Giải thưởng Kiến trúc Thánh Quốc tế (The International Prize for Sacred Architecture) dành cho các công trình tôn giáo (thờ phụng đạo Thiên Chúa) xây mới trên khắp thế giới, được tổ chức bởi Quỹ Frate Sole, và được tài trợ bởi các chính quyền địa phương cùng các viện quốc gia về văn hóa và giáo hội Công giáo, gồm Ủy ban Giáo hoàng về Di sản văn hóa giáo sĩ của Tòa Thánh (Vatican), Bộ Văn hóa và Di sản, Hội đồng Kiến trúc sư Quốc gia, Hiệp hội Kiến trúc sư Cảnh quan của vùng Pavia, Giáo xứ Pavia, Cộng đồng Tự trị vùng Pavia, Đại học Pavia, Văn phòng Quốc gia các Công trình Thánh và Vùng Lombardy của dòng Phan Sinh.
Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc Thánh Quốc tế lần thứ VI sẽ diễn ra ở Pavia vào ngày 04/10/2016, nhân dịp kỷ niệm ngày lễ thánh Francis Assisi.
Rafael Moneo - kiến trúc sư người Tây Ban Nha (sinh năm 1937), người được trao giải thưởng danh giá Pritzker năm 1996 – đã giành chiến thắng năm nay. Công trình của ông mang tên “Chiesa de Iesu” tại San Sebastian (Tây Ban Nha), có hình khối gọn nhẹ và tinh khiết, với các khoảng đặc và rỗng đan xen, đã thực sự thuyết phục ban giám khảo, và giành giải Nhất.
Nhà thờ tại Sebastian (Tây Ban Nha) – với công trình này Moneo đã thắng giải thưởng Frate Sole năm 2016
Giải Nhì thuộc về công trình Nhà thờ mới của xứ đạo Ka Đơn thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam, được thiết kế bởi công ty kiến trúc VN-A, sử dụng những vật liệu giản dị như gỗ và sắt, điều đó đã nâng cao mối liên hệ của công trình với thiên nhiên và mở ra các khoảng không bên ngoài công trình. [đã được giới thiệu trên Ashui.com, 11/2011 và 7/2014]
Nhà thờ Ka Đơn
|
Nhà thờ mới của xứ đạo Ka Đơn – Việt Nam (ngoại thất và nội thất) - Ảnh: Robert Herrmann
Cùng đó, công trình Nhà thờ St. Trinitatis mới ở thành phố Leipzig (CHLB Đức) – nhà thờ Công giáo lớn nhất ở miền đông nước Đức – thiết kế bởi hãng Schulz and Schulz của Đức, được trao giải Ba. Các kiến trúc sư đã tìm tòi mối liên hệ giữa lịch sử và nơi chốn, lựa chọn loại vật liệu như porphyry – một loại đá khoáng chất có vân đỏ và trắng, giống như đá xốp porous song cứng hơn, chuyên dùng để xây dựng những tượng đài có quy mô nhất và nổi bật nhất tại các đô thị. Được truyền cảm hứng bởi các nguyên lý bền vững về năng lượng, nhà thờ trang bị một hệ thống năng lượng địa nhiệt, thiết kế bởi các nhà khoa học tại Đại học Kỹ thuật Dresden.
Nhà thờ Thánh Trinitatis ở Leipzig
Tuy nhiên, không chỉ có các kiến trúc sư ngôi sao có những giải thưởng danh giá mới được công nhận, mà còn có sự tôn vinh những tác phẩm của các kiến trúc sư ít tiếng tăm. Tuy vậy, những kiến trúc sư này cũng đang vươn đến những đỉnh cao trong nghề nghiệp. Bên cạnh ba kiến trúc sư đạt giải thưởng cao nhất, ban giám khảo còn lựa chọn hai công trình khác để trao ghi nhận đặc biệt. Công trình thứ nhất thuộc về Nhà thờ St. John the Baptist. Nhà thờ này được xây bằng vật liệu đá và gỗ tại quận Johannisthal của Berlin, thiết kế bởi hãng kiến trúc Brückner & Brückner của Đức.
Tái cấu trúc trung tâm Johannisthal ở Berlin.
Và công trình tiếp theo, đơn giản đến độ khổ hạnh, Nhà nguyện Saint John the Baptist ở Tenerife trên quần đảo Canary, được thiết kế theo dạng hình tam giác không cân, song hòa hợp một cách tuyệt vời về cảnh quan xung quanh, bởi kiến trúc sư người Tây Ban Nha Alejandro Beautell.
Nhà thờ nhỏ San Juan Bautista, quần đảo Canary
Trở lại người giành giải Nhất, José Rafael Moneo Vallés, được biết đến bởi tên gọi ngắn gọn hơn là Rafael Moneo, sinh năm 1937 tại Tudela, Navarra, và đã từng học tập, sống và làm việc tại Madrid. Ông đã từng làm giám đốc trong nhiều năm của trường đào tạo kiến trúc danh tiếng nhất nước Mỹ - Khoa Thiết kế Sau Đại học thuộc Đại học Harvard và giảng dạy kiến trúc tại Barcelona, Lausanne, New York, Princeton, Harvard và Madrid. Ông là kiến trúc sư người Tây Ban Nha duy nhất được trao giải Pritzker (được ví như Nobel Kiến trúc). Moneo được biết đến bởi lối kiến trúc rất riêng và dễ nhận diện, bởi sự rõ ràng, trong sáng và sự chính xác. Các công trình do ông thiết kế đều gọn gàng và sở hữu một vẻ chắc chắn mà kiến trúc sư tuyên bố là yếu tố then chốt cho một vẻ đẹp hiện đại kiểu mới, biểu hiện cho tương lai của kiến trúc. Các công trình của ông đối thoại được với các đặc trưng có tính bản sắc của nơi chốn. Trong những công trình đó có sự can thiệp khá lớn, chẳng hạn như Cung Hòa nhạc Kursaal ở San Sebastián, hoặc ở dự án mở rộng đáng kể quy mô của khu Prado tại Madrid. Điều này đã phản ánh sự chú ý của Moneo đến một nơi có bối cảnh lịch sử phức tạp, quyến rũ và tinh tế như khu Prado, cùng nỗ lực đi tới sự hài hòa toàn diện - ngay cả khi sự can thiệp vào hoàn toàn khác biệt - đối với những dự án công trình nhỏ hơn song lại mang tính biểu tượng, chẳng hạn như tòa Thị chính ở Murcia, hoặc là những khách sạn như Hyatt ở Berlin, tại đó kiến trúc sư cố gắng khắc họa rõ nét một không gian có tính nhận dạng trong bối cảnh quảng trường Alexander đang được tranh cãi. Trong số những công trình quan trọng nhất của ông có Viện Bảo tàng Nghệ thuật La Mã ở Merida, nhà ga Atocha ở Madrid, sân bay Seville, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Stockholm, Nhà thờ Đức Bà Thiên Thần ở Los Angeles, và Bệnh viện nhi Gregorio Marañón ở Madrid.
Lối vào nhà thờ.
Trong sự cân bằng giữa cảm xúc và sự cứng rắn, công trình “Chiesa de Iesu” – được khánh thành năm 2011 – nằm ở một trong những quận mới phát triển của thị trấn Basque, Riberas de Loiola, nơi công trình tôn giáo với khu Vườn Tưởng Niệm bên cạnh đã tạo nên một điểm nhấn. Kiến trúc của công trình này, được chính Moneo định nghĩa là “rất hào phóng về không gian và hiện đại về vật liệu”, được đặc trưng cả về nội thất và ngoại thất bởi những bức tường màu trắng theo trường phái trừu tượng và tối giản. Đó là một yếu tố gợi nhớ đến màu chủ đạo của những bông hoa trong khu công viên bên cạnh, và trên hết, là những công trình quan trọng theo chủ nghĩa duy lý hiện diện tại San Sebastián. Ví dụ như Câu lạc bộ Real Náutico và tòa nhà Equitativa. Cụm công trình này bao gồm ba thành phần: nhà thờ được đặt trong một không gian lập thể, quay về hướng đông, một khối nhà hình chữ L có một số căn phòng, trong đó có trung tâm giáo xứ, một bức tường vây quanh một khu vườn dạng sân trong nằm giữa hai tòa nhà và hạn chế sự đi lại từ phía không gian mở ngoài đường vào ngôi đền thần bí.
Sảnh của nhà thờ, với mặt bằng hình cây thánh giá.
Gian hành lễ chính giữa của nhà thờ có mặt bằng hình cây thánh giá La-tin, được xây dựng bên trong một hình tứ giác rộng hơn. Trong các khoảng không gian hoàn thiện hình khối, phòng để đồ lễ và phòng rửa tội được bố trí bên trái, còn bên phải có nhà nguyện cho hoạt động ban phước và nhà nguyện điều giải. Mặt bằng hình chữ thập truyền thống có bản thiết kế phi đối xứng, điều này có định hướng “phản ánh những căng thẳng của thế giới ngày nay”, như được khẳng định bởi chính kiến trúc sư, và tỏ lòng tôn kính đến nhà điêu khắc xứ Basque tên là Eduardo Chillida và ý tưởng “Cây Thánh giá của Hòa bình” của ông được lưu trong Nhà thờ Lớn của xứ San Sebastian.
Ánh sáng tự nhiên đóng một vai trò chủ đạo, khi rọi vào nhà thờ theo các cách thức khác nhau, có thể định dạng không gian theo những kiểu kỳ lạ. Đặc biệt những gì tan biến vào đây chính là ánh sáng từ thiên đỉnh của gian chính giữa giáo đường, được tạo ra bởi những khoảng mở trên mái – những ô thoáng này nhấn mạnh mặt bằng hình cây thánh giá và có thể khơi gợi lên thông điệp Phúc Âm và đưa người cầu nguyện đến một không gian huyền ảo. Điều cần đề cập đến ở đây là một khung cửa sổ lớn được thiết kế bởi Moneo và được đúc bằng thạch cao mịn và lồng vào đó những ô kính, diễn đạt trong đó một hình chữ thập, một vầng thái dương và hai mặt trăng theo hai pha khác biệt.
Quang Minh (biên dịch từ fondazionefratesole.org)
- Tạ Mỹ Dương – kiến trúc sư “có văn” và “đẻ dày”
- Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC)
- KTS Võ Trọng Nghĩa vinh dự nhận giải thưởng Prince Claus 2016
- Xếp lương kiến trúc sư theo 3 hạng
- Công trình Naman Spa đoạt giải International Architecture Awards 2016
- Nhà Tổ Mối (Termitary House) chiến thắng tại giải thưởng Wienerberger Brick Award 2016
- Chàng kiến trúc sư 8X rinh giải kiến trúc xanh châu Á
- Công trình sắp đặt của Võ Trọng Nghĩa tham gia triển lãm Venice Architecture Biennale 2016
- Heritage Space - “Những khát vọng lớn” về một không gian co-working cho kiến trúc sư
- Sheraton Phu Quoc Resort nhận giải Green Era Award 2016