Từ mô hình “thành phố 15 phút” đã được đưa ra tại Chương trình nghị sự của lãnh đạo hơn 100 đô thị trên toàn cầu (C40 Citites) năm 2020, kiến trúc sư Nghiêm Quốc Cường vận dụng vào xây dựng mô hình “Thanh Xuân 5 phút” cho một khu vực cộng đồng dân cư nhỏ để sẵn sàng ứng phó với những thách thức do Covid-19 gây ra.
Covid-19 đã thực sự chia cắt các thành phố trên toàn thế giới, buộc các thành phố, bất kể quy mô lớn nhỏ, đều phải hạn chế giao thương. Đứng trước tình hình này, các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch và quản lý đô thị đang đi tìm những sáng kiến, những thay đổi cần thiết cho các đô thị.
Tuyến đi xe đạp và đi bộ LightPathAKL - Auckland - New Zealand.
Hãy thử tưởng tượng, bạn sống trong một thành phố, nơi có đầy đủ tiện ích mà bạn có thể tiếp cận một cách dễ dàng và nhanh chóng trong vòng vài phút đi bộ hoặc xe đạp. Đó là viễn cảnh mà sáng kiến “thành phố 15 phút” của Carlos Moreno, giáo sư trường đại học Sorbonnes (Paris - Pháp) phác nên. Và mục tiêu của sáng kiến này là “đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển đô thị”. Có quá khó để thực hiện không? Khi nó đụng tới việc phải thay đổi và tái cấu trúc lại đô thị truyền thống vốn vẫn đang phát triển, ổn định, hoặc tàm tạm ổn định ở lớp vỏ ngoài?
Câu trả lời là sự im lặng và sáng kiến có lẽ sẽ chỉ là sáng kiến cho đến khi Covid-19 xuất hiện, làm lộ ra những mối nối thiếu hoàn hảo hoặc đã quá lung lay trong cấu trúc đô thị. Mô hình đô thị truyền thống không đủ sức chống đỡ với những thay đổi khủng khiếp mà đại dịch mang tới. Cũng không thể linh hoạt đáp ứng các yêu cầu thay đổi về chính sách an ninh, an sinh, kiểm soát y tế, kiểm soát dân cư...phát sinh tức thì trong giai đoạn giãn cách, phong toả và sau đó.
Năm 2020 Liên minh các lãnh đạo của hơn 100 đô thị trên toàn cầu (C40 Citites) đã đưa sáng kiến “thành phố 15 phút” vào chương trình Nghị sự về việc hồi phục các thành phố hậu Covid-19, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững. Họ thừa nhận, yếu tố cốt lõi để hồi phục, tránh thảm họa kinh tế đó là quay về phát triển củng cố sức mạnh bên trong thành phố. Từ đó mô hình “thành phố 15 phút” đã truyền cảm hứng tạo nên trào lưu “thành phố X-phút” đang được nhân rộng thần tốc trên toàn thế giới.
Cùng trong năm 2020, mô hình “Thành phố 15 phút”, cũng được nữ Thị trưởng Paris (Pháp) Anne Hidalgo giới thiệu trong chiến dịch tái đắc cử của bà. Mô hình này ưu tiên đi bộ và đi xe đạp, tạo lập không gian công cộng và nhiều loại tiện ích hơn trong mỗi khu vực của thành phố. Ưu điểm khác nữa là việc chuyển đổi các tiện ích đã có sẵn trong khu vực để cung cấp không gian công cộng cần thiết, có thể được chuyển đổi trở thành nơi cung cấp lao động tại chỗ cho địa phương.
Mô hình “15 minutes city” của Paris (Pháp)
Tại Stockholm (Thụy Điển) - Vinova - cơ quan đổi mới quốc gia Thụy Điển, cùng với các nhà thiết kế Arkdes, đã tạo ra các dự án có tên “Street Moves”. Các khu vực như bãi đậu xe, vườn hoa nhỏ được thiết kế thành nơi sinh hoạt cộng đồng. Vào giữa năm 2020 các dự án “Street Moves” thử nghiệm cho mô hình “Thành phố 1 phút” được đặt vào bốn vị trí khác nhau ở Stockholm.
Dự án “Street Moves” ở Stockholm (Thụy Điển)
Vào đầu năm 2021, Scot Hein - một nhà thiết kế đô thị và là Giáo sư tại Đại học Simon Fraser, đã trình bày một kế hoạch phát triển mô hình “thành phố 5 phút” cho thành phố Vancouver (Canada). Mô hình này chia thành phố Vancouver thành một khuôn khổ gồm khoảng 120 “khu vực cộng đồng”, mỗi cộng đồng có ít nhất một trường học, một khu thương mại dịch vụ để người dân có thể đi bộ mua sắm và làm việc.
Mô hình “5 minutes city” ở Valcouver (Canada)
Thủ đô Brussels của Bỉ đã khởi động dự án “thành phố 10 phút”, lập bản đồ khả năng tiếp cận của các tiện ích địa phương bằng phương tiện giao thông công cộng, cho phép người dân tìm thấy tất cả các nhu cầu cơ bản trong vòng 10 phút đi bộ hoặc xe đạp.
Quảng trường đi bộ thành phố Brussels (Bỉ)
Greater Sydney Commission - cơ quan lập kế hoạch cho thành phố Sydney đã đưa ra khái niệm “thành phố 30 phút”, các nhà quy hoạch muốn cải thiện kết nối giữa ba trung tâm đô thị quan trọng của Sydney, bao gồm: Thành phố công viên phía Tây, thành phố trung tâm cạnh sông và thành phố cảng phía Đông. Để người dân có thể tiếp cận dễ dàng với đô thị gần nhất bằng các phương tiện giao thông công cộng trong vòng 30 phút.
Kế hoạch “thành phố 30 phút” của Sydney (Úc)
“Tương lai sau đại dịch Covid-19”
Có thể hiểu một cách đơn giản mô hình “thành phố 15 phút” là cung cấp mọi nhu cầu của người dân (thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, trường học, không gian xanh) chỉ cách nhà trong khoảng 15 phút đi bộ hoặc đạp xe.
Mô hình “thành phố 15 phút” là chiến lược phát triển cho một quy hoạch đô thị dài hạn. Để phát huy hết tiềm năng của mô hình này, cần nỗ lực thực hiện các công việc chính sau:
• Sự phổ biến rộng rãi: Tầm nhìn “thành phố 15 phút” phải phổ biến đến mức tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và công nhận. Khuyến khích thảo luận về “thành phố 15 phút” trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, chính sách công, thiết kế quy hoạch đô thị và công nghệ “thành phố thông minh”.
• Tham gia của cộng đồng: Các cộng đồng cần phải tham gia vào việc phát triển và thực hiện các chương trình 15 phút của thành phố. Theo Carlos Moreno nhận định “Các thành phố có khả năng cung cấp thứ gì đó cho cộng đồng, chỉ bởi vì và chỉ khi nào, chúng được tạo ra bởi cộng đồng”.
• Thành lập kho thông tin: Đây là công việc khảo sát thu thập dữ liệu quan trọng, phải được cung cấp thông tin bởi cộng đồng, nhằm xác định những nhu cầu thiết yếu. Câu hỏi "cái gì là thiết yếu?" cần được trả lời bởi người dân từng địa bàn cụ thể. Việc khảo sát cần liên tục thực hiện và cập nhật để có thể xác định sự cải thiện về mức độ đáp ứng các nhu cầu theo các giai đoạn phát triển xã hội.
• Kiểm soát mật độ dân cư: Mật độ là một phần quan trọng của “thành phố 15 phút”. Cần xác định quy mô hợp lý cho các khu dân cư, không quá đông hay quá thưa thớt.
• Không gian công cộng đa chức năng: Thay vì những chức năng cứng nhắc và thiếu phù hợp với sự phát triển thay đổi liên tục của xã hội, cần có những giải pháp sử dụng linh hoạt các chức năng hoạt động của các công trình hay các không gian công cộng.
• Tái cấu trúc cơ sở hạ tầng: Cung cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật Xanh: Điện năng lượng mặt trời, thu gom và tái sử dụng nước mưa,...
• Hiệu quả kinh tế: Đây là dự án của cả xã hội, bao gồm chính phủ, tổ chức phi chính phủ, nhà đầu tư, tổ dân phố và cộng đồng,... Có thể mô hình sẽ đạt được hiệu quả cao nếu huy động được nguồn vốn và nhân lực từ trong các cộng đồng.
Mô hình “Thanh Xuân 5 phút”
Hãy hình dung, khái niệm “thành phố 15 phút” đã đi từ một khuôn khổ quy hoạch khó hiểu thành một câu cửa miệng phổ biến trong giới phát triển bất động sản toàn thế giới.
Thực tế đó cho thấy, đây là xu thế sẽ phát triển rất mạnh mẽ sau đại dịch. Vì tính cấp thiết trong hoàn cảnh "bình thường mới". Vì những trải nghiệm thực tế đã thúc đẩy con người đặt sự an toàn, tiện lợi trong cuộc sống hiện đại lên vài nấc thang trong thứ bậc ưu tiên.
Việt Nam có thể đứng ngoài? Hay Việt Nam cần quan sát và tự xây dựng cho mình những bài học để thích nghi?
Trước khi trả lời câu hỏi đó, có lẽ băn khoăn lớn hơn sẽ là khả năng hiện thực hóa mô hình này tại Việt Nam như thế nào? Để làm rõ hơn điều này, chúng ta hãy thử bắt đầu với “vùng đỏ” trong bản đồ Covid-19 của Hà Nội.
Khảo sát kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, có thể nhận thấy khả năng co giãn linh hoạt của mô hình “thành phố 15 phút”. Mô hình này không chỉ áp dụng cho toàn thành phố, mà còn thích hợp vận dụng đến từng khu vực cộng đồng dân cư nhỏ.
Bây giờ mục tiêu sẽ là áp dụng thí điểm mô hình có quy mô nhỏ phù hợp với các cộng đồng dân cư khu vực quận Thanh Xuân, tạm gọi là “Thanh Xuân 5 phút”. Hãy xem chúng ta sẽ thu về được những gì?
Minh họa Mô hình “Thanh Xuân 5 phút”: Mô phỏng phân chia “vùng đỏ” - một phần địa bàn quận Thanh Xuân thành 23 nhóm nhà ở riêng biệt bởi hệ thống đường giao thông chính, mỗi nhóm nhà có quy mô khoảng 25ha (500x500m).
Xuất hiện sự đa dạng của các nhóm nhà ở: nhóm nhà ở cao tầng, nhóm nhà ở thấp tầng và nhóm nhà ở hỗn hợp.
Xuất hiện sự khác biệt về nhu cầu thiết yếu giữa các nhóm nhà ở. Việc bổ sung các không gian công cộng đa chức năng vào hạt nhân từng nhóm nhà ở, là một công việc đòi hỏi có một kế hoạch chi tiết, khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu thiết yếu của người dân trong từng nhóm nhà ở. Thí dụ như: Cộng đồng sống sinh sống cạnh trạm y tế thì có nhu cầu gì? Cạnh chợ thì có mong muốn gì? hay cộng đồng sinh sống cạnh các công trình nhà văn hóa, hoặc không gian đường phố, vườn hoa,… sẽ có những nhu cầu khác nhau. Từ đó đưa ra kế hoạch khai thác sử dụng và chuyển đổi chức năng linh hoạt các công trình công cộng sẵn có trên từng địa bàn, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, thậm chí biến nó trở thành điểm cung cấp công ăn việc làm cho người dân ngay nơi sinh sống như: bán tạp hóa, bán đồ ăn (xôi, bánh mỳ, cơm, phở,…), dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ dọn nhà, bảo vệ, trông xe,… Quan điểm chính là “Tiếng nói của dân cư phải được lắng nghe”.
Sơ đồ tái cấu trúc hệ thống hạ tầng cơ sở phân cấp tới từng nhóm nhà ở “Thanh Xuân 5 phút”.
Một số ít các nhóm nhà đã đầy đủ hệ thống hạ tầng cơ sở riêng biệt như: Hapulico, Royal city, Imperia Garden,… Các nhóm nhà còn lại phần lớn thiếu hệ thống hạ tầng cơ sở, thậm chí là không có đường giao thông chính, đi lại bằng ngõ hẻm ngóc ngách như “mê lộ”. Việc tái cấu trúc hạ tầng cơ sở sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh việc tổ chức hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung cho các nhóm nhà ở như: Bãi đỗ xe, giảm bớt đường ô tô - xe máy trong các nhóm nhà ở, thay thế bằng các không gian đi bộ đi xe đạp,…
Nhiệm vụ cốt lõi của việc tái cấu trúc hệ thống hạ tầng cơ sở là tính toán phân cấp, vi mô hóa hệ thống hạ tầng cở sở đến từng nhóm nhà ở. Nếu các hệ thống được chia nhỏ đến một quy mô phù hợp, mà tại đó cộng đồng có thể hiểu và ảnh hưởng đến chúng, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích tối đa.
Sơ đồ hệ thống hạ tầng cơ sở hiện tại của Thanh Xuân (trái) và Sơ đồ tái cấu trúc hệ thống hạ tầng cơ sở phân cấp tới từng nhóm nhà ở “Thanh Xuân 5 phút” (phải).
Kích thích XANH - Khai thác các quỹ đất trống, chưa sử dụng trên địa bàn nhóm nhà ở, để tăng cường không gian Xanh: vườn cộng đồng, trồng rau, cây ăn quả.
Khảo sát sơ bộ cho thấy trên địa bàn các nhóm nhà ở tồn tại rất nhiều khu đất xen kẹt, các công trình xí nghiệp chờ dự án, mặt nước chưa khai thác sử dụng... đấy chính là không gian Xanh bổ sung cần thiết trong giai đoạn này.
Công việc này cần có sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp chủ sở hữu và cộng đồng cùng chung tay đưa ra mô hình hợp tác khai thác phù hợp theo các giai đoạn biến đổi của nhu cầu thiết yếu và dịch bệnh.
Tính toán giải pháp sử dụng không gian mái của các công trình chung cư cao tầng để tăng cường vườn trên mái, thậm chí cả vườn trên mặt đứng và lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, tích trữ và tái sử dụng nước mưa. Kích thích phong trào “nông nghiệp tại gia” tới các hộ gia đình, phong trào mà người dân một số nhóm nhà ở đã chủ động tiến hành trong đợt dịch vừa qua.
Huy động các nguồn lực từ chính quyền, các doanh nghiệp, các “mạnh thường quân” trong cộng đồng dân cư từng nhóm nhà ở. “Người có tiền góp tiền, người có sức góp sức”, xã hội hóa nguồn vốn trong quá trình tái thiết các nhóm nhà ở đó.
Minh họa vườn trên mái.
Dự án chuyển đổi công trình công cộng cũ kém hiệu quả thành vườn cộng đồng ở Thành phố The Hague - Hà Lan.
Trên đây chỉ là mô hình đề xuất giả lập, nhưng xuất phát từ việc học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, cũng đáng để thử nghiệm. Trên thực tế, tại Việt Nam trong đại dịch, do đòi hỏi của công tác phòng chống dịch, cộng đồng đã "tự phát" đưa vào thực tiễn những mảnh ghép rời rạc của "thành phố 15 phút". Cần thiết phải có một mô hình “kiểu mẫu” để chính quyền và cộng đồng có thể tiếp cận và công nhận, tạo ra sự lan tỏa và nhân rộng trên toàn quốc. Từ đó củng cố sức mạnh nội tại cho các đô thị sẵn sàng ứng phó trước đại dịch lâu dài như Covid-19.
ThS.KTS Nghiêm Quốc Cường - Giảng viên khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Tài liệu tham khảo: Tạp chí chuyên ngành QHXD; 15minutecity.com; C40 Cities Climate Leadership Group,Inc; greater.sydney.com;popupcity.net; URBAN LAND INSTITUTE (uli); voiscooters.com
(Nhân Dân)
- Phát triển bền vững đô thị ở miền Trung
- Bình Dương: Từ thành phố thông minh đến vùng đổi mới sáng tạo
- Khu vực đô thị và hành lang kinh tế ven sông Tiền là khu vực động lực phát triển nhà ở của tỉnh Đồng Tháp
- Thành phố thử nghiệm – Viễn cảnh từ quá khứ
- Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững
- Thành phố Hồ Chí Minh: Giữa vòng vây biến đổi khí hậu
- Vì sao Khánh Hòa muốn dời ga Nha Trang ra ngoại thành?
- Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới: Đáp ứng quỹ đất cho phát triển đô thị
- Việt Nam sẽ phát triển mạnh các đô thị vệ tinh trong 10 năm tới
- Đô thị hậu COVID-19