Ashui.com

Saturday
Dec 07th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Đô thị thông minh phải được xây dựng một cách "thông minh" ngay từ khâu quy hoạch

Đô thị thông minh phải được xây dựng một cách "thông minh" ngay từ khâu quy hoạch

Viết email In

Nối tiếp buổi toạ đàm “Smart city – chuyển đổi số” diễn ra vào tháng 3 vừa qua, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam tiếp tục mở cuộc toạ đàm thứ hai với hình thức trực tuyến với chủ đề “Vai trò của tạo lập và chia sẻ cơ sở dữ liệu trong chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh”. Hoạt động này nằm trong chuỗi toạ đàm để chuẩn bị cho hội thảo toàn quốc “Chuyển đổi số - Nền tảng xây dựng đô thị thông minh” dự kiến diễn ra vào tháng 8/2022.


Việt Nam là một nước đang phát triển nên không thể bê nguyên tiêu chí từ các nước phát triển về áp dụng vào và nói nó là thông minh.
(Ảnh minh hoạ: Phạm Đức Minh)

Cần hiểu đúng về đô thị thông minh

Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Vinasa, tại buổi toạ dàm. Là người trình bày chính tại buổi toạ đàm, TS. Nguyễn Nhật Quang khẳng định việc xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) chính là xây dựng đô thị chuyển đổi số: “Về địa phương, mọi người cứ nghĩ là đề án ĐTTM là một đề án riêng, còn đề án chuyển đối số của địa phương lại là một đề án khác. Việc này cần làm rõ. Và cần hiểu rằng, xây dựng ĐTTM nằm trong tổng thể chuyển đối số của địa phương”, trưởng Viện Khoa học Công nghệ Vinasa chia sẻ.

Một ĐTTM thì phải được xây dựng một cách thông minh ngay từ quy hoạch. Việt Nam là một nước đang phát triển nên không thể bê nguyên tiêu chí từ các nước phát triển về áp dụng vào và nói nó là thông minh. Xuất phát từ thực tế, những gì xây dựng mới thì cần phải thông minh ngay từ đầu, cái gì nâng cấp, cải tạo thì cần thông minh hoá. Và chúng ta cần dùng công nghệ số để thông minh hoá, nâng cao hiệu quả của hệ thống vật lý hiện có.

TS. Nguyễn Nhật Quang đưa ra ví dụ, rằng khi xây dựng một khu đô thị mới, một khu công nghiệp, sân bay hay cảng… phải “thông minh” ngay từ đầu. Không phải xây dựng các công trình không thông minh sau đó để chính quyền vào rồi gọi sở thông tin truyền thông đến làm cho nó trở thành thông minh. Chúng ta cũng không phải xây dựng hệ thống y tế số để thay thế cho hệ thống y tế thực, hay là dùng hệ thống giáo dục số thay cho hệ thống giáo dục thực… Tức là, chúng ta dùng công nghệ số để thông minh hoá hệ thống hạ tầng giao thông vật lý, hạ tầng giáo dục vật lý hiện có.

Cũng theo TS. Nguyễn Nhật Quang, về kiến trúc chung của ĐTTM có sáu trụ cột, gồm: quản trị thông minh, cư dân thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, di chuyển thông minh và đời sống thông minh. Các trụ cột này nói cho ta biết chỉ tiêu nào cần cải thiện. Chúng ta cũng có thể nhìn vào đây để thấy vai trò của chính quyền. Ngoài ra, để xây dựng ĐTTM thì cần xây dựng năm hạ tầng thông minh là hạ tầng kinh tế xã hội thông minh, hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, hạ tầng thông tin đô thị thông minh, quy hoạch thông minh và cộng đồng thông minh.


Vinhome Smart City được giới thiệu là vận hành thông minh với Trung tâm điều hành tập trung 24/7 ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT) trong việc giám sát, vận hành toàn bộ đại đô thị.
(Nguồn: Vingroup)

GIS 3D – công cụ hiệu quả trong chuyển đổi số

Về việc tạo lập và chia sẻ dữ liệu, TS. Nguyễn Nhật Quang đánh giá trung tâm IOC (trung tâm điều hành thông minh) làm việc mang tính chất phong trào, không hiệu quả. Qua đây, ông cũng đề xuất rằng các tỉnh xem xét việc xây dựng trung tâm thông tin quy hoạch xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng GIS, và hướng tới GIS 3D.

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Trung, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), chia sẻ: “Trên cơ sở làm việc với một số địa phương có thành tựu liên quan đến GIS từ xưa tới nay chúng tôi thấy đây là công cụ hữu hiệu trong quản lý phát triển đô thị nói chung và quản lý phát triển ĐTTM nói riêng. Và vì vậy chúng tôi đã tổng hợp lại và ban hành những văn bản hướng dẫn các địa phương. Muốn phát triển, quản lý ĐTTM theo quy hoạch, kế hoạch và hạ tầng đô thị thì dùng công cụ GIS là công cụ hữu hiệu. Chúng tôi chỉ tư vấn với thực trạng đô thị như thế thì số hoá dữ liệu như thế nào, xây dựng đề án như thế nào, cách thức vận hành như thế nào”.

Cùng đồng tình về hiệu quả của GIS, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng: “Cần có buổi khảo sát đánh giá lại hiệu quả sử dụng của IOC. Bởi vì ở địa phương đầu tư một khoản kinh phí rất lớn nhưng do nhận thức nên sử dụng không hiệu quả, cuối cùng là việc đầu tư lãng phí. Trong khi đó chúng ta cần trung tâm thông tin về quy hoạch để thực hiện công tác dự báo, đánh giá, tổ chức công tác quy hoạch tốt hơn thì chưa được làm… Để xây dựng hệ thống hạ tầng số chúng ta cần xây dựng trung tâm thông tin quy hoạch xây dựng. Trong đó, hướng tới GIS 3D trên nền tảng GIS của chúng ta đang làm trên hệ quy chiếu VN2000. Công văn 1247 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện GIS là một trong những bước đi quan trọng để cho các địa phương có căn cứ đồng bộ hoá quá trình thu thập số liệu, dùng số liệu một cách có hiệu quả.”.

Chia sẻ thêm về hiệu quả của GIS 3D, các chuyên gia tham dự tại toạ đàm đồng tình ủng hộ, trong đó TS. Phùng Đức Long, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam, chia sẻ từ trải nghiệm của bản thân: “Tôi có cơ hội làm việc với Thuỵ Điển từ năm 2012, lúc đó họ xây dựng công trình ở khu vực phố cổ ở Stockholm. Họ đã đưa cho tôi các bản đồ móng của các công trình xung quanh. Tôi đã rất ngạc nhiên. Nó vừa là bản đồ, lại vừa dạng vẽ 3D. Họ số hoá rất tốt”.

Tiếp lời, TS. Nguyễn Nhật Quang cho biết thêm: “GIS 3D không chỉ nên làm mà theo tôi cần phải làm. Lý do là không gian đô thị chúng ta khai thác có cả không gian ngầm và không gian bên trên các công trình. Hồ sơ bản vẽ các toà nhà đều có hết, nếu ta lấy đó làm thành mô hình GIS 3D thì khi cần, chỉ cần nhấc bản đồ lên sẽ nhìn thấy hết móng của các công trình này. Như vậy khi làm các công trình ngầm như tàu điện ngầm không sẽ không bị ảnh hưởng tới các công trình xung quanh (như hiện nay tuyến tàu điện ngầm do Pháp đầu tư đi vào ga Hàng Cỏ, phần nổi sắp đi vào hoạt động, nhưng phần chìm khi thực hiện sẽ động vào móng của các công trình cao tầng xung quanh)”.

Chia sẻ thêm, TS. Đặng Việt Dũng cho rằng cách chia sẻ thông tin của chúng ta chưa đầy đủ và việc chia sẻ thông tin rất khó khăn. Ví dụ thông tin quy hoạch hiện nay vẫn thiếu dù chúng ta nói có bản đồ quy hoạch phủ khắp tương đối rộng. Dù khai thác thông tin theo đúng luật nhưng rất khó khăn. Và thông tin có được chỉ có bản đồ chụp mờ, khó xem: “Đây là cấp Bộ, nếu cấp dưới nữa có lẽ còn bất cập hơn. Bản thân chúng tôi còn không hỏi được thì dân biết hỏi ai?! Đó là chưa nói tới sự khó chịu của không ít cán bộ nhà nước khi tiếp xúc. Cho nên chúng ta cũng cần xem xét điều chỉnh, nói đi đôi với làm. Nếu không làm được thì khó mà góp phần nâng cao hiệu quả đóng góp của những người làm chuyên môn”, TS. Đặng Việt Dũng chia sẻ.

Kết luận tại buổi toạ đàm, TS. Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho xây dựng ĐTTM là một nhiệm vụ quan trọng. Bởi không có cơ sở dữ liệu thì không xây dựng được ĐTTM. Và để xây dựng cơ sở dữ liệu này thì chúng ta cần quy chế, cơ chế, quy chuẩn, tiêu chuẩn để hình thành bộ dữ liệu đồng bộ giúp cho tất cả các ngành có thể cập nhật được. Ngoài nội dung chính được thảo luận tại toạ đàm, một số nội dung phát sinh như việc huy động nguồn lực phục vụ xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu sẽ là gợi ý cho ban tổ chức làm cơ sở chuẩn bị cho phiên toạ đàm tiếp theo.

Dự kiến cuối năm nay sẽ ban hành bộ tiêu chí nhận diện ĐTTM

Một nội dung quan trọng khác được các chuyên gia thảo luận tại toạ đàm đó là đề án phát triển ĐTTM hiện nay không có khung, tiêu chí, tiêu chuẩn để giúp các địa phương phê duyệt và đánh giá đấy là ĐTTM.  Về vấn đề này ông Lê Hoàng Trung, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng hai bộ tiêu chí nhận diện ĐTTM theo cấp độ đô thị và khu đô thị. Chúng tôi cố gắng ban hành vào cuối năm nay để tránh tình trạng nhập nhèm cho các nhà đầu tư và các chính quyền đô thị tự nhận là ĐTTM. Ngoài ra bộ tiêu chí còn giúp nhận diện, đánh giá ĐTTM theo từng bậc tuỳ vào điều kiện của từng địa phương”. TS. Nguyễn Nhật Quang tin tưởng rằng quy chuẩn này vốn chờ đợi từ lâu, nếu ban hành được thì nó sẽ khơi thông được “nút cổ chai” này.

Tham dự toạ đàm có đại diện của Trung tâm Thông tin (Bộ Xây dựng) cũng chia sẻ rằng, hiện nay Trung tâm đang ưu tiên tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia.

Lệ Quyên lược thuật

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo