Việt Nam sẽ phát triển hệ thống đô thị bền vững, không khép kín theo ranh giới hành chính, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng…
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 862 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 23 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 668 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 39,3% năm 2020.
Đô thị hóa đã "biến" 7,7 triệu nông dân thành thị dân
(Ảnh minh hoạ)
Theo dự thảo Báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích đất đô thị trên cả nước đạt 2.028.070ha, chiếm 6,12% tổng diện tích tự nhiên.
Các địa phương có diện tích đất đô thị lớn, gồm: Quảng Ninh 119.660ha, Thanh Hóa 84.250ha, Lâm Đồng 80.900ha, Bình Dương 68.040ha, TP.HCM 59.950ha, Quảng Nam 57.550ha, Thừa Thiên Huế 54.370ha, Gia Lai 47.770ha, Cần Thơ 47.250ha, Đồng Nai 45.640ha, Hà Nội 43.020ha, Đăk Lắk 40.750ha, Hải Dương 39.470ha.
Bình quân đất đô thị của cả nước là 530m2/người đến cuối năm 2020, nhưng có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng và các địa phương trong cả nước.
Cụ thể, diện tích đất đô thị bình quân đầu người tại khu vực Tây Nguyên rất cao, lên tới 1.137m2/người, Trung du và miền núi phía Bắc 1.136m2/người, Đồng bằng sông Cửu Long 720m2/người, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 689m2/người, trong khi đó con số này tại Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ khá thấp, tương ứng lần lượt là 422m2/người và 197m2/người.
Một số địa phương có tốc độ đô thị hoá cao, đóng góp cho tăng trưởng lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận, An Giang, Kiên Giang.
Tuy nhiên, đất đô thị gia tăng nhanh chóng phần lớn là do các quyết định hành chính, nhanh hơn so với yêu cầu của phát triển kinh tế.
Tốc độ đô thị hoá nhanh khiến cho số dân thành thị cũng tăng nhanh chóng khi đạt 34 triệu người vào cuối năm 2020, chiếm khoảng 35% tổng dân số cả nước.
Tỷ lệ tăng dân số bình quân khu vực thành thị giai đoạn 2011 - 2020 là 2,64%/năm, gấp hơn 02 lần tỷ lệ tăng dân số của cả nước và gấp 06 lần tỷ lệ tăng dân số khu vực nông thôn.
Trong đó, yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,3 triệu người, chiếm 3,8% dân số thành thị.
Đặc biệt, nhờ có sự “chuyển mình” từ xã thành phường, thị trấn của nhiều địa phương góp phần chuyển 7,7 triệu người đang là cư dân nông thôn thành cư dân thành thị, tương đương gần 22,6% dân số thành thị của cả nước năm 2020.
Tuy nhiên, chất lượng phát triển đô thị chưa cao, hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Thiếu kết nối đô thị và nông thôn, giữa trung tâm và các khu vực mở rộng ven đô. Kết nối giữa các đô thị với chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ, logistics còn yếu.
Năng lực, trình độ quản lý thấp, chậm đổi mới, còn tình trạng ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nhiều nơi thiếu, quá tải dịch vụ xã hội...
(Nguồn: Dự thảo Báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050)
Phát triển mạnh các đô thị vệ tinh
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phát triển hệ thống đô thị bền vững, không khép kín theo ranh giới hành chính, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng…
Phát triển mạng lưới đô thị trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế về địa lý, kinh tế, xã hội, văn hóa, đồng thời hỗ trợ phát triển vùng và địa phương.
Phát triển mạnh các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn.
Tăng cường kết nối giữa các đô thị theo hành lang kinh tế, khu kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế quốc gia (cửa khẩu và ven biển), liên kết với các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, khu vực tiểu vùng sông Mê-kông mở rộng (GMS), vùng Đông Bắc Á... để bảo đảm phát triển đô thị năng động, hiệu quả.
Mạng lưới đô thị quốc gia được phân theo các cấp, bao gồm: các đô thị trung tâm cấp quốc gia; các đô thị trung tâm cấp vùng liên tỉnh; các đô thị trung tâm cấp tỉnh; các đô thị trung tâm cấp huyện; các đô thị trung tâm cụm các khu dân cư nông thôn (gọi tắt là đô thị trung tâm cấp khu vực) và các đô thị mới.
Tái cấu trúc phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản trên cơ sở 06 vùng kinh tế - xã hội quốc gia.
Cụ thể, các cực tăng trưởng chủ đạo được bố trí tại 04 vùng kinh tế trọng điểm: Miền Bắc (vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ) với thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng là đô thị động lực chính; Miền Trung (vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) với thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế là đô thị động lực chính; Miền Nam (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), với TP.HCM là đô thị động lực chính; vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long với thành phố Cần Thơ là đô thị động lực chính.
Các cực tăng trưởng hỗ trợ (thứ cấp) được bố trí tại các vùng. Cụ thể, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có các đô thị động lực là các thành phố Điện Biên, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình.
Vùng Đồng bằng sông Hồng có thành phố Nam Định; vùng Bắc Trung Bộ có thành phố Vinh, đô thị Con Cuông, Thái Hoà.
Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có thành phố Quy Nhơn, Nha Trang, khu vực vịnh Vân Phong - Khánh Hoà; vùng Tây Nguyên có TP. Buôn Ma Thuột.
Vùng Đông Nam Bộ có TP. Biên Hòa, Vũng Tàu và các cực tăng trưởng hỗ trợ gắn với các khu đô thị kinh tế cửa khẩu quốc gia, quốc tế vùng biên giới: Móng Cái (Quảng Ninh); Hữu Nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn); Lào Cai (Lào Cai), Lao Bảo (Quảng Trị); Mộc Bài (Tây Ninh)...
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá của cả nước đạt khoảng 53,2%; phấn đấu đạt 30m2 sàn nhà ở bình quân đầu người.
Tổng diện tích đất đô thị của cả nước tăng thêm tăng 925.780ha, đạt 2.953.850ha. Trong đó, có 251.840ha đất ở tại đô thị (chiếm 8,52% đất đô thị), bình quân đất ở tại đô thị đạt khoảng 45,39m2/người.
Diện tích đất ở tại đô thị tăng 62.690ha so với năm 2020, trong đó: Trung du và miền núi phía Bắc có 29.340ha (tăng 9.790ha); Đồng bằng sông Hồng có 51.850ha (tăng 14.100ha); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 56.280ha (tăng 13.210ha); Tây Nguyên có 19.350ha (tăng 4.690ha); Đông Nam Bộ có 57.360ha, (tăng 10.410ha) và Đồng bằng sông Cửu Long có 37.650ha (tăng 10.480ha).
Ngày 08/9/2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng kế hoạch sử dụng đất cần phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai, duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên rừng, an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các đại biểu cũng thống nhất về các cơ sở chính trị, pháp lý, cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học của việc xây dựng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, song vẫn còn những băn khoăn về việc lập các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, đề nghị các cơ quan hữu quan thúc đẩy triển khai lập quy hoạch, tránh tình trạng mâu thuẫn; các dự báo, kịch bản, khai thác tiềm năng, cơ hội nâng cao hiệu quả sử dụng đất... Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, các ý kiến tại tọa đàm có ý nghĩa quan trọng để Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan hữu quan để thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. |
Ban Mai
(VnEconomy)
- Phát triển hạ tầng đô thị xanh, an toàn và bền vững
- “Thanh Xuân 5 phút” - gợi ý về mô hình đô thị hậu Covid-19
- Thành phố Hồ Chí Minh: Giữa vòng vây biến đổi khí hậu
- Vì sao Khánh Hòa muốn dời ga Nha Trang ra ngoại thành?
- Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn mới: Đáp ứng quỹ đất cho phát triển đô thị
- Đô thị hậu COVID-19
- Công tác quy hoạch trước yêu cầu mới
- Bàn thêm về tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị
- "Tư duy thiết kế” (Design Thinking): Phương pháp tối ưu trong thiết kế đô thị
- Dự kiến cuối năm 2021, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được duyệt