Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh: "Mẹ nghèo đông con đi chợ"

Hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh: "Mẹ nghèo đông con đi chợ"

Viết email In

Để trở thành một đô thị đầu tàu của cả nước, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội, TP.HCM cần số vốn khoảng 300 ngàn tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD) dành cho phát triển và xây dựng hạ tầng giao thông đô thị. Một số tiền không dễ có nếu như không có sự đồng thuận và nỗ lực của nhân dân thành phố.

Vốn cho giao thông như muối bỏ bể

Nhu cầu phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn TP.HCM quá lớn, đụng đâu cũng thấy bức xúc, mọi con đường, cây cầu giờ đây đều trở nên nhỏ hẹp. Giao thông ùn tắc, môi trường sống ô nhiễm đang ở mức cấp bách hơn bao giờ hết. Sự bùng nổ dân số và tốc độ đô thị hóa quá nhanh đang tạo nên một áp lực rất lớn cho các nhà hoạch định đô thị TP.HCM.

  • Ảnh bên : Một khu dân cư mới tại quận 2, TPHCM (Ảnh: Đức Trí /SGGP)

Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết, mỗi năm TP.HCM cần khoảng 38.000 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng giao thông đô thị - một con số quá lớn và vượt ra ngoài tầm huy động của TP.HCM.

Vì hàng năm tổng nguồn ngân sách dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là 8.500 tỷ đồng. Với số vốn quá ít như hiện nay, nhiều người ví von rằng, TP.HCM như bà mẹ nghèo đông con đi chợ, phân vân không biết mua thứ gì vừa no vừa rẻ.

Dạo qua một vài công trình giao thông mà TP.HCM đang kêu gọi đầu tư, chúng ta có thể thấy con số vài ngàn tỷ đồng mỗi năm chỉ là muối bỏ bể: đường vành đai số 2 vốn hơn 1.600 tỷ đồng; vành đai số 3 giai đoạn một là 3.500 tỷ đồng; vành đai số 3 giai đoạn hai là 18.733 tỷ đồng; vành đai số 4 là 8.434 tỷ đồng; đường trên cao số 1 là 720 triệu USD; đường trên cao số 2 là 500 triệu USD...

Đó là chưa kể các tuyến đường xuyên tâm, đường nhánh mở rộng lên các quận, huyện ngoại thành, mỗi dự án đòi hỏi hàng trăm tỷ đồng.

Đại biểu HĐND Nguyễn An Bình cho rằng, điểm yếu của các nhà quy hoạch TP.HCM là quy hoạch giao thông đô thị thiếu chiều sâu. Một đô thị có gần 10 triệu dân như TP.HCM mà không có đường trên cao, tàu điện ngầm thì ùn tắc là chuyện đương nhiên.

Thế nhưng, đối với một dự án giao thông lớn trị giá hàng tỷ USD thì việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài không đơn giản chút nào. Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, thành phố đã quy hoạch 4 tuyến đường trên cao, trong đó chỉ có tuyến số 1 được một nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến.

Dự án đường trên cao có tổng vốn 15.000 tỷ đồng, tương đương 800 triệu USD, nhưng nhà đầu tư nói rằng làm theo BOT thì chỉ thu được 100 triệu USD, phần còn lại Nhà nước phải trả. Vấn đề đặt ra là trả bằng cái gì, bằng tiền hay bằng đất?


Hàng năm, tổng ngân sách đầu tư hạ tầng giao thông TP.HCM là 8.500 tỷ đồng.

Gỡ vướng nhiều rào cản thủ tục

Hàng loạt vướng mắc trong thu hút, kêu gọi đầu tư hình thành nên những rào cản thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, để huy động tốt hơn nữa nguồn lực từ các doanh nghiệp thì TP.HCM cần phải giải quyết được hai bài toán khó, đó là thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng.

Một chủ doanh nghiệp lo ngại: “Chúng tôi làm một dự án, thủ tục nhanh lắm cũng mất 3 - 5 năm, trong khi vật giá biến động hàng ngày, doanh nghiệp thiệt hại nặng. Một dự án đã giải phóng mặt bằng đến 95%, còn 5% người dân không chịu di dời, chính quyền cũng không có biện pháp nào hỗ trợ, hậu quả là dự án đình trệ thêm nhiều năm nữa, làm doanh nghiệp thiệt hại nặng vì trượt giá và từ đó mất lòng tin”.

Giải quyết vấn đề này, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cho biết, thành phố đã rà soát, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, giãn tiến độ các dự án chưa cấp bách, tập trung vốn hoàn thành các công trình trọng điểm, đồng thời bố trí đủ vốn cho các chương trình, dự án cấp bách.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, tín dụng nhà nước, vốn vay ODA, FDI, thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng...

Công bằng mà nói, việc huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng đô thị đã được TP.HCM tính đến từ trước. Cách đây hơn 10 năm, TP.HCM cũng là nơi đầu tiên thành lập Quỹ Phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Nhờ đó mà nhiều công trình đã mọc lên, bộ mặt đô thị cũng thay đổi đáng kể. 

Hiện thành phố đang tiếp tục triển khai 23 dư án với tổng vốn đầu tư hơn 53.360 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA hơn 40.445 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 13.000 tỷ đồng. Ước tính sáu tháng đầu năm 2010, giải ngân đạt hơn 1.787 tỷ đồng, trong đó vốn ODA hơn 1.545 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch vốn được giao, vốn đối ứng hơn 241 tỷ đồng, đạt 71% kế hoạch vốn được giao. 
Cầu Phú Mỹ, cây cầu dây văng biểu tượng của TP.HCM với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng, được xây dựng theo phương thức BOT và một số công trình được xây dựng cách đây 5 - 6 năm, thời điểm TP.HCM rất cần, như dự án mở rộng quốc lộ1A đoạn An Sương - An Lạc, dự án đường Huỳnh Tấn Phát... đã phát huy hiệu quả. 

Hay các dự án lớn vốn vay ODA như đại lộ Đông Tây (hơn 6.500 tỷ đồng); bốn dự án cải tạo môi trường nước khoảng 1 tỷ USD sắp đưa vào sử dụng tạo những bước tiến quan trọng trong phát triển đô thị TP.HCM. 

Tại hội nghị kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông đô thị cuối tháng Sáu vừa qua, ông Nguyễn Thành Tài cho biết, các giải pháp huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng hạ tầng của lãnh đạo TP.HCM trong những năm qua đã phần nào phát huy được hiệu quả. 

Tới đây, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia dự án hình thức PPP (nhà nước - tư nhân). Đồng thời, tùy vào từng tình huống và thời điểm cụ thể, thành phố sẽ ngồi lại với doanh nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, trượt giá, hoàn vốn... 

NGUYÊN HOÀNG

>> Không gian đô thị TP.HCM tầm nhìn 2025
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo