Câu chuyện sống nghệ thuật này được kể từ dự án Hungarian Universitas Program thuộc Đại học Tây Hungary (University of West Hungary).
Dự án trên được xem là một trong những hệ thống tổ chức giáo dục có tầm bao quát và chuyên sâu nhất trong lĩnh vực giáo dục sau đại học tại Hungary. Từ năm 2005 đến năm 2008, dự án đã đầu tư mỗi năm khoảng 44 triệu forint (đơn vị tiền tệ của Hungary, tỷ giá hiện nay là 1 USD = 234 forint) cho giáo dục.
Một điểm lý thú là các nhà đầu tư cam kết chi ra 1% số tiền đầu tư để mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Đây cũng là một cách hỗ trợ đầy sự tinh tế dành cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế và kiến trúc sư trẻ tài năng. Một khi những sáng tạo của họ được đón nhận và được sở hữu thì giá trị giáo dục của chúng cũng được khẳng định.
Năm ngoái, Hungarian Universitas Program đã khởi xướng một cuộc thi thiết kế tác phẩm mỹ thuật ngoài trời, sử dụng vật liệu là chất dẻo. Cuộc thi đã thu hút 17 tập thể và cá nhân tham dự. Nhiều thiết kế mỹ thuật với ý tưởng thể hiện độc đáo đã được trình làng.
Ban giám khảo chọn lựa tác phẩm Living Art của nhóm thiết kế Urban Landscape Group (với sự dẫn dắt của hai nhà thiết kế mỹ thuật công nghiệp Barbara Szôllóssy và Zsolt Pyka) để trao giải nhất với phần nhận xét đầy ưu ái: “Living Art thể hiện tính mới trong mỹ thuật, đã khép lại một khoảng cách vốn chưa được lấp đầy trong nghệ thuật đương đại hiện nay”. Tác phẩm của nhóm sẽ được dựng thành mẫu thật và đặt trong khu vườn học xá tại cơ sở Sopron của trường đại học.
Nói về tác phẩm của mình, trong phần trao đổi với chúng tôi, hai đại diện của Urban Landscape Group cho rằng Living Art là một tác phẩm xếp đặt. Nó cũng là một món đồ nội thất dành cho đường phố. Living Art có một nửa là tượng bất động nhưng một nửa khác lại là một khu vườn sống biến động theo thời gian.
Đây quả là một ý tưởng độc đáo cho một tác phẩm trưng bày ngoài trời. Phần khung cứng thực hiện bằng chất dẻo mang những chữ cái viết tắt tên trường dĩ nhiên sẽ không thay đổi theo thời gian, nhưng những dây leo dần dần phủ đầy bộ khung ấy sẽ biến những tác phẩm bất động này thành những mẫu vật sống.
Thay đổi từ sáng đến chiều theo ánh sáng tự nhiên trong ngày và nhờ sự can thiệp của ánh sáng nhân tạo, nó sẽ còn chuyển màu từ mùa này sang mùa khác của năm theo tiến trình đổi sắc lá tự nhiên. Thêm những bộ bàn ghế bằng bê tông màu trắng xếp đặt mang tính trang trí xung quanh, khu vực này sẽ trở thành một điểm tụ tập đầy chất thơ và cũng đầy tính năng động, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho các sinh viên.
Thiết kế tác phẩm mỹ thuật ngoài trời của nhóm Urban Landscape Group là một định nghĩa tuyệt vời trong thiết kế về khái niệm sống. Hơn thế nữa, đó là một cách sống nghệ thuật.
Bài: TRUNG HỒ - Ảnh: Urban Landscape Group
[ Chuyên đề > Không gian công cộng ]
- Có nên loại thủ công mỹ nghệ khỏi ngôi đền nghệ thuật?
- Triển lãm điêu khắc "Sóng ngầm": Trực diện về cuộc sống đương đại
- Hà Nội trong mắt trẻ mồ côi
- Tái hiện di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội bằng 3D
- Triển lãm “Ôi thành phố”, góc nhìn mới về Hà Nội
- "Đánh thức không gian": Cuộc chạy trốn của Rùa Hồ Gươm
- Nghệ thuật công cộng Hàn Quốc những năm gần đây
- "Ánh sáng thành phố" của Phương Vũ Mạnh
- Khi nghệ thuật nhạo báng chính trị
- Quyền uy nghệ thuật châu Á của một phụ nữ Việt