Quy hoạch đô thị nhìn từ tháp Eiffel

Thứ năm, 15 Tháng 1 2009 20:41 VNN, Ashui.com
In

"Tạm biệt Paris vào một ngày cuối năm, tôi nghĩ về quê nhà với mong ước Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ có được một bộ mặt đô thị xứng đáng vào những năm tới..." - Bạn đọc Nguyễn Quân từ Pháp.

Paris nay

Du khách đến Paris ai cũng gắng một lần bước lên tầng cao nhất của tòa tháp Eiffel uy nghi sừng sững với độ cao 324 mét để tận mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh thủ đô nước Pháp, dù có phải chờ cả tiếng đồng hồ xếp hàng dài mua vé.

Trong cái giá lạnh của một ngày mùa đông cuối năm, hòa mình vào dòng người nô nức cùng đi thang máy lên tầng 3 của tháp, ngắm nhìn kinh đô ánh sáng huy hoàng vào buổi chiều tàn và rực rỡ lung linh khi màn đêm buông xuống. Khách viếng thăm đủ mọi quốc tịch, màu da và ngôn ngữ nhưng chắc chẳn ai cũng đều thốt lên "Tuyệt vời!" khi ngắm nhìn toàn cảnh Paris từ trên cao.

Paris hấp dẫn du khách bốn phương bởi những đại lộ dài hun hút, những tượng đài, cung điện và công trình kiến trúc hoành tráng mà vô cùng tinh tế. Tất cả kết hợp với nhau hài hòa như bức tranh của một nghệ sỹ tài hoa.

Và Paris xưa

Nhìn toàn cảnh Paris từ trên tháp Eiffel mới thấy được sự kì vĩ và duyên dáng của Paris mà không một thành phố nào trên thế giới này có được. Trước khung cảnh tráng lệ say đắm lòng người ấy, ít ai biết được rằng giữa thế kỉ 19, Paris vẫn chỉ là một thành phố mang hơi hướng Trung cổ, một thành phố đậm nét tương phản với những tượng đài kỷ niệm duyên dáng, những công trình lịch sử nằm kề bên các khu nhà ổ chuột.

Đó là kết quả của hàng thế kỷ phát triển tùy tiện. Thành phố rất đông đúc vì có quá nhiều dân nhập cư từ các tỉnh tìm đến sinh sống. Paris ngày ấy vẫn chỉ là một thành phố nhỏ ở Châu Âu, không có gì đáng để so sánh với Madrid, Lisbon và càng không thể đứng ngang hàng với London của đế quốc Anh hùng mạnh.

Để có được một Paris làm mê say và thán phục lòng người hôm nay ngay từ thế kỷ 17, người ta đã tạo nên những nền móng đầu tiên của Paris ngày nay bằng việc ban hành các quy chuẩn căn bản, chặt chẽ và khắt khe về quy hoạch và xây dựng.

Thật là khó tin là từ cách đây bốn thế kỷ, với Chỉ dụ năm 1607 và Sắc lệch 1667, chính quyền thủ đô đã thiết lập nên những quy chuẩn đầu tiên về quy hoạch và quản lý đô thị cho Paris. Trong đó, có những quy tắc vẫn còn được áp dụng tới tận ngày nay như giới hạn về chiều cao của tòa nhà mặt phố hay xử lý những tòa nhà mặt phố nhô ra nhằm tạo ra những dãy phố dài và ngăn nắp. 

Có thể thấy rằng công tác quy hoạch hiệu quả chỉ có thể được đảm bảo bằng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, công khai, minh bạch về quy hoạch và kiến trúc, cũng như thái độ làm việc tận tâm, công minh không vụ lợi dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật của mỗi người thực thi công quyền.

Haussmann tham vọng - Paris chuyển mình xinh đẹp

Dù vậy, bộ mặt của Paris thực sự thay đổi và mang dáng dấp của một kinh đô diễm lệ quyến rũ khách thập phương hôm nay chỉ thực sự có được nhờ dự án cải tạo Paris thời Đệ nhị đế chế. Dự án này, hay còn gọi là các công trình Haussmann, là dự án tái quy hoạch và hiện đại hóa thủ đô Paris của Pháp thời Napoléon đệ tam. Dự án lớn này được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1852 đến năm 1870, dưới sự phụ trách của tỉnh trưởng tỉnh Seine, nam tước Georges Eugène Haussmann.

Napoleon đệ tam đã giao trọng trách quy hoạch lại Paris cho Haussmann, đồng thời cho phép vị tổng công trình sư này được toàn quyền hành động với các khoản tài trợ rộng rãi đến từ chính phủ và các nhà băng.

Dự án của Haussmann bao trùm lên tất cả các khía cạnh về quy hoạch đô thị của Paris như kiến trúc đô thị, đường phố, không gian xanh, hệ thống dẫn và thoát nước. Dự án này được thực hiện ở cả vùng trung tâm Paris lẫn các khu vực ngoại ô.

Trong khoảng 15 năm (1853-1868), Haussmann đã gần như hoàn tất các kế hoạch đầy tham vọng của mình: biến Paris từ một đô thành trung cổ, xấu xí và bẩn thỉu thành một thủ đô hiện đại, lộng lẫy, với những đại lộ thẳng tắp chạy xuyên qua thành phố. Dọc theo những đại lộ ấy mọc lên những nhà hát, nhà thờ mới, nhà ở cao tầng cùng rất nhiều công viên tươi đẹp. Hệ thống cấp thoát nước và khí đốt cũng được xây dựng và hiện đại hóa.

Một thành tựu to lớn khác của Haussmann là đã xây dựng được hệ thống cống rãnh thoát nước hiện đại nhất lúc bấy giờ, tạo ra bầu không khí trong lành, xóa bỏ được những bãi sình lầy gây dịch tả và những ngõ hẻm chật cứng người của Paris thời đó.

Tuy gặp phải một số chỉ trích vào thời gian thực hiện nhưng cùng với thời gian, dự án quy hoạch của Haussmann đã cho thấy hiệu quả lớn khi biến thành phố Paris từ một đô thị cổ, đường phố chật hẹp, trở thành một đô thị hiện đại với các đại lộ lớn và những quảng trường thoáng đãng. Không chỉ làm nên bộ mặt mới của Paris ngày nay, những cải tạo của Haussmann còn là một kho báu cho các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch đô thị và sử gia nghiên cứu và học hỏi.


Khải Hoàn Môn nhìn từ tháp Eiffel 

Từ Paris, mong ước về nơi quê nhà
 
Chính tài năng quy hoạch kiến trúc lỗi lạc cùng với tầm nhìn vượt thời đại của những con người như Haussmann đã làm nên một Paris hoành tráng nhưng không kém phần diễm lệ ngày nay. Xa xa nhìn từ tầng 3 của tháp Eiffel là một quảng trường lớn bao quanh Khải hoàn môn, mang tên Quảng trường Ngôi sao, từ đó tỏa ra các đại lộ tráng lệ rộng lớn như những cánh lung linh của một ngôi sao, biến Paris trở thành một trong những kinh thành đẹp và lãng mạn nhất địa cầu.

Một trong những đại lộ tuyệt đẹp ấy mang tên Haussmann, người có công lớn trong việc xây dựng nên kinh đô ánh sáng. Lịch sử sẽ còn nhiều biến động, những con đường rồi cũng có thể thay tên, nhưng công lao của Haussmann với Paris thì sẽ còn lưu giữ mãi trong trái tim của hàng triệu triệu người yêu mến thành phố này.

Tạm biệt Paris vào một ngày cuối năm nghĩ về quê nhà với mong ước Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh sẽ có được một bộ mặt đô thị xứng đáng vào những năm tới, dẫu biết rằng để đạt được sự kỳ vọng và mong ước ấy công tác quy hoạch của các đô thị ấy cần phải được giao phó cho những người có năng lực, tầm nhìn và cả quyết tâm vượt qua những lợi ích mang tính cục bộ đang nhen nhóm trong thời kỳ đất nước quá độ, những vụ việc gần đây như chợ 19.12 là một điển hình.

Nguyễn Quân (từ Pháp) / Tuần Việt Nam

 

Bảo tàng Louvre

Trong kế hoạch mở rộng không gian trưng bầy của bảo tàng Louvre (Paris – Pháp), KTS J.M.Pei đã đề xuất phương án xây ngầm các phòng trưng bầy dưới nền Louvre hiện tại. Hình vẽ phối cảnh cho thấy toàn cảnh nhà Louvre năm 2005, trong tài liệu giớii thiệu phương án không gian triển lãm nghệ thuật Hồi giáo (phần tô mầu đỏ). Hình vẽ cũng cho thấy sự hoàn chỉnh của Louvre - bản thân nó đã là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc và đóng vai trò quan trọng khung cảnh Paris, do vậy nếu cần diện tích sử dụng thì chôn ngầm dưói đất là phương án tốt nhất, tất nhiên trong điều kiện kinh phí rộng rãi, và hơn nữa nó được ghi nhận trong bối cảnh xã hội đã phát trển cao.


Toàn cảnh Louvre hiện nay


Vị trí Louvre cũ


Bên Kim tự tháp thủy tinh (tác giả - Trần Huy Ánh bên phải)

Kim tự tháp thuỷ tinh nằm giữa sân Bảo tàng gần gũi với hình ảnh quá khứ nhưng khá tương phản về vật liệu và phong cách trang trí - giờ đây lại là một biểu tượng không thể thay thế được của Louvre. Công năng của nó rất rõ ràng là lấy ánh sáng cho sảnh lớn dưới tầng hầm, nơi giao nhau của hành lang nối các thang đưa du khách từ tầng hầm lên mặt đất (thang Denon, Richelieu &Suylly). Sảnh lớn dưói Kim tự tháp tràn ngập ánh sáng là điểm hẹn các du khách để ăn trưa, hay đơn giản để định hưóng không bị lạc trong cái mê cung rộng lớn.


Mô hình và phần còn lại của lâu đài xưa dưới ngầm


Nền móng lâu đài xưa dưới tầng ngầm

Khi thi công Louvre, ngưòi ta phát hiện ra dưới chân toà lâu đài là dấu tích toà lâu đài khác thời trung cổ. Lâu đài chồng chất lên nhau, các tầng lịch sử chồng lên nhau đựoc bảo tồn một cách sáng suốt cho ta thấy nguyên tắc kế thừa văn hoá đựơc hiện thực hoá như thế nào.

Quả là không hổ danh "Paris – Kinh đô ánh sáng của nước Pháp, biểu tượng văn hoá của Nhân loại". 

Trần Huy Ánh - Nguồn ảnh: HanoiData / Ashui.com 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: