Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Mạng lưới đô thị và khung hạ tầng kiến tạo không gian phát triển

Mạng lưới đô thị và khung hạ tầng kiến tạo không gian phát triển

Viết email In

Đây là quan điểm Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chia sẻ tại hội thảo chuyên đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức tuần qua, tại Hà Nội.

Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam nhận định: Một trong những định hướng quan trọng trong quy hoạch tổng thể quốc gia để tạo không gian phát triển mới là tập trung ưu tiên hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia, trong đó, quan trọng hàng đầu là kết cấu hạ tầng giao thông, mạng lưới đô thị.


Mạng lưới đô thị và khung hạ tầng kiến tạo không gian phát triển
(Ảnh minh họa: Ashui.com)

Ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh: Quy hoạch, phát triển mạng lưới đô thị là một nội dung quan trọng trong quy hoạch tổng thể quốc gia, nhằm kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới như việc hình thành các vùng đô thị hóa cơ bản; các vùng đô thị lớn, vùng kinh tế - đô thị; các cực tăng trưởng chủ đạo - các đô thị lớn và cực lớn; các hành lang kinh tế - đô thị; các khu kinh tế ven biển, cửa khẩu...

Trong khi đó, hạ tầng khung giao thông quốc gia như bộ khung xương định hình không gian lãnh thổ, là huyết mạch kết nối giữa các không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới trong nước và quốc tế.

Việc quy hoạch, phát triển hạ tầng khung giao thông quốc gia giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm giải quyết các nút nghẽn, tăng cường khả năng kết nối giữa các không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới thông qua hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đồng bộ, hiện đại.

Cả hai công việc trên đồng nghĩa với việc góp phần hoàn chỉnh cấu trúc, bộ máy không gian lãnh thổ quốc gia, kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới, trước nhu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây cũng chính là “điểm nghẽn” phát triển lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Để thực hiện tốt hai nội dung quy hoạch mạng lưới đô thị và khung hạ tầng giao thông quốc gia trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Chính khuyến nghị một số giải pháp cốt lõi.

Thứ nhất, quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng khung giao thông quốc gia là ưu tiên hàng đầu, trên hết và trước hết, là điều kiện tiên quyết giải quyết nút nghẽn, tăng cường khả năng kết nối giữa các không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới theo Quy hoạch tổng thể quốc gia;

Thứ hai, quy hoạch mạng lưới đô thị quốc gia phải tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới. Bởi quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định (Điều 3, Luật Quy hoạch).

Thứ ba, đổi mới mô hình phát triển đô thị phù hợp với đặc thù Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử. Phát triển đô thị nén tại các đô thị lớn, cực lớn, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đô thị phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bảo đảm phát triển bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phát triển đô thị. Nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý mạng lưới đô thị quốc gia, trên cơ sở hình thành bộ Luật Quy hoạch, Xây dựng, Quản lý phát triển đô thị và hệ thống văn bản quy phạm (luật, nghị định, thông tư, tiêu chuẩn quy chuẩn), các nghị quyết, chương trình, quy hoạch, kế hoạch của Đảng và Chính phủ có liên quan... trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Thứ năm, quản lý lưới mạng lưới đô thị theo mô hình tầng bậc từ cấp tỉnh, cấp vùng, liên vùng (hoặc khu vực) và ở cấp quốc gia. Xây dựng mô hình quản lý có tính kết nối, liên thông, bao trùm (phá bỏ tính cục bộ, địa phương) trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (GIS) về quy hoạch xây dựng phát triển đô thị.

Thứ sáu, huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông dưới nhiều hình thức như BOT, BT, BTO, PPP. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền... để tăng tính thương mại của các dự án giao thông và trách nhiệm đóng góp của người sử dụng.

Thứ bảy, hoàn chỉnh mô hình chính quyền đô thị trên tinh thần Luật Tổ chức chính quyền địa phương và kết quả thí điểm thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. Chính quyền đô thị hoạt động trong môi trường Chính phủ điện tử và nền tảng đô thị thông minh phù hợp với quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội từng vùng, từng địa phương.

Minh Hằng

(Báo Xây dựng)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo