi tiết tạo thành điểm nhấn trong dự án đều cho ta quay về thời khắc của lịch sử.


Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa (ảnh sưu tầm : Ashui.com)

Tên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, xem ra còn xa lạ với nhiều người, nhất là thế hệ trẻ, bởi chúng ta quen gọi nơi đó là đài phun nước ven Hồ Gươm. Đài phun nước nằm ở giữa một khoảng không gian rộng, chính là quảng trường, với nhiều phân luồng đường, đầu nối giữa các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ.

Thời Pháp thuộc, quảng trường này có tên gọi là Place Négrier (Négrier là tên của một vị tướng người Pháp). Nhưng những người dân An Nam yêu nước nhất quyết không chịu lấy tên Tây đó để gọi mà lại gọi nơi đây là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngay từ thế kỷ XIX, một phong trào yêu nước mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục.

Đông Kinh là tên kinh thành Thăng Long thời Lê Sơ, còn hai từ "Nghĩa Thục" chỉ sự khí khái  của những người được học làm việc nghĩa, sẵn sàng xả thân cho đất nước. Trước đây, trong giai đoạn nước nhà bị thực dân Pháp đô hộ, những sĩ phu yêu nước đã tập hợp cùng nhau mở trường học, năm 1907, mở đầu cách tân văn hóa miền Bắc.

Cùng năm thực dân Pháp thấy sự ảnh hưởng của việc học và dạy nên đã đóng cửa trường, rồi chúng bắt một số các sĩ phu yêu nước đày ra Côn Đảo. Sách sử còn chép: "Quảng trường này xưa kia là bãi đất rộng, các nhà cầm quyền dùng làm nơi hành quyết các sĩ phu yêu nước". Sau này, nơi đây được dùng làm trạm tàu điện, cho đến năm 1992 thì bị dẹp bỏ hoàn toàn.

Người dân của thủ đô, đa phần không ai xa lại với hình ảnh Tháp nước Hàng Đậu. Có vị trí khá đặc biệt, là điểm chính giữa của bảy trục giao thông các tuyến phố Hàng Đậu, Hàng Than, Quan Thánh, Phan Đình Phùng, Hàng Lược, Hàng Giấy. Tháp nước Hàng Đậu là một công trình của người Pháp xây từ năm 1894, có dung tích chứa 3.000 khối nước, được phục vụ cho sinh hoạt.

Sau ngày đất nước thống nhất, Tháp nước Hàng Đậu không còn hoạt động. Tháp nước được xây kiên cố có hình dáng như một lô cốt hình tròn, với nhiều cửa tò vò nom như lỗ châu mai. Mái tháp nước có hình nón. Cho đến nay, kiến trúc độc đáo này thực sự độc nhất vô nhị có tại Việt Nam. Xét về mặt tổng thể, Tháp nước Hàng Đậu nối liền vườn hoa Hàng Đậu với những dải ghế đá và hàng cây xanh... 

  • Ảnh bên : Tháp nước Hàng Đậu (ảnh sưu tầm : Ashui.com) 

Các nhà quy hoạch kiến trúc đô thị đã nghiên cứu đây chính là không gian hợp lý nhất, phù hợp với cảnh quan và môi trường để làm điểm dừng chân cuối cùng trên tuyến phố đi bộ kéo dài cả cây số.

Tuy nhiên, KTS Ngô Doãn Đức Viện trưởng - Viện Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, một trong những người xây dựng đề cương dự án cho biết:  Khi bắt tay chỉnh trang và nâng cấp khu phố cổ, phải tính toán kỹ lưỡng, khoảng mấy trăm mét sẽ có khoảng dừng chân hợp lý, chỗ nghỉ cho người già, trẻ nhỏ đi bộ.

Thực chất, trong khu phố cổ để xây được một vài dải ghế băng, lấy chỗ chiếu nghỉ cho khách bộ hành là điều không tưởng. Vì vậy, phải linh hoạt trong khâu tổ chức, lồng kết thật tốt, mọi nhu cầu sinh hoạt của đời sống. Như nên chăng xây những quán cà phê hay nơi mua hàng với không gian thoáng đãng làm điểm dừng chân, như phương án của KTS Ngô Doãn Đức. 

Không gian Hà Nội thường gắn nhiều với hoài niệm cổ xưa. Khách du lịch tìm đến Hà Nội, là lắng lòng mình lại với những ngôi nhà nhỏ liêu xiêu bên sông Hồng. Ngơ ngẩn cùng với không khí rạo rực tấp nập của người mua kẻ bán của 36 phố phường người dân thị thành. Để được hít hà cái vừa quen vừa lạ của đời sống sinh hoạt của cư dân 36 phố cổ Hà Nội.

Rồi đây, trong bản dự án, một niềm vui bồng bềnh dành cho ai yêu đến say mê phố cổ Hà Nội. KTS Ngô Doãn Đức thổ lộ: Nhà nước sẽ bỏ tiền mua 5 đến 7 ngôi nhà liền kề nhau trên tuyến phố đi bộ, để tái tạo lại những nếp nhà cổ của Hà Nội khi xưa. Đó chính là những ngôi nhà trong tranh Phố Phái, hay vẻ đẹp nên thơ, thuần khiết, gợi cảm mơ hồ trong những bức ảnh của Phú Thái, Đỗ Huân.

Ông Đức nhấn mạnh: Những ngôi nhà với lớp mái ngói chồng, xếp nếp, tạo cho người ta hình ảnh điệp trùng, cùng những bức tường quét vôi giản dị, nhất quán về màu sắc, có những mái ngói nâu và cánh cửa mở của một thời trông thật đơn sơ, bình dị.

Ở đây còn ngửi thấy cả hương liệu, không gian có mùi ẩm ẩm, mốc mốc. Sống trong không khí đầy thú vị, của chất liệu 2 chữ "con người" đẹp tự nhiên, mộc mạc chứ không cao sang, ke cẩm. Và cánh cửa gỗ có dóng ngang để cài, những bức mành bằng tre trước cửa đung đưa trước cửa nhà, mời gọi về câu chuyện cổ tích của Hà Nội khi xưa.

Trong dự án Nhà nước chọn mua những ngôi nhà hình ống, một trong yếu tố làm nên hồn cốt của khu phố cổ, sẽ được trả về nguyên vẹn với hình hài ban đầu. Nhà hình ống có chiều ngang từ 3m đến 5m, chiều dài khoảng vài chục mét. Ngôi nhà hình ống có những mảnh sân vườn, còn được gọi là giếng trời. Giếng trời là khoảng không gian cần thiết mang lại nguồn ánh sáng, sinh khí cho cả căn nhà hình ống. 


Phố Hàng Đào xưa (ảnh sưu tầm : Ashui.com) 

Trên tuyến phố đi bộ, xuất hiện thêm những ngôi nhà cổ được đầu tư một cách thích đáng. Nhà nước trả kinh phí can thiệp, làm nhà theo kiểu của Nhà nước quy định, tuy nhiên người dân, người chủ ngôi nhà vẫn giữ quyền là chủ nhà, có quyền lợi. "Tất nhiên chúng ta không lưu giữ, níu kéo chữ lạc hậu, nhưng  hình ảnh, đường nét của đặc trưng phố cổ thì phải giữ" - KTS  Ngô Doãn Đức sốt sắng.

Điểm mấu chốt cuối cùng vẫn là thỏa thuận giữa Nhà nước và người dân để sao cho tìm được hình ảnh trên tuyến phố đi bộ được thường xuyên, quảng bá Hà Nội với thế giới, tăng cường tính hấp dẫn cho du lịch.

Từ ý tưởng đến hiện thực

Trải qua thời gian, giờ đây phố cổ như một đại siêu thị khổng lồ, nơi đâu trên mặt các tuyến phố cổ cũng bán hàng la liệt. Những ngôi nhà cũ kỹ quen thuộc khi xưa gần mất dấu tích nhường chỗ cho dãy nhà san sát khung nhôm cửa kính, đáp ứng yêu cầu hiện đại, tiện, nhanh, giải quyết được nhu cầu tức thời nhưng gần như không để lại giá trị gì. Liệu người dân có chịu sống ở những ngôi nhà đã được cải tạo theo kiểu cổ xưa mộc mạc?!

Thật ra, để dự án đi vào khả thi có không ít những điều bất cập. Như không gian trong ngôi nhà hình ống giờ đã bị biến tướng rất nhiều. Trải qua thời gian, nhiều gia đình, thậm chí cả chục gia đình trú ngụ trong một ngôi nhà hình ống, làm cho điều kiện sinh sống trở nên tù túng và chật hẹp.

Những khoảng không gian, được gọi là giếng trời bị co vào, việc giải tỏa chẳng phải dễ dàng khi nếp sống đã ăn sâu vào người dân nơi đây. Ngôi nhà ống cổ truyền, một sáng tạo kiến trúc của Hà Nội ngàn xưa, trở thành một thách thức không nhỏ.

Bên cạnh đấy, ý tưởng lý thú, tuyến phố đi bộ cho cả tuần cũng là bài toán khó bề giải đáp với ngành giao thông và môi trường. Bởi vì, khu phố cổ Hà Nội được xây dựng từ thời kỳ chưa có các phương tiện cơ giới. Nay, với mật độ dân cư đông đúc, dày đặc, cùng với những phương tiện giao thông hiện đại. Có thể nói, 36 phố phường là nơi tập trung đông dân cư nhất của cả nước, với tỉ lệ 1.000 người/ha. Hiện tượng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra thường xuyên. 


Phố Hàng Thiếc - tranh Bùi Xuân Phái (nguồn : buithanhphuong.com)

Tên tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường... làm cho ta liên tưởng đến một thời trong quá khứ với chức năng cũ là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Nhưng trong thời buổi của một nền kinh tế mở, hiện tượng sính ngoại, bày bán quá nhiều những mặt hàng nhập khẩu mất đi hình ảnh đặc trưng truyền thống của con phố cổ. Nhưng bán hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nội địa thì không cuốn hút được du khách. Đây cũng là một phép tính làm đau đầu các nhà quản lý.

KTS Ngô Doãn Đức thẳng thắn nhìn nhận: "Dự án chỉnh trang tuyến phố đi bộ về mặt kiến trúc, đáp ứng những cái tối thiểu chứ chưa tối đa. Làm nâng cấp và nghiên cứu làm sao cho tuyến phố trở thành tuyến phố đi bộ thường xuyên. Chứ không phải ôm một cái gì khổng lồ vào dự án bởi vì  khu phố này là con gà đẻ trứng vàng. Một thước đất đụng đến rất nhiều thứ".

KTS Đức thổ lộ: Trong quy hoạch dự án có đặt vấn đề mua khu nhà  để có chỗ gửi xe cho khách đến tham quan, hay làm những con đường cơ giới. Tất cả, đều cần có sự đầu tư và người đi bộ cũng không bị phương tiện cơ giới xen lẫn, cũng không ra kiểu đi bộ.

GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu quan điểm của mình: "Khu phố cổ Hà Nội là một cơ thể đô thị già nua, với vô số căn bệnh và mâu thuẫn. Cải tạo khu phố này, phải hành động tế nhị, thận trọng như nhà phẫu thuật vậy. Cần tránh những giải pháp thô thiển, cực đoan, duy ý chí. Cái rìu, cái xe ủi hoàn toàn không phù hợp trong trường hợp này".

Tuy nhiên, với một người đã từng gắn bó máu thịt với thủ đô 36 phố phường Hà Nội, ông bộc lộ sự chờ đợi mới mẻ khi tuyến phố đi bộ được nâng cấp, chỉnh trang. Và, chắc hẳn, nhiều người trong chúng ta đều hồi hộp, mong chờ đến ngày những con phố thân quen sẽ lại được trở về trong những áng thơ văn ngày nào của cụ Hoàng Đạo Thúy, của nhà văn Tô Hoài, Băng Sơn, Đỗ Chu... trong một thời gian không xa trước giờ Đại lễ kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Trần Mỹ Hiền

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo