Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Chiếc chìa khoá Ly Bau

Chiếc chìa khoá Ly Bau

Viết email In

Là người H’mong từ Lào, lớn lên ở Pháp, tốt nghiệp trường thiết kế quốc tế EID (Encolé Internationale de Design) ở Toulon 2006, từng làm việc ở các tổ chức NGO tại Việt Nam, công việc hiện tại là phụ trách thiết kế cho nhãn hàng UMA tại TP.HCM, đó là nhà thiết kế trẻ Ly Bau. Gặp Ly Bau tại nơi làm việc để được nghe cô chia sẻ những trải nghiệm của mình với công việc mà cô đang theo đuổi trong lĩnh vực thiết kế ở thị trường Việt Nam.

Bạn có thể kể một chút về công việc thiết kế của bạn hiện tại ở Việt Nam và những cảm nhận của bạn với công việc như thế nào? 

- Công việc hiện tại của tôi là thiết kế các sản phẩm tiêu dùng về nội thất, sắp đặt các không gian nhà ở, cửa hiệu, triển lãm, phim trường, sân khấu – trong lĩnh vực truyền hình. Nói về nghề, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế, tôi thích được quay trở lại thời sinh viên bởi thời đó tôi được tự do làm, thiết kế theo sở thích, ngẫu hứng của riêng mình. Bây giờ tôi làm việc cho công ty, phải phục vụ sở thích khách hàng, nên những tự do trong thiết kế sẽ phần nào bị hạn chế, nhưng bù lại tôi tìm được nhiều điều thú vị từ việc trao đổi, học hỏi, giao lưu với khách hàng để thể hiện ý tưởng, phát huy những kỹ năng sẵn có trong lĩnh vực thiết kế sao cho sản phẩm khi ra đời được vẹn toàn theo những chuẩn mực nhất định.

Làm việc trong lĩnh vực thiết kế nội thất ở nhiều thể loại khác nhau, vậy đâu là điểm đặc biệt hoặc nổi trội trong thiết kế của bạn?

- Tôi không có những thiết kế đặc biệt, và cũng không chú trọng vào thiết kế riêng một dòng sản phẩm nào cả. Tất cả những sản phẩm làm ra tôi đều yêu thích nó, nhiều nhà thiết kế thích thể hiện mình qua yếu tố chất liệu, kỹ thuật, thời trang hoặc kiến trúc. Riêng tôi thích kết quả và ứng dụng của sản phẩm. Khi làm ra sản phẩm tôi sẽ nghĩ đến thiết kế của tôi sẽ ra sao và ai là người sử dụng nó. Mục tiêu trong thiết kế của tôi là người tiêu dùng.

Không chú trọng vào ý thích của bản thân trong việc lựa chọn chất liệu, ý tưởng thiết kế, mà chú trọng vào nhu cầu phục vụ tiêu dùng, làm thế nào để cân bằng được điều đó?

- Là nhà thiết kế, ai cũng muốn tung hứng với chất liệu trong thiết kế của mình. Tôi thích được sử dụng tất cả các chất liệu ít nhất một lần trong đời, với những màu sắc tự nhiên, gam màu mạnh. Có những chất liệu khiến nhà thiết kế không thích, họ sẽ không sử dụng, còn cái gì tôi không thích tôi lại cố gắng ứng dụng nó để thử thách bản thân mình, làm ra những sản phẩm có ích cho người tiêu dùng.

Từng làm việc thiết kế trong các dự án truyền hình lớn như Vietnam’s next top model, Star Academy, các sản phẩm nội thất đa dạng… cùng lúc tham gia thiết kế nhiều lĩnh vực khác nhau như thế đem lại cho nghề của bạn những điều gì?

- Theo quan niệm của tôi, là một nhà thiết kế hiện đại thì không chỉ có một mục tiêu để theo đuổi, bởi ngành thiết kế rất đa dạng và phong phú. Cái tôi cần là một chiếc chìa khoá, và đó chính là tinh thần. Có được một tinh thần tốt, nó sẽ mở ra sự sáng tạo để vận dụng vào kiến trúc, công nghệ, thủ công, nội thất… Tôi làm việc trong các lĩnh vực đa dạng, đó là một thuận lợi bởi tôi luôn phải động não, làm việc liên tục, mặc dù thời gian giải trí riêng cho bản thân sẽ bị hạn hẹp nhưng tôi học được nhiều thứ từ công việc, và vận dụng các kiến thức đó vào sản phẩm thiết kế.

Môi trường thiết kế, kiến trúc ở Việt Nam đã đem lại cho bạn những cảm nhận và suy nghĩ gì về nghề?

- Ngành thiết kế ở Việt Nam đang phát triển rất mạnh và nhanh như lĩnh vực kế toán, tài chính, công nghệ thông tin vậy. Nét đương đại đang được vận dụng nhiều trong những thiết kế nội thất của các kiến trúc sư và nhà thiết kế trẻ ở thị trường này. Tuy nhiên, thiết kế đương đại là một yếu tố mới dù gắn liền với sự phát triển của đất nước mà nó đang tồn tại, nhưng nó không lệ thuộc vào một người, mà là cả cộng đồng. Chính các nhà thiết kế trẻ ở Việt Nam sẽ là người đưa những thiết kế đương đại của hôm nay đến gần hơn với người sử dụng. Thị trường Việt Nam có lợi thế là những sản phẩm đa dạng từ gỗ, mây, tre, lá… nét đương đại gắn với Việt Nam trong sản phẩm chính là yếu tố thủ công trên chất liệu. Chẳng hạn khi thiết kế một khu vườn xanh hiện đại, tôi vận dụng tre đan, và các đèn chùm làm từ nhựa vừa chống mưa nắng tốt, các điểm nhấn ấy rất dễ phối với nhau để nổi bật nét thủ công trong các thiết kế đương đại.

Mục tiêu và mong muốn của bạn trong từng sản phẩm thiết kế là gì?

- Thời còn sinh viên, tôi được học một sản phẩm thiết kế sẽ hội tụ ba yếu tố: ý nghĩa, chức năng và tính thẩm mỹ. Trong đó, ý nghĩa của sản phẩm thường được nhiều nhà thiết kế chú trọng. Tôi chú trọng vào chức năng và ảnh hưởng của sản phẩm ấy với xã hội, sau mới đến ý nghĩa và tính thẩm mỹ. Tuỳ vào sản phẩm chẳng hạn như chiếc bình hoa, để tạo ra tính mỹ thuật từ chức năng bình hoa thật dễ cho nhà thiết kế bởi hình dáng của sản phẩm có thể biến tấu đa dạng. Những sản phẩm mang tính chức năng sử dụng cụ thể hơn như bàn, ghế thì việc thiết kế cần lệ thuộc nhiều yếu tố hơn. Tuy nhiên, trên thế giới có nhiều nhà thiết kế như Matali Crasset, chuyên chú trọng vào chức năng của sản phẩm và cô ấy rất nổi tiếng. Theo tôi, thành công của nhà thiết kế là sản phẩm khi ra đời được nhiều người tiêu dùng chọn lựa.

Là một nhà thiết kế đa năng, các sản phẩm của Ly Bau rất đa dạng, từ các thiết kế cho trang trí nội thất, bàn ghế, tủ áo, kệ sách, đến các loại trang phục thời trang. Bên cạnh đó, Ly Bau cũng tham gia các dự án sắp đặt đương đại mang tính thân thiện với con người trong cuộc sống hiện đại, như dự án “sống chậm”, tạo ra các không gian thư giãn ở các trạm xe điện ngầm của thủ đô Paris. Dự án này tận dụng trạm xe điện ngầm làm nơi thể hiện các tác phẩm nghệ thuật, sử dụng âm nhạc, hội hoạ và mảng xanh để làm chậm lại nhịp sống hối hả của người tham gia giao thông và tạo cho không gian sống ở các trạm xe điện thêm thân thiện, đem lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng.

Nguyễn Đình (thực hiện) - ảnh: Hải Đông

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2510 khách Trực tuyến

Quảng cáo