Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch tổng thể quốc gia cần có tư duy đột phá, táo bạo

Quy hoạch tổng thể quốc gia cần có tư duy đột phá, táo bạo

Viết email In

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Quy hoạch cần nêu được các định hướng chủ động quyết định tương lai của đất nước mình, chứ không chỉ là đối phó."

Ngày 22/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học về Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2022.


Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề rất lớn, vì thế đây không phải là việc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà của cả hệ thống chính trị, của các bộ ngành, các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học, trường viện, cùng nhau tham gia. Mục tiêu của Quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng và cũng là cơ sở để lập các quy hoạch khác.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch tổng thể quốc gia là: kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội hài hoà, môi trường có chất lượng tốt, trong lành và an toàn.

"Tuy nhiên, hiện nay, điểm nghẽn lớn nhất là tư duy tầm nhìn, chúng ta không có tư duy đột phá táo bạo. Rào cản lớn nhất là chưa theo kịp xu thế, chưa thích ứng với sự thay đổi của thế giới. Từ tư duy đột phá, Quy hoạch cần nêu được các định hướng chủ động quyết định tương lai của đất nước mình, chứ không chỉ là đối phó. Do vậy, phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy mới đột phá mạnh mẽ được. Chúng ta phải tìm động lực mới cho đất nước,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

TS Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, trong khi các nguồn lực dành cho phát triển có hạn, trong một giai đoạn nhất định cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu, thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Vì thế, định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến sẽ tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực.

Về phát triển các hành lang kinh tế, tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc-Nam và các hành lang kinh tế Đông-Tây. Dự kiến có 2 hành lang Bắc-Nam: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông và Quốc lộL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang-Cà Mau.


Công trường thi công tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu.
(Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trong giai đoạn đến năm 2030, dự kiến sẽ ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển. Về các hành lang kinh tế Đông-Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi: có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế... Các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị...; đồng thời, ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.

Về các vùng động lực, ông Quang cho biết, hiện nay cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, ông Quang đề xuất, Báo cáo cần lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

"Sau khi xác định các hành lang kinh tế ưu tiên, các vùng động lực; cần bố trí không gian phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mạng lưới kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, phát triển các vùng gắn với các hành lang kinh tế và hình thành, phát triển các vùng động lực," ông Quang cho biết.

Phát biểu góp ý cho Báo cáo Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, TS Cao Viết Sinh đánh giá, đây là việc khó, lần đầu tiên làm. Do đó, báo cáo cần xác định được các điểm nghẽn trong công tác quy hoạch. Không phải chỉ xác định điểm nghẽn trong 3 đột phá chiến lược đâu, mà nhiều vấn đề lắm, từ đó xử lý điểm nghẽn thế nào.

Bên cạnh đó, trong phân vùng hiện nay, dù bất cập, nhưng chưa sửa được hoặc chất lượng quy hoạch rất thấp, làm xong vài hôm có khi lại sửa; đặc biệt, tư duy nhiệm kỳ còn rất nặng. Điều cần nhất là xây dựng quy hoạch thế nào để tự chủ kinh tế. Cùng ý kiến với TS. Cao Viết Sinh, các chuyên gia khác tại Hội thảo cũng góp ý nhiều vấn đề cho Báo cáo, như về các khái niệm trong báo cáo; vấn đề phân vùng; vấn đề tư duy mới trong phân bổ không gian quốc gia...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ nghiên cứu tiếp thu các ý kiến; đồng thời, chỉ rõ, khung định hướng này chưa phải bản quy hoạch mà là định hướng để lập quy hoạch và các ngành khác dựa vào đây triển khai quy hoạch ngay.../.

Thúy Hiền

(TTXVN / Vietnam+)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo