Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị TP.HCM: Bài toán chống ngập do mưa còn gặp khó

TP.HCM: Bài toán chống ngập do mưa còn gặp khó

Viết email In

Các chuyên gia cho rằng thời gian tới TP.HCM sẽ còn tiếp tục đón nhận nhiều cơn mưa lớn và ngập nặng.

Ngày 7/8, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, cho hay: “Cơn mưa chiều tối 6.8 quá lớn nên gây ngập nhiều tuyến đường, có nơi lượng mưa lên đến 200 mm”.

Các chuyên gia nhận định một trong những nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường ở TP biến thành sông mỗi khi mưa lớn là do hệ thống cống thoát nước cũ kỹ, chưa được nâng cấp, đầu tư tương xứng.


Nhiều con đường bị nhấn chìm trong cơn mưa tối 6/8.
(Ảnh: Phước Tĩnh)

Hệ thống thoát nước cũ kỹ

Báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP cho thấy: Cơn mưa lớn tối 6/8 đã gây ngập 38 tuyến đường trên địa bàn TP. Trong đó, một số tuyến ngập nhiều giờ, thậm chí đến sáng hôm sau mới thoát hết nước.

Điển hình như tuyến đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) đoạn bị ngập dài 250 m, sâu 0,2 m, thời gian ngập lên đến 390 phút (khoảng 6,5 tiếng).

Nguyên nhân đường Nguyễn Văn Khối ngập lâu là do mưa vượt tần suất so với thiết kế thoát nước của tuyến đường (189,7 mm). Ngoài ra, mặt đường trũng cục bộ, hệ thống cống hiện hữu đã cũ, tiết diện nhỏ (D400 - D600).

Đối với “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết mặt đường khu vực ngập thấp trũng, cống thoát nước D1000 hiện hữu đã bị lún, võng khiến nước không thoát nhanh được.

Tương tự, các tuyến đường Ung Văn Khiêm, Bình Lợi, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), hệ thống cống thoát nước đầu tư đã lâu, nhiều đoạn cũng bị lún, võng nên hạn chế thoát nước.

Đặc biệt, con đường “sông” Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), dù đây là trục thoát nước chính cho khu vực, song hệ thống thoát nước đã xuống cấp, đường kính cống nhỏ (D600 - D800). Vì vậy, mỗi khi mưa lớn, đường cống này thoát nước không kịp khiến đường biến thành sông.

Các tuyến đường ngập nặng như An Dương Vương (quận 6), Phan Anh, Dương Văn Cam (quận Thủ Đức), Lê Văn Việt (quận 9)…, hệ thống cống thoát nước cũng đều trong tình trạng tương tự.

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, khó khăn hiện nay là nguồn lực đầu tư cho hệ thống thoát nước TP mới đạt 20%-25% yêu cầu. Do đó, việc huy động nguồn lực đầu tư là rất quan trọng, quyết định việc thành công của công tác chống ngập.


Ô tô ngập hơn nửa xe và chết máy trong cơn mưa tối 6/8.
(Ảnh: Phước Tĩnh)

Sắp tới sẽ còn nhiều trận mưa lớn

ThS Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết: “Mùa mưa năm nay sẽ kéo dài đến tháng 11 và trong mùa mưa, mỗi tháng thường sẽ có ít nhất một trận mưa lớn, bất thường”.

Cũng theo bà Xuân Lan, khoảng cuối tháng 8, mưa ở miền Nam thường xuất hiện vào chiều tối, thời điểm này triều cường lên cao. Lúc triều cường lên cao thì mức độ ngập càng lớn, ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay tình trạng ngập do mưa càng ngày càng gia tăng.

“Sắp tới sẽ còn nhiều trận mưa lớn gây ngập ở TP.HCM” - TS Quân nhận định.

Theo ông Quân, việc giảm ngập do mưa ở TP.HCM hiện nay sẽ gặp khó, bởi lẽ một số hệ thống thoát nước đã bị lỗi thời, xuống cấp, trong khi cường độ mưa ngày một gia tăng. Ngoài ra, các hệ thống thoát nước hỗ trợ như kênh rạch, mảng xanh đô thị còn ít nên nước không thấm nổi, chảy ra đường và gây ngập.

TS Quân cho rằng TP nên rà soát lại những điểm thường xuyên ngập rồi giải quyết từng điểm, bởi trên thực tế mỗi khu vực ngập sẽ có những cách giải quyết riêng. Có khu vực chúng ta chỉ cần khơi thông dòng chảy, thoát nước, có khu vực cần phải bổ sung hệ thống chứa nước tạm thời hay hồ điều hòa…

PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá hiện nay TP có nhiều dự án chống ngập, giúp TP giảm ngập một phần nào đó. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì rất khó để giải quyết dứt điểm việc ngập.

Ông Phi cho rằng quy mô dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng khoanh vùng ở khu nam và quận trung tâm TP nên cũng chỉ giải quyết một phần ngập trên địa bàn TP.

“Hiện nay, TP.HCM đang nghiên cứu, nhờ chuyên gia nước ngoài tư vấn để điều chỉnh các tiêu chuẩn thiết kế các dự án chống ngập. Tôi cho rằng đây là bước tiến bộ trong công tác chống ngập nhưng cái khó nhất hiện nay là chúng ta không có tiền để đầu tư. Do đó, nếu có nguồn vốn của tư nhân sẽ hỗ trợ cho TP chống ngập một cách hiệu quả” - PGS-TS Hồ Long Phi góp ý.

Từ ngày 11/8, mưa tăng trở lại

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: TP.HCM từ hôm nay (ngày 8/8) mưa giảm nhưng tới ngày 11/8, mưa sẽ tăng trở lại.

Dự báo 3.6 ngày tới, chi phối chính đến thời tiết Nam bộ là gió Tây Nam phổ biến có cường độ trung bình. Do đó, thời tiết phổ biến ngày nắng, chiều và tối có mưa rào và giông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to.

Các dự án chống ngập do mưa sắp triển khai

Để giảm ngập trên địa bàn TP, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP cho biết trong năm nay và năm sau, đơn vị sẽ khởi công cải tạo, nâng cấp nhiều dự án chống ngập.

Cụ thể, dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Kỳ - Tân Quý, quận Tân Phú (từ Gò Dầu đến Tân Hương); cải tạo hệ thống thoát nước đường Trương Công Định, quận Tân Bình (từ Trường Chinh đến Âu Cơ).

Ban quản lý cũng nâng cấp hệ thống thoát nước đường Bàu Cát (từ Trương Công Định đến Võ Thành Trang, quận Tân Bình); cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ Phạm Văn Chiêu đến cầu Cụt, quận Gò Vấp) và hệ thống thoát nước đường Phạm Văn Chiêu (từ Lê Đức Thọ đến Thống Nhất, quận Gò Vấp).

Bên cạnh đó, ban quản lý sẽ tập trung cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư); nâng cấp hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu); nâng cấp hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu mới Bạch Đằng, quận Bình Thạnh).

Huy Vũ - Nguyễn Châu

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo