Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Hơn 20 năm quy hoạch sông Hồng và quỹ đất "vàng" của Hà Nội

Hơn 20 năm quy hoạch sông Hồng và quỹ đất "vàng" của Hà Nội

Viết email In

Đồ án phân khu đô thị sông Hồng được cho là cơ hội để Hà Nội tận dụng quỹ đất lớn có giá trị cao, như "mỏ vàng" để thành phố tạo dựng không gian xanh, công cộng một cách chủ động.

Sau 5 năm kể từ khi lãnh đạo Hà Nội bắt đầu tính đến quy hoạch phân khu đô thị dọc hai bờ sông Hồng, thành phố vừa hoàn thiện bản đồ án chi tiết và được phê duyệt vào cuối tháng 3. Trước đó, quy hoạch này vấp phải nhiều tranh cãi, đặc biệt vướng mắc về vấn đề trị thủy.

Thực tế, trong vòng hơn 20 năm qua, Hà Nội từng nhiều lần đề cập đến quy hoạch hai bờ sông Hồng, nhưng chưa có kế hoạch nào được phê duyệt chính thức và được triển khai.


Phát triển đô thị dọc sông Hồng từ lâu là bài toán khó giải đối với Hà Nội bởi nhiều vướng mắc, trong đó có vấn đề trị thủy dòng sông.
(Ảnh: Thạch Thảo)

Từ 'trấn sông Hồng' đến siêu dự án 7 tỷ USD

Năm 1994, dự án "trấn sông Hồng" được nhà đầu tư Singapore đề xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến 240 tỷ đồng. Theo đó, các kiến trúc sư đã thiết kế một khu dân cư hiện đại gồm cao ốc, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng để xây dựng ở ngoài đê An Dương Vương.

Dù vậy, do chưa đạt được đồng thuận với thành phố trong vấn đề trị thủy và nhiều nguyên nhân khác, dự án phải dừng lại.

Đến năm 2006, nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất dự án "Thành phố ven sông Hồng". Đây được coi là một siêu dự án với tham vọng xây dựng thành phố hiện đại, nhiều nhà cao tầng soi bóng xuống sông Hồng, tương tự thành phố bên sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc). Vốn đầu tư dự kiến hơn 7 tỷ USD, diện tích 1.500 ha, trải dọc 40 km qua 10 quận, huyện.

Từ tháng 9/2007 đến tháng 5/2009, Hà Nội đã hai lần trưng bày mô hình toàn cảnh dự án quy hoạch trên tại Nhà triển lãm Tràng Tiền và Cung thể thao Quần Ngựa. Việc tổ chức triển lãm nhằm lấy ý kiến tham gia của chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, thủy lợi, nông nghiệp và khảo sát ý kiến của người dân.

Tuy nhiên, siêu dự án cũng chỉ dừng lại trên giấy trong vòng vài năm mà không thể được phê duyệt, triển khai. Nguyên nhân lớn là từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính và nhiều chuyên gia cho rằng việc tập trung xây nhà cao tầng hai bên bờ sông Hồng là không phù hợp.

Đến giữa năm 2016, Hà Nội khởi động lại kế hoạch bằng việc phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Quy mô nghiên cứu khoảng 30.000 ha trong giới hạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên.

Năm 2017, thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch hai bờ sông Hồng.

Thời điểm này, một trong 3 nhà đầu tư dự án là Geleximco đã chủ động mời Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên sông Hồng.

Tuy nhiên sau đó, UBND Hà Nội cho biết chưa đồng ý cho đơn vị tư vấn nước ngoài nào tư vấn về quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Kể từ đó đến nay, đồ án về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nhiều lần được nhắc đến trong các cuộc họp của HĐND và UBND Hà Nội nhưng hình hài của nó vẫn còn là dấu hỏi lớn, đặc biệt khi thành phố phải đi tìm lời giải cho bài toán về trị thủy dòng sông.

Sau nhiều tư vấn và góp ý của các chuyên gia cùng bộ, ngành liên quan, vào cuối tháng 3 vừa qua, Hà Nội mới phê duyệt và chính thức công bố đồ án này.


Phối cảnh đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. (Ảnh: HUPI)

5 phân khu chức năng

Theo quy hoạch được duyệt, phân khu đô thị sông Hồng có chiều dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.

Quy hoạch có 3 phân đoạn chính, được chia thành các phân khu R1-R2, R3-R4 và R5.

Cụ thể, khu vực R1-R2 với quy mô dân số là khoảng 40.000 người, diện tích gần 550 ha, có ranh giới phía đông là cầu Thăng Long và phía tây là cầu Hồng Hà.

Theo ghi nhận của Zing, khu vực này nằm dọc trục đê hữu hồng với đa số làng nghề sản xuất gỗ, tre, vật liệu xây dựng, làm rượu... ở Đan Phượng; đất nông nghiệp trồng rau, hoa màu ở Đông Anh và Mê Linh, cùng các hoạt động thương mại, vận chuyển do có cụm cảng Chèm.

Đồng thời, với địa phận bao gồm một phần quận Bắc Từ Liêm, nơi đây tiệm cận nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất.

Trong tương lai, khi được quy hoạch, khu vực này tiếp tục được định hướng phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên trên cơ sở các làng xóm ven đô được dần đô thị hóa và đất bãi, đất nông nghiệp (trồng rau, hoa màu, cây cảnh…).

Nơi đây cũng được quy hoạch để phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch, các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển.


Phối cảnh của khu R1-R2 trong quy hoạch chi tiết của đồ án phân khu đô thị sông Hồng. (Ảnh: HUPI)

Khu vực R3-R4 có ranh giới ở phía đông là cầu Thăng Long và phía tây là cầu Thanh Trì. Phân khu này có quy mô dân số trên 181.000 người, tổng diện tích khoảng 686 ha.

Hiện, đây là khu vực có mật độ xây dựng dày đặc nhất trong toàn thể phân khu sông Hồng. Người dân hai bên sông thuộc địa phận quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên; bao gồm cả khu vực bãi giữa đang được đề xuất làm công viên văn hóa du lịch.

Trong quy hoạch phân khu, đây được coi là khu vực trung tâm với định hướng là khu đa chức năng gồm các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu vực bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết Hồ Tây - Cổ Loa.

Khu vực R5 có phía bắc là cầu Thanh Trì, phía nam là cầu Mễ Sở, phía đông là đường đê và ranh giới giữa Hà Nội - Hưng Yên. Dân số tại đây dự kiến là 77.800 người, diện tích 1.687 ha.

Với địa giới hành chính chủ yếu thuộc quận Hoàng Mai và Gia Lâm, dân cư sinh sống tại đây chủ yếu làm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làng nghề trong đó nổi bật là làng gốm Bát Tràng.

Do đó, khi quy hoạch, R5 được định hướng trở thành không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, các khu vực nuôi trồng thủy sản cùng làng nông nghiệp truyền thống và các công trình di tích lịch sử.

Với khu vực này, thành phố dự kiến bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên, văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu đa chức năng gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển, làng nghề…

Đánh giá về đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định đồ án này là cơ hội để Hà Nội có một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế cao, như một "mỏ vàng" để tạo dựng không gian xanh, không gian công cộng một cách chủ động, không bị chi phối hay điều chỉnh bởi các dự án kinh doanh nhà ở, bất động sản của nhà đầu tư.

Theo ông Tùng, sau khi có quy hoạch chi tiết, Hà Nội có thể đấu thầu mời gọi doanh nghiệp đầu tư để xây dựng khu nhà ở thấp tầng kiểu nhà vườn với tỷ lệ đất cây xanh lớn hoặc không gian mở xanh dành cho những hoạt động ngoài trời. Đồng thời, kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Khu nhà ở hiện hữu sẽ được cải tạo, chỉnh trang bằng nhiều hình thức để nâng cao chất lượng sống cho cư dân cũ và mới, thực hiện giãn dân khu vực trung tâm nội đô lịch sử của các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa theo chủ trương của thành phố.

"Hà Nội cần kiên quyết di dời các khu nhà ở xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ theo yêu cầu của Luật Đê điều, phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng", vị kiến trúc sư đề nghị.

Mỹ Hà

(Zing.vn)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo