Họa sĩ Wessel Huisman: "Tôi vẽ Việt Nam bằng ánh sáng!"

Chủ nhật, 23 Tháng 11 2008 16:47 TT&VH
In
Triển lãm hội họa "Điêu khắc thành thị & Thước đo con người" (City Sculptures & The Human Measure) của họa sĩ Wessel Huisman (người Hà Lan) từ 31/10 - 10/11/2008 tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM và vừa khai mạc tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42- Yết Kiêu, Hà Nội) ngày 21/11. 25 tác phẩm đen trắng vẽ bằng acrylic trên toan, được tác giả thể hiện với cách nhìn của điêu khắc, phối hợp với ánh sáng rất đặc trưng của nhiếp ảnh. TT&VH trao đổi với Wessel Huisman về cách nhìn đô thị Việt Nam khá đặc biệt này.

* Theo tâm lý chung của nhiều dân du lịch đến Việt Nam, họ thích đi xem danh lam thắng cảnh, ngắm đồng quê, đồi núi… Tại sao anh lại thích ngắm cảnh phố phường Hà Nội, Sài Gòn với các sinh hoạt của nó?

Từ đầu năm 2007, khi đến Kyoto (Nhật Bản) để thực hiện một triển lãm cho phòng tranh Chemin, tôi đã có ý tưởng là mình sẽ liên kết cái nhìn về các thành phố của ba đất nước. Tôi muốn xem giữa Amsterdam, Kyoto và Sài Gòn, Hà Nội… có điểm gì giống nhau và khác nhau. Để qua đó, tôi kể với người xem tranh ở các thành phố ấy câu chuyện và cách nhìn của bản thân mình. Tôi cũng cho rằng, trong một chừng mực nào đó, nhìn đời sống, cách sinh hoạt của người dân ở các thành thị đang phát triển, đặc biệt những người buôn bán vỉa hè, cũng sẽ hiểu được phần nào không gian miền quê và đời sống ở nông thôn.

Wessel Huisman sinh 1954 tại Hà Lan. Tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của Van Wijngaarden, Akzo Nobel, Seasons, Kunst RAI, Realisme 06, Rademakers… (Hà Lan); La Barbagianna, Villa II Cedro… (Ý); Cologne, ngân hàng ABN-AMBRO… (Đức); Chemin (Nhật)…

* Anh đã hiểu gì về đời sống ở phía sau các vỉa hè, các dãy phố, các cây cầu, các cánh cửa… mà anh đã vẽ và trưng bày ở triển lãm lần này?

Như chính tên của triển lãm, tôi muốn khắc họa về không gian sống của người dân thành thị, để qua đó tôi tìm hiểu giá trị sống và các thước đo về con người trong không gian sống đó. Tôi cho rằng Sài Gòn và Hà Nội đang phát triển khá nhanh, nên áp lực về không gian sinh hoạt, về cơ sở hạ tầng, về giao thông là rất lớn. Kinh nghiệm cũng cho tôi thấy rằng để giải quyết những chuyện này thật không dễ, vì nước nào cũng có một vài giai đoạn như thế, khi thành thị trở nên là một hấp lực, người ở nông thôn đổ về, tạo sự mất quân bình… 

Qua những hình ảnh mà tôi chụp được (khoảng 1.500 bức), tôi lựa ra 25 bức tiêu biểu cho những nhận định của mình, sau đó chuyển thể thành tác phẩm hội họa. Qua những tác phẩm này, nếu tinh ý, bạn sẽ thấy tôi đang vẽ Việt Nam bằng ánh sáng, nơi "va chạm" giữa các giá trị truyền thống và các giá trị "tân thời". Trong bối cảnh WTO, có nhiều thứ phải thay đổi, nhưng cũng có những bản sắc cần bảo tồn - đây là một quy tắc - nhưng "trò chơi" WTO nguy hiểm ở chỗ dễ khiến chúng ta làm ngược lại cái quy tắc vừa nêu.

* Các tác phẩm diễn tả bằng cái nhìn hiện thực chân phương, hòa trộn với bút pháp trừu tượng và có hình - thường đậm chất lãng mạn, phiêu bồng. Ở triển lãm này, các tác phẩm đen trắng và xám cũng được vẽ với tinh thần như vậy, lại pha một chút của cách phối màu trong tranh thủy mặc Nhật Bản, nhưng lại đứng ngoài tinh thần lãng mạn, vậy thì tại sao?

Tôi không thích dùng cái nhìn lãng mạn để áp đặt vào các bối cảnh vốn hiện thực. Khi vẽ, tôi luôn quan tâm đến chất lượng ánh sáng và hình khối của tác phẩm, như là cách mà người ta rọi ánh sáng vào các công trình điêu khắc. Tất cả các tấm toan tôi dùng đều dày 3cm, nhưng với tôi điều ấy là cả một không gian ánh sáng, nên khi chú thích hình, ngoài chiều rộng, chiều cao, tôi cũng không quên chiều sâu. Tôi muốn nói với người xem rằng ở đây là không gian 3 chiều, chứ không phải 2 chiều. Tôi quan niệm rằng, hiện thực chính là khi ánh sáng được soi rọi đến đâu, những nơi thiếu ánh sáng, thì hiện thực rất dễ bị bóp méo. Đen trắng tượng trưng cho sáng tối, nóng lạnh, âm dương; còn màu xám thì tượng trưng cho sự giao thoa, chính nơi ấy cuộc sống hiện ra, nếu thuần đen hay thuần trắng thì không thấy gì hết.

* Trong các tác phẩm của anh gần như vắng bóng đàn ông, còn những người phụ nữ thì được anh chăm chút khá cẩn trọng. Có phải anh ghét đàn ông, hay do một quan niệm nào đó?

Ồ, bạn quả là người tinh ý. Tôi cho rằng người phụ nữ Việt Nam có dáng đi rất đẹp, rất uyển chuyển, rất tao nhã…; qua công việc thì càng đẹp hơn, họ đẹp trong buôn gánh bán bưng, họ đẹp khi làm việc trên vỉa hè; tôi muốn ghi chép về họ. Phụ nữ Hà Lan không được như thế, họ có dáng đi chẳng đẹp tí nào, thật xin lỗi khi phải nói điều này, nhưng đó là sự thật, xã hội công nghiệp đã làm họ quá cứng ngắc… Tôi không ghét đàn ông, nhưng có vẻ như tôi ưu ái phụ nữ nhiều hơn; với lại, chắc do tình cờ thôi, khi đi chụp hình, tôi chẳng nhìn thấy đàn ông ở đâu cả (cười). Sau một thời gian dài sống và làm việc ở đây, cho triển lãm này, tôi thật khâm phục phụ nữ Việt Nam, họ đã sống và làm việc vì gia đình, vì con cái của mình.

Văn Bảy (thực hiện)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: