Người khuyết tật với không gian sản xuất tiểu thủ công nghiệp

Thứ năm, 21 Tháng 5 2009 17:47 Ths.KTS Nguyễn Hoàng Dương / Tc KTVN
In
Người Khuyết tật là một vấn đề xã hội có tính chất toàn cầu. Để đảm bảo công nhận rộng rãi hơn quyền của người khuyết tật, chính phủ các nước tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã và đang tiến hành hàng loạt biện pháp trong đó có Tuyên bố và Khuôn khổ hành động Thiên niên kỷ BIWAKO.

Việt Nam có tới 5-7% dân số là người khuyết tật và ngày càng gia tăng do các nguyên nhân: Hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Vì vậy, một trong những hành động có ý nghĩa nhất là tạo lập môi trường lao động xã hội nhằm từng bước cải thiện điều kiện tự chủ về kinh tế cho bản thân người khuyết tật. Người khuyết tật sẽ tự tin hoà nhập vào môi trường xã hội khi và chỉ khi họ chủ động được cuộc sống của chính mình.

Ở Việt Nam, Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu và ấn hành Quy chuẩn và Tiêu chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng, đồng thời đã có một số công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các công trình khoa học này mới nghiên cứu và đề cập tới giải pháp thiết kế cho đối tượng người khuyết tật trong các công trình công cộng và nhà ở, chưa có nghiên cứu và đề xuất quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể cho người khuyết tật  trong các cơ sở làm việc và sản xuất. Vì vậy có thể nhận thấy rằng hướng phát triển kinh tế cho người khuyết tật gắn với sản xuất tiểu thủ công nghiệp là vấn đề cấp thiết đặt ra, phù hợp điều kiện đặc trưng của nước ta.

Giải quyết mối quan hệ giữa đối tượng lao động là người khuyết tật và nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp chính là chủ động tạo lập không gian kiến trúc xoá bỏ rào cản cho người khuyết tật hoà nhập môi trường lao động xã hội ở Việt Nam.

Xem xét các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chúng ta có thể chia ra làm ba nhóm ngành nghề cơ bản:

- Nhóm nghề sản xuất tiểu thủ công mỹ nghệ: như thêu, sơn mài, chạm khắc, gốm sứ, đúc đồng, kim hoàn…

- Nhóm nghề sản xuất cơ khí nhỏ: may gia công, thêu gia công, sản xuất chế tác phế liệu…

- Nhóm nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp có sự tham gia của yếu tố tự động hoá và công nghệ thông tin.


1. Giải pháp quy hoạch

- Quy hoạch các cơ sở tiểu thủ công nghiệp cho người khuyết tật theo sự phân bố của các làng nghề (phù hợp với nhóm nghề 1). Hiện nay, các trung tâm làng nghề tại các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ đã xuất hiện các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp sử dụng lao động khuyết tật là người địa phương. Với mô hình này, người lao động khuyết tật có cơ hội tham gia tại chính địa phương mình, sản xuất theo nghề truyền thống theo đúng phương thức quê hương.

- Quy hoạch các cơ sở tiểu thủ công nghiệp cho người khuyết tật trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp (phù hợp nhóm nghề 2 và 3). Nghị định của 81-CP của chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phải đáp ứng tối thiểu 2% người khuyết tật tham gia lao động sản xuất trong cơ sở. Vì vậy trong giải pháp quy hoạch khu và cụm công nghiệp cần lưu ý một số vần đề:

- Quy hoạch và quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ trong đô thị.

Điển hình cho các cơ sở ở dạng này là các chủ hộ sản xuất và kinh doanh quy mô nhỏ, mang tính hướng nghiệp dạy nghề và sản xuất tại chỗ cho người khuyết tật tại khu đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, các cơ sở trong đô thị cần chú trọng đến yếu tố tác động môi trường, chú ý phát triển bền vững.

2. Yêu cầu không gian kiến trúc

Không gian nhà xưởng và không gian thao tác :

Không gian thao tác cho công nhân (bao gồm cả công nhân khuyết tật) được xác định trên cơ sở đánh giá tất cả các trạng thái thao tác của công nhân, đặc biệt công nhân khuyết tật. Ngoài ra, phải xác định điều kiện làm việc tốt nhất và những đòi hỏi về vệ sinh lao động. Vì vậy không gian nhà xưởng trong các cơ sở này bao gồm:

- Không gian sản xuất chung: được xác lập trên cơ sở tổng cộng tấc cả các không gian mà người công nhân bao gồm cả không nhân khuyết tật thực hiện thao tác sản xuất thường xuyên hoặc định kỳ.

- Không gian di chuyển của người công nhân đặc biệt là kích thước đủ tiếp cận với lao động khuyết tật tại chỗ làm việc thủ công hoặc kiểm tra hoạt động của thiết bị. Ngoài ra, trong cơ sở sản xuất trong giải pháp bố cục hình khối nhà còn đòi hỏi các không gian phụ trợ.

Thiết kế tiếp cận :

Từ những thuật ngữ về giá trị thiết kế phổ quát trên thế giới, trong điều kiện xây dựng Việt Nam hiện nay, khi tổ chức không gian kiến trúc, chúng ta nên chú trọng tới:

- Thiết kế tiếp cận ngoài: Hệ thống biển báo, biển hiệu, môn sảnh, lối vào, đường dốc, thang máy, thang bộ.

- Thiết kế tiếp cận trong: Thang trong nhà, Khu vệ sinh.

Bên cạnh yếu tố thích dụng và an toàn, giải pháp tiếp cận phải được thiết kế để tạo thành một bộ phận kiến trúc hài hoà không bị tách rời khỏi tổng thể công trình. Một mặt để xoá bỏ đi ngăn cách về tâm lý đối với người khuyết tật, mặt khác các giải pháp tiếp cận cũng là yếu tố đóng góp thêm cho vẻ đẹp  chung của tổng thể công trình.

Tổ chức điều kiện lao động với tiện nghi tối thiểu cho người khuyết tật trong cơ sở lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Thẩm mỹ và không gian cảnh quan tái tạo sức lao động :

Yếu tố thẩm mỹ đó chính là nâng cao giá trị thẩm mỹ trong cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thiết kế không gian cảnh quan phục vụ giải lao và sinh hoạt sau giờ sản xuất, nhằm tái tạo sức lao động cho người khuyết tật.

Vi khí hậu trong môi trường sản xuất :

Các điều kiện tự nhiên như hướng gió, nhiệt độ, lượng mưa đóng vai trò rất lớn và chi phối cách tổ chức, quy hoạch không gian cơ sở sản xuất. Vì vậy, để đảm bảo tiện nghi tối thiểu cho người khuyết tật  trong môi trường lao động tiểu thủ công nghiệp cần đảm bảo giải quyết các cơ sở khoa học về vi khí hậu môi trường lao động như: thống gió chiếu sáng tự nhiên, vấn đề khói bụi độc hại và tiếng ồn...

Ths.KTS Nguyễn Hoàng Dương


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: