Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Kiểm soát ngập cho khu vực phía Đông TPHCM: nguy cơ và giải pháp

Kiểm soát ngập cho khu vực phía Đông TPHCM: nguy cơ và giải pháp

Viết email In

Thông tin TPHCM nằm trong danh sách 6 thành phố chịu tác động nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu (theo báo cáo mới nhất của tổ chức Climate Central, Mỹ) đã gây sự chú ý cùng mối lo ngại từ người dân về tình trạng ngập nước ngày càng nặng nề tại khu vực phía Đông của thành phố. Từ đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc chủ động nghiên cứu và khuyến khích các giải pháp kiểm soát ngập có tính thích ứng cao với biến đổi khí hậu, đồng thời cần có các hành động và cơ chế cụ thể để các giải pháp này được ứng dụng rộng rãi vào thực tế.


Bản đồ phạm vi vùng ngập tại TPHCM vào năm 2030 được dự báo bởi tổ chức Climate Central.

Nguy cơ là có thật

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, ngập lụt là thiên tai xảy ra thường xuyên nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, thiệt hại gây ra bởi ngập lụt tại các vùng đô thị thường nặng nề hơn so với các khu vực khác khi là nơi có mật độ tập trung cao về dân số và tài sản có giá trị.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh tại các thành phố lớn cùng với các tác động của biến đổi khí hậu khiến cho tình trạng ngập lụt trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn ở các đô thị. Trong đó, hiện tượng nước biển dâng đang dần nhấn chìm nhiều khu vực đô thị giáp biển trên thế giới.

TPHCM là thành phố có tốc độ đô thị hóa cao của Việt Nam nhưng lại nằm trên địa hình trũng thấp so với mực nước biển, đã và đang bị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hiện hượng ngập lụt do sự gia tăng về tần suất và cường độ của các sự kiện mưa lớn và nước biển dâng. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Climate Central (Mỹ), TPHCM nằm trong danh sách 6 thành phố chịu tác động nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu, mới đây, tại Hội nghị Biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc (COP26) được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh, các quốc gia trên thế giới đã đi đến một thống nhất chung hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, các cam kết này chỉ đạt được nhờ vào những nỗ lực phút chót và giới chuyên gia nhận định loạt cam kết đóng góp cắt giảm khí thải của các quốc gia tại COP26 chỉ có tính “níu giữ hy vọng” ngăn mức tăng nhiệt độ không quá ngưỡng 1,5 độ C còn việc cam kết này có thực hiện được hay không vẫn để lại nhiều hoài nghi lớn từ giới quan sát.

Chính vì vậy, bên cạnh việc hy vọng các quốc gia thực hiện các cam kết để duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C qua đó góp phần giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thì TPHCM cũng cần có sự chủ động trong việc nghiên cứu và khuyến khích các giải pháp kiểm soát ngập có tính thích ứng cao với biến đổi khí hậu, đồng thời cần có các hành động và cơ chế cụ thể để các giải pháp này được ứng dụng rộng rãi vào thực tế.

Giải pháp giảm thiểu nguy cơ nước biển dâng

Ngập do triều cường

Hiện tại, triều cường là hình thái gây ngập chính tại phía Đông TPHCM. Hình thái gây ngập này sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm khi xảy ra đồng thời với các hình thái gây ngập khác như xả lũ từ thượng lưu, mưa lớn cục bộ và hiện tượng nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy với khu vực rộng lớn như phía Đông TPHCM thì cần có một tổ hợp các giải pháp phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và hiện trạng sử dụng đất của từng khu vực, bao gồm:

Giải pháp bảo vệ/ngăn chặn (Protection/Prevention): đối với những khu dân cư đã được hình thành và phát triển thì người và tài sản là những ưu tiên hàng đầu cần được bảo vệ bởi các giải pháp công trình. Đối với khu dân cư hiện trạng không thể điều chỉnh nhiều về hạ tầng thì hành lang kiểm soát triều bao quanh là cần thiết để tạo không gian phối kết hợp nhiều giải pháp hạ tầng như tận dụng hệ thống đường ven sông, quy định cao độ nền tối thiểu cho các phân khu đô thị ven sông, hay kè nhựa. Các ưu điểm của hành lang kiểm soát triều có thể kể đến:

  • Cho phép giảm thiểu chi phí thực hiện dự án khi có thể tận dụng nhiều hạ tầng sẵn có vào kiểm soát ngập.
  • Mở cơ hội để kết hợp đầu tư công – tư vào chiến lược kiểm soát ngập và mặn chung.
  • Giảm thiểu xung đột khi có thể linh hoạt lựa chọn giải pháp phù hợp nhất ứng với từng vị trí của hành lang.

Bên cạnh đó, cũng cần bố trí các cửa cống ngăn triều tại khu vực hành lang kiểm soát để ngăn hiện tượng triều cường trên sông theo hệ thống kênh rạch đi sâu vào nội địa gây ngập cho các vùng trũng thấp bên trong.

Giải pháp thích nghi (Adaptation): đối với những khu vực chưa phát triển hoặc có mật độ dân cư thưa thớt có thể xem xét mở rộng hành lang kiểm soát triều và cân nhắc thêm các giải pháp phi công trình và sinh thái để sống chung với ngập lụt.

Giải pháp giảm thiểu thiệt hại (Resilience): ngày nay các giải pháp hạ tầng đều sử dụng các mô hình dự báo để tính toán thiết kế.  Cần thiết phải xây dựng chiến lược giảm thiểu nguy cơ lũ trong đó bao gồm các hướng dẫn hay qui định để giảm thiểu thiệt hại như phát triển hệ thống cảnh báo ngập lụt, chương trình nâng cao nhận thức của người dân về ngập lụt và các biện pháp sơ tán khi ngập lụt xảy ra, hay qui định cao độ nền cho các tuyến đường để chia tách ngập cho các khu dân cư nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thiên tai.


Ảnh: Nhiều giải pháp có thể được tích hợp và lựa chọn cho hành lang kiểm soát triều và xâm nhập mặn.

Xâm nhập mặn

Đi cùng với hiện tượng ngập lụt do triều cường, thì hiện tượng xâm nhập mặn cũng cần phải được đặc biệt lưu ý

  • Ranh mặn 1o/oo gần như đã bao phủ toàn bộ TP. Thủ Đức. Nước bị ảnh hưởng bởi ranh mặn này chỉ dùng được cho mục đích  tưới  tiêu thủy lợi  hoặc các mục đích sử  dụng khác có yêu cầu chất lượng nước tương tự.
  • Ranh mặn 2o/oo bao phủ gần như toàn bộ khu vực phía nam TP. Thủ Đức. Nước bị ảnh hưởng bởi ranh mặn này bị hạn chế sử dụng cho mục đích tưới  tiêu thủy lợi vì làm có thể gây hại cho cây trồng nhạy cảm mặn và chỉ phục vụ tốt cho nuôi trồng thủy sản nước lợ.
  • Ranh mặn 4o/oo bao phủ gần như toàn bộ khu vực tây nam TP. Thủ Đức và có xu hướng lấn sâu hơn vào nội địa. Nước bị ảnh hưởng bởi ranh mặn này không dùng được cho mục đích  tưới  tiêu thủy lợi vì làm giảm năng suất hầu hết cây trồng và chỉ phục vụ tốt cho nuôi trồng thủy sản nước lợ.

Như vậy hiện tượng xâm nhập mặn đã và đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái khu vực phía đông TP. Thủ Đức. Chính vì vậy, hành lang kiểm soát triều là cần thiết để ngăn chặn triều cường và xâm nhập mặn.


Biểu đồ dự báo xâm nhập mặn trong năm 2025 và 2050 cho khu vực phía Đông TPHCM. (Nguồn: Viện Khí tượng Thủy văn, Hải văn và Môi trường)

Ngập do mưa bão

Bên cạnh cảnh cáo ngập do nước biển dâng của tổ chức central climate, hình thái ngập do mưa cũng cần phải đặc biệt xem xét. Điều này bắt nguồn từ thực tế khi mực nước trên sông dâng cao do triều cường, hệ thống tiêu thoát nước mưa nội thị không thể tự chảy ra các sông ngòi và gây ngập. Hình thái ngập này ngày càng trở nên nguy hiểm hơn khi trong vòng vài thập kỷ trở lại đây khi tần suất và cường độ các trận mưa với lượng mưa trên 100mm (các trận mưa gây ngập) có xu hướng tăng mạnh.


Biểu đồ về sự gia tăng số lượng trận mưa với lượng mưa trên 100mm

Giải pháp thiết kế hệ thống tiêu thoát nước sử dụng cống ngầm truyền thống đang bị giới hạn bởi tần suất thiết kế ban đầu và hầu như khó có khả năng nâng cấp trong tương lai để thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện tượng tái ngập diễn ra trong thời gian gần đây ở lưu vực trung tâm của TPHCM là minh chứng rõ nét.

Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, nhiều nguyên lý ứng dụng và tích hợp hạ tầng xanh (Green Infrastructure) và hạ tầng nước (Blue Infrastructure) vào quy hoạch và thiết kế đô thị đã được nghiên cứu và phát triển ở các quốc gia phát triển. Các nguyên lý này mặc dù có các tên gọi khác nhau như nguyên lý thiết kế hệ thống thoát nước bền vững (Sustainable Drainage System) của Anh, nguyên lý phát triển ít tác động (Low-Impact Development) của Mỹ, hay nguyên lý thiết kế đô thị nhạy cảm nước (Water-Sensitive Urban Design) của Úc hoặc nguyên lý thành phố bọt biển (Sponge City) của Trung Quốc, nhưng đều hướng đến việc thiết kế cảnh quan và các khu chức năng đô thị có khả năng kiểm soát thời gian, tốc độ, lưu lượng và chất lượng dòng chảy tràn bề mặt nhằm giảm thiểu những yếu tố gây ngập lụt đô thị.

Các giải pháp tiêu biểu ứng dụng nguyên lý này có thể kể đến như sử dụng mương sinh thái, thảm phủ xanh và vật liệu có kết cấu lỗ rỗng để tăng khả năng thấm nước và giảm lưu lượng dòng chảy mặt thay thế cho bề mặt cứng hay giải pháp tận dụng các không gian công viên vui chơi vào việc trữ và chậm dòng chảy gây ngập.


Ảnh minh họa về giải pháp sử dụng sân bóng để trữ dòng chảy tràn gây ngập tại trường đại học Providence, thành phố Great Falls, Mỹ.

Mặc dù vẫn chưa có một hành lang pháp lý cụ thể cho việc tích hợp hạ tầng “Green và Blue” vào quy hoạch và thiết kế đô thị tại Việt Nam, tuy nhiên các giải pháp tích hợp này đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà phát triển đô thị nhờ vào những ưu việt của chúng trong việc kiến tạo các đô thị xanh, thân thiện với môi trường và có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu.

Một trong các giải pháp nổi bật đang được enCity nghiên cứu triển khai cho việc quy hoạch và thiết kế các khu đô thị xanh, bền vững, có khả năng giảm thiểu nguy cơ ngập do mưa hiệu quả cũng như thích ứng tốt với biến đổi khí hậu tại TPHCM bao gồm hệ thống kênh mương sinh thái kết hợp với hồ điều tiết sinh thái và bê tông thấm nước.

Việc ứng dụng công nghệ lọc nước sinh học tuần hoàn, giải pháp hồ điều tiết sinh thái không chỉ tự động điều tiết dòng chảy gây ngập mà còn tạo ra điểm nhấn cảnh quan, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần gia tăng giá trị sử dụng đất cho các khu đô thị. Hệ thống có ưu điểm là chi phí triển khai và vận hành thấp, có khả năng thích ứng cao với tình trạng biến đổi khí hậu khi lượng nước thừa qua hệ thống lọc có thể tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau như phục vụ tưới cho hệ thống cây xanh.


Ảnh minh họa về giải pháp hệ thống hồ điều tiết sinh thái giúp kiến tạo không gian xanh, sạch và trong lành.

Ngoài ra, enCity cũng định hướng sử dụng kênh sinh thái để thay thế một phần cho hệ thống ống cống thu gom dòng chảy mặt truyền thống. Bằng cách tận dụng không gian giải phân cách trên các tuyến đường đô thị, vỉa hè, hệ thống kênh sinh thái không chỉ tạo ra không gian xanh, cải thiện cảnh quan, mà còn giảm được lưu lượng và tăng chất lượng dòng chảy vào hệ thống sông và hồ nhờ hệ thống lớp lọc và lớp phủ thực vật trong lòng kênh. Theo nghiên cứu, giải pháp kênh sinh thái có khả năng thích nghi tốt với tình trạng biến đổi khí hậu nhờ vào khả năng giảm thiểu dòng chảy tràn và rất dễ dàng nâng cấp trong tương lai. Bên cạnh đó, giải pháp này có chi phí xây dựng và vận hành thấp phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội hiện tại.


Ảnh minh họa về giải pháp hệ thống kênh sinh thái thay thế cho hệ thống cống ngầm thu gom nước mặt.

Trong trường hợp sự tác động của biến đổi khí hậu vượt dự báo, bơm tiêu là giải pháp cuối cùng có thể được cân nhắc bổ sung để tăng cường năng lực tiêu thoát nước nước mặt bên cạnh các giải pháp hồ điều tiết và kênh sinh thái.

Nhìn chung với các hình thái gây ngập như đã được phân tích ở trên, tác giả nhận thấy rằng chiến lược kiểm soát ngập toàn diện hội tụ đầy đủ ba yếu tố bảo vệ/ngăn chặn (Protection/Prevention), thích nghi (Adaptation), và giảm thiểu thiệt hại (Resilience) sẽ góp phần xây dựng đô thị phía Đông TPHCM thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Nói một cách khác, giải pháp này không chỉ góp phần chủ động kiểm soát tình trạng ngập và xâm nhập mặn hiệu quả mà còn là nền tảng kiến tạo không gian xanh, xây dựng các không gian cộng đồng hấp dẫn, có ý nghĩa về mặt văn hóa và xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đinh Ngọc Giang - Chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước, enCity Urban Solutions

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo