Một không gian công cộng ấn tượng cho Thủ Thiêm

Thứ bảy, 30 Tháng 8 2008 15:36 SGGP
In

Quảng trường trung tâm của đô thị mới Thủ Thiêm là một khu đất rộng khoảng 13ha “nhìn” thẳng ra sông Sài Gòn hướng về trung tâm đô thị hiện hữu và công viên dọc sông Sài Gòn có hình vòng cung, một mặt hướng vào quảng trường trung tâm, mặt kia hướng ra sông Sài Gòn rộng khoảng 12 ha. Cả hai công trình này được kết nối với đô thị hiện hữu bằng chiếc cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn.

3 đồ án thiết kế gồm: Quảng trường trung tâm, công viên dọc sông và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn, được lọt vào vòng chung kết xếp hạng cuộc thi thiết kế 3 công trình này. Đây là cuộc thi có tầm vóc quốc tế nhằm tìm ra một thiết kế có tầm nhìn và khả thi mang đẳng cấp thế giới cho TPHCM trong thế kỷ 21.

Nằm ở vị trí “mặt tiền” của 2 đô thị mới và cũ như vậy, nên 3 công trình này có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với đô thị mới Thủ Thiêm mà còn đối với cả đô thị hiện hữu. Không phải ngẫu nhiên mà một trong những tiêu chí của cuộc thi ý tưởng thiết kế khu trung tâm của thành phố hiện hữu do Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM tổ chức trong thời gian qua là sự kết nối hoàn hảo với đô thị mới Thủ Thiêm trong đó có sự kết nối hài hòa với 3 công trình này.

Ngược lại, một trong những tiêu chí thi thiết kế cho 3 công trình nêu trên cũng là “phối kết hợp” hoàn hảo với không gian của đô thị cũ.

Cuộc thi thiết kế quảng trường trung tâm, công viên dọc sông và cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn được mở ra cách đây 5 tháng do Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm thực hiện. Mục tiêu của cuộc thi là tạo ra nét hấp dẫn cho đô thị mới Thủ Thiêm trên cơ sở thiết thực và khả thi, phù hợp với không gian văn hóa của TPHCM và Việt Nam.

Đơn vị đoạt giải nhất sẽ được quyền đàm phán hợp đồng thiết kế triển khai dự án xây dựng 3 công trình trên. Nếu đơn vị đoạt giải là nước ngoài thì sẽ phải liên kết với đơn vị trong nước (với vai trò thầu phụ) để triển khai thiết kế. Theo một cán bộ của Ban quản lý đô thị mới Thủ Thiêm, điều này đảm bảo cho 3 công trình đạt được sự hiện đại nhưng vẫn phải mang đậm dấu ấnViệt Nam.

Đã có nhiều đơn vị tham gia cuộc thi nhưng chỉ có 6 đơn vị lọt vào vòng 2 và 3 đơn vị mà chúng tôi sẽ giới thiệu sau đây lọt vào vòng cuối cùng để đoạt giải 1, 2, 3:

- Đồ án của Công ty Deso (Pháp): Đây là một đồ án được Ban giám khảo đánh giá là có tầm nhìn sáng tạo mới mẻ với việc làm ra một chuỗi các không gian công cộng mới đầy sức sống, hài hòa với thiên nhiên và giàu tính thơ ca. Quả thật, không là kiến trúc sư nhưng nhìn vào đồ án này bạn cũng sẽ dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp lộng lẫy của công trình…

Những đường nét kiến trúc mềm mại, những điểm nhấn mang hình hoa chạy dọc từ quảng trường trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm đến trung tâm đô thị hiện hữu, biến cả một không gian trời nước ở đây thành một vườn hoa rực rỡ. Chỉ có một chút băn khoăn về tính khả thi của nó. Tuy nhiên, đồ án này cũng đã được Ban giám khảo đề nghị trao giải nhất.

- Đồ án của Công ty Hagel (Thụy Sĩ): Công ty Hagel đã thiết kế một công viên dọc sông được Ban giám khảo đánh giá như là một thiết kế tốt nhất trong cuộc thi này. Xem đồ án thì công viên ấy là một mảng xanh mát rượi, kiến tạo nên một không gian cây-nước hữu tình ở khu vực trung tâm thành phố.

Thiết kế cây cầu vượt sông của Hagel cũng thật ấn tượng với mái che và hiệu ứng ánh sáng thật đẹp. Thế nhưng, hạn chế của đồ án này cũng chính là cây cầu. Với hệ thống cột đỡ dày đặc trên sông, chiếc cầu sẽ cản trở giao thông thủy trên sông Sài Gòn. Đồ án của Hagel đã được đề nghị trao giải nhì.

- Đồ án của Công ty Edaw (Hồng Kông - Trung Quốc): Đây là đồ án được Ban giám khảo đánh giá là có ý tưởng bao la, phong phú về không gian với những bối cảnh rất đơn giản và những đường nét mạnh mẽ trong việc thay đổi sắc thái cây xanh.


Đây cũng là đồ án được đánh giá là có tính năng sử dụng cao. Tuy nhiên, đề án này đã trình bày quá nhiều những thiết kế đồ họa, thiếu sáng tạo. Chiếc cầu vượt sông Sài Gòn không ấn tượng, quá bình thường. Đồ án đã được Ban giám khảo đề nghị trao giải ba.


Tin mới hơn: