Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Đề cao bảo tồn hơn trùng tu

Đề cao bảo tồn hơn trùng tu

Viết email In

Để giới thiệu nghệ thuật trùng tu của mình ra nước ngoài, Bộ Văn hóa Ý mới đây đã xây dựng triển lãm lưu động “Biết cách làm về trùng tu”, đưa hình ảnh một số công trình trùng tu nổi tiếng nhất của Ý đến nhiều nước trên thế giới, trong đó Việt Nam được chọn là điểm đến đầu tiên ở châu Á hồi giữa tháng 5 vừa qua. Cùng đồng hành với triển lãm trong vai trò người thuyết minh có bà Maria Teresa Castellano, Phó chủ tịch Viện Mỹ thuật Florence, chuyên gia phục chế tranh. Nhân dịp này bà đã trả lời phỏng vấn của Tia Sáng:

Thưa bà, được biết công trình phục chế bức tranh Il Deposto di Cristo (tạm dịch: Hạ xuống cây thập tự) vẽ vào nửa sau thế kỷ 16 của họa sĩ Feredico Barocci do bà tiến hành đã được Hội các nhà báo Mỹ thuật Ý trao giải thưởng công trình phục chế xuất sắc nhất năm 2009. Bà có thể kể đôi chút về quá trình phục chế tác phẩm đó được không?

Bà Maria Teresa Castellano (ảnh bên): Bức tranh cao 4,1 m và rộng 2,3 m, là một tác phẩm quan trọng bằng chất liệu sơn dầu của họa Feredico Barocci theo trường phái kinh điển Venice thế kỷ 14. Bức tranh bị hỏng một phần do khung tranh làm từ nhiều loại gỗ khác nhau.

Quá trình phục chế của chúng tôi kéo dài một năm rưỡi, trong đó phần vẽ do tôi thực hiện chiếm khoảng 1.500 giờ. Tôi đã vẽ tổng cộng khoảng 90 bản nháp. Tôi được sáu đồng nghiệp hỗ trợ, trong đó có một người chuyên về khung tranh, các đồng nghiệp còn lại giúp tôi làm sạch tranh hoặc thể hiện tranh dưới dạng đồ họa. Tôi cũng nhận được sự hỗ trợ của rất nhiều nhà khoa học trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, sinh học... để thực hiện nghiên cứu về bức tranh này từ mọi khía cạnh. Bức tranh đã được chụp bằng tia hồng ngoại để phân biệt sự khác nhau về sắc độ ở một số mảng màu mà bằng mắt thường chúng ta tưởng là giống nhau. Việc làm sạch tranh bằng hóa chất được thử kỹ lưỡng nhiều lần ở bên ngoài trước khi làm thật trên tranh. Tôi dùng bộ 12 màu cơ bản, vẽ chồng nhiều lớp để tạo được màu như ý.

Nguy cơ lớn nhất gặp phải khi làm trùng tu là gì thưa bà?

Trong trùng tu nguy cơ lớn nhất là phải trung tu các tác phẩm đã từng bị trùng tu không thành công. Bức tranh Il Deposito di Cristo là một trường hợp như vậy, nó đã được phục chế một lần ở Pháp. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để xác định phần nào đã từng được phục chế, phần nào nguyên bản.

Theo bà điều gì cần quan tâm nhất khi làm trùng tu?

Lý thuyết trùng tu về cơ bản giống nhau, có thể áp dụng cho mọi công trình. Tuy nhiên khi bắt tay vào việc, chúng tôi phải nghiên cứu cụ thể hiện trạng di tích/tác phẩm rồi xác định mục đích và phương thức trùng tu. Sau đó phải nghiên cứu về lịch sử, kiến trúc, chất liệu để đưa ra kế hoạch hành động. Điều quan trọng nữa là ghi chép càng tỷ mỷ càng tốt tất cả các khâu của quá trình trùng tu, bởi nó sẽ cung cấp kinh nghiệm quý giá cho những công trình trùng tu tương tự.

Riêng về phục chế tranh, xin bà cho biết quan điểm cơ bản của Ý  đối với lĩnh vực này như thế nào?

Quan điểm của chúng tôi là can thiệp tối thiểu đến tác phẩm gốc, ngoài ra phần phục chế phải được phân biệt với phần nguyên bản, tất nhiên mắt người thường không thể nhận thấy sự khác biệt này nhưng nếu là chuyên gia, họ sẽ nhận thấy ngay. Ngoài ra, phục chế phải làm sao để tác phẩm còn tiếp tục phục chế được trong tương lai.

Mặc dù nghệ thuật trùng tu của Ý ngày nay rất phát triển nhưng chúng tôi vẫn đề cao bảo tồn nói chung hơn.

Nước Ý đầu tư về nhân lực và tài chính cho ngành trùng tu như thế nào?

Các trường mỹ thuật ở Ý đều có khoa trùng tu, nhưng đào tạo từ bậc cao học trở lên chỉ có Viện Cao cấp về Trùng tu ở Rome, mỗi năm chỉ nhận đào tạo 20 người xuất sắc nhất.

Về nguồn tài chính, chúng tôi trông vào tài trợ của chính phủ và tư nhân, trong đó mạnh nhất là khối ngân hàng, nhưng thời gian gần đây tài trợ của chính phủ đang giảm.

Nếu không có gì bí mật, bà có thể cho biết chi phí cho một công trình như phục chế bức tranh Il Deposto di Cristo vào khoảng bao nhiêu?

Không có gì bí mật cả, để phục chế bức tranh đó chúng tôi tốn 50 nghìn euro.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Loan Trần (thực hiện) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 2855 khách Trực tuyến

Quảng cáo