Đà Nẵng với tham vọng trở thành trung tâm du lịch trên biển và hậu cần

Thứ ba, 23 Tháng 7 2019 07:02 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Theo tư vấn về quy hoạch của hai công ty Singapore, khoảng 25 năm nữa, thành phố Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch trên biển tại khu vực Đông Nam Á và trung tâm dịch vụ hậu cần (logistics).

Các chuyên gia của liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) sẽ hoàn thành việc thiết kế chiến lược phát triển kinh tế và sửa đổi quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lãnh đạo thành phố phê duyệt vào cuối tháng 2/2020 và công bố vào Tọa đàm Mùa xuân 2020 (khoảng tháng 3).


Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao với con sông Hàn chảy trong lòng thành phố.
(Ảnh: Ashui.com)

Theo đó, với chiến lược trở thành “Trung tâm dịch vụ du lịch trên biển Đông Nam Á”, các chuyên gia cho rằng Đà Nẵng cần xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch dựa trên các phân khúc thị trường cụ thể như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và mở rộng việc nắm bắt sang các khu vực rộng lớn khác. Hiện thành phố đã và đang là điểm thu hút du lịch hội nghị và triển lãm (MICE), đây cũng sẽ là thị trường thu hút khách du lịch sức khỏe và khách nghỉ hưu...

Do đó, thành phố biển miền Trung cần xây dựng kế hoạch tiếp thị chọn lọc, hướng đến những thị trường rộng lớn hơn như châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, đồng thời phát triển ngành du lịch sức khỏe với nhiều loại dịch vụ hơn, thành lập các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân...

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thành phố cần tích hợp của hệ thống cảng biển, sân bay, đường sắt và đường bộ trong khu vực đô thị và vùng lân cận, giúp thành phố Đà Nẵng định vị trở thành trung tâm hậu cần logistics và là điểm trung chuyển liền mạch nhiều loại hàng hóa khác nhau: hàng khô, hàng container, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm đông lạnh…Điều đó yêu cầu sự tích hợp công nghệ thông minh vào các dịch vụ hậu cần tự động như nhà kho, giao nhận hàng hóa, bảo mật sản phẩm và quy trình... nhằm tạo thuận lợi thương mại dịch vụ tài chính và vận tải.

Cụ thể, để tăng cường kết nối Đà Nẵng với các tỉnh thành, thành phố cần chuyển quốc lộ ở khu vực nội thành thành phố sang khu vực ngoại ô để tránh ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời mở rộng mạng lưới đường cao tốc thành phố kết nối với cơ sở hạ tầng quan trọng của khu vực. Cả đường cao tốc và quốc lộ đều có thể kết nối cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) với các cảng Thuận An, cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) và cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi).

Thành phố Đà Nẵng có cơ hội mở rộng khối lượng tàu du lịch bằng cách tăng cường liên kết với các tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, và Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) sẽ là cảng du lịch quan trọng trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), một phần không thể thiếu của hệ thống du lịch trên biển với hệ thống các tàu kết nối Đà Nẵng với các cảng du lịch quan trọng khác như Singapore, Phuket (Thái Lan), Boracay (Philippines).

Để thực hiện được quy hoạch này, lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ quy hoạch cũ và tăng cường phối hợp đơn vị tư vấn nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ triển khai điều chỉnh đồ án quy hoạch tổng thể cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội phù hợp với đặc điểm thành phố Đà Nẵng, xu hướng phát triển của khu vực và thể giới, đảm bảo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Nhân Tâm

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: