Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Cần sớm ban hành bộ tiêu chí để xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Cần sớm ban hành bộ tiêu chí để xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu

Viết email In

Đô thị ngày càng dễ bị tổn thương do thiên tai, biến đổi khí hậu. Hậu quả là tình trạng ngập úng đô thị, hiện tượng đảo nhiệt đô thị, gây ảnh hưởng đến sự bền vững của đô thị và chất lượng cuộc sống người dân. Vậy, quy hoạch, thiết kế, đô thị như thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu?  

Trận mưa lớn do hoàn lưu trước bão Sơn Ca ngày 14/10 đã khiến 7 quận, huyện của thành phố Đà Nẵng ngập từ 0,5 đến 1,5 mét. Trong vòng 6 giờ lượng mưa lên tới 500mm khiến hệ thống thoát nước của thành phố quá tải.


Mưa lớn làm nhiều tuyến đường trung tâm TP.Đà Nẵng ngập sâu.
(Ảnh: Thanh Niên)

Trước đó, tại Hà Nội, trận mưa lớn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ chiều ngày 29/5 với lượng mưa tại một số điểm lên đến 180mm khiến nhiều đường phố của thủ đô ngập lụt, giao thông tê liệt.

Theo TS. Nguyễn Đăng Mậu, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, khí hậu tại các  đô thị chịu tác động đồng thời của 3 yếu tố, bao gồm: vị trí địa lý, địa hình và đặc điểm khí hậu; tác động của biến đổi khí hậu và tác động của quá trình đô thị hóa. Do vậy, các đô thị dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu :

"Các đô thị thường dễ bị tổn thương do BĐKH hơn so với khu vực nông thôn, tác động cũng thường nghiêm trọng hơn. Trong những năm gần đây, một số tác động chính đáng chú ý như: mưa lớn và triều cường gây ngập lụt đô thị xảy ra thường xuyên hơn; gió mạnh do dông lốc và bão ảnh hưởng nghiêm trọng hơn; nhiệt độ cao và nắng nóng xảy ra nhiều hơn trong các tháng mùa hè gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, độ bền công trình và nguy cơ cháy nổ,…", TS. Nguyễn Đăng Mậu nói.

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, thời gian qua, các đô thị của Việt Nam chịu tác động  nặng nề của biến đổi khí hậu. Đơn cử, nhiều địa phương trước đây không bao giờ bị ngập lụt nhưng đến nay cũng phải đối mặt mối khi có mưa lớn như thành phố Hạ Long Quảng Ninh, Đà Lạt, Phú Quốc…

Hiện nay trong các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy phạm về quy hoạch đều có những quy định, cụ thể về ứng phó với biến đổi khí hậu ngay trong khâu chọn địa điểm để phát triển đô thị hoặc trong các tiêu chuẩn về cốt nền xây dựng.

KTS Trần Thanh Sơn, Trưởng khoa kỹ thuật, hạ tầng đô thị, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, trước đây, đô thị chưa phát triển, nước mưa có thể thoát qua hệ thống mương hở hoặc đồng ruộng, hồ ao, thảm cỏ. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình bê tông hóa, diện tích thẩm thấu tự nhiên bị thu hẹp, việc thoát nước chủ yếu được đưa vào hệ thống cống nên vi phạm về cao độ nền sẽ gây ra những hệ lụy khi có mưa lớn:

"Nhiều nơi khi thực hiện quy hoạch để xảy ra những vi phạm cao độ nền chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến thoát nước. Khi mà cao độ nền bị vi phạm, sẽ có những nơi bị thấp, nước sẽ đọng lại ở những khu vực cao độ nền thấp hơn", KTS Trần Thanh Sơn phân tích.


(Ảnh minh họa)

TS Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, hiện nay, mặc dù chưa có một hệ thống tiêu chí chính thức về thiết kế và xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu song đã có một cuốn hướng dẫn lồng ghép công tác biến đổi khí hậu trong công tác quy hoạch. Cụ thể: là những lưu ý khi xây dựng đường giao thông phù hợp với địa hình, việc san lấp, thiết kế, quy hoạch hệ thống đường giao thông tránh nằm cắt ngang hoặc chặn đứng luồng nước chảy mà cần phải lựa theo luồng nước chảy. Hay những mô hình khu vực bán ngập hay xây dựng đê mềm.

Nhà nước đang giao cho Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng bộ tiêu chí quốc gia về thiết kế và xây dựng đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, nhưng theo TS Ngô Trung Hải, trong bối cảnh thời tiết cực đoan hiện nay, không thể cứ chờ đợi: "Đừng đợi bộ tiêu chí ra đời mà phải hiểu nguyên tắc để giải quyết được vấn đề này. Bộ tiêu chí này chắc chắn sẽ ra đời. Nhưng trước khi ra đời thì mình nên nắm được nguyên tắc phải có chỗ chứa nước, đừng lấp các khu vực chứa nước. Nếu lỡ lấp lại tạo ra khu vực khác đủ lớn dẫn nước về để tạm thời".

TS.KTS Trương Văn Quảng cho biết thêm, các quy hoạch đô thị hiện nay mang tính tích hợp, có sự phối hợp liên ngành với hệ thống cơ sở dữ liệu về điều kiện thủy triều, thủy văn. Do vậy, quá trình triển khai quy hoạch cần đặc biệt lưu ý đến cốt nền xây dựng, cũng như ưu tiên các mô hình đô thị xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu:

"Chúng ta phải quan tâm về quy hoạch mang tính thuận thiên hơn, có nghĩa là không can thiệp quá mạnh, không được phép can thiệp vào những không gian trữ nước tự nhiên. Chúng ta phải có giải pháp  phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh hơn và nó phù hợp với vấn đề tôn trọng tự nhiên nhiều hơn", TS.KTS Trương Văn Quảng nói.

Thời tiết cực đoan có xu hướng gia tăng  và rất khó lường. Bởi vậy, trong các quy hoạch và thiết kế đô thị cần phải tôn trọng các điều kiện tự nhiên, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và phát thải khí nhà kính. Việc thiết kế quy hoạch đô thị theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu là việc cần làm ngay và không có một mô hình chung cho các đô thị.

Trong khoảng hơn thập kỷ trở lại đây, người dân tại các đô thị rất dễ nhận thấy những thay đổi về nhiệt độ, khí hậu, thời tiết cực đoan. Mưa lớn và ngập lụt đô thị xảy ra phổ biến ở nhiều đô thị tại Việt Nam, ngay cả những địa phương thuộc khu vực miền núi hay các đô thị ven biển.

Theo số liệu của Bộ Tài Nguyên và môi trường, mực nước biển  trung bình tại các trạm quan trắc ở Việt Nam có xu hướng gia tăng với mức tăng khoảng 2,7 mm/năm và dự báo có thể tăng thêm 100cm vào cuối thế kỷ 21. Trong giai đoạn 1961-2018, số ngày nắng nóng có mức tăng phổ biến từ 10-40 ngày và những năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong 2 thập kỷ gần đây.


Biến đổi khí hậu đang là một thách thức lớn trong quy hoạch đô thị.

Sự gia tăng thời tiết cực đoan cùng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ khiến nhiều đô thị dễ bị tổn thương đe dọa đến sự phát triển bền vững và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân đô thị. Bởi vậy, cần làm gì  để nâng cao năng lực chống chịu của các đô thị với rủi ro do biến đổi khí hậu ?

Trước hết, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học cơ bản về biến đổi khí hậu đô thị và phát thải khí nhà kính. Từ năm 2015, nhiều nước trên thế giới đã có những nghiên cứu về điều này nhằm làm rõ những vấn đề về khí hậu đô thị, vai trò của vùng xanh và công trình xây dựng đến khí hậu và vấn đề phát thải khí nhà kính ở đô thị. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn đang còn là khoảng trống.

Các Bộ, ban ngành quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch và môi trường được giao quản lý cần ngồi lại cùng nhau xây dựng và sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về thiết kế, quy hoạch đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngay trong các thiết kế, quy hoạch xây dựng đô thị hiện tại cần nghiêm túc thực hiện theo các quy định, tiêu chuẩn về ứng phó với biến đổi khí hậu được đề cập trong các văn bản hiện hành. Các thiết kế, quy hoạch và xây dựng đô thị cần ưu tiên các giải pháp tôn trọng thiên nhiên, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, phát triển nhiều không gian cây xanh, mặt nước, sử dụng năng lượng xanh và các vật liệu thân thiện với môi trường. Chính quyền các đô thị cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với những chủ đầu tư thực hiện các dự án xanh, thân thiện với môi trường.

Từ kinh nghiệm của hơn 100 thành phố trên thế giới, Dự án Báo cáo đánh giá về khí hậu và đô thị lần thứ 2 (ARC3.2) đã đưa ra 4 mô hình đô thị giảm phát thải khí nhà kính và chống chịu với biến đổi khí hậu. Bao gồm: Mô hình “tăng cường hiệu quả của các thành phần đô thị” hướng đến tiết kiệm năng lượng, sử dụng phương tiện công cộng và tăng cường đi bộ của người dân.

Mô hình “dạng và phân lớp” là giải pháp thiết kế đô thị với định hướng phân bố các khu nhà tương tự kết hợp với phân bố vùng xanh. Mô hình “sử dụng vật liệu chống chịu với nhiệt độ” với chủ đạo là sử dụng các vật liệu cách nhiệt cho mái nhà và mô hình “các lớp cây xanh” với mục tiêu là tăng cường diện tích cây xanh ở đô thị tại các tòa nhà, công viên, đường giao thông…

Tuy nhiên, sẽ không có một mô hình chung cho các đô thị, mà tùy vào điều kiện thực tế về vị trí địa lý, tình hình kinh tế xã hội và nguồn lực sẵn có, chính quyền các đô thị có thể lựa chọn các mô hình đô thị phù hợp để học tập và đưa ra chính sách quản lý, giám sát quá trình triển khai xây dựng đô thị.

Trong bối cảnh, Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Khung Sendai, Công ước quốc tế về đa dạng sinh học… Việt Nam cần xây dựng một lộ trình rõ ràng, cụ thể để có thể thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỉ 21 là điều cần thiết.

Ngoài ra, Việt Nam cần  triển khai đồng thời các giải pháp về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là cơ hội để các đô thị chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, các-bon thấp và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Hải Hà

(VOV Giao thông)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo