"Tư duy thiết kế” (Design Thinking): Phương pháp tối ưu trong thiết kế đô thị

Thứ sáu, 23 Tháng 7 2021 06:38 Ashui.com
In

Mới đây, trong buổi chia sẻ trực tuyến cho Bộ môn Quy hoạch, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch Trường Đại học Xây Dựng với chủ đề “Phương pháp Tư duy Thiết kế trong công tác thiết kế đô thị”, Ths.KTS. Vương Thùy Dương – Chuyên gia Quy hoạch và Thiết kế enCity đã có những chia sẻ về phương pháp Tư duy thiết kế trong việc tiếp cận vấn đề và triển khai thiết kế không gian đô thị.

Phương pháp Tư duy Thiết kế là gì?

Trên thế giới, từ cuối những năm 2000, khái niệm về “Tư duy thiết kế” (Design Thinking) đã không còn xa lạ và được áp dụng trong nhiều ngành nghề. Phương pháp này được coi là một trong những công cụ hữu ích giúp cho các nhà quy hoạch trong quá trình thiết kế đô thị, tiếp cận việc thiết kế để giải quyết vấn đề và phát triển các ý tưởng sáng tạo.

Mở đầu buổi chia sẻ, chuyên gia quy hoạch Vương Thùy Dương đã giới thiệu cuốn sách “101 điều tôi học trong trường về thiết kế đô thị” (tên gốc tiếng Anh: 101 Things I Learned in Urban Design School) của tác giả Matthew Frederick và Vikas Mehta, cũng như đưa ra một số gợi ý về tư duy (thinking tips) mà chị chọn lọc từ cuốn sách này:

– Không gian đô thị được tạo bởi cả hình khối và khoảng rỗng

Chuyên gia quy hoạch nhấn mạnh rằng việc thiết kế đô thị không chỉ đơn thuần là thiết kế không gian mà chúng ta cần phải chú trọng đến các thành phần của không gian đó bao gồm hình khối (volume) và khoảng rỗng (void). Các khoảng không gian rỗng chính là những liên kết giữa các công trình và không gian mở bên ngoài, đem lại những trải nghiệm cho cư dân đô thị.

– Cách tốt nhất để hiểu không gian đô thị chính là tự trải nghiệm, quan sát và phân tích

Việc hiểu và trải nghiệm không gian đóng vai trò quan trọng trong quá trình thiết kế đô thị. Những kinh nghiệm tích lũy từ việc quan sát và phân tích không gian sẽ giúp các nhà thiết kế tạo nên những không gian có tính thẩm mỹ cao, có tỉ lệ hài hòa và đem lại những trải nghiệm tích cực cho người sử dụng.

– Quan hệ và chuỗi các chức năng sử dụng trong một không gian

Trong phần này, chuyên gia Vương Thùy Dương đã chia sẻ về việc sử dụng những điểm chốt trong thiết kế tuyến thương mại ở một không gian đô thị. Những điểm chốt này thường được đặt sâu bên trong khu đô thị, người sử dụng muốn đến được những điểm này phải đi qua một dãy các trải nghiệm mà người thiết kế muốn họ được trải nghiệm – chính là các tuyến thương mại. Ngoài ra, tâm lý của người trải nghiệm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành những chuỗi không gian chức năng có thể bổ trợ cho nhau và cho các không gian công cộng khác.

– Trục, góc nhìn đóng – mở, khoảng cách sử dụng đều định hình trải nghiệm của con người

Không gian được tạo nên bởi những ranh giới, các công trình xung quanh hoặc các công trình ngay trong chính không gian đó. Việc thay đổi những yếu tố thiết kế không gian như trục, góc nhìn hay khoảng cách sẽ tạo ra những định hướng và trải nghiệm khác biệt, giúp người sử dụng nhớ về những không gian đó.

– “Kiến tạo nơi chốn”

Thiết kế đô thị chính là việc “kiến tạo nơi chốn” (place-making) và lấy con người làm trung tâm. Trước tiên, chuyên gia quy hoạch khẳng định rằng thiết kế đô thị không đồng nghĩa với việc thiết kế kiến trúc ở một tỷ lệ lớn. Thiết kế đô thị là việc thiết kế những trải nghiệm và thứ tự trải nghiệm các công trình trong một không gian đô thị. Ngoài ra, những trải nghiệm và thói quen của mỗi cá nhân, mỗi địa phương cũng khác biệt tạo nên những chất liệu văn hóa đăng trưng của mỗi vùng miền. Ví dụ, người dân ở các nước châu Á thường có xu hướng tránh những nơi có nắng chiếu, còn người dân ở các nước châu Âu thì lại có xu hướng tập trung ở các bãi cỏ lớn, công viên để tận hưởng ánh nắng. Vì vậy nhà thiết kế không gian cần chú trọng những chất liệu và tỷ lệ khác nhau này để đem lại tính chất “nơi chốn” đặc trưng cho không gian đô thị.

Các dự án enCity sử dụng Phương pháp tư duy thiết kế

Để minh họa rõ nét hơn cho những gợi ý nêu trên, chuyên gia đã chia sẻ hai dự án của enCity đã áp dụng phương pháp tư duy thiết kế trong công tác thiết kế:

Dự án “Cộng đồng ven sông” nằm gần cửa sông, khu vực này là một một khu vực mới trên bản đồ quy hoạch và chịu tác động mạnh của các yếu tố thủy văn, dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tận dụng lợi thế nằm tại giao điểm của hai trục giao thông chính, các nhà thiết kế của enCity đề xuất phương án là đặt một trục thương mại dẫn đến lõi không gian xanh. Dựa trên những đặc điểm địa hình tự nhiên, các điểm nhấn được đặt xung quanh không gian mặt nước tạo nên hệ thống không gian mở được kết nối với nhau. Các yếu tố địa phương hay mô hình kinh doanh nhà phố cũng được đưa vào thiết kế nhằm đem lại sức sống cho khu đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế.


Dự án “Cộng đồng ven sông” (Nguồn: enCity)

Hay trong dự án “Khu đô thị sinh thái Bắc Đà Lạt”, Ths.KTS. Vương Thùy Dương chia sẻ về tầm quan trọng của việc tận dụng những yếu tố địa phương, yếu tố tự nhiên trong thiết kế đô thị. Trong dự án này, enCity đề xuất điều chỉnh trục đường chính đi qua khu đất, kết nối các tuyến đường chính, bảo tồn di sản và các công trình công cộng. Các giải pháp được đề xuất đều dựa trên việc tận dụng địa hình tự nhiên, tạo hệ thống không gian cộng đồng, cải tạo cấu trúc không gian của các cụm dân cư hiện hữu, kéo người dân cùng tham gia vào quá trình phát triển, nhằm tạo đặc trưng “nơi chốn” của địa phương. Điểm nhấn của thiết kế chính là khu vực quảng trường văn hóa, thu hút khách thăm quan và góp phần thúc đẩy tiềm lực kinh tế của các hộ kinh doanh nhỏ tại khu vực này.


Dự án “Khu đô thị sinh thái Bắc Đà Lạt” (Nguồn: enCity) 

Công cụ nghiên cứu

Các công cụ nghiên cứu không gian (spatial research) đóng vai trò quan trọng trong việc tư duy thiết kế các không gian công cộng. Chuyên gia quy hoạch đã có những chia sẻ về cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” (tên gốc tiếng Anh: Cities for People) của tác giả, kiến trúc sư Jan Gehl. Cuốn sách giới thiệu 4 tiêu chí đánh giá, giúp người đọc hiểu hơn về cách trải nghiệm và đánh giá một không gian. Tuy nhiên, đây là những tiêu chí do một tác giả người Đan Mạch đưa ra, vì vậy chúng ta nên sử dụng để tham khảo và đánh giá không gian dựa trên những thói quen và cảm nhận của người Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ buổi chia sẻ trực tuyến, Ths.KTS. Vương Thùy Dương đã giới thiệu cuốn sách “Hình ảnh của một thành phố” (tên gốc tiếng Anh: The Image of the City) của tác giả Kevin Lynch. Tác giả giới thiệu cho người đọc về cách sử dụng “bản đồ tinh thần” (mental map) – một công cụ nghiên cứu vô cùng hữu ích trong thiết kế đô thị. Những ấn tượng về mặt hình ảnh, âm thanh hoặc cảm xúc về một không gian đô thị có thể được vẽ lại trên một bản đồ, giúp chúng ta khơi gợi những trải nghiệm tại không gian này và tái tạo những trải nghiệm đó trong khi thiết kế các không gian khác.

Tóm lại, việc cố gắng trả lời những câu hỏi về một không gian, giải thích tận gốc rễ của vấn đề, phân tích những trải nghiệm tại không gian đó sẽ giúp ích cho việc thiết kế không gian mới. Chuyên gia Vương Thùy Dương nhấn mạnh rằng chúng ta không nên làm việc đơn lẻ mà nên làm việc theo tập thể để có nhiều ý kiến tham khảo, nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn và có những giải pháp thiết kế không gian mang tính đột phá, hiệu quả hơn.

Xem lại nội dung chia sẻ của Ths.KTS. Vương Thùy Dương:

Hương Ly Vũ


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: