Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Hiện thực hoá Quy hoạch chung Hà Nội: Thách thức lớn

Hiện thực hoá Quy hoạch chung Hà Nội: Thách thức lớn

Viết email In

Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội vừa được Thủ tướng phê duyệt là đề án quy hoạch lớn, đồ sộ. Đây là cơ sở pháp lý hữu hiệu để quản lý, xây dựng thủ đô xứng tầm là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục, KHKT quan trọng của cả nước và khu vực.

Tuy nhiên, để hiện thực hoá quy hoạch đúng với ý tưởng, lộ trình còn rất nhiều thách thức đặt ra, trong đó nổi lên là các vấn đề về năng lực quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, nguồn vốn, cơ chế, trình tự thực hiện...


Nguồn vốn ở đâu?

“Tôi yêu cầu uBND thành phố Hà Nội cần khẩn trương phổ biến quy hoạch sâu rộng tới các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận về nhận thức để thực hiện tốt quy hoạch, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển đô thị. Quản lý chặt chẽ việc đầu tư phát triển theo đúng quy hoạch. Bộ Xây dựng cần dành sự quan tâm đặc biệt cho việc chỉ đạo, giám sát, thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt và công tác quy hoạch chung của thành phố Hà Nội”. 

(Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ công bố quy hoạch chung Hà Nội) 

Theo Bộ Xây dựng, trước mắt sẽ cần khoảng 90 tỉ đôla - lớn hơn hẳn dự án đường cao tốc Bắc - Nam, để thực hiện những hạng mục cơ bản của quy hoạch chung. Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội, để thực hiện được dự án này thì con số đã vượt qua rất nhiều, thậm chí lên tới 300 – 400 tỉ USD. Đây là số tiền quá lớn. Điều đáng ngại là, theo ông Nghiêm: “Nguồn vốn huy động từ đâu trong khi ngân sách Hà Nội có hạn. Tôi khẳng định, nguồn vốn từ ngân sách đó không quá 20%. Nguồn vốn  từ đấu thầu sử dụng đất cũng không lớn bởi muốn đấu thầu sử dụng đất thì phải có đất sạch mới đấu thầu có giá”.

Cũng theo ông, cái khó của Hà Nội hiện nay là Luật Thủ đô chưa được Quốc hội thông qua, do vậy Hà Nội chưa có được cơ chế đặc thù trong việc huy động nguồn vốn. Hơn nữa, lại chưa có Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất.

Trong bối cảnh hàng loạt dự án chiếm đất lúa mọc kín tại vùng ven thời gian qua do phát triển đô thị quá nóng đã khiến quỹ đất ngày càng cạn kiệt. Vì thế không còn cách nào khác, việc điều chỉnh theo quy hoạch, thu hồi các dự án không đủ điều kiện để lấy lại quỹ đất này là điều phải tính đến”, ông Nghiêm khẳng định. Mà để làm được điều này không dễ vì sẽ đụng chạm đáng kể đến 756 dự án đang nằm trong danh sách rà soát lại để phù hợp với quy hoạch chung.

Bản thân Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, bản chất của phát triển đô thị không quá đơn giản theo cách hiểu thông thường là đổi đất lấy hạ tầng, “lấy mỡ nó rán nó”, mà vấn đề là làm sao khai thác được nguồn lực nằm trên chính mảnh đất mà chúng ta phát triển thành đô thị.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Hà Nội, Bộ Xây dựng cùng nhiều tổ chức, hội nghề nghiệp tại buổi lễ công bố Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050  

Hành lang xanh – điểm nhạy cảm

Theo quy hoạch chung, định hướng không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh và vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị. Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị. Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là các vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng với khu vực đô thị mở rộng phía nam sông Hồng. Các nêm xanh là vùng đệm xanh phân cách các khu đô thị mới dọc phía đông tuyến đường vành đai 4 và phía bắc sông Hồng.

Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết dự án, đồ án đang bị tạm dừng trong 756 dự án chờ quy hoạch nằm ngoài vành đai 3 trở ra, có những dự án lên tới hàng nghìn hécta nằm trong khu vực vành đai xanh theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, thì các dự án đã phủ kín quanh Hà Nội, thậm chí ở khu vực phía tây, dự án đã phủ kín đến tận Hòa Lạc. Ngay như khu vực giữa vành đai 3 và vành đai 4, giáp ranh Hà Nội và Hà Tây trước kia cũng có vành đai xanh nhưng giờ cũng kín dự án.

Mặc dù theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, việc điều chỉnh các dự án nằm trong vành đai xanh, thành phố sẽ phối hợp với chủ đầu tư tìm giải pháp ít thiệt hại nhất (như với dự án làm đô thị  sinh thái vẫn có thể chấp nhận được vì hành lang xanh không có nghĩa là không được xây dựng, chỉ cần hạn chế tối đa nhà cao tầng...).

Tuy nhiên “để thực hiện mơ ước có một lá phổi xanh bao bọc lấy thành phố, câu chuyện chắc chắn không chỉ đơn thuần là đụng chạm đến các dự án BĐS nằm trong diện rà soát, hay chuyện các làng nghề đang nằm trong vành đai xanh, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề trong đời sống xã hội khác”, ông Toàn thừa nhận.


Cơ chế quản lý, giám sát như thế nào?

Tại lễ công bố quy hoạch chung thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các ban, ngành trong việc xây dựng quy hoạch. Quy hoạch chung có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội, đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý xây dựng, phát triển đô thị và phát huy mạnh mẽ mọi tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội.

Tuy nhiên, để quy hoạch chung được hiện thực hoá, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội cùng Bộ Xây dựng và các ban, ngành cần có những cơ chế quản lý, giám sát xây dựng và phát triển đô thị thật chặt chẽ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc phê duyệt Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội có ý nghĩa quan trọng nhưng mới là bước đầu, để quy hoạch đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực còn không ít khó khăn.

Quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến vào Quy hoạch chung xây dựng thủ đô từ khi đồ án này còn đang dự thảo, ông Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội rất tâm đắc khi Trung tâm hành chính Quốc gia vẫn giữ nguyên như hiện nay, tức là tại quận Ba Đình chứ không chuyển lên huyện Ba Vì như nhiều ý kiến trước đây. Ông cũng nhất trí với mô hình phát triển không gian đô thị trong Đồ án quy hoạch.

Định hướng phát triển theo mô hình chùm đô thị là cơ sở để tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các vùng của Hà Nội, giảm mật độ dân cư ở đô thị trung tâm như hiện nay. Có nghĩa là khắc phục được tình trạng “đô thị đầu to” ở Hà Nội. Tuy nhiên, ông Hanh cũng cho rằng nếu không có cơ chế quản lý tốt để phát triển “nóng” và đầu tư dàn trải sẽ dễ hình thành những “đô thị rỗng”.

Ông Trần Trọng Hanh phân tích: “Đô thị rỗng là thiếu trường học, thiếu nhà trẻ, thiếu cây xanh, thiếu hạ tầng kết cấu, thiếu không gian công cộng. Quy hoạch chung thủ đô hiện nay đang vươn tới một đô thị khổng lồ. Nhưng với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay không nên phát triển nóng mà phải phát triển bền vững, hài hoà 3 mặt: kinh tế - xã hội - môi trường. Thứ hai là áp dụng mô hình phát triển phi tập trung, nghĩa là nhường quyền cho phát triển các tỉnh xung quanh trên cơ sở xây dựng các kết cấu hạ tầng diện rộng”.


Một góc Hà Nội hôm nay (ảnh: Ngụy Hà)

Theo PGS.TS Phạm Hùng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đồ án Quy hoạch lần này sẽ tạo điều kiện để những dự án lớn được triển khai. “Đây là tin tốt cho quy hoạch phát triển đô thị vì chúng ta đã có đồ án quy hoạch chung qua một thời gian chờ đợi và đây là tiền đề pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai tất cả các dự án quy hoạch chi tiết trong giai đoạn tới. Khi quy hoạch chung xây dựng thủ đô được phê duyệt, ngành quy hoạch và phát triển đô thị sẽ có nhiệm vụ hết sức nặng nề vì quy hoạch chung chỉ là định hướng thôi”, ông Cường nói.

Bên cạnh đó là những lo ngại như với số lượng dân cư hiện đang sinh sống tại dọc vành đai xanh sông Nhuệ, cộng với số lượng dân cư phát sinh sau khi các dự án tại đây được phê duyệt triển khai thì vành đai xanh này bản chất chính là khu đô thị đậm đặc. Vậy yếu tố xanh theo đúng quy hoạch sẽ là ở đâu? Quản lý thế nào để vành đai xanh không lại biến thành khu đô thị mới trá hình?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng, yếu tố nhận thức và sự kiên quyết, thậm chí đi kèm các chế tài cứng rắn của các cấp chính quyền Hà Nội thì mới có thể hiện thực hoá được quy hoạch chung lần này.

Về phần mình, chia sẻ ngay tại Lễ công bố quy hoạch, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, để quy hoạch đi vào cuộc sống thì ngay sau đây, UBND thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng công bố công khai, xây dựng và ban hành quy chế quản lý kiến trúc đô thị, từng bước thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, tạo tiền đề bước đầu để thực hiện các bước tiếp theo đưa quy hoạch chung trở thành hiện thực và đi vào cuộc sống.


Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) 

Lãnh đạo Bộ Xây dựng: “Điều chỉnh 750 dự án thế nào thì cần phải nghiên cứu”

Băn khoăn lớn nhất là việc thực hiện quy hoạch chung như thế nào trong những năm sắp tới. Hiện nay, Hà Nội đang làm 17 quy hoạch phân khu, dưới quy hoạch phân khu là quy hoạch chi tiết. Cùng với đó, Hà Nội cũng cụ thể hoá các quy định về quản lý, đặc biệt là các quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch. Quy chế về quản lý kiến trúc quy hoạch cụ thể đến từng công trình, từng đường phố.

Trong khi xây dựng đồ án Quy hoạch chung, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội phải rà soát cụ thể các đồ án và dự án. Khi mà đồ án Quy hoạch chung đã được phê duyệt thì càng phải xem xét cụ thể hơn nữa, dưới đó là quy hoạch phân khu, các quy định về quản lý, quy chế quản lý kiến trúc mà thành phố Hà Nội phải tiếp tục cụ thể hoá.

Nếu dự án nào, đồ án nào không đảm bảo các yêu cầu của quản lý mới phải dừng lại, phải điều chỉnh. Nếu như ngay bây giờ chúng ta nói rằng, 750 dự án phải đình hoãn, phải sửa đổi là hơi vội vàng. Khi tư vấn nghiên cứu quy hoạch đã xem xét tình hình, cập nhật các đồ án, dự án, một dự án nào đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt thì sẽ phải điều chỉnh. Điều chỉnh như thế nào thì cũng phải nghiên cứu.

Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng:  “Phải bắt tay làm ngay quy hoạch hạ tầng”

Mô hình quy hoạch rất đẹp nhưng thực hiện được đòi hỏi quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị. Trong đó vai trò của các cơ quan quản lý giám sát rất lớn. Nếu tiếp tục để tình trạng manh mún, chắp vá như giai đoạn vừa qua thì đồ án sẽ lại rơi vào bánh xe đổ của các giai đoạn trước, không thể nào thực hiện được.

Theo tôi, trước mắt có vô số việc phải làm nhưng lãnh đạo Cục Phát triển Đô thị bóc tách, cần ưu tiên các phần việc lớn như sau: về tổng thể hiện phải tập trung cho phát triển hạ tầng khung, xương sống. Bắt tay làm ngay quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phân khu.

Thời gian tới Hà Nội không chỉ tập trung cho phát triển nội đô mà phải đẩy nhanh phát triển các đô thị mới ở vùng ven nhằm tạo sức hút ở những khu vực này. Xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh, mặt nước để tạo môi trường sống tốt hơn hẳn nơi cũ.

Tiếp đó hoàn thành quy định quản lý quy hoạch kiến trúc và quy chế quản lý, đưa ra các chế tài xử lý nghiêm túc. Ngoài ra chú trọng thiết kế đô thị nhằm giữ bộ mặt kiến trúc đô thị và quản lý thực hiện quy hoạch thống nhất từ trên xuống dưới mà thành phố đứng ra chịu trách nhiệm, chứ không phải cát cứ giao từng địa phương.

Ông Phạm Văn Chang, Phó TGĐ CTCP Tuần Châu Hà Nội:  “Quy hoạch chung sẽ mở ra một trang mới cho thị trường bất động sản”

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội vừa được phê duyệt sẽ mở ra một trang mới cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Khi có phê duyệt thì các doanh nghiệp mới bắt tay vào triển khai các bước đi tiếp theo của dự án.

Bên cạnh đó, việc phê duyệt Quy hoạch chung cũng mở ra một trang mới cho thị trường. Các dự án được “cởi trói” sẽ đồng loạt đưa vào triển khai, cung cấp một lượng sản phẩm dồi dào cho thị trường trong thời gian tới. Đây thực sự là điều kiện tốt cho những người có nhu cầu về nhà ở dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm bất động sản. Riêng đối với CTCP Tuần Châu Hà Nội, chúng tôi đã chờ đợi đồ án Quy hoạch chung này được phê duyệt hơn 1 năm nay.

Hiện Cty đã hoàn tất các hồ sơ liên quan đến dự án tại Quốc Oai gửi các cơ quan liên quan thẩm định. Hy vọng, Quy hoạch chung được phê duyệt sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng của Hà Nội sớm phê duyệt dự án để chúng tôi triển khai trong thời gian tới.

Minh Nhật (ghi) 

Song Minh 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo