Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Cá nhân nghệ sĩ trong nghệ thuật sắp đặt

Cá nhân nghệ sĩ trong nghệ thuật sắp đặt

Viết email In
Ngay sau sự kiện Sắp đặt lớn của Christo dùng vải bọc toà nhà quốc hội Đức hay bọc toàn bộ các con đường của một công viên quốc gia ở Mỹ (2004), người ta bắt đầu nhận ra ý nghĩa của nghệ thuật hiện đại không chỉ còn nằm cứng trong các bảo tàng mà đã đi vào cuộc sống, tác động trực tiếp đến nhận thức và thị giác của một cộng đồng nhất định. Anith Kapoor – nhà điêu khắc người Anh gốc Ấn – sáng tạo một hình khối khổng lồ bằng thép phản quang đặt ở công viên Thiên niên kỷ tại Chicago, gọi là “Cổng Mây” (Cloud Gate). Tất cả mọi người khi đi qua đó đều nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của cảnh vật xung quanh bị biến dạng trên hình khối kỳ dị ấy, và ngay cả bản thân mình. Sự kết hợp của ngôn ngữ hiện đại trong điêu khắc đã giúp nhà điêu khắc thay đổi toàn bộ quang cảnh không gian xung quanh và áp đặt cả người xem về ấn tượng thị giác và nhận thức bằng nghệ thuật và ý tưởng của ông.


Triển lãm "Tứ pháp" của NS Đào Châu Hải.

Những năm gần đây, khi Sắp đặt, Trình diễn và Video Art đi vào Việt Nam và được giới nghệ sĩ trẻ đón nhận như một phương cách làm nghệ thuật thời thượng, nó cũng dần thay đổi quan niệm về hình khối và không gian của các nhà điêu khắc. Năm 2007, nhà điêu khắc Đào Châu Hải làm triển lãm Tứ pháp, lấy gợi ý từ bốn pho tượng mây – mưa – sấm – chớp trong tín ngưỡng thờ thần tự nhiên ở đồng bằng Bắc bộ, ông chăng màn xô xung quanh hai hình khối chính và bày đặt các quả trứng, những khung thép tượng trưng cho kiến trúc hiện đại, các thùng gỗ rơm quanh hai pho tượng còn lại và ở khắp phòng. Cảm quan người xem bị tác động rất mạnh khi bước vào phòng triển lãm, bởi những sắp đặt phụ trợ của nghệ sĩ đã biến cả căn phòng thành một không gian của nghệ thuật và ý tưởng, và chắc chắn nó sẽ yếu đi rất nhiều nếu ông chỉ trưng bày trơ trọi bốn pho tượng chính như các triển lãm điêu khắc trước đây. Nhà điêu khắc Phan Phương Đông cũng không bao giờ làm một pho tượng đơn lẻ, các sáng tác của ông thường là tập hợp của một vài hoặc nhiều hình khối bày theo một mô hình sắp xếp như những kiến trúc, và ông cũng thường đặt tên tác phẩm theo các tập hợp: “Đội”, “Nhóm”, “Đoàn”, “Khúc”… Nghệ sĩ Văn Ngọc ở Vũng Tàu đi xa hơn nữa khi dùng nghệ thuật điêu khắc và sắp đặt thay đổi cả không gian ngôi nhà đang sống. Ông tận dụng những thùng gỗ hàng hoá trên bến thuyền, đồ phế thải từ xưởng đóng tàu và nhiều thứ bỏ đi khác là vật liệu chính để sáng tác, xử lý và biến nó thành nhiều hình khối từ to đến nhỏ, sau đó bày la liệt trong khuôn viên ngôi nhà, từ ngoài cửa, sân vườn cho đến từng căn phòng và cả ban thờ của cụ thân sinh. Có thể coi từng hình khối là tác phẩm, cũng có thể coi cả ngôi nhà của ông là một tác phẩm lớn, nó không cố định mà thay đổi liên tục vì hàng ngày ông vẫn đục đẽo để đưa thêm những sáng tác mới vào đó. Đó cũng là một quan niệm mới của nghệ thuật hiện đại khi không còn coi tác phẩm nghệ thuật như một vật bất biến mà nó luôn thay đổi, và hoạt động nghệ thuật thì phải diễn ra hàng ngày như ta hít thở và ăn uống.


Nhà quốc hội Đức.

Xu hướng sáng tác này cũng được nhiều nghệ sĩ trẻ vận dụng trong nhiều sự kiện nghệ thuật ở khắp nước mà trong đó tranh, tượng, sắp đặt, trình diễn hỗn hợp với nhau thành các hoạt động nghệ thuật thị giác và không gian chứ không còn tách bạch nữa. Tự do sáng tạo và thể hiện cá tính trở thành tôn chỉ sáng tác của các nghệ sĩ đương đại.

Nguyễn Anh Tuấn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 3671 khách Trực tuyến

Quảng cáo