Thành phố Cần Thơ sẽ là thành phố sông nước đáng sống

Chủ nhật, 30 Tháng 8 2020 10:20 Báo Xây dựng
In

Thành phố Cần Thơ nằm ven sông Hậu thơ mộng, được mệnh danh là Tây Đô thủ phủ miền Tây, đô thị miền sông nước. 15 năm trước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, xác định: Cần Thơ là thành phố giàu tiềm năng có lịch sử hình thành khá lâu đời, giữ vai trò rất quan trọng cả kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Một góc thành phố Cần Thơ.

Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, Cần Thơ phát triển chưa xứng tầm với lợi thế. Bộ Chính trị cho rằng: “Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Cần Thơ chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chưa trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, chưa thực sự là đô thị hạt nhân của vùng”. Để tạo điều kiện và định hướng cho thành phố Cần Thơ phát triển trong tương lai, mới đây (ngày 20/7/2020), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1056/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, phạm vi quy hoạch lãnh thổ thành phố Cần Thơ với tổng diện tích tự nhiên là 1.438,96km2, gồm 09 đơn vị hành chính cấp huyện (các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng và các huyện: Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai). Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh An Giang; phía Nam tiếp giáp với tỉnh Hậu Giang; phía Đông tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang.

Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp, thống nhất với mục tiêu, định hướng, nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và tầm nhìn Việt Nam, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của cả nước và của vùng; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên.

Đảm bảo tính nhân dân, tuân thủ, liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc, tương thích trong hệ thống quy hoạch quốc gia; tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên địa bàn thành phố; vừa đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại, vừa tạo nền tảng phát triển cho các thời kỳ tiếp theo, hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân; tính khả thi, khoa học, khách quan, linh hoạt, công khai, minh bạch; ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, tiết kiệm, hiệu quả.

Đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo xu hướng, bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tác động đến phát triển của thành phố và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác các địa phương trong cả nước, trước hết là kết nối giữa thành phố Cần Thơ với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối hạ tầng liên vùng, cùng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cân đối thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Xây dựng quan điểm, thiết lập tầm nhìn và xác định mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới, các đột phá chiến lược để phát huy hiệu quả vai trò, vị thế, tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt, độc đáo của Cần Thơ là cửa ngõ giao thương quốc tế, trung tâm, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Sông nước Cần Thơ.

Đáp ứng cao nhất nhu cầu giao thương, hợp tác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế; yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng; yêu cầu bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững, đảm bảo sinh kế bền vững, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng tinh thần của nhân dân; phát huy, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.

Cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển. Xây dựng kịch bản phát triển, ý tưởng và phương án tổng thể, sắp xếp, bố trí hợp lý không gian nhằm giải quyết các vấn đề xung đột về không gian, định hướng không gian đáp ứng các nhu cầu phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

UBND thành phố Cần Thơ xây dựng các chỉ tiêu chủ yếu theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi và tiến độ thực hiện.

Yêu cầu lập quy hoạch theo định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn thành phố; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp tỉnh, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.

Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập Quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng... Thời hạn lập quy hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2021.


Chợ nổi Cái Răng nổi tiếng du lịch thế giới.

Từ lâu nay, thành phố Cần Thơ được xem là “Đô thị miền sông nước” như Slogan của ngành Du lịch Cần Thơ. Bởi Cần Thơ nằm bên bờ sông Hậu nên thơ, sông Cần Thơ uốn lượn với chợ nổi Cái Răng nổi tiếng khắp thế giới, xứ sở của gạo trắng nước trong (Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về). Thành phố Cần Thơ - Thành phố sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, đã từng đạt “Giải thưởng cảnh quan châu Á 2016” do UN-Habitat khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại thành phố Fukuoka vào tháng 9 năm 2016... Thành phố Cần Thơ được biết đến là những công trình dự án về chuỗi không gian cảnh quan đặc trưng liên kết dòng sông - đô thị và con người.

Ngay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư thành phố Cần Thơ (năm 2018), đã có 19 dự án được ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND thành phố Cần Thơ với nhà đầu tư có tổng vốn đầu tư gần 85.000 tỷ đồng. Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao về tiềm năng lợi thế và sự phát triển của thành phố Cần Thơ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Thành phố có thể trở thành trung tâm dịch vụ logistic của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đòi hỏi thu hút nhiều vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Hay như dịch vụ du lịch, lĩnh vực được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Theo các tập đoàn lớn trong lĩnh vực du lịch thì Cần Thơ hội đủ yếu tố trở thành điểm đến du lịch của cả vùng. Ở nước ta, đã có những thành phố đáng sống, hay những thành phố biển đáng sống thì Cần Thơ có tiềm năng trở thành một thành phố sông nước, một đô thị sinh thái đáng sống”.

Thủ tướng cho rằng, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành Du lịch, cần phải chuyển mình, cộng hưởng với các ngành, lĩnh vực khác, thắt chặt mối liên kết chuỗi giá trị, tạo sức lan tỏa kinh tế cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long...”

Ai đã từng ở Tây Đô ra đi rồi trở lại thăm chốn quê nhà đều thốt lên rằng “Cần Thơ bây giờ khác xưa nhiều lắm!”. Ngày 02/01/2004, thành phố Cần Thơ đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Kể từ đó đến nay, thành phố Cần Thơ đã không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển khởi sắc hơn. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Cầu Cần Thơ đã bắc qua sông Hậu nối liền “mạch máu” giao thông Thành phố Hồ Chí Minh - Cà Mau, đó cũng là giấc mơ ngàn đời của người dân miền Tây sông nước. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng biển quốc tế hình thành mở ra nhiều tuyến vận chuyển hành khách, hàng hóa đi khắp nơi thuận lợi hơn…

Ao rau muống bên bờ rạch Khai Luông nước đen ngòm ngày nào đã trở thành Trung tâm thương mại thành phố Cần Thơ sầm uất; hồ rau muống - hồ xáng thổi luôn ô nhiễm hôi thối được biết đến là khu nhà “ổ chuột” giờ đã được nạo vét thành hồ lắng lọc xử lý nước, đất nơi đây trở thành “đất vàng”, nhà cửa nơi đây san sát khang trang; hồ Bún Xáng cạnh Trường Đại học Cần Thơ ngày nào hoang vắng nay đã được nạo vét, xây kè đang trở thành một trong những khu đô thị đẹp của thành phố Cần Thơ. Tây Đô đã và đang trở giấc đẹp hơn…


Du thuyền trên sông Cần Thơ.

Ông Trần Quốc Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ phấn khởi cho biết, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW (ngày 17/2/2005) của Bộ Chính trị và khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (2004 - 2019), Cần Thơ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: “Kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực, đều có bước tăng trưởng khá; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh…”

Trong tháng 7 vừa qua, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng, phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho rằng: “Mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể, đến năm 2030, Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm, đô thị hạt nhân của vùng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Đến năm 2045, Cần Thơ thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á”.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, mục tiêu phát triển của thành phố Cần Thơ theo Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị là xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Công, là trung tâm kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ của cả vùng. Đồng thời là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Với những chủ trương định hướng quy hoạch cùng những nỗ lực của thành phố Cần Thơ, hy vọng tương lai không xa, thành phố Cần Thơ sẽ là thành phố sông nước, đô thị sinh thái đáng sống như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ và sẽ vươn lên thành thành phố phát triển khá ở châu Á như mục tiêu của Bộ Chính trị.

Huỳnh Biển

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: