Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch bờ tây sông Sài Gòn: Giải quyết căn cơ bài toán môi trường và giao thông

Quy hoạch bờ tây sông Sài Gòn: Giải quyết căn cơ bài toán môi trường và giao thông

Viết email In

UBND TP.HCM vừa nghe công ty Nikken Sekkei báo cáo tổng thể quy hoạch 1/2000 khu vực bờ Tây sông Sài Gòn thuộc trung tâm thành phố hiện hữu mở rộng. Theo nhận định, báo cáo đã thể hiện rõ ý tưởng của thành phố: dành phần lớn khu bờ Tây cho các không gian công cộng.

Khống chế dân số

Quy hoạch chỉ rõ, khu bờ Tây sông Sài Gòn nằm dọc sông Sài Gòn trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận thuộc một phần quận 1, quận 4 và quận Bình Thạnh.

Với mục tiêu khống chế dân tại khu vực nên phần lớn dải đất gần sông chạy dọc theo khu vực bờ Tây sẽ được dành cho công viên cây xanh và đường đi bộ. Không gian kiến trúc của khu bờ Tây là phát triển cao tầng với mật độ xây dựng thấp, theo nguyên tắc chiều cao công trình thấp dần từ trong ra phía bờ sông nhằm đảm bảo thông thoáng cho toàn khu vực. Chỉ hình thành các điểm nhấn cao tầng tại các đầu mối giao thông kết nối giữa trung tâm hiện hữu và Thủ Thiêm.


(Ảnh: Lê Hồng Thái)

Các khu dân cư ở khu bờ Tây sông Sài Gòn sẽ được tổ chức theo mô hình sử dụng đất hỗn hợp, các khu chức năng được tổ chức xen cài trong từng ô phố nhằm đa dạng hoá các hoạt động đô thị, giảm khoảng cách đi lại, tăng cường dân số vào các khu vực mới phát triển nhằm tăng khả năng đầu tư và giảm ảnh hưởng về mặt giao thông.

Cụ thể, khu Tân Cảng sẽ sử dụng đất hỗn hợp với các loại hình nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ… kết hợp tổ chức thành các không gian công cộng dành cho người dân thành phố với hình thức công viên tập trung. Không gian đô thị ở đây sẽ được tổ chức theo hướng mở một trục xanh lộ giới trên 24m đi xuyên khu đất, tạo luồng lưu thông từ đường Nguyễn Hữu Cảnh vào lõi khu đất và kết thúc bằng một khu phức hợp thấp tầng, mở tầm nhìn ra sông Sài Gòn. Cầu cảng được đề nghị giữ lại làm công viên và đường giao thông.

Khu Nam Thị Nghè có các công trình với chức năng thương mại, dịch vụ, ở, giải trí, giáo dục… Sẽ chuyển đổi khu tập sân golf thành văn phòng, nhà ở. Các công trình nhà ở sẽ nằm dọc sông để khai thác tối đa diện tích mặt nước, chiều cao công trình thấp dần về phía quận 1.

Khu Ba Son cũng có công trình có chức năng thương mại, dịch vụ, ở, giải trí... nhưng các công trình này được phân chia thành hai khu vực có bố cục khác nhau. Khu vực phía Tây Nam là khu điểm nhấn cao tầng. Khu Đông Bắc xây dựng thấp dần về phía bờ sông.

Khu cảng quận 4 sẽ tạo tầm nhìn tối đa ra bờ sông cho khu đô thị hiện hữu bằng các không gian mở tại các vị trí giao nhau giữa đường Nguyễn Tất Thành và các đường hiện hữu. Ở đây còn có dải cây xanh lớn, liên tục dọc bờ sông.

Giải toả áp lực giao thông

KTS Nguyễn Trường Lưu, phó chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM hoàn toàn đồng tình với quy hoạch này, bởi quy hoạch có nhiều ưu điểm như: giảm dân số, ưu tiên cho các hoạt động thương mại, giải trí cho người dân. Theo quy hoạch, ở bên kia quận 2 tương lai sẽ có một quảng trường và một công viên vầng trăng rộng lớn, do vậy, khi đường Tôn Đức Thắng được ngầm hoá, một mặt là đường giao thông, một mặt là công viên sẽ tạo nên sự đối trọng cần thiết cho cụm đô thị tại khu vực này.

Khi đường Tôn Đức Thắng được ngầm hoá thì hệ thống giao thông tại khu vực này sẽ được chia sẻ đáng kể. Hiện nay, thành phố cũng đang nghiên cứu xây dựng một cầu đi bộ kết nối giữa hai công viên bờ Đông và bờ Tây, tạo ra một điểm nhấn tô đẹp cho cảnh quan chung của thành phố. 

Tuy nhiên, ông Lưu cũng lưu ý, quy hoạch 1/500 nên có nghiên cứu đô thị hoàn chỉnh cho từng cụm khu vực trong vùng, tránh tình trạng những cụm đô thị rời rạc, không kết nối được với nhau…

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trọng Hoà, nguyên giám đốc sở Quy hoạch và kiến trúc TP.HCM, hiện là viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển thành phố cũng cho rằng, đây là một bản quy hoạch có tính khả thi cao. Quy hoạch đã giải quyết thành công ba vấn đề nan giải tại thành phố, đó là: dân số, giao thông, bảo vệ môi trường.

Theo quy hoạch, chiều cao tối đa các công trình xây dựng tại khu vực này là 230m, tối thiểu là 4m, hệ số sử dụng đất tính trên diện tích đất xây dựng 5,6, tính trên diện tích toàn khu 2,5, mật độ xây dựng 3 – 80% tuỳ nơi. Quy mô dân số toàn khu 31.200 người. 
Theo ông Hoà, quy hoạch đã đề xuất giải pháp ngầm hoá toàn bộ hoạt động giao thông cơ giới trên đường Tôn Đức Thắng; tổ chức các điểm trung chuyển hành khách giữa các loại hình vận tải: xe buýt, tàu điện, metro… tại ba điểm giao thông quan trọng: cầu Sài Gòn, nhà máy đóng tàu Ba Son và cầu Tân Thuận. Đặc biệt sẽ mở rộng đường Nguyễn Tất Thành từ 30m lên 37m (về phía cảng) để phát triển hệ thống xe buýt nhanh kéo dài đến quận 7… Đây là những giải pháp giao thông cần thiết và mang tính khả thi cao.

Mặt khác, theo ông Hoà, một đề xuất trong bản quy hoạch mà lãnh đạo thành phố nên thống nhất đó là nối dài tuyến tàu điện bánh sắt chạy dọc đại lộ Đông Tây qua Ba Son, qua cầu Sài Gòn đến Thanh Đa để tạo điều kiện cho phát triển du lịch ở bán đảo này đồng thời sẽ có một đường ngầm nối từ khu vực khách sạn Majestic đến bờ sông Sài Gòn để phục vụ nhu cầu đi lại của khu vực trung tâm.

Tùng Quang

Khu vực trung tâm hiện hữu TPHCM mở rộng, rộng khoảng 930ha không chỉ có vị trí đặc biệt trong trong hiện tại đối với TPHCM mà trong tương lai cùng với đô thị mới Thủ Thiêm sẽ đóng vai trò trung tâm cho một TPHCM văn minh, hiện đại và phát triển. Để xây dựng khu vực này xứng đáng với vai trò trung tâm, tháng 5/2007, TPHCM tổ chức cuộc thi quốc tế “Ý tưởng thiết kế khu trung tâm hiện hữu mở rộng” nhằm tìm ra nhà tư vấn tốt nhất cho vị trí xây dựng đặc biệt này. Đã có nhiều tư vấn trong và ngoài nước tham gia cuộc thi và phương án của Công ty Nikken Sekkei (Nhật) vượt lên đoạt giải nhất. TPHCM đã ký hợp đồng triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết 1/2.000 và quy chế quản lý đô thị cấp 2 cho khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng với Nikken Sekkei.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đến cuối năm nay, đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 và quy chế quản lý đô thị cấp 2 cho toàn bộ khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng sẽ hoàn tất. Tuy nhiên, để giúp cho các cảng biển trên sông Sài Gòn như Tân Cảng, cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son có cơ sở chuyển đổi công năng các cảng hiện hữu, trước khi di dời ra khỏi trung tâm thành phố, TPHCM đã yêu cầu tư vấn Nikken Sekkei hoàn tất trước quy hoạch chi tiết 1/2.000 bờ Tây sông Sài Gòn, nơi có các cảng này hoạt động trong tháng 6/2011.

Trước cuộc họp ngày 17/6/2011, lãnh đạo thành phố đã có cuộc họp nghe Sở Quy hoạch Kiến trúc và tư vấn Nikken Sekkei báo cáo một số ý hướng chủ đạo trong đồ án quy hoạch 1/2.000 bờ Tây sông Sài Gòn. Từ những quan điểm chỉ đạo này, đồ án quy hoạch nêu trên đã được hoàn tất. (SGGP) 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo