Zaha Hadid - người phụ nữ tài năng của kiến trúc thế giới

Thứ hai, 19 Tháng 10 2015 21:21 Lao Động
In

Danh tiếng đi kèm với thị phi - nữ kiến trúc sư người Anh - Zaha Hadid hiện đang là gương mặt được “săn đón” nhiều nhất tại thời điểm hiện tại.  

Nữ kiến trúc sư tài năng... 

 

Sinh năm 1950 tại Baghdad (Iraq), Zaha Hadid từng là một sinh viên ngành toán trước khi theo học tại Trường Kiến trúc thuộc Hiệp hội Kiến trúc (AA) - một trong những trường đào tạo kiến trúc hàng đầu thế giới đặt tại London. Thành lập công ty riêng vào năm 1979, trong suốt một thời gian dài, bà từng bị coi là “kiến trúc sư giấy" với hàng loạt các thiết kế chỉ dừng lại trên bản vẽ mà không trở thành hiện thực. Cho đến tận năm 1994, văn phòng của Hadid mới có dự án đầu tiên được xây dựng là một trạm cứu hoả nhỏ tại thị trấn Weil am Rhine, Đức (tuy nhiên, công trình này nhanh chóng bị chuyển đổi mục đích sử dụng do nhận được nhiều lời phàn nàn về thiết kế bất tiện, không phù hợp với hoạt động của lính cứu hoả). 

Sự nghiệp của bà chỉ thực sự khởi sắc trong khoảng hai chục năm trở lại đây. Hadid là người phụ nữ đầu tiên gần như “thâu tóm” tất cả các giải thưởng danh giá nhất của kiến trúc quốc tế. Năm 2004, bà đoạt giải thưởng Pritzker. Năm 2014, bà giành giải “Thiết kế của năm” của Bảo tàng Thiết kế London cho thiết kế Trung tâm Văn hoá Heydar Aliyev tại Azerbaijan. Gần đây nhất, vào tháng 9.2015, bà được trao Huy chương Vàng của Viện Hàn lâm Hoàng gia Kiến trúc Anh quốc (RIBA)…

Những công trình của Hadid, từ các nhà hát và trung tâm thương mại tại Trung Quốc, các bảo tàng tại Mỹ cho đến các nhà máy sản xuất ôtô tại Đức… đều thể hiện rõ nét những đặc trưng trong phong cách kiến trúc của bà. Đó là những thiết kế mang tính siêu thực và được xây dựng bằng thứ ngôn ngữ của kiến trúc tương lai. Hadid tạo ra một thế giới kiến trúc của những đường cong gợi cảm, những hình khối bất thường - nơi ranh giới giữa sàn nhà và những bức tường bị xoá bỏ; khái niệm trần nhà phẳng bị “bỏ qua” và thay thế bởi những bề mặt lồi lõm; những mặt tiền mang những hình thù kỳ dị… Tất cả những yếu tố này khiến các thiết kế của Hadid mang đậm hơi thở của nghệ thuật và rất thích hợp để trở thành một công trình mang tính “biểu tượng” mà một thành phố hay đất nước muốn tìm kiếm. 

Không dừng lại ở địa hạt kiến trúc, tên tuổi của Hadid đã trở thành một thương hiệu mang tính toàn cầu. Bà từng thiết kế túi xách cho hãng thời trang cao cấp Fendi, lọ cắm hoa cho nhãn đồ thuỷ tinh cao cấp Lalique, bình nước hoa cho nhãn hiệu thời trang Donna Karan và mới nhất là giầy thể thao cho Adidas. Hadid thậm chí còn tham gia thiết kế du thuyền hạng sang và năm ngoái đã cho ra mắt một dòng sản phẩm nội thất xa xỉ, giới thiệu những mặt hàng như nến thơm, cốc uống trà, bộ đồ ăn… có giá lên tới 9.999 bảng Anh. 


Trung tâm văn hóa Heydar Aliev tại Azerbaijan. 

…kiêm nữ hoàng “thị phi” của giới kiến trúc

Mặc dù rất được ưa thích, nhưng các thiết kế của Hadid cũng thường xuyên vấp phải những chỉ trích về tính thực tiễn không cao và quá chú trọng vào hình thức mà xem nhẹ công năng. Công trình Nhà thi đấu dưới nước phục vụ cho Olympic London 2012 là một ví dụ điển hình. Cấu trúc mái của công trình đòi hỏi lượng thép lớn hơn gấp 10 lần so với nhà thi đấu xe đạp lòng chảo gần đó, khiến những lời tuyên bố về tính bền vững trong thiết kế của nhà tổ chức trở nên thiếu tính thuyết phục. Cửa chính của Nhà thi đấu hoá ra không thể sử dụng, thay vào đó, khán giả phải chọn một lối vào nhỏ ở phía bên hông của toà nhà. Sau khi Olympic kết thúc, bức tường kính khổng lồ của Nhà thi đấu bị phủ kín bởi những tấm nhựa màu xanh xấu xí - theo lời giải thích của cơ quan liên quan - là “để có thể kiểm soát được tốt hơn vấn đề ánh sáng”…

Không chỉ nổi tiếng về độ khó, các công trình do Hadid thiết kế còn là những cỗ máy ngốn tiền khổng lồ. Theo kiến trúc sư Piers Gough, trong kiến trúc, một tổ hợp đường cong theo nhiều hướng khác nhau và mang nhiều hình dạng khác nhau như trong thiết kế của Hadid đòi hỏi kinh phí rất cao. Chính điều này đã dẫn đến một làn sóng chỉ trích Hadid khi cho rằng, bà chỉ tìm đến những khách hàng “lắm tiền” và “không cần phải coi trọng ý kiến của dư luận” mà đại diện là các quốc gia có nền dân chủ thường bị quốc tế nghi ngờ.


Thiết kế Sân vận động World Cup 2022 tại Quatar.

Trong khi các đồng nghiệp nam nổi tiếng của Hadid như Norman Foster, Rem Koolhaas, Richard Rogers… đều ít nhiều có những công trình tương tự nhưng chưa bao giờ trở thành tâm điểm của dư luận; thì bà lại vấp phải những cáo buộc về “đồng loã” với khách hàng trong các vi phạm về nhân quyền. Thiết kế Trung tâm Văn hoá Heydar Aliey tại Azerbaijan được coi là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp của Hadid nhưng vướng phải “bóng đen” là 250 toà nhà đã bị phá huỷ và hàng trăm gia đình đã bị cưỡng chế rời đi để hoàn thành công trình này. Gần đây nhất, một báo cáo đã chỉ ra trong quá trình xây dựng Sân vận động World Cup 2022 tại Qatar do Hadid thiết kế, 1.200 công nhân là lao động nhập cư đã bị thiệt mạng do điều kiện lao động nghèo nàn. Mặc dù nguồn thông tin này sau đó đã được chứng thực là không đúng, nhưng nó cũng đã kịp gây tổn thất không nhỏ cho danh tiếng của Hadid. 

Tính cách nóng nảy cũng là một lý do khác khiến kiến trúc sư 64 tuổi này trở thành một “nữ hoàng thị phi” của giới kiến trúc. Theo nhiều sinh viên, trong các buổi giảng bài, bà thường xuyên nổi giận trước những người không tập trung. Trong các cuộc phỏng vấn, Hadid không ngần ngại “lờ đi” những câu hỏi mình không thích, tỏ ra mất bình tĩnh và có thái độ với các nhà báo, người dẫn chương trình; thậm chí thản nhiên bỏ về giữa chừng như trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC 4 vào tuần trước - khiến một lần nữa bà xuất hiện trên các bức tranh biếm hoạ và trở thành mục tiêu phê phán của giới truyền thông. 

Lan Phương 
(Lao Động)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: