Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quảng Ngãi đến năm 2030

Thứ sáu, 22 Tháng 10 2010 10:37 Báo Xây Dựng
In

Bộ Xây dựng đã thống nhất các nội dung cơ bản của đồ án Quy hoạch chung TP. Quảng Ngãi đến năm 2030 để UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt như sau:

Phạm vi nghiên cứu lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Quảng Ngãi được xác định: Phía Bắc giáp ranh giới quy hoạch mở rộng của Khu kinh tế Dung Quất. Phía Namgiáp các xã Nghĩa Điền, Nghĩa Hòa và thị trấn La Hà - huyện Tư Nghĩa. Phía Đông giáp biển Đông. Phía Tây giáp tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Tổng diện tích đất tự nhiên khu vực nghiên cứu lập quy hoạch là 14.199,54ha.



TP Quảng Ngãi được xác định là thành phố đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Ngãi. Là một trong những trung tâm kinh tế khu vực miền Trung về công nghiệp chế biến, gia công, thương mại, dịch vụ, du lịch và đặc biệt là hậu phương quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển Khu kinh tế Dung Quất. Là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực. Dự kiến đến năm 2030, dân số toàn thành phố là 357.100 người, trong đó dân số đô thị là 299.400 người. Năm 2015 dự kiến diện tích đất xây dựng đô thị sẽ đạt khoảng 4.238ha, trong đó đất dân dụng khoảng 1.831ha. Đến năm 2030 dự kiến diện tích đất xây dựng sẽ đạt khoảng 5.160ha, trong đó đất dân dụng khoảng 2.365ha.

Thành phố Quảng Ngãi sẽ được phân vùng theo 4 khu chức năng cơ bản bao gồm: vùng đô thị trung tâm, vùng mặt tiền bờ sông, vùng công viên sinh thái, vùng bờ biển.

Thứ nhất - Vùng đô thị trung tâm: diện tích tự nhiên khoảng 4.096ha, dân cư dự kiến khoảng 202.100 người. Tại đây bố trí các trung tâm chính trị và hành chính của tỉnh và thành phố, các trung tâm dịch vụ thương mại, y tế, các công trình đầu mối giao thông khu vực. Đây là khu vực đô thị hiện hữu sẽ không có các thay đổi lớn, trừ việc mở rộng lộ giới một số tuyến đường để xây dựng tuyến đường sắt nhẹ. Hoàn thiện nâng cấp các trung tâm hành chính, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh, các khu ở đô thị phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đô thị mới. Tại khu vực này dự kiến sẽ xây dựng tổ hợp nhà ga đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Thứ hai - Vùng mặt tiền bờ sông: diện tích tự nhiên khoảng 4.836ha, dân số dự kiến khoảng 75.533 người. Đây là khu vực phát triển mới của thành phố theo quan điểm khai thác giá trị cảnh quan sông nước. Tại khu vực này sẽ xây dựng đập dâng giữ nước sông Trà Khúc cùng hệ thống đê kè linh hoạt theo địa hình. Cải tạo sông Trà Khúc và hệ thống các đảo ven sông tạo thành không gian mở, xanh sinh thái phục vụ các khu du lịch và thương mại ven sông, đô thị hóa các điểm dân cư dọc hai bờ sông. Bảo tồn phát triển các vùng dân cư nông thôn, nông nghiệp theo hướng sinh thái, chất lượng cao.

Thứ ba - Vùng công viên sinh thái: diện tích tự nhiên khoảng 3.114ha dân số hiện dự kiến khoảng 46.575 người. Đây là khu vực chuyển tiếp giữa khu vực xây dựng tập trung tới khu vực ven biển. Dự kiến xây dựng đập dâng giữ nước thứ hai cùng hệ thống đê kè để khai thác không gian mở ven sông Trà Khúc phục vụ phát triển du lịch và đô thị ven sông. Bảo tồn phát triển các vùng dân cư nông thôn, nông nghiệp theo hướng sinh thái, chất lượng cao.

Thứ tư - Vùng bờ biển: diện tích tự nhiên khoảng 2.153ha, dân số dự kiến khoảng 32.892 người. Dự kiến xây dựng thành một khu đô thị với những dịch vụ nghỉ dưỡng ven biển chất lượng cao.

Về định hướng quy hoạch giao thông:

Sân bay Chu Lai là sân bay quốc tế cấp hạng 4F theo quy hoạch hàng không sẽ đóng vai trò sân bay đối ngoại quốc tế chính cho thành phố Quảng Ngãi. Dự kiến bố trí một sân bay trực thăng trong thành phố Quảng Ngãi tại khu vực nền sân bay cũ trong thành phố.

Đường sắt cao tốc chạy ven phía Tây thành phố, song song với trục đường bộ cao tốc. Dự kiến sẽ có một ga hành khách bố trí tại cửa ngõ vào thành phố. Đường sắt nhẹ kết nối thành phố với Khu kinh tế Dung Quất và sân bay Chu Lai. Đường sắt Bắc Nam sẽ giữ nguyên tuyến hiện nay, nâng cấp ga hiện có, hoàn chỉnh hệ thống giao thông đô thị kết nối với ga. Xây dựng mới một ga hàng hóa tại phía Bắc thành phố với quy mô khoảng 15ha, đất kho tàng khoảng 20ha.

Trục đường bộ cao tốc có hai điểm đấu nối với hệ thống giao thông đô thị tại phía Bắc và phía Namtrung tâm thành phố. Quốc lộ 1A được quản lý triệt để giảm các điểm giao cắt, bố trí hệ thống đường gom theo quy định.

Đối với những khu vực nội thị hiện hữu: Bổ sung hệ thống bãi đỗ xe, công trình quảng trường và đầu mối kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại. Những khu vực mới xây dựng dọc sông Trà Khúc sẽ xây dựng hệ thống giao thông theo tiêu chuẩn đô thị loại II, tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ cảnh quan dọc hai bờ sông.

Tại các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng: Xây dựng mạng lưới đường ngoài mục tiêu phục vụ phương tiện giao thông công cộng, đáp ứng các yêu cầu về khai thác cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Về định hướng cấp nước:

Nguồn cấp nước cho thành phố là nguồn nước mặt từ sông Trà Khúc và nước ngầm khai thác tại khu vực hạ lưu sông. Dự kiến đến 2030 sẽ nâng công suất các trạm cấp nước từ nguồn nước ngầm lên 25.000m3/ngđ, xây dựng và nâng công suất nhà máy nước Quảng Phú lên 60.000m3/ngđ, xây dựng nhà máy nước Tịnh An có công suất 25.000m3/ngđ. Hệ thống đường ống phân phối cấp nước sạch được chia làm 3 cấp phân bố đều tại các khu chức năng với đường kính tối đa là 200mm, tối thiểu là 100mm. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ nguồn nước và công trình đầu mối cấp nước.

Về định hướng cấp điện:

Nguồn điện cho thành phố Quảng Ngãi được cấp từ trạm điện 110kV Quảng Ngãi công suất 50MVA, dài hạn sẽ nâng lên 2x40MVA, xây dựng mới hai trạm điện Quảng Phú (công suất 2x40MVA) và Sơn Tịnh (công suất 2x25MVA). Lưới điện: sử dụng lưới điện phân phối trung áp (22kV) để cấp điện cho các khu chức năng trong thành phố. Hạn chế sử dụng đường dây trên không để đảm bảo mỹ quan đô thị. Lưới điện hạ áp thiết kế dạng mạch vòng có liên kết dự phòng. Lưới điện chiếu sáng đảm bảo chiếu sáng cho các tuyến đường có chiều rộng từ 3m trở lên.

Các giải pháp về bảo vệ môi trường:

Trong giai đoạn đến 2015 phải có giải pháp xử lý ô nhiễm đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ còn tồn tại trong các khu dân cư và trong dài hạn phải thực hiện di dời về các khu công nghiệp tập trung. Ưu tiên tăng cường mật độ cây xanh trong các khu chức năng đô thị. Tổ chức các không gian cây xanh mặt nước tạo cảnh quan và cải thiện môi trường sống. Có giải pháp phân loại bố trí các xí nghiệp sản xuất theo các ngành nghề với mức độ ô nhiễm khác nhau để có giải pháp kiểm soát môi trường thích hợp.

Thùy Anh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: