Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Hà Nội quy hoạch thoát nước theo hướng nào?

Hà Nội quy hoạch thoát nước theo hướng nào?

Viết email In

Những ngày trước mùa mưa 2009 này, người dân Thủ đô lại lo lắng về hệ thống thoát nước. Hàng loạt câu hỏi được người dân đặt ra như: Liệu Hà Nội có bị lụt như cách đây vài tháng? Hệ thống thoát nước của Thủ đô có đảm bảo an toàn trước những trận mưa lớn hay không? 

Theo ông Bùi Hữu Đoan - Phó cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) thì hiện hệ thống thoát nước Hà Nội đang được hoàn thiện. Giai đoạn I của dự án Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Hà Nội do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập chỉ gói gọn trong 4 quận là: Hoàn Kiếm; Đống Đa; Hai Bà Trưng và Ba Đình và một phần của huyện Thanh Trì, huyện Từ Liêm. Các quận được thành lập sau khi nghiên cứu quy hoạch là Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Từ Liêm và Hà Đông chưa có quy hoạch thoát nước. Từ năm 1992, JICA đã giúp Hà Nội lập quy hoạch (đến năm 1995 hoàn thành) trên diện tích 135,4km2 nội ô Hà Nội thuộc lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Đến nay, Hà Nội nhiều lần điều chỉnh quy hoạch đô thị nhưng hệ thống thoát nước vẫn sử dụng quy hoạch cũ.

Trở lại với đợt mưa tháng 11/2008 vừa qua. Đó là đợt mưa lịch sử với lượng mưa đo được tại Hà Nội là trên 500mm, tại Hà Đông  là gần 1.000mm, trên thế giới, những hiện tượng thiên tai như vậy thường 80 năm mới lặp lại 1 lần. Ngay trong và sau trận mưa lịch sử, người dân Hà Nội đặt câu hỏi tại sao Thủ đô không thiết kế, quy hoạch hệ thống thoát nước cho Hà Nội với lượng mưa tương ứng như  trên? Trao đổi với PV báo Xây dựng, TS Bùi Hữu Đoan phân tích: Trong thiết kế kỹ thuật phải tính toán cân đối giữa mức độ an toàn và tính kinh tế. Ngay cả các nước tiên tiến như Nhật, Mỹ và nhiều nước khác, sự cân đối giữa tính an toàn và tính kinh tế cũng được đưa ra khi thiết kế xây dựng dự án. Tại thời điểm đó, do điều kiện kinh phí xây dựng hạn chế nên các công trình thoát nước chỉ được tính toán, xây dựng với chu kỳ ngập úng 10 năm. Nếu đầu tư dự án với chu kỳ chống ngập úng mà 80 năm mới sử dụng công suất thiết kế  tối đa 1 lần thì có nên hay không? Ngoài tính toán mức độ an toàn cần thiết cũng cần phải đưa ra được phương án dự phòng trong trường hợp cấp bách. 

  • Ảnh bên : Thoát nước không có nghĩa là cống hóa các con mương (Ảnh : La Duy)

Ngay cả hệ thống hồ điều hoà và hệ thống các tuyến mương cống hiện nay vẫn chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch được duyệt, các thông số tính toán đến nay đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử như trong tính toán hệ thống mương cống thoát nước có nhiều thông số quan trọng, song từ năm 1995 đến nay đã có nhiều thay đổi. Vào năm 1995, mật độ xây dựng của thành phố còn thấp, có nhiều khu vực trống, do vậy hệ số dòng chảy chọn là 0,7 - 0,75% (tương đương hệ số thấm là 0,3 - 0,25) là phù hợp. Nhưng đến nay, do tốc độ bê tông hoá thành phố cao, mật độ xây dựng khá cao và hệ số dòng chảy của Hà Nội hiện nay là 0,9 - 0,95, có nghĩa nước hầu như không còn khả năng thấm xuống đất khi mưa. 

Được biết, hiện Bộ Xây dựng đã nghiên cứu làm quy hoạch thoát nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và hiện đồ án quy hoạch này đang lấy ý kiến các bộ, ngành. Theo tính toán, việc thoát nước sẽ được giải quyết theo kết hợp với công trình thuỷ lợi, đi theo lưu vực tiêu úng thuỷ lợi, từ Hoà Bình - Hà Tây (cũ) - Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình. Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất những nhiệm vụ cần thực hiện trong giai đoạn tới: TP Hà Nội cần tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP Hà Nội theo địa giới hành chính mới. Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp rà soát các dự án hạ tầng đã và đang triển khai, đánh giá hiệu quả của các dự án, đề xuất các dự án ưu tiên cũng như biện pháp triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án đảm bảo thoát nước cho Thủ đô.

Với mục đích chống ngập úng cho thành phố và các vùng phụ cận do nước mưa, Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Hà Nội do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 430/TTg ngày 7/8/1995. Khi nghiên cứu lựa chọn lượng mưa tính toán cho hệ thống thoát nước TP Hà Nội để lập quy hoạch, JICA đã nghiên cứu tài liệu thống kê tình trạng mưa từ năm 1955 đến năm 1995. Qua nghiên cứu cho thấy những trận mưa 2 ngày là những trận mưa quan trọng nhất cho việc thiết kế hệ thống thoát nước thành phố Hà Nội và tỷ lệ lượng mưa trong 1 ngày so với tổng lượng mưa của một chu kỳ mưa là 73%, tỷ lệ lượng mưa trong 2 ngày so với tổng lượng mưa là 91%. Vì vậy JICA lựa chọn chu kỳ bảo vệ (ngập úng ) là 10 năm, ứng với lượng mưa 310mm/ngày đối với sông và mương thoát nước và chu kỳ 5 năm với lượng mưa 70mm/giờ đối với hệ thống cống. 

Thanh Huyền

>> Khi quy hoạch quan tâm phần nổi hơn phần ngầm 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo