Không "nhốt" ý tưởng trong một chất liệu hay hình thể…

Thứ tư, 14 Tháng 1 2009 18:17 TT&VH
In

Triển lãm của 5 nhà điêu khắc Lê Thị Hiền, Mai Thu Vân, Khổng Đỗ Tuyền, Nguyễn Ngọc Lâm và Lê Lạng Lương diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kết thúc vào chiều nay 14/1 bằng một cuộc mạn đàm nghề nghiệp tại Viet Art Centre (42 - Yết Kiêu, HN). TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Phan Tiên sinh, góp thêm một cái nhìn về triển lãm này.

1. Đối với ta hội họa giống như một tấm gương phẳng, điêu khắc giống như một tấm gương lồi đa diện. Trên tấm gương phẳng ta thấy rõ ràng hình thể, trên tấm gương lồi đa diện sự vật như được cầm nắm và ngược lại biến dạng đến mức không biết nó bắt đầu từ đâu, cấu tạo thế nào. Hàng ngàn năm qua, hình thể con người vẫn là đối tượng chính của nghệ thuật điêu khắc, dường như nghệ thuật này đã lãng quên tự nhiên còn bao nhiêu hình thể nữa dù chúng không được đặc trưng như con người.

Từ điêu khắc Hiện đại (Modern art) đã mở ra một hướng khác, trong đó tinh thần con người vẫn là vấn đề chính, nhưng hình thể con người không còn độc quyền nữa, thậm chí ngay cả những khối cơ bản, khối cầu, khối trụ, khối lập phương mà nghệ thuật tổng kết, cũng không còn chi phối điêu khắc đương đại. Phải khó khăn bao nhiêu, các nhà điêu khắc Việt Nam mới chấp nhận được câu chuyện này, và không phải ai cũng chấp nhận, mà chỉ một bộ phận nhỏ những nhà điêu khắc trẻ hoặc cấp tiến mới thấy rằng chả tội gì làm nghèo đi một ngôn ngữ có khả năng mở rộng và tiếp cận nhiều mặt với tự nhiên, cùng khả năng biểu hiện tâm trạng vô hình.

2. Cuộc triển lãm này không còn một hình thể con người nào, nhưng cái bản chất người lại được nói theo nhiều cách khác nhau. Những cái cây chạm khắc của Nguyễn Ngọc Lâm còn chút dính dáng đến chân, tay, khuôn mặt đều dở cả so với những cái cây thuần hình khối trừu tượng. Sự thay đổi đòi hỏi phải thống nhất và triệt để. Sự biến hình từ hình thể con người sang những mảng bẹt thay đổi có tính hình học của Mai Thu Vân được coi như bước đi chuyển tiếp, ném đá dò đường, và ở đấy xuất hiện cái đẹp từ các tương quan, đường lượn và không gian, ý nghĩa khối như là một thực thể còn rất ít ý nghĩa.
 
Cách đặt vấn đề của Khổng Đỗ Tuyền mạnh dạn với một thứ điêu khắc thô bạo theo nghĩa nào đó. Những khối sắt đồ sộ, gò, đóng đinh, đục thủng, xếp chồng cần một thứ công nghệ gò rèn theo nghĩa đen, nhưng đã có một tiếng nói rất riêng, không còn liên quan đến ngôn ngữ điêu khắc truyền thống hay cả nghệ thuật Hiện đại.

Lê Lạng Lương với những hình thể bằng giấy đặt trong các lồng thủy tinh, đã vượt lên ý định và tâm trạng hoài niệm về đời sống dân tộc hoang sơ. Trong phương cách của Lương có cái gì huyền hoặc với tín điều nội tâm nào đó.

Lê Thị Hiền làm những miếng tôn tô mầu uốn thành các hình hộp giống như những đóa hoa sen, mở ra và đóng lại, thay đổi và cố định nhiều khoảng cách không gian. Có thể nói không gian và các tỷ lệ đã tạo ra tính biểu cảm của tác phẩm, thay cho các khối đóng kín truyền thống. Đặc thù chất liệu và khả năng xử lý chất liệu là mặt khác nữa để tác phẩm thực sự có một tiếng nói tự thân, cái mà các tác giả con thiếu, khi mà nền điêu khắc hiện tại còn thiếu cơ sở công nghệ hiện đại.

3. Đã đến thời tiểu thủ công nghệ không còn phục vụ đầy đủ cho điêu khắc được nữa, nhất là khi hàng loạt kỹ thuật thủ công đã chết theo những thợ lành nghề. Nền điêu khắc đương đại đòi hỏi và gắn liền với công nghệ tiến tiến, quyết định tiếng nói chuyên nghiệp của ngôn ngữ điêu khắc. Chất lượng vật liệu đá, gỗ, đất và kim loại, kỹ thuật xử lý gò, hàn đúc, làm nguội và làm nóng như thế nào đó có khả năng tăng cường vẻ đẹp của tác phẩm hoặc cho thấy tác phẩm này ý đồ tốt nhưng thiếu phương tiện thể hiện.

Năm nhà điêu khắc của chúng ta đã vượt một chặng đường dài đầy rẫy những thói quen thẩm mỹ, hay chính xác hơn là những rào cản thẩm mỹ, để đến với một thứ đương đại có khả năng biểu hiện ý tưởng của họ, không mô tả, không khuôn phép pho tượng vào không gian duy nhất, vượt qua ý nghĩa một pho tượng để là những cấu trúc điêu khắc mở. Nhờ vậy mà thế giới hình khối và không gian của họ cũng động đậy hơn, rộng mở hơn, khả năng chuyển đổi hình khối, không gian và chất liệu cũng thoải mái hơn, như là bản chất của nghệ thuật là tự do, chứ không phải là nhốt ý tưởng trong một chất liệu hay một hình thể.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: