Gốm và deco ý niệm

Thứ ba, 28 Tháng 7 2009 00:09 Xuân Bình
In

Một quan niệm mới về nghệ thuật lại khai mở từ những điều đơn giản, gần gũi hay tưởng chừng như tầm thường nhất.

Một gợi ý

Phía ngoài một biệt thự của khu nghỉ Nam Hải, có bé con tồng ngồng nhảy nhót cùng với mưa. Bé con chạy như lướt qua vạt cát trắng, luống cỏ xanh, rất nhiều dây muống biển tím và những khóm hoa đậu vàng để tới hàng chum sành. Tắm mưa và tắm bằng nước chứa trong chum múc bởi gáo dừa là một chuỗi những khoái cảm hoàn toàn lạ lùng đối với một cậu bé thành phố.



Như thể chuyển động của cậu bé đang làm cho khoảng hiên rộng của biệt thự, thân dừa cao cùng những chiếc chum gốm không còn giữ được vẻ tĩnh tại thường thấy. Khung cảnh ấy gợi ý, khích lệ tôi khám phá những cảm nhận mới mẻ của lối deco ý niệm mà chất liệu chính lại là cái chum gốm- một vật dụng tưởng như đã quá đỗi quen thuộc.

Vay mượn văn hóa

Hầu hết các khu nghỉ dưỡng đủ loại đẳng cấp dọc theo các bãi biển từ Bắc vào Nam, từ đất liền ra các hải đảo, nơi nào cũng thấp thoáng bóng dáng đồ gốm trong trang trí nội, ngoại thất.

Sau khi tắm biển hay đi dạo trên bờ cát, người ta cần có nước để rửa chân. Và không có món đồ nào vừa thỏa mãn nhu cầu đó một cách tiện lợi vừa bền chắc, rẻ tiền và lại gần gũi khung cảnh thiên nhiên như lọ, bình, vại, chum, lu, kiệu, …



Vậy mà không có nhiều chiếc chum gốm khiến tôi phải nhớ. Có chăng là chiếc chum gốm đất nung lặng lẽ ngồi bên vách đá sát mép sóng ở Evason Hideaway Ninh Vân; Bình gốm đỏ nồng trong cụm kiến trúc- điêu khắc thể hiện ngẫu tượng Linga- Yoni ảnh hưởng văn hóa Chàm ở Life resort (Quy Nhơn); Dãy chum gốm bên hàng hiên mang dáng dấp kiến trúc phổ cổ của Victoria Hội An phảng phất tinh thần huyền thoại Một nghìn lẻ một đêm; Một chút trang trí trên vai chum gốm của Furama (Đà Nẵng) như mô phỏng phù điêu vũ công ở đài thờ đền Trà Kiệu Quảng Ngãi hay Đồng Dương, Bình Định.

Tất cả chỉ có vậy, một thống kê nghèo nàn so với tốc độ phát triển ào ạt về số lượng trong lịch sử phát triển hơn 14 năm qua của resort. Không tìm thấy nhiều dự án có cách nhìn, lối ứng xử khác với món đồ mộc mạc nhưng đầy tín hiệu văn hóa bản địa này.

Có khu nghỉ ở Mũi Né cũng deco xe bò chở gốm giống hệt như “phong cách Bình Quới” mà nghệ sỹ Cao Lập từng làm trước đó cả chục năm. Một khu nghỉ ngoài Bắc đặt hàng các “nghệ sỹ” cắt thủng xương gốm bằng những nhát hình khiên cưỡng, kỳ vọng gây ấn tượng khác lạ. Chỗ khác, người ta đặt nghiêng chiếc chum trên bờ cát rồi viết lên vai gốm hai chữ: Vô Thường ?!?!

Đâu đó chắc là có chút cảm thương thân phận nô bộc, tận tụy của chum gốm mà người ta giao thêm cho chức phận của chậu cảnh, bồn trồng hoa hay đương đại hơn thì làm chân đèn, chụp đèn… Nhưng không hiểu sao tôi chỉ thấy trong cách làm ấy thái độ “lợi dụng, mượn bợ, được chăng hay chớ, không ưa thì bỏ” giống những gia đình mới giàu ở thành phố thường cư xử với người giúp việc.

Có vẻ như nhiều nhà kinh doanh resort quên rằng người tiêu dùng sẽ cảm giác chính xác đẳng cấp dịch vụ từ một dáng cây, tiếng nước suối chảy hay cách tôn vinh những chum, vại, lọ…Nhìn vào những chi tiết ấy để thấy những một câu chuyện lớn hơn về tư duy kinh doanh và văn hóa.


Gốm Sa Huỳnh / Gốm Sa Huỳnh (di chỉ bãi Cọi Hà Tĩnh)

Đồng hiện

Và phải đợi đến khi những người thiết kế cảnh quan khu nghỉ Nam Hải hoàn tất công việc của mình, kiến trúc đương đại mới có được một cuộc đối thoại nghiêm ngắn, đàng hoàng với gốm.

Gốm của Nam Hải được chia thành nhiều cấp độ giá trị, kiểu dáng, màu sắc, vị trí, cách thức xếp đặt hay công năng.

Chum, lu gốm lớn ở Nam Hải phần nhiều do thợ làng Thanh Hà vào Biên Hòa, Đồng Nai dựng cốt gốm và đốt trong những lò lớn mà ở Hội An không có. Trang trí ngoài trời có gốm sành, đồ đất nung, gốm non lửa không có men và họa tiết trang trí.

Trang trí nội thất sang trọng có các món cổ vật hoa lam của Chu Đậu (thế kỷ 14) được trục vớt từ Cù Lao Chàm. Nếu là đồ sành mới thì kích cỡ vẫn giữ nguyên của chum, kiệu nhưng đã mượn kiểu dáng của bình, lọ, hũ, thạp để chuốt vuốt xương gốm cho mềm mại, thanh thoát. Một số món đồ có miệng chum nhỏ, vai trang trí vấu hình lá và quấn thừng theo một số mẫu mã truyền thống của dòng Gò Sành, Bình Định.


Gốm Chu Đậu / Gốm Thanh Hà

Gốm sành còn tham gia thành phần của đài phun nước như một giải pháp phong thủy trong các cụm biệt thự độc lập. Có các nhóm xếp đặt ba chum gốm chụm lại hay dàn theo hàng dọc- ngang vừa tạo điểm nhấn vừa phân chia các không gian chức năng. Trên các lối đi chính, chum gốm được xếp đặt từng cặp đối xứng như có tác dụng chỉ dẫn, định hướng. Đôi khi người ta có cảm thấy những chiếc chum gốm đang cần mẫn đảm nhận, thực thi chức phận của những người bảo vệ. Phía trước các biệt thự nhìn ra biển, mỗi chiếc chum gốm đều được chủ ý xếp đặt ở những vị trí nổi bật trên đường chân trời. Những chum gốm cong cong, nhiều màu còn tạo cảm giác chuyển động trong một kiến trúc có nhiều bức tường lớn, phẳng và đơn sắc.

Với số lượng áp đảo, kiểu dáng của chum gốm có lẽ đã quyết định luôn design của số ít những chiếc đèn đá trang trí hoa dây được nhập khẩu. Vào buổi tối, khi tham gia chiếu sáng, những vệt sáng trên vách chum gốm nhắc người ta liên tưởng đến logo có hình hai chiếc đèn lồng của Nam Hải. Về hình học và hội họa đó là những hình đồng dạng. Về công năng, đó cùng là những chế phẩm để chiếu sáng. Về văn hóa, chum gốm và đèn lồng đều đồng hiện những tín hiệu của vùng văn hóa Hội An- Miền Trung- Việt Nam- Phương Đông.

Một vài suy luận

Đọc kỹ câu chuyện deco ở resort Nam Hải, tôi cảm thấy các designer đều có phẩm chất của Gốm, tri thức của những nhà văn hóa và kỹ năng của người thợ. Điều đó làm tôi phấn khích hơn khi đặt ra những câu hỏi và một vài suy luận nhỏ.

Nam Hải nằm trong vùng văn hóa rất ấn tượng của người Chàm, vì sao khi tham gia deco, các phù điêu, điêu khắc phỏng theo mô tip này lại chỉ chiếm số lượng nhỏ, kích thước không lớn và chỉ được xếp đặt ở những không gian đệm?


Nam Hải resort

Những món đồ Chu Đậu danh giá chắc hẳn có gây ấn tượng mạnh mẽ với nhóm thiết kế. Nhưng vì sao họ không chọn chất liệu gốm hoa lam hay gốm tráng men xanh Cobalt với cách thể hiện khá đa dạng kết hợp lối công bút kiểu Trung Hoa hay lối vẽ phóng bút truyền thống của Chu Đậu?

Các không gian nội thất của Nam Hải có deco quá sang trọng, vì sao không lựa chọn những món đồ như gốm hoa nâu thời Lý- Trần, đồ ngự dụng ký kiểu thời Nguyễn hay chí ít cũng phải là dòng gốm Gò Sành nâu vàng có trang trí hoa lá từng lọt vào trong bộ sưu tập của Vua dầu lửa Mỹ- John D.Rockerfeller?

Có lẽ không có khu nghỉ nào trên thế giới lại sử dụng gần 400 chum gốm với đủ kiểu dáng hình trụ, hình trứng, hình cầu…. làm deco như Nam Hải. Có phải những người thiết kế muốn tái hiện hình ảnh mà tròn 100 năm trước, M. Vinet từng phát lộ hơn 200 mộ chum từ cồn cát ven biển An Khê, Đức Phổ, Quảng Ngãi?



Đã tiếp cận văn hóa Sa huỳnh, nhưng vì sao những nhà thiết kế tiếp tục lược bỏ những mẫu rất đặc trưng như gốm vàng đỏ có hoa văn chữ S, có đệm tam giác, những đường chấm hay đường in dấu răng vỏ sò? Vì sao họ chỉ chọn những vật dụng của người dân nghèo ven biển miền Trung vẫn đang chứa nước hay làm mắm?

Đơn giản nhất để hiệu quả hơn

Có lẽ cá designer không tự cho mình quyền so sánh hơn- kém, tốt- xấu, được- mất giữa các giá trị văn hóa. Họ chỉ chọn lựa những cái tốt, hợp lý nhất và có thể cả cái rẻ nhất. Thái độ ấy vừa khôn vừa khéo chẳng khác gì người thợ chòi củi. Trong chỗ phơi rất hẹp, lựa, xếp các thanh củi thế nào để thành những cột cao ngất mà không bao giờ đổ.

Các designer đã rất kỹ lưỡng khi chọn màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng để xếp đặt gốm hài hòa với kiến trúc và tạo được ấn tượng thị giác như khi thưởng thức một tác phẩm điêu khắc. Thao tác này tỉ mẩn như cách người thợ thái, cắt và luyện đất cho một mẻ nguyên liệu hoàn hảo, không lẫn nhiều tạp chất.

Với quỹ thời gian khảo sát thiết kế không nhiều, nhóm thiết kế đã chọn đúng hướng tiếp cận các dữ liệu văn hóa bản địa. Ngôn ngữ thiết kế tiết chế, chắt lọc, tránh lối biểu đạt rườm rà, sợ mọi người không hiểu như các designer Việt Nam thường hay mắc phải. Kỹ năng đó cũng tinh tế như khi người thợ chuốt, vuốt xương gốm. Khi nào thì đập cho chum nở vai, phình hông, khi thắt đáy phải gọn, lúc ve miệng phải tròn đều.

Không tự ràng buộc vào những thông điệp quá lớn khiến cho thiết kế phải gồng lên “cõng” văn hóa và nhiều thứ khác như kiểu con đường gốm sứ Hà Nội. Không tham lam nhặt nhạnh, chôm chỉa di sản để trang điểm cho một dịch vụ, những người thiết kế chỉ đi đến tận cùng phạm vi đề bài với tinh thần : “Less is more”. Triết lý này đòi hỏi designer cũng nhạy cảm như người thợ đốt lò, chỉ nhìn màu sắc của ngọn lửa để điều chỉnh nhiệt cho men không bong, vỡ, rạn, sản phẩm không bị méo, dính…

Và khi đã đồng cảm, hòa mình vào với một dòng chảy văn hóa gốm, các designer đã đem đến một deco đầy cá tính cho Nam Hải. Họ tiếp nối những nỗ lực của các nhà nghiên cứu văn hóa như M. Vinet, La Barre, H. Parmentier, M. Colani, O. Janse… để tạo nên một hiện tượng hỏa biến mới cho một nền văn hóa Sa Huỳnh từng rực rỡ cách đây 2500- 3000 năm.

Dự án Nam Hải có 5 văn phòng kiến trúc sư nổi tiếng thế giới tham gia thiết kế từng khâu riêng biệt. Công ty thiết kế AW2 thiết kế kiến trúc, công ty Jaya & Associates (Jakarta) thiết kế nội thất, công ty KPD (Bali) quy hoạch cảnh quan, The Flaming Beacon (Melbourne, Úc) thiết kế chiếu sáng và Design Studio SPIN (Tokyo, Nhật) thiết kế nhà hàng.  

Xuân Bình


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: