Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Nỗ lực giảm những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu

Nỗ lực giảm những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu

Viết email In

8/11 là Ngày Đô thị Việt Nam, vào ngày này, cơ quan quản lý nhà nước ngành, chính quyền địa phương, giới chuyên môn thường nhìn nhận, đánh giá những thành quả và thách thức đối với đô thị Việt Nam nói chung, từng đô thị nói riêng. Dưới đây là những nỗ lực của TP Cần Thơ, TP.HCM thực hiện nhằm giảm những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu (BĐKH).  

Cần Thơ: Lồng ghép vấn đề thích ứng BĐKH vào quy hoạch 


Thành phố Cần Thơ (ảnh: Canthoclub.com) 

Theo Bộ TN&MT, do ảnh hưởng của BĐKH, TP Cần Thơ sẽ chịu nhiều tác động gây trở ngại cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội TP trong tương lai. Đơn cử, nhiệt độ tăng cao, chế độ thủy văn thay đổi với hiện tượng nắng hạn và ngập sâu biến động bất thường. TP xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trong các tháng mùa khô. Hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ gia tăng cả cường độ lẫn tần suất xuất hiện và tình trạng sạt lở bờ sông trầm trọng hơn… 

Còn theo các cơ quan chuyên môn trên thế giới, do vị trí địa lý nằm trong vùng đồng bằng ven biển, có địa hình thấp và bằng phẳng, khí hậu gió mùa có lượng mưa khá cao và có vị trí gần vùng trung tâm bão của Biển Đông, ĐBSCL trong đó có Cần Thơ, là 1 trong 3 vùng bị tác hại lớn nhất do BĐKH của thế giới. Cần Thơ càng dễ bị tổn thương bởi sinh kế người dân dựa vào nông nghiệp thủy sản, còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, khí hậu và chế độ thủy văn. Cơ sở hạ tầng, nhà ở có khả năng ứng phó BĐKH thấp. Hơn thế, do mật độ dân số ngày càng tăng, tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn, công nghiệp hóa gây mất đất canh tác và ô nhiễm, nạn phá rừng và sự tác động của các công trình thủy lợi, đập thủy điện khiến tính dễ bị tổn thương của Cần Thơ tiếp tục gia tăng. 

Ý thức được tác hại lâu dài do BĐKH, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, TP đã cùng các đối tác thực hiện các nghiên cứu bước đầu về BĐKH và cũng đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó BĐKH từ đầu năm 2009 và ban hành “Kế hoạch hành động thích ứng giai đoạn 2010 - 2015” với mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh cho TP. Theo đó, Cần Thơ tập trung vào một số biện pháp thích ứng với BĐKH như xây dựng và lập quy hoạch tổng thể quản lý chất thải phù hợp, nhằm đạt hiệu quả cao, bảo vệ môi trường; xây dựng và lập quy hoạch tổng thể quản lý hệ thống thoát nước xử lý nước thải của TP. Hệ thống thoát nước mưa được tính toán nhằm chống lại tình trạng ngập úng, xâm nhập mặn và lũ lụt...

Theo Bộ TN&MT, mực nước biển tăng trung bình lên đến 30cm vào năm 2050 và lên đến 86cm vào năm 2100. Khi nước biển dâng thêm 1m sẽ gây ngập khoảng 38% của ĐBSCL và 68% diện tích Cần Thơ, lên 2m ngập 90% ĐBSCL và 99% TP Cần Thơ.

Một biện pháp khác là cao độ nền xây dựng các công trình sẽ được xây dựng trên các nền đất tôn cao ở cả các khu vực nông thôn và đô thị. Cao độ nền xây dựng này được đắp ở các độ cao khác nhau (từ 2,7m trở lên) và tương ứng với mức an toàn dự kiến (tránh ngập lụt). Đặc biệt, Cần Thơ sẽ lồng ghép các yếu tố ứng phó BĐKH, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên vào quy hoạch xây dựng của TP và các hoạt động xây dựng công trình, nhà ở và công trình giao thông đồng thời quy hoạch hệ thống đê bao chống ngập phù hợp, chủ động được công tác điều tiết nước và giao thông thủy theo 3 quy mô, cấp vùng ĐBSCL, cấp TP và cấp quận huyện.

TP.HCM: Di chuyển về phía biển

"TP.HCM di chuyển về phía biển thích ứng với BĐKH" là dự án hợp tác giữa TP.HCM và TP Rotterdam (Hà Lan), được ký biên bản ghi nhớ tháng 3/2011, với mục tiêu chính là chuẩn bị một Chiến lược thích ứng với BĐKH để đưa vào thực hiện và dẫn dắt cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững lâu dài của TP.HCM. Kế hoạch hành động trong khuôn khổ dự án bao gồm các khuyến nghị cho các hoạt động thích ứng BĐKH hay những can thiệp cần thiết trong giai đoạn ngắn hạn (2013 - 2025), trung hạn (2025 - 2050) và dài hạn (2050 - 2100). 

Với hướng tiếp cận phát triển TP sinh thái, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo một số biện pháp thích ứng với BĐKH trong giai đoạn ngắn hạn cho TP.HCM. Theo đó, trước nhất là biện pháp trồng cây và gia tăng số lượng kích thước công viên TP. “Các khu vực nhiều cây xanh ở TP sẽ cải thiện sự xâm nhập của nước mưa, do đó làm giảm lượng nước chảy tràn và lũ lụt, đồng thời sự xâm nhập sẽ đào thải nước ngầm và giúp đẩy lùi sự nhiễm mặn. Cây xanh cũng làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt nhờ sự bốc hơi nước tăng và bóng râm”, ông Wayne Stone - Chuyên gia quốc tế về lĩnh vực đô thị phân tích. 

Tiếp đó là các biện pháp thích ứng dựa trên cộng đồng. Đây là một phương pháp tức thì để ngăn chặn lũ lụt, ngăn chặn sự gia tăng mức độ ngập lụt của các hộ gia đình tại các khu vực ngập. Ngoài nhà ở, chính phủ hoặc các tòa nhà thương mại có thể xây dựng mái nhà màu xanh lá cây hoặc xanh dương. Một mái nhà màu xanh được thiết kế để tạm thời lưu trữ lượng mưa nhằm giảm thiểu tác động của dòng chảy, lưu trữ nước mưa tích tụ để tái sử dụng, hoặc có tác dụng làm mát thông qua sự bốc hơi nước. 

Để cải thiện quản lý nước mưa, TP có thể xây dựng các khu vực công cộng đa chức năng có thể phục vụ như là khu vực giải trí trong mùa khô và là cơ sở lưu trữ nước trong các thời điểm lượng mưa cao. Suối, kênh rạch và hệ thống thoát nước của TP cũng có thể được nâng cấp hoặc phục hồi để tăng thoát nước tự nhiên và giảm ngập lụt. 

Ông Wayne Stone lưu ý: Để ngăn chặn sự ngập mặn và sụt lún mặt đất, TP cần phải được quy định việc khai thác nguồn nước phần nhiều dựa vào việc sử dụng nước mặt và có các biện pháp bảo tồn nước. Trong quy hoạch phát triển, TP.HCM nên coi trọng mạng lưới cấp nước tự nhiên của TP bao gồm ranh giới đồng bằng, bãi bồi hiện có. Việc phát triển đô thị trong tất cả các khu vực trũng thấp phải được kiểm tra một cách cẩn thận về lũ lụt và mực nước biển dâng trong tương lai. Đặc biệt, TP cần chú ý hơn đến việc tập trung phát triển đô thị ở các khu vực cao hơn ở phía Tây Bắc TP. 

Hòa Bình 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo