Phục dựng “nhan sắc” trung tâm phố thị Sài Gòn

Thứ tư, 03 Tháng 8 2022 09:34 Người Đô Thị
In

Chính quyền hãy ưu tiên tạo dựng những không gian rộng rãi và thư thái với nhiều mảng xanh và ký ức quá khứ cho nhiều tầng lớp thị dân. Qua đấy, xã hội vẫn có được môi trường “chung sống” thân thiện giữa xưa và nay, cân đối giữa kinh doanh và văn hóa.  

Bến Bạch Đằng sau lần chỉnh trang mới đây đang trả lại phần nào dáng dấp cảng thị trên bến dưới thuyền của phố xá Sài Gòn. Trong khi ấy, gần 10 năm ngổn ngang công trường xây dựng metro, cũng là 10 năm ngổn ngang lòng người vì nhiều khung cảnh xưa vỡ vụn. Giờ đây, trước lúc các nhà ga metro sắp hoàn thành, nhiều người dân cảm thấy ấm lòng khi nghe tin chính quyền sẽ tái lập “bùng binh cây liễu” và công trường Quách Thị Trang. Cả hai khu vực liền kề này chính là trung tâm phố thị của Sài Gòn đã định hình trong tâm hồn nhiều thế hệ.

Sau bao thăng trầm, những kiến trúc và cảnh quan xưa tại đây cần được phục dựng và tôn tạo thế nào để hồn cốt và vẻ đẹp của chúng vẫn tô điểm cho thời đại mới?

Thuận tiện và thuận thiên

Con phố nhỏ Lê Công Kiều, gần chợ Bến Thành, được mệnh danh là “phố đồ cổ” nhưng chính ra toàn bộ khu vực từ bến Bạch Đằng đổ vào công trường Quách Thị Trang đã là một kho báu đồ cổ khổng lồ hơn 150 năm tuổi đời. Muốn phục dựng và tôn tạo trung tâm phố thị Sài Gòn hay bất cứ không gian xưa nào, chúng ta không thể không “kiểm kê” hồ sơ của những “cổ vật” đó. Chúng bao gồm các công trình kiến trúc và cảnh quan đóng vai trò cột mốc lịch sử của đô thị.

Thật vậy, không thể quên chỉ từ nửa cuối thế kỷ XIX, người Pháp bắt đầu thiết kế và xây dựng một Sài Gòn tân tiến với những đường nét của thành thị châu Âu công nghiệp hóa. Điển hình là nhiều ô phố vuông vắn, đường phố thẳng tắp, giao lộ rộng rãi từ vòng cung vàm Bến Nghé băng tới đồi Tân Khai (khu vực đường Lê Duẩn hiện tại). Trong đó, có những giao lộ lớn và đẹp, kết nối nhiều điểm phát triển của thành phố, mang ý nghĩa quan trọng về cả dân cư, kinh tế và văn hóa.


Giao lộ  Charner-Bonard trên bản vẽ quy hoạch 1898.
(Ảnh: TL)

Nổi bật là giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi, thời Pháp mang tên Charner - Bonard, ra đời vào cuối thập niên 1880 sau khi con kênh Chợ Vải bề thế được lấp. Giao lộ này là nơi hội tụ các con đường liên thông giữa vùng đồi Tân Khai - khu vực đầu não hành chính và quân sự với các khu vực bờ sông, bến cảng, chợ búa, nhà phố. Đặc biệt, từ thập niên 1910, nó nối kết với khu vực mới chuyển hóa từ đầm lầy trở thành thị tứ chợ Bến Thành.

Trong bản vẽ quy hoạch Sài Gòn năm 1881, giữa giao lộ trên có một hồ tròn và bồn phun nước, theo kiểu sắp đặt các phố lớn ở Paris. Tuy nhiên, mãi đến năm 1942, công trình này mới hoàn thành với bồn phun nước hình tròn, được thiết kế như một đóa hoa thanh nhã, vươn lên ở trung tâm hồ nước. Còn trước đó, trong một thời gian dài, nơi này là bục biểu diễn nhạc công cộng đầu tiên của thành phố. Cho nên người dân thuở xưa quen gọi là “bồn kèn”.


Giao lộ Charner - Bonard với chiếc hồ tròn và bồn phun nước trên bản vẽ quy hoạch trung tâm Sài Gòn 1881. (Ảnh: TL)

Đến lúc xe hơi xuất hiện khoảng 1910, vị trí ấy trở thành nơi hội tụ nhiều dòng xe tấp nập. Vì thế, xuất hiện cái tên “bùng binh Sài Gòn” - một cái tên “đặc sệt” ngôn ngữ sông nước Nam bộ, có nghĩa là chỗ trũng xuống ở vùng nước tụ về. Đến thập niên 1970, khi có những cây liễu được trồng quanh chiếc hồ tròn và bồn phun nước, thì nơi đây khai sinh thêm cái tên dân gian “bùng binh cây liễu”. Cả hai kiến trúc xứng đáng là một công trình nghệ thuật, tạo ra dấu nhấn duyên dáng cho khu vực trung tâm.

Theo thiết kế đô thị phương Tây, một giao lộ như thế không chỉ giúp xe cộ qua lại dễ dàng mà còn cách tân nét đẹp chốn thị thành. Trong khi đó, với cách nhìn phương Đông, nếu như các tòa nhà chung quanh giao lộ là sơn thì hồ và bồn phun nước là thủy - đăng đối và hữu tình. Theo thuật phong thủy, giao lộ tròn và chiếc hồ nước chính là yếu tố thúc đẩy khí trời và dòng người ở chốn đông đúc được lưu chuyển dễ dàng. Mặt khác yếu tố  nước - một biểu tượng của hưng thịnh, rất cần cho ý chí và mục tiêu hướng đến của một đô thị. Cũng theo quan niệm của người xưa, chính giao lộ này đã tạo ra một bức bình phong nhân tạo che chắn cho các kiến trúc cuối con đường.   


Bồn kèn - nơi biểu diễn nhạc công cộng ở giữa bùng binh Sài Gòn đầu thế kỷ XX (bưu ảnh xưa).

Từ năm 2014, khi phố đi bộ Nguyễn Huệ và công trường metro được khởi công, thật không may “bùng binh cây liễu” đã bị bít lại, xe cộ không được lưu thông. Càng thương tiếc hơn nữa, hồ nước và bồn phun nước - có tuổi đời hơn 70 năm, bị phá bỏ tan tành! Thiết nghĩ, để phục hồi cảnh quan bùng binh lịch sử này, chính quyền cần làm ngay việc mở lại giao thông qua giao lộ. Kế đến, Sở Xây dựng cho tái lập chiếc hồ tròn và bồn phun nước theo kiểu dáng xưa, kết hợp với công nghệ nhạc nước và chiếu sáng hiện đại. Việc này không khó, vì Nhà hát Thành phố - một kiến trúc to gấp bội từng được trùng tu đúng theo bản gốc, vào dịp kỷ niệm thành phố 300 tuổi.

Hành chính phục vụ thương mại

Công trình quan trọng nhất đi liền bùng binh Sài Gòn là tòa thị chính, ngày xưa gọi là “Dinh Xã Tây”, hoàn tất năm 1909. Đó là một tòa lâu đài nguy nga, được thiết kế không chỉ là công sở làm việc mà còn là nơi hội họp, triển lãm, tiếp tân trọng thể. Chung quanh tòa thị chính là các khối nhà được quy hoạch làm nhà phố thương mại, chứ không phải công sở! Tiêu biểu là tòa nhà của hãng xe hơi Citroen - sau 1959 được cải tạo thành khách sạn và rạp chiếu phim Rex. Đối diện tòa nhà Citroen là thương xá Charner (thương xá Tax), hoạt động từ 1925, là một bản sao khiêm tốn của thương xá Au Printemps và Lafayette lộng lẫy ở Paris.


Tòa nhà công ty đường sắt đang được trùng tu và một phần cao ốc khổng lồ Spirit of Saigon đang xây dựng. Ảnh chụp chiều 10/6/2022.

Hoặc như cụm khách sạn Nations và các tiệm cà phê, nhà thuốc sang trọng, vào thập niên 1950 được chuyển thành khối thương xá và căn hộ Eden. Từ năm 2015, Eden và các nhà phố lân cận bị phá bỏ để xây dựng tòa nhà Vincom B, về sau “sang tên” thành Union Square. Đối diện với Union Square hiện tại là tòa nhà văn phòng của Saigontourist, kiểu dáng art deco thanh tú, ra đời đầu thập niên 1950, nguyên là trụ sở các hãng buôn.

Từ giao lộ trở đi, dọc hai bên con đường thẳng tắp lần lượt hình thành một loạt khách sạn, nhà phố văn phòng, trụ sở cơ quan đăng kiểm tàu thuyền, kho bạc và ngân hàng. Như vậy, “bùng binh cây liễu” và đại lộ Nguyễn Huệ hiện tại là di sản của chủ trương thiết kế kết hợp trung tâm hành chính và trung tâm thương mại. Trong đó, trụ sở công quyền của đô thị đặt ở vị trí trung tâm, trang trọng nhưng quy mô vừa phải. Ngoài tòa thị chính, không có công sở nào khác “dựng cờ” tại đây.

Nét chính của khu vực này vẫn là giao thương và dịch vụ, qua đấy thể hiện văn hóa giao lưu hội nhập quốc tế. Đường nét xây dựng đó không những khác hẳn các thành thị truyền thống phong kiến của Việt Nam mà còn tương phản với quy hoạch đô thị ở nhiều tỉnh thành hiện tại. Tại các nơi đó, thật lạ lùng, người ta đang “dồn nén” đủ loại trụ sở cơ quan quyền lực như tỉnh ủy, UBND, các sở ban ngành, ngân hàng, kho bạc… dọc theo một đại lộ lớn. Chúng vừa chiếm dụng nhiều đất đai, vừa tạo cảm giác cách biệt với đời sống của dân.

Theo chúng tôi, với TP.HCM, nếu vẫn giữ tòa nhà UBND thành phố là trung tâm hành chính thì tuyệt đối không “nở” ra thêm những kiến trúc hiện đại cao tầng trong khuôn viên của nó và các ô phố lân cận. Cần tránh thay đổi cảnh quan đã ổn định nhiều năm, và nhất là đừng phá bỏ những kiến trúc xưa đẹp như tòa nhà “Dinh Thượng Thơ” tại số 59-61 Lý Tự Trọng, nằm phía sau trụ sở UBND. Đồng thời, chính quyền cần dứt khoát không tập trung các công sở tề tựu quanh tòa thị chính. Sau này, nếu trung tâm hành chính thành phố di chuyển nơi khác thì tòa nhà “Dinh Xã Tây” vẫn cần được giữ lại để trở thành một bảo tàng hay trung tâm sinh hoạt cộng đồng - một điểm đến hàng đầu của khu vực “bùng binh Sài Gòn”.

Phồn hoa và nhân văn

Hai giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi và công trường Quách Thị Trang xứng đáng được coi là cột mốc mở đầu cuộc phát triển vũ bão của thành phố vào đầu thế kỷ trước. Trong hai thập niên đầu thế kỷ XX, đường Bonard nối dài đến đầm Boresse (khu đất hoang giáp giới đường Phạm Ngũ Lão và đường Cách Mạng Tháng Tám). Còn kênh Cầu Sấu được san lấp để trở thành đại lộ La Somme, nay là đại lộ Hàm Nghi, đổ về cửa chợ Bến Thành và nhà ga xe lửa trung tâm - cả hai hoàn thành năm 1914.


Giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi bị bít lại cùng lúc với việc phá bỏ chiếc hồ tròn và bồn phun nước năm 2014.

Về sau, có thêm đường Galliéni (Trần Hưng Đạo), hướng thẳng vào Chợ Lớn. Cả ba con đường hợp với chợ Bến Thành tạo ra giao lộ lớn nhất Sài Gòn bấy giờ và có thể cho đến hiện tại, mang tên công trường Cuniac. Sau năm 1955, nơi đây đổi tên thành công trường Diên Hồng, sang 1964 mang tên công trường Quách Thị Trang. Toàn bộ công trường và khu phố chợ Bến Thành - bốn mặt đường rộng rãi không những là chứng tích phố xá phồn hoa mà còn là biểu tượng của một đô thành đầy sức sống làm ăn và hội nhập quốc tế.

Tại khu vực này, cần giữ được trước nhất là hình ảnh chợ Bến Thành nguyên mẫu với tháp đồng hồ bốn mặt uy nghi và không gian thoáng đãng. Để sửa sang chợ, chính quyền cần kiên quyết không cho xây cất nhà cửa cao tầng sau tháp đồng hồ, hoặc giữa các gian nhà lồng cổ điển. Nếu cần tăng cường không gian cho chợ, hãy xây dựng các tầng hầm. Cần tránh lập lại hình ảnh chợ Đồng Xuân - Hà Nội khi được xây mới đầu thập niên 1990, đã có thêm tòa nhà cao tầng, trùm lên không gian cổng chợ xưa cổ. Nhiều thành phố Âu Mỹ hay Hồng Kông, Singapore, Kuala Lumpur vẫn giữ nguyên hình dáng những ngôi chợ nhà lồng trung tâm. Họ chỉ chỉnh trang và làm thêm nhiều tiện nghi bên trong để biến những ngôi chợ cổ thành trung tâm mua sắm - văn hóa - du lịch hấp dẫn.


Công viên 23 Tháng 9 và công trường Quách Thị Trang nhìn từ nơi xây dựng metro, tháng 5/2022.

Trước cửa Nam của chợ Bến Thành, chính quyền nên tái lập sớm công viên nằm giữa giao lộ. Tại đây, trước kia có tượng đài lớn vinh danh Trần Nguyên Hãn - người sát cánh cùng Lê Lợi đánh đuổi quân Minh. Ngoài ra, còn có một tượng đài nhỏ - thể hiện chân dung nữ sinh Quách Thị Trang, người bị bắn trong cuộc biểu tình chống chế độ hà khắc, ngay trước cửa chợ Bến Thành năm 1963. Cả hai tượng đài đều cần trở về chốn cũ, không chỉ vì nhu cầu phục dựng cảnh quan xưa mà còn vì yếu tố tâm linh, tín ngưỡng. Tượng Trần Nguyên Hãn trên lưng ngựa sau gần 10 năm để hoang phế ở công viên Phú Lâm đã xuống cấp nhưng vẫn có thể làm lại theo kiểu dáng đã có. Còn tượng Quách Thị Trang còn nguyên vẹn, tạm đặt tại công viên Bách Tùng Diệp cũng cần “châu về hiệp phố”.

Cách chợ Bến Thành vài phút đi bộ là bệnh viện Sài Gòn - một cơ sở hạ tầng y tế không thể thiếu cho phố thị trung tâm. Bệnh viện và tòa nhà công ty đường sắt kế bên đều cần giữ lại, chỉnh trang và tôn tạo, không thể phá bỏ để xây cao ốc. Tòa nhà đường sắt - một kiến trúc tân cổ điển, có thể vừa dùng làm bảo tàng đường sắt đô thị, vừa là nơi đặt trung tâm điều phối metro (tốt nhất đặt ngay ở tầng ngầm). Phía công viên 23 Tháng 9, nơi sẽ có nhà ga metro, chính quyền nên tổ chức sớm việc thi ý tưởng thiết kế vườn hoa để tăng thêm cảnh quan đẹp cho công trường Quách Thị Trang. Càng thêm nhân văn, nếu tại đây sẽ có các đài kỷ niệm ghi nhớ lịch sử và những người tạo dựng ngành đường sắt và metro của thành phố.


Mặt tiền chợ Bến Thành và một phần công trường Quách Thị Trang đang được tái lập sau khi hoàn thành đường ngầm metro. Ảnh chụp chiều 10/6/2022. 

Quanh giao lộ, cao ốc “chọc trời” Spirit of Saigon, đang thi công hai tòa nhà 48 và 55 tầng - khi hoàn thành chắc chắn sẽ tạo ra biến đổi lớn ở khu vực này. Lúc ấy, chợ Bến Thành chỉ còn là “hộp diêm” bé xíu dưới chân hai “robot” siêu lớn. Không riêng TP.HCM, nhà nước cần “mạnh tay” không cấp phép xây dựng những cao ốc thương mại mới mà ưu tiên tạo dựng những không gian rộng rãi và thư thái với nhiều mảng xanh và ký ức quá khứ cho nhiều tầng lớp thị dân. Qua đó, xã hội vẫn có được môi trường “chung sống” thân thiện giữa xưa và nay, cân đối giữa kinh doanh và văn hóa.

Xin đừng để “nhan sắc” độc đáo của Sài Gòn phai mờ và rơi vào danh sách những phố thị tân kỳ không hồn, thậm chí xấu xí và hỗn độn!

Phúc Tiến

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: