Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo "Chúng tôi vẽ lãng" - Triển lãm của nhóm họa sỹ G39 về làng Cự Đà

"Chúng tôi vẽ lãng" - Triển lãm của nhóm họa sỹ G39 về làng Cự Đà

Viết email In

Lần đầu tiên, trong lịch sử của ngôi làng cổ kính ngoại thành Hà Nội cũ, có một cuộc triển lãm tranh vô cùng đặc biệt, mà ở đó, các họa sỹ tên tuổi đến tận nơi, vẽ tranh về làng cho người dân làng xem. 

Lần đầu tiên, có một cuộc triển lãm mà những người xem mặc áo nâu tứ thân, chít khăn mỏ quạ, còn các họa sỹ thì ngồi bệt trên nền sân gạch của ngôi nhà cổ còn sót lại vẽ say sưa về làng.  


Những bức họa được triển lãm trên phên miến. (Ảnh: Đăng Hữu/Vietnam+) 


Các họa sỹ ngồi bệt trên nền sân để sáng tác. (Ảnh: Đăng Hữu/Vietnam+) 


Băng khai trương của triển lãm là một tấm miến đặt lên trên những chiếc mẹt.
 (Ảnh Đăng Hữu/Vietnam+) 

Lần đầu tiên, có một triển lãm mà khi khai trương người ta không cắt băng nơ đỏ, mà cắt tấm miến bởi một người trưởng thôn đi guốc mộc. Và, thay vì hoa trong trang kim bóng kính, thay vì rượu ngoại đắt tiền thì các họa sỹ được nhận quà tặng là tương, là bánh đúc, là miến dong và những cút rượu nút lá chuối thơm nồng hương quê… 

Diễn ra chỉ vỏn vẹn có 2 tiếng đồng hồ, từ 15-17 giờ chiều ngày 29/4, cuộc triển lãm độc đáo với sự góp mặt của 15 họa sỹ Tào Linh, Trần Gia Tùng, Phạm Trần Quân, Nguyễn Quốc Thắng, Ngô Bình Nhi, Nguyễn Thị Hồng Phương, Lê Thiết Cương, Đức Phạm, Nguyễn Minh Hiếu…đã sáng tác ra 36 bức tranh trực họa (được vẽ trực tiếp) tại ngôi nhà cổ hơn 150 năm tuổi tại số nhà 230, xóm ngõ Ba Gang, thôn Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội, căn nhà của hai vợ chồng họa sỹ Nguyễn Quốc Thắng - Bình Nhi. 


"Bữa tiệc" đặc biệt với bánh đúc, tương, miến.... tại khai trương triển lãm trực họa "Chúng tôi vẽ làng" (Ảnh: Đăng Hữu/Vietnam+)

Sở dĩ có cuộc triển lãm này là do ý tưởng của họa sĩ Lê Thiết Cương, người cả cuộc đời sáng tác luôn đau đáu với những vốn cổ của văn hóa, nghệ thuật dân gian, dân tộc Việt đang dần mai một được tổ chức bởi Gallery 39. Cương bảo: Triển lãm là để khơi gợi, để nhắc nhở và hơn tất cả là để lưu giữ những gì còn sót lại ở ngôi làng có địa thế "nhất cận thị, nhị cận giang" một thời cực kỳ phồn thịnh của ngoại ô Hà Nội

Làng Cự Đà nằm bên bờ sông Nhuệ, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km về phía Tây với những ngôi nhà cổ, những đình, chùa cổ… mang kiến trúc đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ đặc và cả những ngôi nhà theo lối kiến trúc Pháp có tuổi đời hơn 100 năm. Ngôi làng cổ yên bình này nổi tiếng với hai nghề truyền thống vẫn còn được giữ đến ngày nay là nghề làm miến và nghề làm tương.


Họa sĩ Lê Thiết Cương chụp cùng Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thôn Cự Đà. (Ảnh: Đăng Hữu/Vietnam+)

Chính những “chất liệu” này của làng là nội dung chính đi vào hội họa, qua đó, người xem phần nào hình dung, hoài nhớ về một không gian yên bình, một văn hóa làng xã đầy thơ ảo mà cũng chan chứa hiện thực của Cự Đà.

36 bức tranh chủ yếu dùng bột màu, báo cũ, giấy dó, mực tàu (những chất liệu nhanh khô) được vẽ nhanh, với những nét vẽ phóng khoáng, không cầu kỳ chi tiết, bút pháp đầy gợi tả… đã được hoàn thành sau 2 tiếng và được triển lãm ngay tại ngôi nhà cổ với sàn gạch đỏ, 5 gian ngói lợp còn giữ lại tương đối lối kiến trúc cổ trên những phên miến được trải dọc trên sân nhà, trên hai bên bở tường ngõ nhỏ có cái tên Ba Gang của thôn…

Và men rượu sóng sánh, hương thơm của tương nồng nồng, những lát bánh đúc trắng ngà điểm những hạt lạc hồng hồng bùi bùi và nụ cười thôn quê đầm ấm, rổn rảng…

Có ai về Cự Đà hôm nay để xem tranh, họ thật hạnh phúc. Ai lỡ hẹn không về được thì tiếc nuối khôn nguôi. Và, mong lần đầu tiên sẽ là khởi đầu để có những lần tiếp theo, để nuôi giữ những nét đẹp đầy giá trị về làng quê Việt cho mãi sau này../.


Cổng làng ở Cự Đà. (Nguồn: Báo Tin tức)


Phơi miến ở Cự Đà. (Nguồn: TTXVN) 

(TTXVN / Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 1754 khách Trực tuyến

Quảng cáo