Nghiên cứu ban đầu về Không gian sáng tạo tại Việt Nam

Thứ ba, 16 Tháng 12 2014 11:40 Ashui.com
In

LTS: Đây là nghiên cứu do nhà báo, nhà tư vấn truyền thông Trương Uyên Ly thực hiện theo đặt hàng của Hội đồng Anh, với mục đích là tìm hiểu về các không gian sáng tạo ở Việt Nam thông qua nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn các doanh nhân sáng tạo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các lĩnh vực nghiên cứu trong nghiên cứu bao gồm: nghệ thuật thị giác, âm nhạc, điện ảnh, múa, thiết kế, và ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông).

Trên thực tế, tất cả các không gian sáng tạo ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều khác nhau về quy mô, loại hình và lĩnh vực hoạt động. Mỗi không gian là một ví dụ độc đáo cho khái niệm “không gian sáng tạo”. Bởi tính độc đáo đặc thù riêng, rất khó để có thể phân loại rõ ràng các không gian sáng tạo. Tôi đã sử dụng những tiêu chí sau để phân loại: ‘kết nối’, ‘sáng tạo’, và ‘có định hướng kinh doanh’. Không gian sáng tạo có thể là những địa điểm gặp gỡ của những cá nhân làm trong ngành sáng tạo như nghệ sỹ, nhạc sỹ, nhà thiết kế, nhà làm phim, nhà thiết kế các ứng dụng (apps), các doanh nghiệp khởi nghiệp, và cộng đồng sáng tạo nói chung. Nếu theo định hướng kinh doanh, có rất nhiều các mô hình khác nhau bao gồm kinh doanh có lợi nhuận như Saigon outcast, Work Saigon và  ADC Academy; và phi lợi nhuận như Cà Phê Thứ Bảy. Một số có thể không đem lại lợi nhuận nhưng có thể tự hoạt động như Saigon Outcast.

Sử dụng 3 tiêu chí này, tôi có thể nhận dạng được khoảng gần 40 không gian sáng tạo tại Việt Nam.


Không gian ADC Academy ở TPHCM
(ảnh: Uyên Ly)

Bối cảnh sáng tạo ở việt Nam

Đổi Mới, chính sách nhằm cải cách kinh tế và xóa đói giảm nghèo của chính phủ Việt Nam vào năm 1986) và toàn cầu hóa đã mang đến nhiều thay đổi tích cực cho xã hội Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng (thu nhập bình quân đầu người GDP trung bình tăng 7-8%/ năm kể từ năm 1990)(1), sự bùng nổ Internet và sự phát triển chóng mặt của các trang mạng xã hội (Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về số người sử dụng Facebook, theo ICT News), đang mỗi ngày thay đổi và mang đến những yếu tố và ý tưởng mới lạ cho ngành sáng tạo ở Việt Nam.

Đặc biệt từ năm 2009  hàng loạt không gian ra đời như Doclab, Cà Phê Thứ 7 (quán café với các buổi nói chuyện cởi mở về nghệ thuật hàng tuần dành cho công chúng),  sau đó là YxineFF (2010), Saigon Outcast (2012), Đom Đóm (đầu năm 2013), Zone 9 ( mở đầu 2013, đóng cửa 2014), Heritage Space (đầu 2014), ADC Academy (Tháng 3 năm 2014), Nhà Ga 3A (Tháng 4 năm 2014). Tất cả đã làm gia tăng đáng kể số lượng không gian sáng tạo ở Việt Nam, môi trường sáng tạo và nghệ thuật trở nên phong phú hơn rất nhiều, đặc biệt là mảng âm nhạc thể nghiệm, làm phim, thiết kế, và người dân được tiếp cận các sự kiện văn hóa và nghệ thuật nhiều hơn.   

Khác với bối cảnh của những năm 1990 hay đầu năm 2000 khi mà rất nhiều không gian và sự kiện về sáng tạo và thể nghiệm nghệ thuật mới được tài trợ và phụ thuộc vào các tổ chức văn hóa như L’Espace, Viện Goethe, Hội đồng Anh, hay Quỹ Ford; bối cảnh này đang thay đổi và các không gian trở nên độc lập hơn, và nhiều không gian đã trở nên độc lập 100% như  Heritage Space và Zone 9, nay là X98 tại Hà Nội và Nhà Ga 3A Thành phố Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây cũng ghi nhận sự phát triển đáng kể của các không gian trong ngành công nghệ thông tin như Start Centre (năm 2012), Saigon Hub (2013 – 2014), HUB IT (cuối năm 2013). Saigon co-working (năm 2013), cùng với Hatch! và 5Desire tập trung vào cộng đồng các công ty khời nghiệp mà theo Lê Viết Đạt, người đồng sáng lập Hatch! và 5 desire, cộng đồng này có thể lên đến 8000 đến 10,000 người.


Một buổi trò chuyện của Cà phê thứ Bảy tại TPHCM
(ảnh: Uyên Ly)

Tác động của các không gian sáng tạo

Không gian sáng tạo đang tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn để mọi người có thể gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, và thách thức những giới hạn tồn tại trong chính mình. Thông qua các không gian này, khán giả được tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng nghĩa với việc phát triển con người tốt hơn. Một ví dụ rõ ràng gần đây nhất là Zone 9, không gian sáng tạo quy mô lớn với sức chứa lên đến hàng nghìn người đã trở thành một địa điểm gặp gỡ của giới trẻ Hà Nội.

Không gian sáng tạo cũng đang góp phần thay đổi bản sắc của thành phố và phát triển đô thị. Nhà Ga 3A nằm ngay tại quận 1, đã dần trở thành một điểm đến thú vị cho nghệ sỹ và các khách muốn mua sản phẩm thủ công địa phương 100% có chất lượng cao, và khách du lịch muốn trải nghiệm những nét đặc sắc về văn hóa nghệ thuật.

Mỗi không gian sáng tạo dù lớn hay nhỏ đều tạo thêm công ăn việc làm. Với hơn 60 hộ kinh doanh và hơn 1000 nhân viên, Zone 9 có lẽ là mô hình tổ hợp sáng tạo lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. Bên cạnh đó, các không gian này đã và đang truyền cảm hứng về sáng tạo và kết nối cho một mạng lưới ngày càng rộng lớn của những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo và kinh doanh.       

Những cá nhân làm sáng tạo – họ là ai?

Đa số những người sáng lập của các không gian sáng tạo đều ở độ tuổi từ 20 – 50 tuổi, có nghĩa là họ sinh trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1990. Điểm chung của những cá nhân này là họ đều có tiếp xúc với văn hóa phương Tây và có khả năng cập nhật những công nghệ hiện đại. Trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông đặc biệt là trong công đồng khởi nghiệp Start-up, đang dần xuất hiện một thế hệ những doanh nhân đầy tham vọng, trẻ trung và đã khởi nghiệp từ rất sớm.

Một ví dụ về câu chuyện thành công trong ngành này là về “Flappy Bird”, một trò chơi điện thoại đơn giản, được phát triển bởi Nguyễn Hà Đông, lập trình viên trò chơi 29 tuổi. Không một chiến dịch quảng bá, trò chơi đã trở thành hiện tượng toàn cầu khi đứng đầu trong danh sách những trò chơi được tải miễn phí từ Apple Inc. từ 137 quốc gia, theo thống kê của App Annie Ltd., công ty cung cấp dịch vụ phân tích và marketing(2). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một trò chơi điện thoại do một người Việt Nam viết ra có được thành công lớn như vậy. Đó là lý do Flappy Bird và Đông đang trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho nhiều người làm trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam(3).  


Không gian của Hanoi Design Center tại Hà Nội
(ảnh: Uyên Ly)

Hỗ trợ cho những không gian sáng tạo

Tính bền vững là mục tiêu của tất cả các không gian sáng tạo và tự lực về nguồn vốn đang trở thành lựa chọn duy nhất cho rất nhiều không gian. Sau đây là những thách thức và nhu cầu được chính những nhà sáng lập các trung tâm sáng tạo đưa ra:

Sự ổn định và hỗ trợ từ chủ nhà và chính quyền

Một thách thức “kinh điển” cho rất nhiều những nhà sáng lập các không gian sáng tạo là sự bất ổn từ phía chủ nhà và thiếu hỗ trợ từ phía chính quyền. Saigon Hub đã đóng cửa vào ngày 1 tháng 4 năm 2014 sau gần một năm hoạt động vì giá tiền nhà cao. Một trong những nguyên nhân Zone 9 bị buộc phải đóng cửa là tình trạng pháp lí nhập nhằng về chủ sở hữu.  Nhà Ga 3A – một không gian văn hóa mới khá thú vị ở TPHCM hiện đang được cho thuê trong 2 năm, một khoảng thời gian quá ngắn để một không gian tạo được danh tiếng cũng như trở thành điểm đến cho du khách.

Bên cạnh đó, theo chị Đoàn Phương Hà, người sáng lập của Saigon Outcast, việc làm các thủ tục xin phép cho các sự kiện văn hóa rất mất thời gian và tốn kém. Quá trình xin giấy phép khá phức tạp bởi vì chị thường không biết phải làm thế nào cho đúng, chị thường nhận được những hướng dẫn không nhất quán từ các nhà chức trách. Chỉ cho một sự kiện, mà chị thường phải nộp rất nhiều giấy tờ, làm nhiều thủ tục khác nhau để có thể thực hiện được công việc, và còn thường phải trả cho họ “tiền bôi trơn”.  


Heritage Space - một không gian sáng tạo mới mở tại Hà Nội
(ảnh: Uyên Ly) 

Đào tạo kĩ năng quản lý và kinh doanh và kỹ năng kinh doanh trong nghệ thuật (cho chủ các không gian về nghệ thuật)

Các kĩ năng quản lí và kinh doanh có thể rất cơ bản. Như Trương Minh Quý – đồng giám đốc nghệ thuật của Ga O chia sẻ, anh mong muốn được học thêm về Quản lý, Nhân sự và Kế toán để có thể quản lý không gian một cách hiệu quả.

Bà Đỗ Thị Tuyết Mai, chủ của Nhà Ga 3A cho rằng nâng cao kỹ năng kinh doanh và quản lí trong nghệ thuật cho các chủ không gian là rất cần thiết, để mối quan hệ giữa nghệ sĩ và thị trường có thể trở nên chuyên nghiệp hơn. “Ở Việt Nam, có quá ít người có kĩ năng quản lý nghệ thuật, và thiếu những kĩ năng này, những công việc đơn giản có thể trở nên rất phức tạp.”

Ngoài ra, nghiên cứu cũng nêu ra những nhu cầu của các không gian như được Hỗ trợ tài chính và đầu tư, hỗ trợ về kết nối/ Trao đổi ý tưởng/ Tư vấn thông qua hội thảo hay những sự kiện kết nối (networking). Saigon co-working muốn tổ chức hội thảo với những chuyên gia trong lĩnh vực ICT để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm. Hatch! và 5Desire muốn được hỗ trợ để kết nối với những nhà đầu tư/ quỹ tài trợ. ADC Academy muốn kết nối với các nhà đầu tư và doanh nhân để họ có thể hỗ trợ cho học viện.

Nhu cầu về hỗ trợ truyền thông cũng được nêu ra trong nghiên cứu, cùng với những hỗ trợ khác về cơ sở hạ tầng và thông tin.

Một vài lời cuối

Đây là một giai đoạn mới đầy hứng khởi cho môi trường sáng tạo ở Việt Nam. So với những không gian thời trước, các không gian sáng tạo hiện nay đã trở nên độc lập hơn rất nhiều. Nhờ vào sự phát triển kinh tế, quá trình toàn cầu hóa và những lợi thế của internet, các không gian này đã và đang kết nối với một cộng đồng sáng tạo rộng lớn.

Tuy nhiên, những không gian sáng tạo trẻ này vẫn còn thiếu thốn kinh nghiệm về phát triển kinh doanh và làm thế nào để đảm bảo cho một tương lai lâu dài. Cần phải xây dựng một xã hội lớn mạnh hơn và hỗ trợ cho những không gian này nhiều hơn. Chúng cần được chính quyền địa phương thấu hiểu và ủng hộ; cần đẩy mạnh tiêu dùng trong lĩnh vực nghệ thuật và sáng tạo, và thêm nhiều hỗ trợ về tài trợ vốn, đầu tư, đào tạo kĩ năng, hợp tác và kết nối./.

Chú thích:

  1. Nghệ Thuật Việt Nam sau năm 1990 – Hậu Đổi Mới, Joyce Fan (Báo Cáo Vietnamese Art after 1990 – Post Đổi Mới, Joyce Fan), Singapore Art museum curatorial report, 2008
  2. www.thanhnien.com.vn/pages/20140206/chang-trai-viet-game-flappy-bird-gay-sot-toan-cau.aspx
  3. http://cafebiz.vn/nhan-vat/cuu-ceo-fpt-nguyen-thanh-nam-toi-cuc-ky-nguong-mo-nguyen-ha-dong-20141015111723469ca48.chn

Trương Uyên Ly, nhà báo, nhà tư vấn truyền thông

(Báo cáo đầy đủ trong file đính kèm dưới đây)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: