Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Triển lãm mỹ thuật “Từ sông Hồng đến sông Cửu Long - Tầm nhìn về Việt Nam" tại Paris

Triển lãm mỹ thuật “Từ sông Hồng đến sông Cửu Long - Tầm nhìn về Việt Nam" tại Paris

Viết email In

Kéo dài từ cuối tháng 9/2012 đến hết tháng 1/2013, cuộc triển lãm có tên “Từ sông Hồng đến sông Cửu Long – Tầm nhìn về Việt Nam" (Du Fleuve Rouge au Mékong – Visions du Vietnam) được tổ chức tại Bảo tàng Cernuschi ở Paris, thu hút sự chú ý của giới quan tâm đến mỹ thuật Việt. 

Triển lãm trưng bày 79 hiện vật các loại của 41 tác giả, phần lớn là tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam thời kỳ đầu Trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Vũ Tiến Chức, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Lưu Văn Sìn, Tôn Thất Đào… cùng một số tác giả người Pháp từng sống nhiều năm hay đến Việt Nam thời gian đó như André Maire, Alix Aymé, Henri Dabadie, Henry Vollet, Henri Mège, Michel Géo, Charles Fouqueray, François de Marliave, Manette de Lyee de Belleau, Jonchère Évariste, Lucien Lièvre, Louis Bâte…  


Lên đồng - tranh lụa Nguyễn Phan Chánh, tác phẩm này được kỹ sư người Pháp Pierre Massé mua của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh ngay tại Hà Nội làm quà cưới cho vợ ông. Dựa vào một bức ảnh chụp bức tranh này trên tờ họa báo Illustration, có người đã vẽ lại một bức Lên đồng khác, hiện được trưng bày trong một bảo tàng. Chính vì vậy mà một nhóm người Nhật hâm mộ Nguyễn Phan Chánh đã đến Bảo tàng Cernuschi để được tận mắt xem bức tranh thật này. 

Nhiều tác phẩm quý lần đầu tiên được triển lãm

Các tranh sơn dầu, tranh lụa, sơn mài, màu nước cùng một số tượng đồng, tượng đất nung được trưng bày tại triển lãm hầu hết đều là bản gốc với đầy đủ thông tin về nguồn gốc và được mượn từ các bộ sưu tập gia đình, chẳng hạn như hai tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn (1890-1973) – người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1924 cùng với họa sĩ, nhà sư phạm mỹ thuật Victor Tardieu – được gia đình ông cho mượn, hay tranh của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh… được mượn từ các bộ sưu tập tư nhân của người Pháp ở Paris.  

Nhiều bức lâu nay chưa được biết đến, hoặc chỉ được biết qua ảnh chụp trong sách, báo hay qua các bản sao chép, nay lần đầu được giới thiệu với công chúng. Như hai bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh: Lên đồng (sáng tác năm 1931) và Thiếu nữ chải tóc (1932).

Hay bức Thợ thêu của Tô Ngọc Vân (1932); hoặc tranh sơn dầu của Joseph Inguimberty (1932), vẽ phụ nữ Hà Nội thời bấy giờ. Đáng chú ý là một bức tranh hiếm hoi của họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng khóa với những tên tuổi như Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Cát Tường… nhưng sau đó ông mất hút, hầu như chẳng để lại dấu vết gì. 

 
Người dân tộc thiểu số ở vùng cao - tranh sơn dầu André Maire
 (trái) / Tượng đồng do Vũ Cao Đàm thực hiện năm 1931, khắc họa chân dung một thiếu nữ Việt, được mượn từ Bảo tàng Quai Branly (phải) 

Bên cạnh các tác phẩm mỹ thuật, triển lãm còn giới thiệu một số sản phẩm, tác phẩm của học sinh các trường đào tạo nghề vẽ và làm sản phẩm mỹ nghệ vốn ra đời rất sớm ở Nam bộ, gồm: Trường Mỹ nghệ Bình Dương (được người Pháp thành lập năm 1901, đến năm 1932 được đổi tên thành Trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một, chuyên dạy nghề đóng đồ gỗ và làm sơn mài), Trường Mỹ nghệ Biên Hòa (được thành lập năm 1903, đào tạo nghề đúc đồng và nghề gốm), Trường Trang trí mỹ thuật Gia Định (thành lập năm 1913, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ngày nay). 

Các họa sĩ Pháp “bị Đông Dương mê hoặc”

Bà Christine Shimizu, Giám đốc bảo tàng Cernuschi lại nhấn mạnh đến tác phẩm của các họa sĩ người Pháp tại triển lãm, những người “đã bị sắc màu của Đông Dương mê hoặc”. Sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương, phong cảnh đồng quê, đời sống thôn dã là nguồn sáng tác đa dạng và hết sức phong phú được họ đưa vào tác phẩm.

Và họ cũng đã có một cái nhìn hoàn toàn mới về các sắc tộc thiểu số ở vùng cao nguyên Việt Nam, như trong hai bức tranh sơn dầu của nữ họa sĩ Marie Antoinette Bouillard Devé. Đặc biệt là với một tác giả nữ khác là Alix Aymé, mà chuyến đi đến Việt Nam đã thay đổi hẳn cuộc đời bà. 


Những người đàn bà - tranh sơn dầu Joseph Inguimberty 

Alix Aymé đã theo chồng sang định cư tại Hà Nội và riêng bà ở lại Hà Nội đến năm 1945. Cũng theo bà Christine Shimizu thì Alix Aymé “có những đóng góp rất lớn đối với nghệ thuật sơn mài của Việt Nam. Trong một chuyến tham quan Nhật Bản, Alix Aymé đã tiếp cận với nghệ thuật sơn mài của xứ Phù Tang. Tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, bà đã hướng dẫn học trò đến với nghệ thuật trang trí (art décoratif) rất thịnh hành ở Pháp thời đó và bà cũng đã đem đến một làn gió mới cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam, chẳng hạn như đã truyền lại nghệ thuật thếp vàng của ngành sơn mài Nhật Bản”.

Bên cạnh cuộc triển lãm, Bảo tàng Cernuschi còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện về mỹ thuật Việt, về nghệ thuật Chăm tại Việt Nam, về sự đóng góp của Trường vẽ Gia Định đối với nền mỹ thuật miền Nam, cùng với các buổi chiếu phim tư liệu về quá trình phục chế các tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh vốn được giới chuyên môn chú ý. 

Có thể nói, triển lãm “Từ sông Hồng đến sông Cửu Long” đã đưa người xem triển lãm ngược dòng thời gian để tìm lại phong cảnh và dáng vẻ con người Việt Nam từ hậu bán thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, đồng thời cho thấy khá rõ nét ảnh hưởng của hội họa phương Tây thông qua các họa sĩ Pháp đối với mỹ thuật hiện đại Việt Nam. 


Poster triển lãm in tranh Mai Trung Thứ 


Bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật châu Á tại Bảo tàng Cernuschi (số 7 đại lộ Velasquez, Q.8, Paris) chỉ xếp sau Bảo tàng Guimet danh tiếng ở Paris. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày các tác phẩm mỹ thuật cổ Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam. 

Đông Hà 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2690 khách Trực tuyến

Quảng cáo