Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Về Rem Koolhaas, đô thị học hiện hữu và đô thị học tương lai

Về Rem Koolhaas, đô thị học hiện hữu và đô thị học tương lai

Viết email In

Remment Lucas Koolhaas, sinh năm 1944, là một kiến trúc sư và nhà đô thị học người Hà Lan. Ông tốt nghiệp Netherlands Film and Television Academy ở Amsterdam, Architectural Association School of Architecture tại London và Cornell University tại bang New York (Hoa Kỳ). Ông thành lập OMA (Office for Metropolitan Architecture) tại Rotterdam vào năm 1975 cùng với giảng viên Zengelis và các bạn học tại Architectural Association. Ông sau đó trở thành Giáo sư Thực hành (Professor of Practice) tại Trường Cao học Thiết kế thuộc Đại học Harvard.  
Ông được trao giải thưởng Kiến trúc Pritzker vào năm 2000. Trong cuốn sách xuất bản nhân sự kiện này, Hội đồng tuyển chọn giải thưởng đánh giá:

Rem Koolhaas là một sự kết hợp hiếm có giữa một người có tầm nhìn vượt thời gian và một nhà triển khai thực tế -  một triết gia và một người thực dụng – một lý thuyết gia và một nhà tiên tri. Ông là một kiến trúc sư mà những ý tưởng về công trình và quy hoạch đô thị đã khiến ông trở thành một trong những kiến trúc sư đương đại được bàn luận nhiều nhất trên thế giới, thậm chí trước khi những dự án thiết kế của ông được xây dựng. […] Kiến trúc của ông là kiến trúc của những giá trị cốt lõi (tạm dịch: architecture of essence); mô dạng kiến trúc định hình bởi ý tưởng. Ông là một kiến trúc sư rõ ràng là thoải mái (khi đối diện) với tương lai và luôn đối thoại kịp thời với những diễn tiến nhanh chóng và hình thể luôn biến đổi của nó. Một người có thể cảm nhận trong các dự án của ông sự đậm đặc về tư duy vốn tạo nên khuôn mẫu cho các công trình từ nhà ở, trung tâm hội thảo, trường học tới một cuốn sách. Với hơn 20 năm hướng đến những mục tiêu của mình – định nghĩa những mối quan hệ mới, cả lý thuyết và thực hành, giữa kiến trúc và bối cảnh văn hóa, và với những đóng góp trong môi trường kiến trúc cũng như những ý tưởng, ông được trao tặng Giải thưởng Kiến trúc Prizker. (1)

Paul Goldberger, nhà phê bình kiến trúc của tạp chí New Yorker, viết về tư duy đô thị của Koolhaas sau khi đặt ông trong lịch sử kiến trúc cùng vị thế với Le Corbusier và Frank Lloyd Wright:

Khác với Le Corbusier, Wright, và phần lớn những nhà lý thuyết đô thị khác, Koolhaas ít quan tâm tới việc kiến tạo một mô hình đô thị chung bởi ông mô tả rằng một mô hình như vậy là không khả thi. Mô hình của ông là một dạng thiết kế đô thị cho thời đại của thuyết hỗn mang, và ông đã nhấn mạnh rằng trong thời đại của không gian mạng (nơi giao tiếp giữa các máy vi tính diễn ra – cyberscape), các mô dạng đô thị truyền thống, chưa kể đến các mô dạng kiến trúc truyền thống, không thể hoạt động chức năng (function) như đã từng trong lịch sử, và do đó cũng không thể được kỳ vọng tạo nghĩa (meaning) như chúng đã từng. Koolhaas viết vào năm 1994: “Nếu như tồn tại một “(hình thức) đô thị mới” (new urbanism), nó sẽ không thể dựa trên ảo tưởng song hành về trật tự và quyền năng tuyệt đối; nó sẽ ở trạng thái không-chắc-chắn; nó sẽ không còn quan tâm tới sự xếp đặt những vật thể ít nhiều ổn định nhưng quan tâm “nuôi dưỡng” những vùng đất có tiềm năng; nó sẽ không còn đặt mục tiêu đạt tới những hình thể ổn định mà tạo chế những không gian dung chứa những quá trình […] nó sẽ không bị ám ảnh với (ý nghĩ về) thành phố nhưng với (ý nghĩ về) sự điều chỉnh hạ tầng nhằm (mục đích) gia tăng (mật độ) và đa dạng, tìm giải pháp thay thế và tái phân phối – một sự tái tạo không gian tâm lý. (2)   


Thư viện công cộng tại thành phố Seattle (Hoa Kỳ) và Trụ sở Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh là hai trong số nhiều công trình làm nên tên tuổi của Rem Koolhaas và OMA.

Với nhận định về thách thức của thời đại là sự đồng nhất về văn hóa và bản sắc không gian sống, Koolhaas gọi tên những thành phố mà một phần lớn cuộc sống đô thị đã trôi vào … “không gian mạng” là những Generic City (td: Thành phố Chung chung) – những đô thị nông cạn, nơi mà bản sắc được sản xuất mỗi tuần như trong một studio điện ảnh ở Hollywood. Rem Koolhaas phê phán Chủ nghĩa Hiện đại và cả một hệ thống quyền lực, kinh tế, xã hội đã định hình đô thị hiện đại trong thế kỷ 20:

Lời hứa đầy ảo tưởng của Chủ nghĩa hiện đại – chuyển đổi số lượng thành chất lượng thông qua tư duy trừu tượng và sao chép – đã trở thành một thất bại, một trò đùa tai hại: điều kỳ diệu không thể xảy ra. Ý tưởng, thẩm mỹ và chiến thuật của nó đã chấm dứt. Tất cả những nỗ lực cho một sự khởi đầu mới chỉ dẫn đến sự bôi nhọ ý tưởng về một sự khởi đầu mới. Một sự xấu hổ tập thể trong sự tỉnh thức về sự thất bại này đã để lại một hố sâu trong nhận thức của chúng ta về hiện đại và hiện đại hóa. (3)


Quy hoạch Khu Văn hóa Tây Kowloon (Hongkong) của Rem Koolhaas nhấn mạnh đến cá tính đô thị và bản sắc văn hóa địa phương. 

Nhưng Koolhaas, một người phê phán không sợ hãi trước quyền lực và những lực lượng kinh tế, xã hội và chính trị đã định hình đô thị hiện đại, mâu thuẫn thay, lại cũng là một người có thể chấp nhận nhiều thứ như cách chúng đang tồn tại. Đối với ông, không có mâu thuẫn mà chỉ có thế giới tồn tại theo cách của nó. Ngôn ngữ đô thị của Koolhaas – vốn có thể được tổng kết bằng sự chào đón hoan hỉ đối với “văn hóa đậm đặc” (the culture of congestion), và một nhận thức rằng công nghệ đã làm cho cả mẫu dạng đô thị và kiến trúc hầu như dễ dàng vận động, biến đổi và ít cứng nhắc như trong quá khứ – chấp nhận mọi sự hiện hữu (indication of being) là chân thực (completely true) (Goldberger 2000). Rem Koolhaas viết:

Khi mà đã không còn có thể kiểm soát, đô thị trở thành một vector chính của sự tưởng tượng. Được tái định nghĩa, tính đô thị sẽ không chỉ là, hay phần lớn là, một lĩnh vực, nhưng (cũng) là một cách suy nghĩ, một ý thức hệ: để chấp nhận những gì đang tồn tại. (4)

Sự chấp nhận thực tại, thậm chí bị coi là đầu hàng thực tại, của Rem Koolhaas bị phê phán là thiếu một sự xác tín và niềm tin. Người đứng đầu trào lưu New Urbanism – một trào lưu tiên phong ở Hoa Kỳ muốn hàn gắn các thành phố đã bị Chủ nghĩa Hiện đại của Le Corubusier dày xéo thông qua những nguyên tắc quy hoạch và thiết kế truyền thống có từ thời kỳ tiền – xe hơi, Andres Duany cho rằng “nếu thành phố là tất cả những gì chúng ta có” (5), như Koolhaas từng viết, thì thành phố đòi hỏi sự can thiệp tận tâm của chúng ta chứ không phải sự quan sát thụ động (6). Koolhaas, ngược lại, gọi New Urbanism hay Chủ nghĩa Tân cổ điển là cách phản ứng các vấn đề cấp bách của thời đại bằng cách rút lui vào những hoài niệm của quá khứ (7).


Quy hoạch công viên Parc de la Villette ở Paris với một "chương trình" mở và những lớp lang cảnh quan đa dạng nằm ngang khu đất được coi là một trong những cột mốc đầu tiên của trào lưu Landscape Urbanism.

Thực tế là khi đối diện với Andres Duany ở Đại học Harvard năm 1999, Koolhaas và những người phê phán New Urbanism cho thấy rằng họ thiếu vắng môt mô hình thay thế cho trào lưu này (8). Nhưng đó có lẽ là câu chuyện của năm 1999, bối cảnh của một cuộc đối thoại tương tự nếu xảy ra vào năm 2012 giữa hai nhân vật tiên phong của đô thị học thời hậu hiện đại sẽ khác. Không tự mình gọi tên một mô hình đô thị, những gì mà Rem Koolhaas tưởng tượng, thiết kế và triển khai trong suốt 20 năm vừa qua đã là niềm cảm hứng và cột mốc cho một trào lưu mới mang tên Landscape Urbanism (td: Đô thị học cảnh quan) với lý luận rằng sinh thái chứ không phải kiến trúc sẽ là “viên gạch” tổ chức không gian đô thị của tương lai./.

Nguyễn Đỗ Dũng 

Chú thích:

(1) Carter Brown et al (2000). Jury Citation. Nguồn: http://www.pritzkerprize.com/2000/jury
(2) Paul Goldberger (2000). The Architecture of Rem Koolhaas. Nguồn: http://www.pritzkerprize.com/2000/essay
(3) Rem Koolhaas (1994). What Ever Happened to Urbanism? Nguồn: http://www.princeclausfund.nl/urbanheroes/abert/texto4.htm
(4) Rem Koolhaas (1994)
(5) Rem Koolhaas (1994)
(6) Alan A Loomis (1999). My Urbanism is Better than Yours: Exploring (New) Urbanism at the GSD. Nguồn: http://www.deliriousla.net/essays/1999-debates.htm#
(7) Paul Goldberger (2000)
(8) Alan A Loomis (1999) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo