Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Câu chuyện của đô thị và những dòng sông

Câu chuyện của đô thị và những dòng sông

Viết email In

Dòng chảy phát triển của đô thị là vô tận, giống như nước sông luôn đổ ra biển lớn. Hiện những thành phố ghi tên mình trên bản đồ là "nơi đáng sống" hầu như đều gắn với những dòng sông. Câu chuyện về sự trở lại với sông của các thành phố mãi là những dòng chảy hấp dẫn.

Đâu đó trong tâm tưởng của người dân sống ở những thành phố gắn với dòng sông đều mong muốn chiêm ngưỡng hình ảnh đại diện cho đời sống đô thị văn minh, hiện đại và nghĩa tình.


Khu dân cư Battery Park City ở New York (Mỹ) được đánh giá là một mô hình quy hoạch ven sông cực kỳ thành công.
(Nguồn ảnh: Wikipedia)

Tại châu Âu, dòng sông Thames của London (Anh) - trung tâm đô thị của cả thế giới những năm đầu của bùng nổ công nghiệp và đô thị hóa đã hình thành nên trục xương sống cho sự phát triển suốt mấy trăm năm qua của thành phố London.

Các tòa nhà mới lần lượt mọc lên, nhưng dòng sông vẫn chảy đều kết nối. Dòng thuyền vẫn chạy nườm nượp và trên bờ là hàng cây tiêu huyền mướt mát vẫn vững chãi làm hàng mi xanh phủ bóng không gian công cộng ven sông.

Đến với Paris - Thủ đô nước Pháp, ai cũng khắc ghi dòng sông Seine êm đềm lãng mạn. Trên sông các đoàn thuyền du lịch nối đuôi bên bờ, trong đất liền những công trình kiến trúc khoe sắc. Giữa sông và đô thị là không gian cây xanh công cộng cho mọi người đến hẹn hò, thư thái để kéo mình ra khỏi dòng chảy hối hả của đời sống công nghiệp và thả mình vào tiếng dòng chảy êm dịu.

Chia sẻ về những vẻ đẹp tiềm ẩn của những dòng sông trong đô thị, Kiến trúc sư Khổng Minh Trang cho biết, dù Paris rất phát triển, sông Seine rất đẹp và nên thơ nhưng người Pháp vẫn còn muốn làm cho nó đẹp hơn và tốt hơn nữa.

Họ lập ra những trung tâm nghệ thuật trôi nổi, hồ bơi trên sông, cải tạo lại cả không gian cảnh quan xung quanh tháp Eiffel để trở nên hấp dẫn hơn; làm mới bản thân để duy trì sức cạnh tranh thương hiệu đô thị toàn cầu.

Thế mạnh của những dòng sông luôn được các đô thị khai thác triệt để. Từ năm 2017, thành phố Chicago (Mỹ) khánh thành dự án Chicago Riverwalk, tái thiết lại khu vực bờ sông trung tâm thành phố, nơi từng là không gian bị lãng quên để có được 1,5 dặm đường đi bộ và không gian cho những sinh hoạt cộng đồng đô thị.

Không chỉ là một không gian công cộng bờ sông tuyệt đẹp, Chicago Riverwalk còn là một đồ án thiết kế có tính đến sự nhạy cảm về sinh thái, cải thiện chất lượng nước, tăng thêm trải nghiệm của du khách và đóng vai trò là nguồn tạo doanh thu cho thành phố.

Châu Á nổi lên câu chuyện "kỳ tích sông Hàn". Sự phát triển vượt bậc về kinh tế, công nghiệp của Hàn Quốc cũng song hành cùng câu chuyện đổi thay diện mạo khu vực bờ sông Hàn. Một dải sông rộng hình thành hẳn một chuỗi đại công viên ven sông, vừa là không gian công cộng, vừa là mảng xanh sinh thái, bảo tồn chất lượng môi trường nước sông...

Trở lại với câu chuyện tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, khi ý tưởng đưa các đô thị tại Việt Nam "quay mặt" ra sông được chú ý, nhiều người giật mình nhớ lại trong quá khứ, hàng chục đô thị tại Việt Nam được hình thành từ đầu mối giao thương quanh những con sông lớn. Nhưng khi phát triển tới một mức độ nhất định, thành phố lại "bỏ quên" chính những con sông này.

Theo ông Phan Văn Tuấn - Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, sông Sài Gòn, sông Hồng đều là một trong số ít không gian mở tự nhiên còn lại của thành phố nhộn nhịp và đông dân nhất nhì cả nước. Tuy nhiên, diện mạo khu vực bờ sông ít nhiều có sự thay đổi. Dọc bờ sông ở hàng loạt khu vực đã không còn của số đông người dân như tính chất vốn có.

Với sự đa dạng, phong phú về cảnh quan, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đều có tiềm năng để tạo điểm nhấn từ không gian đô thị đến nông thôn, từ thiên nhiên đến hiện đại. Nếu làm tốt khâu quy hoạch, tổ chức, bờ sông hiện hữu sẽ hình thành những mảng khối hài hòa, thu hút khách du lịch.


Marina Bay Sands, Singapore. (Nguồn ảnh: Ashui.com)

Thời gian qua, quy hoạch các phân khu đô thị quanh sông Hồng, sông Đuống tại Hà Nội rồi sông Hương tại Huế, bến Bạch Đằng và dải công viên quanh sông Sài Gòn lần lượt ra đời.

Kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà phân tích, nhìn lại lịch sử đô thị thế giới, sông là điều kiện thuận lợi để quần cư - tụ cư, từ chỗ là nguồn nước để làm nông và sinh hoạt đã hình thành những điểm dân cư nông thôn rồi là tuyến giao thông – thương mại để phát triển các điểm dân cư đô thị. Dòng sông là cội nguồn tạo ra đô thị, đáp ứng nhu cầu từ cấp thoát nước, giao thông vận tải, phòng vệ. Ở chiều ngược lại, đô thị cũng mang lại cho dòng sông một diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng.

Theo kiến trúc sư này, cần quan tâm đến ba yếu tố: liên kết yếu tố thiên nhiên từ sông vào sâu trong đô thị; tự nhiên hóa ranh giới giữa dòng sông và phần xây dựng đô thị; kiến trúc đô thị hai bên phụ thuộc vào từng con sông.

Hầu hết các thành phố lớn ở Việt Nam đều gắn liền với dòng sông. Nhưng phải tới những năm cuối thế kỷ XX, các đô thị Việt Nam mới bắt đầu quan tâm tới vai trò của dòng sông trong tạo dựng cảnh quan. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông đúng nghĩa – được xây dựng dọc theo bờ sông và phát huy, khai thác tối đa những giá trị mà sông nước mang lại để trở thành nguồn lợi, nguồn thu, nguồn sống chính của cư dân tại đó.

Việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đô thị nói riêng ở Việt Nam từ trước đến nay thường chỉ chú trọng khai thác triệt để giá trị của đất đai bởi "dễ" làm và nhanh thu hồi vốn. Quỹ đất sẽ dần cạn kiệt làm cho môi trường sống của cư dân đô thị ngày càng ngột ngạt, bức bối. Vì vậy, kinh tế sông nước (gồm cả kinh tế biển) sẽ là xu hướng tất yếu và bền vững, nhất là ở một nước nằm trong vùng nhiệt đới như Việt Nam.

Dòng sông là của cộng đồng nên khi quy hoạch khu vực hai bên sông, cần tạo cơ hội lớn nhất cho cư dân đô thị tiếp cận sông. Như vậy, không chỉ quy hoạch những dải đất ven sông mà cần có cả những tuyến đường kết nối ra sông nhằm dễ dàng cho khu vực nằm sau lưng mặt tiền sông được tiếp cận. Thêm vào đó, cần tổ chức giao thông công cộng hợp lý để khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp...

Các chuyên gia khuyến nghị, về mật độ xây dựng cũng cần thận trọng "cao tầng hóa" bám theo sông. Nên tổ chức thành từng cụm cách xa nhau để có khoảng hở cho thiên nhiên đi sâu vào bên trong, tạo độ thông thoáng tránh tạo thành một bức tường bê tông phản cảm. Những bức tường đó là một dạng quy hoạch "bóc lột" dòng sông thường thấy, nhằm khai thác tối đa diện tích tự nhiên chỉ để tạo lợi nhuận cho số ít người, không vì lợi ích chung của cộng đồng và không nghĩ đến việc phát triển cân bằng.

Khi quy hoạch phần liền kề với sông luôn cần ý thức chia sẻ nguồn tài nguyên vô giá này với tất cả mọi người qua các không gian công cộng mở thân thiện./.

Thu Hằng

(BNews / TTXVN)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo